Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Cầu cho Công lý mỉm cười



Tôi tới Tòa án Nhân dân Quận 9 đúng hẹn, 9 giờ sáng, ngày 26/5/2011. Trời vẫn còn mưa lất phất. Vừa bước vào phòng đợi của Tòa án, tôi bắt gặp luật sư Nguyễn Văn Hưng (Văn phòng Luật sư Hưng Tú - Đoàn LS Tỉnh Bình Thuận) đang ngồi trên ghế. Hưng đứng lên, tay vẫn còn cầm một tờ giấy, bảo tôi: “Phiên tòa tạm hoãn rồi anh ạ, bị đơn có đơn xin vắng mặt và đã được Tòa chấp thuận.” Tôi và Hưng bước ra ngoài. Từ trong một quán nước trước cổng Tòa án, một bà cụ bước ra. Bà cụ nôn nóng hỏi Hưng: “Sao rồi cháu?” Hưng lặp lại câu nói lúc nãy. Mặt bà cụ trầm hẳn lại. Bà nói với chúng tôi, nhưng như tự lẩm bẩm với mình: “Sao lại hoãn được?”
“Họ làm đúng thủ tục tố tụng đó bà à, thôi ráng chờ thêm ít lâu.” Hưng nói với giọng an ủi.
Tôi cứ nhìn bà cụ đăm đăm. Một gương mặt già nua, khắc khổ, hằn sâu những nếp nhăn tuổi tác. (Nếp nào trong số đó là vết tích buồn đau và cơ cực của một người mẹ già yếu phải bôn ba vất vả từng ngày để lo cơm ăn thuốc uống cho bốn người con bị bệnh ngặt nghèo?) Bà nhìn lại tôi. Một đôi mắt đã mờ đục, trĩu buồn, nhưng vẫn còn đôi chút tinh anh lấp lánh. Tôi cũng nói với bà: “Họ không tránh né mãi được đâu bà ơi. Bà cứ yên tâm.”
Tôi nhớ hồi còn học ở trường Luật, trong một tiết tâm lý học tư pháp, thầy giáo của chúng tôi có nhắc tới vấn đề trực giác. Ông bảo khi một người tinh thông nghiệp vụ tiếp xúc với một ca nào đó thường sẽ trực cảm được đối tượng đó là thế nào. Chẳng hạn một cán bộ điều tra giỏi sẽ trực cảm rằng người đang bị điều tra là vô tội (anh ta thật sự vô tội), dù chứng cứ cho tới khi đó chống lại anh ta…
Lúc này, tôi nhìn vào mắt bà cụ, nghe giọng nói của bà, và trực giác của tôi mách bảo tôi rằng bà đúng là người đang bị thiệt thòi, xứng đáng được công lý bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của mình. Nhưng trực giác chỉ là cảm tính. Không thể chỉ dựa vào trực giác để phán đoán một cách toàn diện và khách quan một vấn đề. Và tôi đề nghị Hưng đưa tôi tới văn phòng của anh để xem qua các hồ sơ bút lục. Càng xem, tôi càng tin trực giác của mình là đúng. Có khá nhiều dấu hiệu rất đáng ngờ, mà một thẩm phán công minh không thể bỏ qua…
Tối hôm qua, Hưng đã kể cho tôi nghe nguồn cơn sự việc. “Hôm đó, em có việc lên Tòa Quận 9, khi xong việc bước xuống cầu thang thì gặp một bà cụ đang đứng thẫn thờ, nước mắt rưng rưng…”
Hôm đó Hưng bận bịu rất nhiều việc, nhưng anh cũng cố nán lại giây lát để hỏi thăm bà cụ. Và anh biết bà đang đeo đẳng một vụ kiện thưa mà phần thắng nghiêng hẳn về phía bị đơn. Vì chứng cứ thuộc về kẻ có quyền, có thế, còn bà thì đơn thân độc mã, thiếu hiểu biết về pháp luật, nghèo đến nỗi phải xin cơm từ thiện ở Bệnh viện Ung bướu cho mình và cho bốn người con đau ốm. Ngay cả tạm ứng án phí bà cũng phải xin miễn, với đủ xác nhận và con dấu của các ban hội địa phương. Và mấy năm qua, từ đợt khởi kiện lần đầu, một người chạy xe ôm hàng xóm đã đón đưa bà “trên từng cây số”. Tôi chắc đến 50% là ông ta chỉ lấy một số tiền vừa đủ đổ xăng, hoặc có khi còn chở không bà cụ, vì bà có tiền đâu mà đi tới đi lui hầu kiện. (Người ta hay bảo “Vô phúc đáo tụng đình” mà!) Vậy mà bà vẫn kiên trì quyết không bỏ cuộc. Hưng bảo hôm đó nghe bà cụ kể không đầu không đuôi, vừa nói vừa ứa nước mắt, anh cũng không tin bà có thể thắng được vụ tranh chấp này, nhưng anh vẫn hứa với bà sẽ bảo vệ quyền lợi cho bà miễn phí. Và từ hôm đó, sau khi thu thập thông tin, chứng cứ, cẩn thận nghiên cứu hồ sơ, một vụ kiện mà anh chưa từng trải nghiệm càng mỗi lúc mỗi khiến cho anh khẳng định thêm trực giác của mình hôm mới gặp bà lần đầu: Bà nói đúng. Bà nói thật. Bà đã bị lạm dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản. Và mọi chứng cứ đều nằm về phía bà. Ngoại trừ một chứng cứ quan trọng nhất: Bị đơn có hợp đồng chuyển nhượng đất có chữ ký của bà. Và đã được UBND Quận 9 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hồi đầu năm 2008.
Bà tên là Lê Thị Cầu, ngụ ở số nhà 23/98 đường Nơ Trang Long, phường 7 quận Bình Thạnh, Tp.HCM. Năm nay bà đã 88 tuổi (sinh năm 1923). Bà là hội viên Hội Cựu chiến binh Tp.HCM, do nhiễm chất độc màu da cam thời chiến tranh nên bà có bốn người con bị bệnh, trong đó 3 người bệnh tâm thần và một bị u sọ não. Một trong số này là một cựu chiến binh ở chiến trường K từ năm 1980 - 1983.
Miếng đất trong diện tranh chấp nằm ở phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, có diện tích ban đầu 7000m2 vốn là đất hương hỏa do ông Nguyễn Văn Quơn, cha chồng của bà Cầu đứng tên sổ bộ năm 1828. Trong quá trình sử dụng từ năm 1938, sau khi ông Quơn chết, miếng đất này đã được chia ra cho anh em chồng và cắt bán bớt nhiều lần vì túng quẫn. Tới năm 2002, do hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, bà Cầu đã nhờ ông Phan Công Danh (Nguyên cán bộ địa chính phường Tăng Nhơn Phú, quận 9. Ông Danh là anh ruột của ông Trần Công Đức, người đứng tên trên hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất của mảnh đất có diện tích 143,8m2 đề cập bên dưới.) tìm giúp người mua một phần của tổng diện tích hương hỏa còn lại lúc đó là 413,4 m2. Ông Danh đã tìm được bốn người mua, diện tích chuyển nhượng cho bốn người tổng cộng là 270m2. Phần đất còn lại sau khi chuyển nhượng là 143,8m2, bà Cầu đã dùng kẽm gai rào lại vì trên đất vẫn còn nhiều cây ăn trái. Hiện trên phần đất đó vẫn còn các trụ bê tông, phần kẽm đã bị ông Đức tháo bỏ sau khi có được giấy chứng nhận quyển sử dụng đất. 
Suốt quá trình từ 2002 tới đầu năm 2008, do sinh kế khó khăn, chỉ thỉnh thoảng bà Cầu mới tới thăm nom miếng đất còn lại của mình. Cho tới một lần, khi bà đến đó, có người quen cho bà hay miếng đất đã bị người khác đăng ký quyền sử dụng. Và mọi chuyện bắt đầu vỡ lỡ. Bà phát đơn khởi kiện lên TAND quận 9, yêu cầu tuyên án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H01261/26842 ngày 08/01/2008 do UBND quận 9 cấp cho ông Trần Công Đức vì thiếu căn cứ pháp luật; và yêu cầu ông Đức trả lại cho bà phần đất 143,8m2.
Ban đầu do không hiểu bằng cách nào mà phía anh em ông Danh và ông Đức có được bản hợp đồng chuyển nhượng có chữ ký của mình, bà cho là họ đã giả mạo chữ ký của bà. Nhưng sau đó, khi bên bị đơn yêu cầu thẩm định, thì đúng là chữ ký của bà. Bà  Cầu lần lại trí nhớ và nhớ ra có một lần ông Danh yêu cầu bà ký một số hồ sơ, bảo là dùng để “xin đường đi và làm sổ đỏ” cho bốn trường hợp bà đã chuyển nhượng. Bà bảo lúc đó ông Danh cứ lật xấp giấy lên và bà cứ cả tin ký vào, không hề đọc xem nội dung của chúng là gì, nào có ngờ người ta mưu mô gian dối.
Bốn bản hợp đồng kia bà Cầu đều ký phía bên trái, bên mua đất ký bên phải. Thể hiện như sau:
        BÊN A                                                 BÊN B
(Bên chuyển quyền sử dụng đất)                         (Bên nhận chuyển quyền sử dụng đất)
Riêng với hợp đồng của ông Trần Công Đức chữ ký của bà Cầu lại nằm bên phải! Thể hiện như sau:
        BÊN B                                                 BÊN A
(Bên chuyển quyền sử dụng đất)                         (Bên nhận chuyển quyền sử dụng đất)
Chữ A B ở hàng trên bị xóa và ghi lại bằng tay.
Chữ chuyển bị xóa đi bằng bút xóa,                   Chữ nhận bị xóa đi bằng bút xóa.
thay bằng chữ nhận viết tay.
Người ta phải tự hỏi vì lý do nào có sự trục trặc ngược đời như vậy, nếu cả năm bản hợp đồng đều được ký cùng một thời điểm, địa điểm, bởi cả hai bên mua và bán: “17h ngày 30/1/2002, địa điểm: Khu phố 5, phường TNP A, quận 9”?!
Người ta phải tự hỏi vì sao mãi 6 năm sau khi chuyển nhượng (2002-2008) – nếu đúng là có chuyển nhượng – ông Đức mới đăng ký quyền sử dụng? Mặt khác, ông Danh, anh ruột của ông Đức, vốn là một cán bộ địa chính địa phương!)
Và người ta cũng phải tự hỏi vì sao bà Cầu không tranh chấp với ai khác ngoài ông Đức?
Phiên tòa đã được hoãn lại cho tới ngày 17/6/2011. Nguyên tắc pháp lý và báo chí không cho phép tôi tuyên bố hay công khai thêm các chi tiết chứng cứ khác có trong các hồ sơ liên quan trước khi có kết luận của Tòa án. Nhưng tôi cảm thấy vững tin hơn nhiều vào thắng lợi của vụ kiện này. Mong sao trực giác của thẩm phán chủ tọa phiên tòa vụ án này cũng giúp ông nhận ra những tình tiết mù mờ ẩn sau tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Trần Công Đức, và nhất là mong sao ông cùng luật sư tự nguyện của nguyên đơn tìm ra được các chứng cứ, lập luận công khai, minh bạch, chính xác để trả lại cho bà mẹ già Lê Thị Cầu những gì thuộc về bà và những người con bệnh tật đói nghèo của bà. Trước khi quá muộn!...
Và tôi cũng muốn cầu chúc Mẹ Lê Thị Cầu một câu: Mẹ ơi, cầu cho Thần Công lý sẽ mở khăn bịt mắt ra và mỉm cười với Mẹ!
Sài Gòn, đêm 26//5/2011
Nguyễn Thành Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét