Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Đôi lời xin trao đổi với dịch giả Trần Thiện Đạo về bài báo "Dịch loạn"




Báo mạng và báo in thời gian vừa qua chợt bất ngờ sôi nổi với nhiều ý kiến và tranh luận xung quanh vấn đề dịch thuật. Bản thân tôi chỉ là một người dịch tầm thường, nhưng dù muốn dù không cũng phải quan tâm theo dõi để rút ra những bài học cho mình. Trong quá trình theo dõi  đó, tôi tình cờ đọc được một bài viết của dịch giả Trần Thiện Đạo, tựa đề “Dịch loạn” (Văn Nghệ số 16 ngày 21-4-2012).
Với cá nhân tôi, đa phần các nhận xét và quan điểm của ông Trần Thiện Đạo (sau đây xin được viết tắt là TTĐ) là chính xác. Tuy vậy, ông TTĐ, ngoài việc là một dịch giả kỳ cựu, điều mà tôi dám tin chắc và khiến tôi rất kính trọng ông, vẫn là một con người. Và do là một con người, ông vẫn có những quan điểm mà theo tôi là chưa xác đáng. Ở đây, tôi chỉ muốn mạn phép mở rộng và bàn luận một nhận định mà tôi cảm thấy “rất không đồng ý” với ông TTĐ. Đó là nguyên cớ thứ 2: “Bản dịch không dựa trên nguyên ngữ mà trên một bản dịch khác”, trong số các nguyên cớ mà theo ông là “khiến cho tình trạng dịch thuật cho tới nay thiếu chất lượng tới mức cần phải khẩn thiết báo động”.
Tôi không thể hiểu ông TTĐ dựa vào đâu để kết luận khơi khơi về cái nguyên cớ thứ 2 này như vậy. Bởi lẽ:
1. Bản dịch “không dựa trên nguyên ngữ” đương nhiên là không thể so với bản dịch từ nguyên tác. Nhưng đây là trường hợp bất khả kháng, khi mà số lượng dịch giả biết thứ ngôn ngữ nguyên tác đó không có, hoặc chưa đủ tầm để dịch từ nguyên tác, nhưng có đủ khả năng để dịch từ một bản dịch khác mà dịch giả đó tâm đắc, với thứ ngôn ngữ mà dịch giả đó am tường. Vậy trường hợp nào thì tốt hơn ở đây? Dịch từ nguyên tác với kiến thức lõm bõm về ngôn ngữ đó hay dịch từ một bản dịch khác mà người dịch làu thông về ngôn ngữ?
2. Người dịch, nếu quá so đo về việc dịch từ nguyên tác, thì văn học dịch Việt Nam sẽ nghèo nàn èo uột biết bao, khi các danh tác trên thế giới không chỉ giới hạn ở vài ngôn ngữ quen thuộc như Hoa, Anh, Pháp, Nhật, vv… Lẽ đương nhiên là họ phải “xắn tay áo” mà làm, từ một bản dịch ngôn ngữ khác, nếu tác phẩm gốc hay và bản dịch từ ngôn ngữ mà họ chọn dịch cũng không đến nỗi tồi. Xin nói thêm, ở đây tôi chỉ đề cập tới những người dịch có lòng say mê, có tâm và đủ sức để làm công việc họ yêu thích.
Theo dữ liệu từ một nguồn chưa kiểm chứng, nhưng tôi cho rằng có giá trị tham khảo thì: “…Vậy mà cái thị phần sách dịch theo Võ Phiến đã có một thời vào năm 1970 chiếm đến 60% và đến năm 1972 đã lên đến 80% toàn bộ đầu sách xuất bản ở miền Nam. Trần Trọng Đăng Đàn, trong Văn Hoá, Văn Nghệ Nam VN 1954.1975 cũng đưa ra con số chính xác như Võ Phiến. Cũng theo Trần Trọng Đăng Đàn, sau kết quả điều tra, tiến hành vào tháng 7.1976, số sách dịch của miền Nam trong 20 năm bao gồm: Đức 57 đầu sách, Ý 58, Nhật 71, Anh 97, Mỹ 273, Pháp 499, Đài Loan và Hương Cảng 358, Nga 120, còn lại các nước khác 38. Những con số vừa nêu trên đáng để ta suy nghĩ lắm chứ?...” (nguồn: vn.net: Nguyễn Văn Lục - 20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955 – 1975) 
Ngoài các con số, tôi cũng xin phép dẫn thêm một số tác phẩm lớn hoặc có giá trị đã được dịch không phải từ nguyên tác, nhưng đã đi vào lòng độc giả suốt mấy thế hệ vừa qua, khẳng định được giá trị tự thân dưới đây:
- Cuore của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis – dịch giả Hà Mai Anh dịch từ bản tiếng Pháp Les grands coeurs với tựa Tâm hồn cao thượng, đoạt giải văn chương của Hội Alexandre de Rhodes Hà Nội năm 1948; dịch giả Hoàng Thiếu Sơn dịch với tựa Những tấm lòng cao cả - NXB Phụ nữ 1977 (chắc chắn không phải dịch từ Tiếng Ý). Cả hai bản dịch này đều có những thành công nhất định.
- Анна Каренина của văn hào Nga Lev Tolstoi dịch giả Vũ Ngọc Phan dịch từ bản tiếng Pháp Anna Karenina với tựa An Na Kha Lệ Ninh, xuất bản trong khoảng 1943-1944.
- Война и миръ cũng của văn hào Nga Lev Tolstoi. Có thể suy đoán logic (không phải suy đoán ngụy biện) rằng các bản dịch tác phẩm này cũng không phải dịch từ nguyên tác tiếng Nga. Xin xem thêm phần trích dẫn dưới đây về các bản dịch (nguồn: vi.wikipedia.org):
“Chiến tranh và hòa bình đã được dịch Việt văn một số bản dịch 4 tập, trong đó có:
+ Bản dịch Chiến tranh và hòa bình của Hoàng Thiếu Sơn, Trường Xuyên, Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, bao gồm xuất bản phẩm lần đầu tiên tại Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội: tập 1 với phụ lục tóm tắt nội dung và bảng tra danh từ riêng gồm 586 trang in năm 1961, tập 2 gồm 602 trang, tập 3 gồm 638 trang chia làm 3 phần gồm 34 chương có tóm tắt nội dung và bảng tra danh từ lịch sử, địa lý cuối sách; tập 4 gồm 544 trang đều in năm 1962. Tất cả các tập đều có cỡ 13×19cm. Sau đó bản dịch này được tái bản có sửa chữa bổ sung, in tại Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội: tập 1: 719 trang in năm 1976; tập 2: 592 trang in năm 1976, tập 3: 558 trang in năm 1979; tập 4: 477 trang. In lại tại Nhà xuất bản văn học Hà Nội năm 2001: tập 1: 825 trang; tập 2: 724 trang; tập 3: 705 trang.
+ Bản dịch Chiến tranh và hòa bình của Nguyễn Hiến Lê, in lần đầu tại Nhà xuất bản Lá Bối, Sài Gòn 1969: tập 1: 758 trang, tập 2: 729 trang; tập 3: 733 trang; tập 4: 716 trang. Bản in tại Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 1993, tập 1: 612 trang, tập 2: 594 trang, tập 3: 585 trang, tập 4: 616 trang, cỡ giấy 19cm. Tái bản in tại Nhà xuất bản Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh in năm 2000, tập 1: 816 trang, tập 2: 778 trang, tập 3: 731 trang, tập 4: 809 trang, cỡ giấy 18cm.” (Hết trích dẫn)
- На Дрини ћуприја  của nhà văn Nam Tư Ivo Andric, dịch giả Nguyễn Hiến Lê dịch từ bản tiếng Pháp Il est un point sur la Drina  với tựa Chiếc cầu trên sông Drina, về thời điểm dịch, xin xem thêm trích dẫn dưới đây:
“Trong Hồi kí Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Học 1993, trang 472, tác giả viết về cuốn Chiếc cầu trên sông Drina như sau: ‘Năm 1971, ông Giám đốc nhà xuất bản Trí Đăng, một giáo sư trung học còn trẻ nhờ tôi dịch cho một tiểu thuyết. Tôi đề nghị cuốn Il est un point sur la Drina của nhà văn Nam Tư Ivo Andric…’”
Hầu hết các bản dịch nêu trên đều được độc giả hoan nghênh và tái bản ít nhất một lần.

Qua một số dẫn chứng trên, có thể tạm kết luận rằng dịch từ một bản dịch khác chưa hẳn đã là nguyên cớ “khiến cho tình trạng dịch thuật cho tới nay thiếu chất lượng tới mức cần phải khẩn thiết báo động” như nhận định của dịch giả Trần Thiện Đạo. Rất mong dịch giả Trần Thiện Đạo xem đây là một phản hồi khoa học chứ không phải một sự bài xích. Trân trọng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét