Lâu ngày không gặp, bỗng dưng tôi thấy nhơ nhớ nghệ sĩ Mạc
Can, gọi hỏi thăm, ông hẹn tôi sáng hôm sau đến số 81 Trần Quốc Thảo uống cà
phê.
Ông vẫn như lần đầu tiên tôi gặp và nhiều lần sau đó. Vẫn
chiếc xe gắn máy gồ ghề có cái boóc-ba-ga tổ chảng giống y một chiếc xe thồ thứ
thiệt. Vẫn chiếc áo ghi-lê cũ mèm bạc màu sương gió. Vẫn gương mặt hiền lành, nụ
cười đôn hậu. Vẫn cái lap top đời cũ xù xì, “ghẻ chóc” (theo lời nói vui của
Mạc Can, vì nó bị dán đầy băng keo để che những chỗ nứt vỡ trên lớp vỏ. Cái lap
top này ngộ lắm! Nếu vui thì chẳng việc gì, nếu buồn tình nó nhất định “đình
công”, không chịu khởi động. Báo hại ông phải vỗ về nhè nhẹ như xoa dịu nó, nó
mới chịu lên đèn).
Có những người dù chỉ gặp một lần thôi, cũng đủ cho người
ta giữ mãi những ấn tượng tốt đẹp khó quên. Mạc Can là một người như vậy. Ngoài
ra, ở ông có một cái gì đó thật là mâu thuẫn. Ngay lần đầu gặp ông không hiểu sao
tôi đã có cảm giác này. Và càng trao đổi tâm tình với ông nhiều hơn, hiểu rõ
ông hơn, tôi càng có cơ sở để khẳng định cảm giác ban đầu của mình không hề sai
lệch. Mạc Can có một vẻ ngoài rất “hề”! Chỉ cần ông trổ tài biểu cảm trên nét
mặt chút xíu thôi, người ta sẽ phải ôm bụng cười lăn lóc. Nhưng gặp ông, không
phải trên màn bạc, trên sân khấu, trong những vai diễn gây cười, mà ở một
khoảng cách rất gần; lắng nghe những lời tâm sự của ông; nhìn vào đôi mắt ẩn
chứa lắm nỗi niềm của ông, người ta biết rằng trong con người này có một chiều
sâu tâm hồn u uẩn. Lời tâm sự sau của ông có lẽ đáng để cho mọi người suy ngẫm:
“Sau khi Tấm ván phóng dao và một số truyện ngắn khác được công bố, có nhiều
bạn đọc gặp tui đã hỏi, sao anh/chú là diễn viên hài mà viết truyện buồn quá.
Truyện nào đọc cũng buồn muốn khóc...Tui không biết phải trả lời họ làm sao...
Thật ra, tui vốn là một con người hay buồn. Tui buồn nhiều hơn vui. Và tui rất
sợ đám đông, sợ những người xa lạ, đến bây giờ cũng còn sợ. Chỉ khi bắt đầu
diễn xuất, đã nhập vào nhân vật, nỗi sợ đó mới mất đi.”
Nỗi buồn, nỗi sợ đó, theo những gì ông kể, bắt nguồn từ
tuổi thơ cơ cực, bị người đời hiếp đáp, từ những trải nghiệm cay đắng xót xa,
những bôn ba lận đận trong vòng xoáy cuộc đời, những ngộ nhận hiểu lầm của bao
người quen lạ. Khi chưa từng gặp ông, tôi vẫn nghĩ ông là một người nghệ sĩ, chỉ
sống bằng nghề biểu diễn. Sau này mới biết đời ông đã qua lắm thăng trầm, đã
nếm đủ mùi vị cuộc đời thông qua hàng chục phương kế sinh nhai: bán trà đá,
bánh kẹo rong, bán chim bồ câu, đạp xích lô, ba gác... Ông không nói hết những
nhục nhằn đã trải, nhưng qua giọng nói run run nghèn nghẹn, tôi biết ấn tượng
về những gì đã xảy đến với ông thật sự nặng nề, và đến bây giờ nó cũng còn lưu
dấu.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ mang máng những nhận xét của
nhà văn Nga K. Pauxtốpxki về tác giả của “Cánh buồm đỏ thắm”- nhà văn
Alếchxanđrơ Grin : “Tôi... ngạc nhiên khi biết tiểu sử của Grin, khi tôi
biết cuộc đời cay cực chưa từng thấy của một con người...Không hiểu sao con
người kín đáo và bị những rủi ro của cuộc sống đánh cho tơi tả ấy lại có thể
giữ gìn được thiên tư vĩ đại của sức tưởng tượng trong trắng và mạnh mẽ, lòng
tin ở con người và nụ cười rụt rè qua cuộc đời đầy những dày vò...” (Bông
hồng vàng – Kim Ân dịch - NXB Văn học 1982- trang 252). Tôi nhớ đến những câu
trên, vì nó cũng có thể đúng với trường hợp của Mạc Can. Rõ ràng, ông ít khi
bộc lộ những nỗi niềm riêng và luôn xuất hiện trước mắt công chúng, nhất là trước
những cháu bé, như một sứ giả của tiếng cười, của niềm vui trong sáng.
Dù sao, nếu cuộc đời có nhiều ngang trái chua cay, cuộc
đời vẫn còn có những niềm vui, vẫn ươm mầm cho ước mơ, hy vọng. Có lần Mạc Can
kể cho tôi nghe về tuổi thơ của mình. Sinh ra trên một con đò trôi dạt đó đây trên
khắp nẻo đường lưu diễn, tuổi thơ ông gắn với con đò, với những buổi biểu diễn
trong những thị trấn làng mạc khắp sáu tỉnh miền Tây hồi đó. Trò vui tuổi nhỏ
của ông là những trận đá banh với đám trẻ con nghèo cạnh bến sông (mà “banh
chỉ là những cục rơm được bện lại cho tròn, chứ nào được là banh nhựa”), là
những buổi tắm sông dưới tàng cây râm mát của một gốc đa già mọc ở ven bờ. Ông
kể: “Tui hay nằm mơ. Nhưng có một giấc mơ lạ lắm. Nó cứ trở đi, trở lại mãi
với tui. Trong giấc mơ đó, tui tìm về một bến sông, tìm lại gốc đa cổ thụ có một
cái bọng rất lớn, có thể chứa lọt một đứa con nít năm bảy tuổi. Nhưng đi hoài,
đi hoài, trong những giấc mơ đó, chưa bao giờ tui tìm thấy đường về chốn cũ.”
Lúc đó, tôi nói với ông rằng có lẽ gốc đa cổ thụ ấy, bến sông ấy, những lúc tắm
sông, trèo lên ngồi cạnh bọng cây ấy, chính là nơi chốn, khoảng thời gian bình
an hạnh phúc nhất mà ông từng trải qua, nên nó đã in sâu vào tiềm thức của ông.
Nó là biểu tượng cho khát vọng tìm kiếm lại những gì an lành, đẹp đẽ nhất đời
ông. Ông gật đầu không nói, có lẽ cũng đồng ý với tôi.
Trò chuyện lan man một hồi,Mạc Can và tôi chợt lạc vào
lĩnh vực văn chương lúc nào không biết. Ông thố lộ: “Tui mê những con chữ từ
hồi còn nhỏ xíu. Những con chữ là một cái gì đó rất thu hút tui. Chúng giống
như những điều bí mật lạ lùng mà tui khát khao khám phá. Tui tẩn mẩn đánh vần
ngay cả những miếng giấy báo gói xôi... Rồi về sau, khi lớn hơn, tôi đọc bất cứ
thứ gì kiếm được, từ những cuốn truyện bình dân cho tới những tác phẩm nổi
tiếng. Còn chuyện viết của tôi lạ lắm. Có nhiều khi tui ngồi ngơ ngẩn, tâm trí
để ở đâu đó, mà ngón tay thì cứ nguệch ngoạc lên bàn những từ ngữ chợt nảy ra
trong đầu. Đó cũng là cách mà tôi viết truyện sau này, cứ gom nhặt từng chữ,
từng câu như con kiến tha mồi, lâu dần đầy tổ.”
Khát khao đọc, viết ấy hình thành quá sớm, nhưng rất lâu
về sau mới có điều kiện phát triển. Ông kể: “Hồi đầu, có những phóng viên
tới tìm tui, viết bài về tui. Rồi dần dần thân quen, họ bảo, sao ông không thử
viết xem thế nào, ông có nhiều vốn sống, nhiều tư liệu và mối quan hệ với giới
nghệ sĩ, nếu tự viết được thì hay lắm. Từ đó, tui tập tành viết những bài viết,
mẩu tin về giới nghệ sĩ, những cuộc biểu diễn gửi cộng tác với một số báo như
Sân khấu, Thanh niên, Tuổi trẻ... Rồi tui cũng mày mò viết truyện, nhưng viết
được một ít, gửi mãi không báo nào đăng hết. Truyện ngắn đầu tiên của tui được
đăng báo là truyện “Người nói tiếng bồ câu”, kể về một nhân vật có hoàn
cảnh tương tự như tui hồi ấy. Anh ta có khả năng đặc biệt, có thể trò chuyện
với bồ câu. Anh ta viết lại những câu chuyện thú vị đó, nhưng gửi mãi chẳng ai
đăng. Cuối cùng may sao có người đồng ý giúp anh ta một số tiền để xuất bản
cuốn truyện. Nhưng khi về đến nhà, vợ anh ta bảo, thôi thì lấy số tiền này mua
một chiếc xe, chạy xe ôm kiếm sống còn có ý nghĩa hơn. Anh ta nghe lời vợ.
Những câu chuyện giữa anh ta và chim bồ câu thế là chẳng bao giờ được xuất
bản... (Cười) Nhà văn Hồ Anh Thái không hiểu sao lại thích truyện này, đưa nó vào
tuyển tập Truyện ngắn hay. Lần ấy có dịp ra Hà Nội biểu diễn, tôi tìm đến nhà
xuất bản để cám ơn ông Thái. Tôi đứng mãi ngoài cửa, ngại ngùng, sợ toát mồ
hôi. Tui tự thấy mình là một kẻ phàm phu, dốt nát, mà nơi ấy giống như một đền
đài thâm nghiêm toàn những con người trí tuệ cao siêu. May sao nhà văn nữ Lê
Minh Khuê, biên tập viên của NXB, trông thấy tui. Chị đã biết mặt tui qua màn
ảnh, nên kéo vào trò chuyện. Chị hỏi tui có viết được truyện nào khác không,
cho chị xem thử. Khi ấy, tui đã viết được khoảng phân nửa cuốn Tấm ván phóng
dao, có mang theo bản thảo trong túi hành lý. Lúc viết thì cứ viết theo cảm
xúc, chẳng qua là viết cho mình, để mình tự đọc, không nghĩ tới chuyện xa xôi.
Nhưng tui viết câu cú lộn xộn, chấm phết lung tung lắm. Tui ngại quá không muốn
đưa ra.Chị Khuê giục hoài, cuối cùng tui đưa cho chị. Sau đó, chị gọi cho tui,
bảo rằng truyện hay, có nhiều ý tưởng, chỉ có câu cú hơi rối, nhưng ban biên
tập sẽ giúp chỉnh sửa, rồi bảo tui cố hoàn thành cho hết truyện. Cuốn truyện ra
đời như vậy đó.”
Tôi chưa đọc hết các tác phẩm của ông. Ngoài Tấm ván
phóng dao, tôi chỉ đọc thêm được một truyện ngắn có tựa là “Chuyến xe đêm”,
hình như đăng trên báo Phụ nữ Chủ nhật. Nhưng chỉ cần bấy nhiêu thôi, đã đủ để
tôi nhận ra một phong cách văn chương. Tác phẩm văn học phần nào cũng giống như
món ăn, có người thích món này, có người thích món khác, và món ngon lành số
một đối với người này cũng có thể là món dở chịu không nổi đối với người kia.
Vì vậy, không lạ gì khi báo chí rầm rộ viết về cuốn Tấm ván phóng dao hồi nó
mới ra lò, có nhiều người trong giới viết văn cười khẩy: “Ông Mạc Can mà viết
lách gì!”
Ông biết chuyện này. Nó cũng làm ông buồn, nhưng rồi ông
vẫn tiếp tục viết, dũng cảm viết, vô tư viết, với niềm đam mê cháy bỏng. Tôi
thích đọc truyện của ông vì nhận ra có bóng dáng mình, tâm sự của mình trong
những nhân vật, tình tiết ấy.
Ngồi chuyện vãn thêm một lúc, ông từ giã tôi để chạy qua
tòa soạn báo Khăn quàng đỏ, biểu diễn phục vụ các cháu thiếu nhi. Tôi tạm biệt
ông, thầm chúc cho ông mạnh khỏe lâu dài, đem tiếng cười, niềm vui đến cho mọi người,
và cũng thầm chúc cho “Người nói tiếng bồ câu” tiếp tục viết thêm nhiều
tác phẩm thật hay.
Sài Gòn,
2005
(Báo Thể thao Tp.HCM,
số 139-140 - tháng 6/2005)
Note: Hy vọng lần sau gặp lại Mạc Can sẽ có nhiều thông tin hơn về ông, về những gì ông trải qua sau thời gian ở Mỹ. Tự ông cũng đã và sẽ viết về mình, dĩ nhiên. Nhưng hình như người viết nào cũng luôn mong muốn có những tâm hồn bè bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét