ERICH
SEGAL
LOVE STORY
Nguyễn Thành Nhân dịch
GIỚI
THIỆU
Chuyện tình là một tác
phẩm lay động lòng người trong thập niên 1970, bộ phim được chuyển thể từ tác
phẩm cũng đã làm rơi nước mắt hàng trăm triệu khán giả trên thế giới. Và những
người Việt Nam từ độ tuổi bốn mươi trở xuống, nếu chưa từng đọc qua tác phẩm
hay xem qua bộ phim cùng tên, hẳn cũng ít ra một đôi lần cảm thấy tim mình bồi
hồi xao động khi nghe nhạc khúc Love Story qua tiếng độc tấu dương cầm
ngọt ngào và day dứt.
Erich
Segal, tác giả quyển truyện, là giáo sư bộ môn văn chương
của Đại học đườngYale. Ông từng là một nghiên cứu sinh ở Harvard nên đã thấu
hiểu, cảm nhận sâu sắc được suy tư tình cảm của một lớp thanh niên trí thức Mỹ
lúc bấy giờ; hơn thế, ông hoàn toàn hoà mình vào đó, cùng rung động với họ, và
kể lại câu chuyện bằng giọng nói chân thành sâu thẳm của một người trong cuộc.
Phong cách độc đáo của Segal thể hiện ở chỗ làm cho người đọc cảm nhận được rất
nhiều điều chỉ qua một chi tiết nhỏ nhoi. Vì vậy, để giúp một số bạn đọc đã có
trình độ Anh văn cấp độ cao trung tự mình cảm nhận được phong cách tuyệt diệu
của Segal, chúng tôi xin giới thiệu ở đây toàn văn nguyên bản Love Story kèm
theo phần dịch. Các bạn đọc khác vẫn có thể thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua
phần dịch thuật. Văn phong hơi phóng túng, ngỗ ngáo nhưng chân thành, cảm động
của Segal đã được người dịch cố gắng thể hiện lại, thông qua cách nói, cách
viết thuần túy Việt Nam, nhưng có lẽ còn nhiều thiếu sót, rất mong được các bạn
thông cảm bỏ qua.
Chuyện tình yêu muôn đời
vẫn là thứ chuyện gây nên nhiều cảm xúc mãnh liệt nhất cho mọi con người. Và
tình yêu không bao giờ cũ. Mời bạn hãy bắt đầu đi vào câu chuyện, chia sẻ cùng
các nhân vật những hương vị ngọt ngào và cay đắng của tình yêu.
Sài Gòn, 1998
Người dịch
Chương I
Bạn có thể nói gì về một
cô gái hai mươi lăm tuổi đã chết rồi ?
Rằng nàng đẹp. Và thông
minh. Rằng nàng yêu nhạc Mozart và Bach. Và Ban nhạc Beatles. Và tôi nữa. Có
một lần, nàng đã xoay xở tìm cách xếp tôi vào danh sách những thứ mà nàng yêu
thích ấy. Và khi tôi hỏi nàng dựa theo trật tự nào, nàng mỉm cười đáp: Theo thứ
tự ABC. Lúc đó tôi cũng mỉm cười. Nhưng giờ đây, tôi tự hỏi không biết nàng đã
sắp xếp tôi theo tên, trong trường hợp này tôi sẽ đứng sau Mozart – hay là theo họ, trong trường hợp
này tôi sẽ đứng giữa Bach và Beatles. Dù có theo cách nào thì tôi cũng không
đứng ở vị trí đầu tiên, và việc này làm tôi khó chịu quá chừng. Từ bé đến lúc
trưởng thành, tôi vẫn luôn luôn tự hào rằng mình là số một. Bạn biết không, vì
truyền thống gia tộc đó mà.
Vào mùa thu năm cuối,
tôi có thói quen tới học ở thư viện trường Radcliffe. Không chỉ để ngắm các cô
nàng mũm mĩm, dù tôi phải công nhận là mình cũng khoái chuyện này. Chỗ này yên
tĩnh, không có người quen, và khi cần đọc quyển sách nào thì có ngay. Hôm trước
ngày thi môn sử, tôi tới đó để đọc một cuốn sách được xếp đầu tiên trong lịch
học, cuốn này ở Harvard thật khó tìm. Tôi lững thững đi tới bàn đăng ký mượn
cuốn sách – một trong
những nấm mộ sẽ chôn lấp tôi ngày hôm sau. Hai cô gái đang làm việc ở đó. Một
cô có típ người cao của một tay chơi tennis, cô kia là một chú chuột nhỏ nhắn
đeo kính cận. Tôi chọn cô nàng bốn mắt.
“Cô có quyển Sự suy
vong của thời Trung cổ không?”
Nàng liếc xéo tôi
rồi hỏi:
“Ông có thư viện
của mình chứ?”
“Thôi nào, trường
Harvard cho phép sử dụng thư viện này mà.”
“Tôi không nói về
qui định thưa công tử, tôi nói về lẽ phải. Trường con trai các ông có 5 triệu
cuốn sách. Chúng tôi chỉ có vài ngàn cuốn lèo tèo.”
Chúa ơi, đúng là một mẫu
người tự phụ! Mẫu người tin là vì tỷ lệ sĩ số giữa Radcliffe và Harvard là 1-5,
nên các nàng phải thông minh lên gấp năm lần. Tôi thường nghiền nát thành cám
loại này, nhưng bây giờ tôi thực sự cần
cuốn sách.
“Thôi mà, tôi cần cuốn
sách đó.”
“Hãy nhìn lại cái vẻ
ngạo mạn của ông kìa công tử.”
“Vì sao cô cứ khăng
khăng coi tôi là loại công tử bột chứ?”
“Ông có vẻ ngu
ngốc và giàu có.“ Nàng đáp và tháo cặp kính ra.
“Cô lầm rồi,” Tôi phản đối, “Thực sự là tôi nghèo và thông
minh.”
“Ồ không đâu, thưa công
tử, chính tôi mới nghèo và thông minh.”
Nàng đăm đăm nhìn
tôi. Mắt nàng màu nâu. Thôi được, có lẽ là dáng dấp tôi trông sang trọng, nhưng
tôi không thể để một con nhỏ, dù là một con nhỏ có đôi mắt nâu đẹp não nùng,
cho tôi là một tên ngu ngốc.
“Cái chết tiệt gì giúp
cô thông minh thế?” Tôi hỏi.
“Tôi không đi uống cà
phê với anh đâu.” Nàng đáp.
“Ủa, tôi đâu có mời cô.”
“Ấy,” Nàng nói.
“Anh ngốc ở chỗ đó đó.”
Để tôi giải thích lý do
tôi đã mời nàng uống cà phê. Chính nhờ sự nhún nhường sáng suốt và đúng lúc – vờ vĩnh như đột nhiên tôi có ý
định mời nàng thực sự –
mà tôi đã mượn được quyển sách. Vì nàng chỉ có thể ra về khi đóng cửa thư viện,
tôi có thừa thì giờ để nghiền ngẫm một vài đoạn về sự thay đổi của hoàng gia,
từ phụ thuộc các giáo hoàng sang phụ thuộc giới luật gia, ở cuối thế kỷ XI. Tôi
đạt A trừ trong kỳ thi, trùng với số điểm mà tôi đã chấm cho đôi chân của Jenny
khi nàng bước ra khỏi cái bàn giấy ấy lần đầu tiên. Tôi không thể chấm cho
trang phục của nàng một điểm số danh dự: nó khá là bụi so với thị hiếu của tôi.
Tôi đặc biệt khó chịu với cái xắc tay kiểu Da đỏ của nàng. May mà tôi đã không
nói ra điều này, vì sau đó tôi phát hiện ra cái túi đó do chính nàng vẽ kiểu và
may lấy.
Chúng tôi tới quán ăn
Midget, một quán chuyên về bánh sandwich không chỉ dành riêng cho những người
tí hon, mặc dù nó có cái tên như vậy. Tôi gọi hai ly cà phê và một bánh
sô-cô-la kem (cho nàng).
“Tôi là Jennifer Cavilleri.” Nàng nói, “Người
Mỹ gốc Ý”, và làm như là tôi không biết, nàng nói thêm, “Và là một sinh viên
khoa nhạc.”
“Tôi là Oliver,”
tôi nói.
“Tên hay họ?” Nàng
hỏi.
“Tên,” tôi đáp, và thú nhận rằng họ tên đầy đủ của
tôi là Oliver Barrett. (Thực ra, đó chỉ là phần lớn họ tên tôi )
“Ồ” Nàng thốt, “nghe như tên một nhà thơ?”
“Vâng, nhưng không
có họ hàng gì.”
Trong một thoáng
im lặng kế đó, tôi thầm tạ ơn trời nàng đã không thốt ra câu hỏi đụng chạm tôi
thường nghe: “Barrett, hình như trùng tên với hội trường Barrett?” Bởi vì việc
có quan hệ với người đã xây dựng nên quảng trường Barrett – một công trình to nhất và cũng
xấu xí nhất trong khuôn viên Harvard, một tượng đài khổng lồ tượng trưng cho
tài sản của gia đình tôi và sự kiêu căng hợm hĩnh lố bịch của chủ nghĩa Harvard
– đối với tôi là một thứ
vòng kim cô khó chịu.
Sau đó, nàng khá lặng
lẽ. Phải chăng là chúng tôi đã cạn đề tài trò chuyện quá nhanh? Hay là tôi đã
làm nàng thất vọng vì không có họ hàng với nhà thơ? Vì cái gì? Nàng chỉ đơn
giản ngồi đó, cười mỉm nhìn tôi. Để giết thì giờ, tôi xem qua quyển vở của
nàng. Chữ viết của nàng thật kỳ khôi, những con chữ nét mong manh, chẳng có đến
một chữ viết hoa. (Nàng nghĩ nàng là ai chứ?). Và nàng đã học xong vài khoá gì
đó: Comp.Lit.105, Music 150, Music 201…
“Music 201? Có phải là
một môn chính khoá không?”
Nàng gật đầu,
không khỏi có chút vẻ tự hào, “Kỹ thuật
hoà âm thời Phục hưng.”
“Hoà âm là gì?”
“Không có liên
quan gì đến giới tính đâu thưa công tử.”
Tại sao tôi phải chịu
đựng kiểu xưng hô này chứ? Nàng có đọc tờ Crimson chưa? Nàng đã biết tôi là ai?
“Nè, cô biết tôi là ai,
phải không?”
“Vâng,” nàng đáp, với
một vẻ khinh khỉnh, “Anh là cái gã chủ nhân của hội trường Barrett chứ gì.”
Nàng không biết tôi là
ai.
“Tôi có là chủ gì đâu,
chính ra ông nội vĩ đại của tôi mới là người hiến nó cho trường.”
“Ấy thế, nên chắc
chắn là đứa cháu tầm thường của ông ấy phải được nhận vào trường!”
Đã đến mức giới hạn sự chịu đựng của tôi.
“Jenny, nếu cô cho
tôi là một kẻ không ra gì, sao cô lại tìm mọi cách làm tôi phải mời cô uống cà
phê?”
“Tôi thích thân
hình anh.” Nàng đáp.
Một phần của việc
trở thành người thắng trận là khả năng làm một kẻ thua cuộc xứng đáng. Điều này
không có gì mâu thuẫn. Điểm đặc biệt của sinh viên Harvard là biến bất kỳ một
thất bại nào thành chiến thắng.
“Chúc may mắn,
Barrett, cậu đã trèo lên lưng cọp rồi đó.”
“Thật tình, tớ
mừng là cậu đã vào cuộc. Tớ muốn nói là cậu cần phải thắng.”
Dĩ nhiên là một
chiến thắng ở phút 89 thì thích hơn. Nghĩa là, nếu bạn có cơ may, thì tốt nhất
là ghi bàn vào phút cuối cùng. Khi tôi đưa Jenny trở lại khu lưu xá, tôi không
nghi ngờ chút nào về thắng lợi cuối cùng của tôi đối với cô ả Radcliffe hợm
mình này.
“Nghe này, cô ả
Radcliffe hợm hĩnh, tối thứ Sáu có trận đấu Hockey với Darmouth.
“Thế à?”
“Tôi muốn cô tới đó.”
Nàng trả lời với
thái độ hững hờ thông thường của bọn con gái trường Radcliffe đối với thể thao:
“Vì cái quái gì mà tôi
phải tới xem một trận đấu hockey dở ẹt chứ?”
Tôi đáp, cũng làm
ra vẻ hững hờ:
“Vì tôi sẽ chơi.”
Một thoáng giây im
lặng.Tôi cho là tôi đã nghe thấy tiếng tuyết rơi.
“Cho bên nào?” Nàng
hỏi.
Chương II
Oliver Barrett IV SV năm 4th
Ipswich, Mass. Phillips Exeter
Tuổi : 20 Cao : 5’11’’, nặng 185 lbs
Khoa
: Nghiên cứu xã hội
Khóa : 61, 62, 63
Gia nhập đội All Ivy
First team 62, 63
Mục tiêu nghề nghiệp:
Luật
Giờ thì Jenny đã đọc
tiểu sử của tôi trong tờ chương trình. Tôi chắc như ăn bắp rằng Vic Claman, ông
bầu của tôi, đã trông thấy nàng lấy một tờ.
“Lạy chúa, Barrett, đây
là cuộc hẹn đầu tiên của cậu sao?”
“Im đi Vic, kẻo không
còn cái răng ăn cháo bây giờ.”
Khi đang khởi động trên
sân băng, tôi chả vẫy chào nàng, mà cũng chả thèm nhìn về phía nàng. Tuy vậy,
tôi nghĩ rằng nàng đã cho là tôi đang liếc nhìn nàng. Ý tôi là không biết nàng
có tháo đôi kính ra trong khi chào cờ chăng?
Vào giữa hiệp hai, chúng
tôi đang hòa với Darmouth 0-0. Tôi và Davey Johnston sắp sửa xuyên thủng lưới
họ. Bọn áo xanh nhận thức được chuyện này, bắt đầu chơi cứng hơn. Có lẽ họ phải
bị gẩy một hoặc hai chiếc xương sườn trước khi chúng tôi đột phá được. Các cổ
động viên gào thét đòi đổ máu. Trong môn hockey, điều này có nghĩa là có máu
đổ, hoặc, có bàn thắng. Vốn là người có lương tâm nghề nghiệp, tôi chưa bao giờ
từ chối hai thứ này.
Al Redding, Trung
vệ của Darmouth, lao qua lằn vạch xanh phần sân khách. Tôi xô người vào hắn,
cướp bóng và trượt đi. Cổ động viên reo ầm lên. Tôi nhìn thấy Davey Johnston ở
bên trái, nhưng cho rằng mình có thể giữ bóng được cho tới đích. Thủ môn đối
phương là một gã khá nhát gan, tôi đã hù cho gã chết khiếp từ khi gã chơi ở đội
Deerfield. Trước khi tôi vượt qua một cú truy cản, hai tay hậu vệ đã nhào tới,
tôi phải lượn vòng quanh lưới để giữ bóng. Ba người phía chúng tôi đang quay
ngược trở về. Đó là chiến thuật để đánh văng bất kỳ một màu áo đối phương nào.
Đâu đó bên cạnh ván trượt của chúng tôi là quả bóng, nhưng đúng lúc chúng tôi
tập trung để tấn công quyết liệt, một trọng tài thổi còi.
“Anh. Hai phút trong
lồng phạt!”
Tôi ngước lên. Ông ta
đang chỉ tôi. Tôi? Tôi đã làm gì đáng để bị phạt?
“Ồ, ông trọng tài, tôi
có làm gì đâu?”
Ông ta có vẻ không muốn
bàn cãi lôi thôi. Ông gọi trọng tài bàn:
–Số 7 – Hai phút. Và đưa tay ra hiệu.
Tôi phàn nàn tí chút, nhưng đó là một tay nghiêm khắc. Khán giả luôn mong chờ
một vụ khiếu nại, dù vi phạm có hiển nhiên đến đâu. Tay trọng tài ngoắc tôi ra.
Nản lòng, tôi trượt về phía lồng phạt. Tôi trèo vào trong, vừa lắng nghe tiếng
đôi giày cọ vào lớp ván gỗ, tôi vừa nghe hệ thống loa sủa lên: “Phạt Barrett
đội Harvard 2 phút trong lồng.”
Đám đông gào lên phản đối. Nhiều fan của Harvard nghi ngờ thị lực và năng lực của trọng tài.
Tôi ngồi xuống, cố lấy lại hơi thở, không nhìn lên, ngay cả ra phía sân băng,
nơi đội Dartmouth đang áp đảo chúng tôi.
“Sao anh ngồi đây khi
các bạn anh đang thi đấu?”
Giọng của Jenny.
Tôi phớt lờ nàng, và quay sang hối thúc đồng đội.
“Tiến lên,
Harvard, lấy bóng đi!”
“Anh đã phạm lỗi
gì thế?”
Tôi quay lại, trả
lời nàng. Dù sao, chính tôi đã hẹn nàng tới đây.
“Tôi đã quá cố
gắng thôi.”
Rồi tôi quay lại
theo dõi các đồng đội đang cố ghìm lại các nỗ lực ghi bàn của Darmouth.
“Chuyện đó có mất mặt
lắm không?”
“Xin cô đấy Jenny,
tôi đang tập trung.”
“Vào cái gì?”
“Vào việc tôi sẽ ‘làm
thịt’ cái tay Al Redding đó ra sao!”
Tôi nhìn về sân băng để
động viên tinh thần các bạn.
“Anh hẳn phải là một kẻ
hay chơi xấu lắm nhỉ?”
Đôi mắt tôi gắn chặt vào
cầu môn đội mình, nơi lúc này đang ngập tràn bọn Xanh. Tôi không thể chờ thêm
nữa. Jenny vẫn bướng bỉnh.
“Thế anh có ‘làm
thịt’ tôi không?”
Tôi đáp, không quay lại,
“Tôi sẽ làm ngay lập tức nếu cô không im mồm đi.”
“Tôi đi đây. Chào
anh.”
Khi tôi quay lại,
nàng đã biến mất. Tôi đứng lên để có thể trông xa hơn thì nghe thông báo 2 phút
phạt đã kết thúc. Tôi nhấc chiếc rào chắn, quay vào sân băng.
Khán giả reo mừng
tôi trở lại. Dù nàng trốn ở đâu, nàng cũng phải nghe thấy tiếng reo hò nồng
nhiệt vì sự có mặt của tôi. Thế nên nào ai cần quan tâm đến việc nàng ở nơi
đâu.
Vậy nàng ở nơi đâu?
Al Redding táng
một cú chết người, thủ môn chúng tôi chuyền ngược bóng ra cho Gene Kennaway,
Ken chuyền sang khu vực của tôi. Khi đang trượt theo bóng, tôi nghĩ tôi phải
liếc lên khán đài trong một thoáng tìm kiếm Jenny. Tôi liếc lên. Và thấy nàng.
Nàng ở đó.
Điều kế tiếp tôi nhận
thức được là tôi đang té ngửa ra.
Hai tay Xanh lao
vào tôi, và tôi thì ngồi bệt ra đó, Chúa ơi, lúng túng một cách không thể tin
được. Barrett vứt đi! Tôi nghe tiếng các cổ động viên trung thành của Harvard
rên rỉ khi tôi ngoặt lại. Tôi nghe tiếng
hò reo của các cổ động viên Darmouth khát máu.
“Dập chúng nữa đi! Dập
chúng nữa đi!”
Jenny sẽ nghĩ gì?
Darmouth lại đưa
bóng xuống khu vực cầu môn chúng tôi, thủ môn đội nhà lại phá bóng. Kennaway đẩy
bóng lên cho Johnston, hắn đẩy nhẹ xuống cho tôi (lúc ấy tôi đã đứng dậy). Đám
khán giả đã nổi điên. Lần này phải có bàn thắng. Tôi chận bóng và lướt nhanh
qua đường vạch xanh của Darmouth. Hai hậu vệ Darmouth lao thẳng vào tôi.
“Tới luôn, Barrett, tới
luôn! Hạ chúng đi!”
Tôi nghe tiếng la thất
thanh của Jenny trong đám khán giả đã trở nên bạo động hết mức. Tôi làm động
tác giả qua một hậu vệ, đâm sầm vào tay kia mạnh đến nổi khiến hắn nín thở, và,
thay vì dứt điểm luôn, tôi chuyền ra cho Davey Johnston lúc đó đã lên trám cánh
phải. Davey táng bóng vào lưới. Harvard ghi bàn!
Trong một thoáng, chúng
tôi ôm nhau, hôn nhau. Tôi, Davey Johnston, và các tay khác. Ôm nhau, hôn nhau,
vỗ lưng nhau và nhảy tưng bừng mừng rỡ. Khán giả reo hò. Và tay Darmouth tôi xô
ngã vẫn còn ngồi bệt trên sân. Cổ động viên quăng các tờ chương trình xuống
sân. Tay hậu vệ đối phương đến gảy lưng mất vì đống giấy tờ đó! (Chỉ cường điệu
vậy thôi: hắn lồm cồm đứng lên khi đã thở lại được.) Chúng tôi thắng 7-0.
Nếu tôi là một người đa
cảm, và quan tâm tới Harvard đến mức treo một bức ảnh lên tường, thì đó không
phải là ảnh của tòa nhà Winthrop
hay nhà thờ Mem, mà là Dillon. Tòa nhà Dillon Field. Nếu tôi có một gia đình
tinh thần ở Harvard, thì đó chính là tòa nhà này. Nate Pusey có thể hủy bỏ bằng
tốt nghiệp của tôi vì câu nói đó, nhưng Thư viện Widener đối với tôi còn thua
xa Dillon. Mỗi chiều trong suốt thời sinh viên, tôi đã đi bộ vào nơi đó, chào
hỏi bạn bè một cách thoải mái, trút bỏ mọi lớp vỏ văn minh hình thức và trở
thành một con người thực sự. Thật tuyệt vời khi mang vào đôi ống bọc chân và
đôi giày trượt, mặc vào chiếc áo cũ số 7, rồi hướng về Watson Rink.
Chuyến trở về Dillon khá
hơn. Tôi lột bộ đồ nhớp nháp mồ hôi ra, trần trụi đi tới bàn để lấy khăn lau.
“Hôm nay thế nào, Ollie?”
“Khá, Richie. Khá,
Jimmy.”
Rồi vào phòng tắm
nghe hóng ai đó đã làm gì với ai khác bao nhiêu lần trong đêm thứ Bảy vừa rồi. “Tụi
mình kiếm được những cô ả này ở Mount Ida, thử
xem?... Và tôi được đặc cách
hưởng quyền mặc niệm ở một chỗ riêng tư, tự chúc phúc lành cho cái đầu gối bị
thương. Tôi cần phải ngâm nước nóng. Khi ngồi nhìn những vòng sóng nhỏ gợn
quanh đầu gối, tôi liệt kê những vết thương và sẹo (dù gì tôi cũng khoái
chúng), rồi nghĩ ngợi bâng quơ.
Tối nay, tôi nghĩ
về một cú ghi bàn, một cú chuyền mở cơ hội, và tự phong mình lên vị trí quan
trọng thứ ba trong đội All Ivy.
“Ngâm nước nóng hả Ollie?”
Đó là Jackie Felt, huấn
luyện viên, kẻ luôn tự cho mình là người hướng đạo tinh thần của chúng tôi.
“Trông thế nào Felt?”
Gã cười phá lên
một cách ngu ngốc.
“Cậu biết tại sao đầu
gối cậu như vậy không Ollie, biết không?”
Tôi đã tới mọi bác sĩ
trị liệu chấn thương ở phía Đông, nhưng Felt làm như gã là kẻ biết rõ hơn ai
hết.
“Cậu ăn không đúng
cách.”
Tôi thật sự không thú vị
tí nào.
“Cậu ăn không đủ muối.”
Có lẽ nếu tôi ừ à qua
chuyện gã sẽ biến đi.
“Ô kê, Jack, tôi sẽ ăn
nhiều muối hơn.”
Lạy chúa, gã đã vừa lòng
hả dạ. Gã đi ra, gương mặt ngốc nghếch đầy vẻ hể hả.
Dù sao thì tôi đã được ở
một mình. Tôi khoan khoái chuồi toàn thân đau nhức xuống bồn nước, nhắm mắt lại
và ngồi im, nước ấm dâng tới cổ.
Chúa ơi! Jenny ắt còn
đang chờ ở ngoài. Tôi hy vọng thế. Vẫn còn! Chúa ơi! Tôi đong đưa trong cái chỗ
ấm cúng này đã bao lâu rồi, trong khi đó nàng ở ngoài kia chịu cái lạnh vùng Cambridge? Tôi lập một kỷ lục mới về thời gian mặc quần
áo. Thậm chí người tôi vẫn chưa khô hẳn khi tôi mở cánh cửa chính của Dillon.
Gió lạnh quất vào tôi.
Lạy Chúa! Trời lạnh như băng. Và tối
đen. Vẫn còn một nhóm cổ động viên. Đa số là những tay cựu vận động viên trung
thành, những gã về mặt tinh thần không bao giờ tháo bỏ ống bọc chân. Những gã
như Già Jordan Jencks, không hề vắng mặt ở bất cứ trận đấu nào, sân nhà hay sân
khách. Bằng cách nào không biết? Tôi phải nói rõ Jencks là một ông chủ nhà băng
lớn. Tại sao những người như họ lại đam mê vậy nhỉ?
“Cậu rót banh tuyệt lắm,
Oliver.”
“Vâng, ông Jencks. Ông
biết chúng đã chơi ra sao đấy.”
Tôi nhìn quanh tìm kiếm
Jenny. Hay nàng đã bỏ đi, một mình cuốc bộ về Radcliffe?
“Jenny?”
Tôi rời khỏi đám cổ động
viên vài bước, tìm kiếm một cách tuyệt vọng. Đột nhiên, nàng ló ra từ một bụi
cây, gương mặt khuất dưới một chiếc khăn choàng, chỉ còn thấy đôi mắt long lanh.
“Chào anh, ở ngoài này
trời lạnh cóng.”
Gặp nàng, tôi mừng quá.
“Jenny!”
Tự nhiên, một cách bản
năng, tôi hôn nhẹ lên trán nàng.
“Tôi chưa cho phép anh
mà?”
“Cái gì?”
“Tôi có bảo là anh có
thể hôn tôi không?”
“Xin lỗi, tôi không tự
chủ.”
“Còn tôi thì có.”
Giờ thì chỉ còn lại hai
chúng tôi. Đêm đã khuya, tối đen và lạnh lẽo. Tôi lại hôn nàng. Nhưng không lên
trán, cũng không dịu nhẹ. Một thoáng lâu tuyệt diệu. Khi rời môi nhau, nàng vẫn
còn giữ chặt tay áo của tôi.
“Em không thích
đâu” Nàng nói.
“Cái gì?”
“Thật sự là em thích.”
Khi chúng tôi cuốc bộ
trở về (tôi có xe, nhưng nàng muốn đi bộ), Jenny vẫn bám vào tay áo của tôi.
Không phải là cánh tay, mà là ống tay áo của tôi. Đừng bảo tôi giải thích. Ở
bậc thềm Hội trường Briggs, tôi không hôn chia tay nàng.
“Nghe này, Jen, anh sẽ
không gọi điện cho em trong vài tháng.”
Nàng lặng im một lúc.
Một lúc lâu.
Cuối cùng nàng hỏi: “Vì
sao?”
“Vậy thì anh nói lại
nghe, anh sẽ gọi cho em ngay khi anh về tới phòng.”
Tôi quay lưng, cất bước.
“Cái gã đáng ghét
này!” Tôi nghe nàng thì thào.
Tôi xoay người lại
và gọi từ khoảng cách mười mét.
“Jenny, em cứ bày
trò đi, nhưng em không lừa được ai đâu!”
Tôi mong có thể
trông thấy vẻ mặt của nàng, nhưng nguyên tắc chiến thuật không cho phép tôi
nhìn trở lại.
Thằng bạn cùng phòng Ray
Stratton đang chơi bài với hai tay cầu thủ bóng bầu dục khi tôi bước vào phòng.
“Chào, bọn súc sinh.”
Chúng cất tiếng gầm gừ
đáp lễ.
“Tối nay thế nào, Ollie?”
“Một trái chuyền và một
trái ghi bàn,” tôi đáp.
“Cavilleri về rồi à?”
“Không dính dáng tới
cậu.”
“Đó là ai vậy?” một đứa
hỏi.
“Jenny Cavilleri,” Ray
đáp. “Một con nhỏ vớ vẩn học nhạc.”
“Tớ biết con nhỏ đó,“
tay còn lại nói, “Mông nó chắc nịch.”
Tôi làm ngơ các gã thô
lỗ và ồn ào này, gỡ chiếc ống nói ra và mang nó về phòng mình.
“Nó chơi piano trong
băng nhạc Bach,” Straton nói.
“Vậy còn với Barrett, nó
chơi món gì?”
“Chuyện này khó nói nghe!”
Bọn quái eng éc như heo,
gầm gừ như thú dữ và cười sặc sụa.
Tôi lên tiếng trong khi
đi ra: “Này quí vị, câm mõm đi.”
Tôi đóng cửa phòng lại
trong một đợt sóng ồn ào tiếng nói cười của bọn chúng, cởi giày, lăn ra giường
và gọi cho Jenny.
Chúng tôi nói thì thầm.
“Này, Jen....”
“Dạ?”
“Jen, em bảo sao nếu tôi
nói với em là ...”
Tôi ngần ngừ. Nàng chờ
đợi.
“Anh nghĩ là... anh yêu
em.”
Một giây yên lặng. Rồi
giọng nàng trả lời, thật dịu dàng.
“Em muốn nói là ... anh
đúng là một tên chết tiệt!”
Nàng gác máy.
Tôi chẳng buồn mà cũng
chẳng ngạc nhiên gì.
Chương III
Tôi bị thương trong trận đấu
với đội Cornell. Thực ra đó là lỗi của tôi. Đúng vào thời điểm căng nhất, tôi
đã sai lầm khi gọi trung vệ của họ là "Đồ Canuck bẩn thỉu". Tôi vô ý
không nhớ rằng có bốn thành viên của đội họ là người Canada – Cả bốn đều xuất hiện ngay tại
chỗ, sặc sụa tinh thần ái quốc, thân hình lực lưỡng và nghe câu chửi của tôi
không sót chữ nào. Ngoài chuyện bị thương, tôi gánh thêm nỗi nhục bị phạt.
Không bình thường chút nào: 5 phút vì đánh nhau. Bạn cứ nghe thử tiếng bọn fan
của Cornell diễu cợt tôi khi loa thông báo vụ phạt. Không có nhiều ủng hộ viên
Harvard đi suốt quãng đường chết tiệt tới Ithaca,
New York, dù là danh hiệu Ivy vẫn
còn nằm trên giày trượt. Năm phút! Tôi trông thấy tay huấn luyện viên đang vò
đầu bức tóc khi tôi trèo vào lồng phạt.
Jackie Felt trèo qua. Chỉ khi
đó tôi mới nhận ra toàn bộ phía bên phải mặt tôi là một đống máu me. "Chúa
ơi!" Gã lặp đi lặp lại khi tra tấn tôi với một liều thuốc cầm máu.
"Chúa ơi, Ollie."
Tôi ngồi lặng lẽ, nhìn trống
vắng về phía trước. Tôi xấu hổ không dám nhìn vào sân, nơi nỗi sợ hãi nhất của
tôi đang trở thành hiện thực: Cornell ghi bàn. Bọn fan bên Đỏ la hét, cười rú
lên. Tỷ số đang hòa. Cornell rất có khả năng thắng trận và tiêu đời danh hiệu
Ivy. Chó thật. Tôi đã qua phân nửa thời gian phạt.
Phía ngoài sân, lực lượng fan
nhỏ bé của Harvard buồn rầu và im lặng. Lúc này đám fan của cả hai bên đã bỏ
quên tôi. Chỉ còn độc nhất một khán giả vẫn dán đôi mắt vào lồng phạt. Vâng,
ông ta đã tới. "Nếu cuộc họp kết thúc sớm, ba sẽ tới Cornell". Ngồi
lẫn trong đám ủng hộ viên Harvard là Oliver Barrett III.
Bên kia, ông già mặt lạnh quan
sát với sự im lặng vô cảm khi những giọt máu cuối cùng rỉ xuống mặt đứa con
trai đã được chận lại bằng một miếng băng. Bạn cho là ông ấy đang nghĩ gì, thầm
chắc lưỡi hay đang lên lớp:
"Oliver, nếu con khoái đánh nhau, sao con không chơi đấm bốc?”
"Oliver, nếu con khoái đánh nhau, sao con không chơi đấm bốc?”
"Exeter không có đội quyền Anh ba ơi."
"Lẽ ra ta không nên đến
đây làm gì "
"Ba có nghĩ là con đánh
nhau vì lợi ích của ba không?”
"Thế à, ta không thể gọi
đó là lợi ích được."
Nhưng dĩ nhiên, ai mà biết ông
ấy nghĩ gì. Oliver Barrett III là một ngọn núi biết đi, và đôi khi biết nói.
Một ông già lạnh lùng như đá.
Có lẽ ông già mặt lạnh đang tự
ủy lạo mình như thường lệ: "Hãy nhìn ta đây, tối nay có rất ít khán giả từ
Harvard đến đây, nhưng ta là một trong số họ. Ta, Oliver Barrett III, một đại
doanh nhân điều hành những ngân hàng các thứ, ta đã phí thì giờ đến đây để xem
một trận hockey tệ hại. Thật là kỳ cục." (Đối với ai?)
Đám khán giả lại gào lên, lần
này thật sự điên cuồng. Một cú ghi bàn khác của Cornell. Họ đang dẫn điểm. Và
tôi thì còn phải chịu hai phút phạt nữa! Davey Johnston trượt ra, mặt đỏ lên
tức giận. Hắn lướt qua mà chẳng buồn liếc mắt nhìn tôi. Và, có phải tôi đã
trông thấy đôi mắt đẫm lệ của hắn không? Nghĩa là, vâng, danh hiệu vẫn còn trên
giày trượt, nhưng lạy Chúa, nước mắt! Vậy đó, Davey, đội trưởng, đã chuốc một
thất bại chua cay khó tin được: 7 năm chưa hề thua cuộc ở trường trung học hay
đại học. Điều này giống như một huyền thoại xấu. Và hắn lại là một sinh viên
năm cuối. Đây là trận thi đấu khó chịu cuối cùng của chúng tôi. Trận đấu mà
chúng tôi đã thua, 6-3.
Sau trận đấu, một cuộc chụp X
quang xác định là không có chiếc xương nào của tôi bị gãy, và bác sĩ Richard
Selzer khâu tới 12 mũi quanh má của tôi. Jackie Felt quanh quẩn ở ngoài phòng
điều trị, kể lể với người săn sóc sức khỏe của Cornell rằng tôi đã ăn uống
không hợp cách, rằng lẽ ra tôi đã tránh được nếu ăn đủ muối. Selzer phớt lờ
Jack, nghiêm khắc báo cho tôi biết về chấn thương ở "phía dưới hốc
mắt" (đó là những thuật ngữ y học), và khuyên tôi tốt nhất là nên ngưng
chơi một tuần.
Tôi cám ơn ông ta. Ông rời phòng, với Jack lẽo đẽo theo sau đấu hót huyên thuyên về vấn đề dinh dưỡng. Tôi mừng là được ở một mình.
Tôi cám ơn ông ta. Ông rời phòng, với Jack lẽo đẽo theo sau đấu hót huyên thuyên về vấn đề dinh dưỡng. Tôi mừng là được ở một mình.
Tôi tắm một cách chậm rãi, cố
không làm ướt chỗ đau trên mặt. Thuốc giảm đau đã tan đi một ít, nhưng ở một
phương diện nào đó tôi lại vui mừng vì cảm thấy đau. Tôi muốn nói là tôi đang
hoang mang không hiểu có phải mình đã phạm sai lầm lớn hay không? Chúng tôi đã
đánh mất thanh danh, phá vỡ truyền thống (mọi sinh viên năm cuối đều bất khả
chiến bại) của trường, và của Davey nữa. Có lẽ không phải hoàn toàn là lỗi của
tôi, nhưng lúc bấy giờ, tôi có cảm giác như vậy đó.
Trong phòng ngoài không còn ai.
Chắc họ đã sang bên nhà ăn cả. Tôi cho là không còn ai muốn nhìn mặt tôi, nói
chuyện với tôi. Với nỗi niềm chua xót, vị đắng ngắt khủng khiếp trong cổ họng,
tôi nhặt đôi gậy trượt và bước ra ngoài. Không có mấy tay fan của Harvard còn ở
lại trong cơn gió đêm lạnh lẽo vùng thượng New York.
"Gò má sao rồi, Barrett?"
"Tốt rồi, cám ơn ông
Jencks."
"Con cần một miếng bíp tết,"
giọng quen thuộc của một người. Đó là Oliver Barrett III. Ổng đúng là máy móc
khi đề xuất ra thứ dùng để chữa mắt bầm.
"Cám ơn ba, đã có bác sĩ lo rồi." Tôi chỉ vào miếng gạc phủ lên mười hai mũi khâu của bác sĩ Selze.
"Cám ơn ba, đã có bác sĩ lo rồi." Tôi chỉ vào miếng gạc phủ lên mười hai mũi khâu của bác sĩ Selze.
"Ta muốn nói là cho bao tử
của con ấy, con trai ạ."
Trong bữa ăn tối, chúng tôi lại
tái diễn cuộc trò chuyện ngắn ngủI – một
kiểu đối thoại mỗi người một phách – thường
bắt đầu bằng câu: "Con khỏe chứ, con trai " và kết thúc bằng câu:
"Ta giúp gì được cho con?"
"Con khỏe chứ, con trai?"
"Con khỏe chứ, con trai?"
"Dạ tốt, thưa ba."
"Mặt con có đau không?"
"Dạ không."
Tôi chợt nghe đau khủng khiếp.
"Ta muốn gọi Jack Wells
khám cho con vào sáng Thứ hai."
"Không cần đâu ba."
"Ông ta là chuyên
gia…."
"Bác sĩ của Cornell không
phải là thú y sĩ đâu", tôi đáp, hy vọng dập tắt được sự hâm mộ thái quá
của ông già đối với các chuyên gia, chuyên viên, và mọi mẫu người thuộc loại
"top-people" khác.
"Tệ quá," Oliver
Barrett III nhận xét một cách vui vẻ mà lần đầu tiên tôi cảm thấy, "con bị
thương một cách tệ hại."
"Dạ vâng", tôi đáp,
(Hình như tôi thầm khúc khích cười trong bụng).
Rồi tôi tự hỏi không biết trong câu nói nửa đùa nửa thật đó, ông có ám chỉ hành
vi của tôi trên sân băng hay không.
"Chắc ba cho rằng hồi
chiều này con đã hành động như thú vật?"
Vẻ mặt ông biểu lộ một vẻ hài
lòng khi tôi đặt câu hỏi. Nhưng ông chỉ đáp rất đơn giản:
"Thì chính con đề cập đến
thú y sĩ chứ ai."
Đến nước này, tôi chỉ còn mỗi
cách nghiên cứu bản thực đơn.
Vì vấn đề chính đã nêu ra, ông
già mặt lạnh bắt đầu thuyết giảng một hồi, tôi cố không nói gì đến thắng hay
bại. Ba tôi lưu ý tôi rằng chúng tôi đã đánh mất danh hiệu, nhưng nói cho cùng,
điều đáng quan tâm trong thể thao không là chiến thắng mà là thi đấu ra sao.
Ông đột ngột chấm dứt các nhận xét bằng một câu khẩu hiệu Olympic, và tôi cảm
thấy tất cả chỉ là khúc dạo đầu để ông dẫn đến kết luận là chẳng có gì lớn lao
lắm với sự xuống hạng của một đội tầm thường như Ivy. Nhưng tôi quyết không
thỏa hiệp, nên chỉ đáp lời ông bằng một câu cụt ngủn: "Vâng, thưa ba"
rồi im lặng.
Chúng tôi tiếp tục nói về đề tài thường lệ, xoay quanh mối quan tâm chính của ông già: các dự định của tôi.
Chúng tôi tiếp tục nói về đề tài thường lệ, xoay quanh mối quan tâm chính của ông già: các dự định của tôi.
"Oliver, cho ba biết
trường luật đã gọi con chưa?"
"Thực ra con chưa quyết
định học luật mà ba."
"Ta chỉ muốn biết trường
luật đã quyết định tuyển chọn con chưa."
Lại một câu dí dỏm nữa rồi.
Dường như tôi mỉm cười vì trò chơi chữ trẻ trung của ba tôi.
"Chưa, con chưa có tin gì
cả."
"Ta có thể ủng hộ giải
Zimmermann một chiếc nhẫn…"
Tôi ngắt lời ông.
"Ồ, đừng làm vậy, ba.
"
"Không phải để tác động
đâu," O.B. III lên giọng, "mà là để yêu cầu."
"Ba ơi, con muốn nhận thư
báo bình thường như bất cứ người nào khác. Xin ba."
"Ờ, dĩ nhiên. Tốt
lắm", ông nói thêm, "Ngoài ra, không nghi ngờ gì là con tất nhiên
phải được tuyển rồi."
Không hiểu sao, với tôi ông già
luôn có cách nói vừa ngợi khen nhưng vẫn vừa coi thường.
"Chả có gì, nói cho cùng
vì họ không có đội hockey thôi."
Tôi không hình dung được vì sao
mình lại nhượng bộ. Có lẽ vì ông nhìn sự việc ở một góc độ trái với tôi.
"Con có những phẩm chất
tốt ", ông nói, nhưng không giải thích thêm. (Tôi nghi là ông không thể.)
Bữa ăn cũng tệ y như cuộc trò
chuyện, trừ việc đoán trước về sự tẻ nhạt của nó, tôi không tài nào đoán được
ông già sẽ nói tới chuyện gì.
"Luôn luôn có đội quân Hòa
bình", ông thốt, gần như vui vẻ.
"Dạ?" tôi hỏi, không
chắc đó là một câu hỏi hay lời phát biểu của ông.
"Ta nghĩ đội quân Hòa bình
là một tổ chức khá, phải không?"
"Ồ, tất nhiên là nó khá
hơn đội quân Chiến tranh."
Chúng tôi hòa. Tôi không hiểu
ông muốn nói gì. Đề tài gì vậy? Chúng tôi đâu phải đang bàn về các chương trình
của chính phủ hay thời sự? Không. Tôi tạm quên đi chủ đề của chúng tôi, luôn
luôn là dự định của tôi.
"Ta không phản đối nếu con gia nhập đội quân Hòa bình, Oliver."
"Ta không phản đối nếu con gia nhập đội quân Hòa bình, Oliver."
"Đây là sự thỏa thuận ở
hai phía, ba." Tôi đáp, đối lại lòng rộng lượng của ông. Tôi chắc chắn ông
không bao giờ nghe tôi nói gì cả, thế nên tôi chả ngạc nhiên chút nào khi ông
không phản ứng gì với sự mai mỉa của tôi.
"Thế còn các bạn học của
con thì sao, thái độ của chúng như thế nào?"
"Dạ?"
"Chúng có cho rằng đội quân Hòa bình thích hợp với cuộc sống của chúng không?"
Tôi đoán ba tôi cần nghe câu trả lời sau như cá cần có nước: " Dạ có, ba."
Ngay cả bánh nhân táo cũng trở nên vô vị.
"Dạ?"
"Chúng có cho rằng đội quân Hòa bình thích hợp với cuộc sống của chúng không?"
Tôi đoán ba tôi cần nghe câu trả lời sau như cá cần có nước: " Dạ có, ba."
Ngay cả bánh nhân táo cũng trở nên vô vị.
Khoảng 11h 30, tôi đưa ông ra
xe.
"Ba giúp gì được cho con?"
"Không có gì, ba. Chào
ba."
Và ông lái xe đi.
Phải, có những chuyến bay giữa Boston và Ithaca,
New York, nhưng ba tôi luôn chọn
xe hơi. Không phải ông bỏ ra hàng giờ lái xe để làm bộ ta đây, đơn giản là vì
ông thích lái. Lái thật nhanh. Và vào giờ đó ban đêm, trong một chiếc Aston
Martin DBS người ta có thể chạy như điên. Tôi chắc là ba sẽ phá kỷ lục vận tốc
chặng Boston – Ithaca lập ra năm ngoái, sau trận chúng tôi
thắng Cornell và đạt danh hiệu. Tôi biết, tôi đã để ý thấy ông liếc qua chiếc
đồng hồ đeo tay.
Tôi quay về ký túc gọi điện
thoại cho Jenny.
Đó là khoảnh khắc dễ chịu nhất
trong suốt buổi tối. Tôi kể cho nàng nghe về trận đánh lộn, và phải nói là nàng
rất khoái. Các bạn trong băng nhạc của nàng rất hiếm khi cho hay nhận những cú
đấm.
"Ít nhất anh cũng "
làm thịt" cái gã đã đánh anh chứ?", nàng hỏi.
"Vâng. Làm thịt thật sự.
Anh giã nó như giã bột."
"Ước gì em nhìn thấy cảnh
đó. Có lẽ anh sẽ đập ai đó trong trận đấu ở Yale hả?"
"Vâng."
Tôi mỉm cười. Nàng biết cách yêu mến những điều đơn giản của cuộc đời này làm sao!
Tôi mỉm cười. Nàng biết cách yêu mến những điều đơn giản của cuộc đời này làm sao!
Chương IV
"Jenny đang gọi điện thoại
dưới chỗ cầu thang."
Cô gái trực tổng đài báo cho
tôi biết điều này, dù tôi chưa hề giới thiệu mình là ai, hoặc nói mục đích tới
Briggs Hall của mình vào buổi sáng thứ Hai đó. Tôi nhanh chóng kết luận ngay
mình đã đạt được điểm số cao.
Hiển nhiên cô bé ‘Cliffie chào
đón tôi đã đọc tờ Crimson và biết tôi. OK, chuyện này đã từng xảy ra nhiều lần
rồi. Quan trọng nhất là Jenny đã báo cho cô bé này biết cuộc hẹn giữa chúng
tôi.
"Cám ơn", tôi nói.
"Tôi chờ ở đây."
"Bọn Cornell thật tồi. Tờ
Crimson viết có tới bốn tên tấn công anh."
"Ờ, và tôi bị phạt. Năm
phút."
"Vâng."
Sự khác biệt giữa một người bạn và một kẻ hâm mộ – là với người thứ hai câu chuyện kết thúc rất mau.
Sự khác biệt giữa một người bạn và một kẻ hâm mộ – là với người thứ hai câu chuyện kết thúc rất mau.
"Jenny gọi xong chưa nhỉ?"
Cô ta kiểm tra lại bảng điện
rồi đáp:
"Chưa."
Jenny nói chuyện với ai? Kẻ nào làm nàng phải gác lại những giây phút hẹn hò quý giá của chúng tôi? Một tay chơi nhạc nào chăng? Tôi biết khá rõ gã Martin Davidson, sinh viên bên Adams House, trưởng ban nhạc Bach Society, hắn tự cho mình là một ứng cử viên sáng giá đối với Jenny. Không phải hắn. Tôi không tin gã đó làm được trò trống gì. Dù sao tôi cũng phải chấm dứt sự kỳ đà cản mũi này.
Jenny nói chuyện với ai? Kẻ nào làm nàng phải gác lại những giây phút hẹn hò quý giá của chúng tôi? Một tay chơi nhạc nào chăng? Tôi biết khá rõ gã Martin Davidson, sinh viên bên Adams House, trưởng ban nhạc Bach Society, hắn tự cho mình là một ứng cử viên sáng giá đối với Jenny. Không phải hắn. Tôi không tin gã đó làm được trò trống gì. Dù sao tôi cũng phải chấm dứt sự kỳ đà cản mũi này.
"Phòng điện thoại đặt ở đâu
vậy?"
"Sau góc đằng kia" Cô
gái chỉ cho tôi.
Tôi đi xuống. Từ xa, tôi đã
trông thấy Jenny. Nàng để ngỏ cửa phòng điện thoại. Tôi chậm bước, làm ra vẻ
thản nhiên, hy vọng nàng sẽ bắt gặp tôi, sẽ trông thấy miếng băng, những vết
thương, sẽ quẳng điện thoại xuống và lao vào vòng tay tôi. Khi đã tới gần nàng,
tôi thoáng nghe đoạn đối thoại cuối cùng: "Dạ, dĩ nhiên. Hoàn toàn như
vậy. Oh, me too, Phil, I love you too, Phil."
Tôi đứng chôn chân. Nàng trò
chuyện với ai? Không phải là Davidson, trong họ tên hắn không có chữ nào là
Phil cả. Từ lâu lắm, tôi đã kiểm tra về hắn trong bản danh sách lớp: Martin
Eugene Davidson, số 70 Riverside
Drive, New York.
Trung học âm nhạc và mỹ thuật. Bức ảnh cho thấy đó là một tên thông minh, đa
cảm, nhẹ hơn tôi cỡ hai mươi ký. Nhưng tôi cần gì để ý đến Davidson? Rõ ràng,
cả tôi và hắn đều bị Jenny Cavilleri cho ra rìa, vì một gã mà lúc này đây nàng
đang gửi tới một cái hôn gió qua điện thoại!
Tôi chỉ mới xa Jenny có 48 tiếng đồng hồ, thế mà một gã Phil nào đó đã bò vào giường với nàng rồi (chắc chắn là như vậy!)
Tôi chỉ mới xa Jenny có 48 tiếng đồng hồ, thế mà một gã Phil nào đó đã bò vào giường với nàng rồi (chắc chắn là như vậy!)
"Yeah, Phil, I love you
too, Phil. Bye."
Khi gác máy, nàng trông thấy
tôi, và chẳng chút đỏ mặt ngượng ngùng, nàng mỉm cười gửi cho tôi một nụ hôn
gió. Sao nàng lại có thể giả dối hai mặt như thế được nhỉ?
Nàng hôn nhẹ lên bên má không
bị thương của tôi.
"Chà, trông anh thật
tệ."
"Anh bị thương, Jen."
"Các gã kia trông có tệ
hơn?"
"Có. Nhiều. Lúc nào anh
cũng làm cho các gã khác trông tệ hơn."
Tôi nói, cố gắng giữ bình tĩnh,
kềm nén ước muốn được đấm gục bất kỳ gã nào đã bò vào giường với Jenny khi tôi
xa mặt, và rõ ràng là cũng đã cách lòng, với nàng. Nàng níu tay áo tôi, cả hai
đi ra cửa.
"Chào, Jenny" Cô gái
trực tổng đài gọi.
"Chào, Sara Jane"
Jenny đáp.
Khi chúng tôi đã ra ngoài, sắp
bước vào chiếc MG, tôi hít thật sâu, ém đầy lồng ngực không khí ban đêm, và đặt
câu hỏi, cố làm ra vẻ tình cờ.
"Nè, Jen…"
"Dạ?"
"Ơ…. Phil là ai vậy?”
Nàng đáp, một cách rất vô tư,
khi leo vào xe:
"Là ba em."
Tôi không thể tin được tai
mình.
"Em gọi ba mình là Phil?"
"Vì đó là tên ba mà. Vậy
anh gọi ba anh ra sao?"
Một lần, Jenny đã kể tôi nghe
về ba, một thợ nướng bánh mì gì đó ở Cranston,
Rhode, người đã nuôi dạy nàng từ tấm bé. Mẹ nàng chết khi nàng còn nhỏ xíu
trong một tai nạn xe hơi. Vì vậy mà nàng chả có bằng lái xe. Ba nàng, theo đánh
giá của mọi người, là một tay "đàn ông chân chính" (lời nàng nói),
lại dị đoan mê tín một cánh không ngờ, không bao giờ cho phép nàng lái xe. Suốt
những năm cuối ở trung học, việc đi lại khi nàng học piano với một người ở Providence thật sự khó
khăn. Nhưng nhờ vậy, nàng đã đọc hết các tác phẩm của Proust trên những chuyến
xe buýt dài dằng dặc đó.
"Anh gọi ba anh như thế
nào?", nàng lặp lại câu hỏi.
Tôi đang nghĩ ngợi đâu đâu,
không nghe rõ lời nàng.
"Cái gì?"
"Anh gọi ba anh bằng danh
xưng nào?"
"Ông cụ Khốt."
"Khi có mặt ông?"
"Anh chưa hề nhìn thấy mặt
ông."
"Ông ấy đeo mặt nạ?"
"Ở khía cạnh nào đó, vâng,
mặt nạ bằng đá. Hoàn toàn bằng đá."
"Sao nữa anh, chắc ông tự
kiêu kinh khủng nhỉ. Anh là một gã to cao đấy."
Tôi nhìn nàng. Tôi đoán nàng chả hiểu gì cả.
Tôi nhìn nàng. Tôi đoán nàng chả hiểu gì cả.
"Ba anh cũng vậy,
Jen."
"To hơn gã trung vệ đội
All Ivy?"
Tôi thích cái kiểu nàng thán
phục thể hình của tôi. Thật tệ là tôi phải tự xếp mình xuống thấp hơn khi kể về
ba cho nàng nghe.
"Ông từng dự cuộc thi chèo
xuồng đơn ở giải Olympic 1928."
"Ồ, ông thắng chứ?"
"Không", tôi đáp,
đoán rằng nếu nàng biết ba tôi đạt giải 6 vòng chung kết, nàng sẽ bảo ngay là
sự kiện này đã tạo cho tôi ít nhiều thuận lợi.
Kế đó là một phút lặng im. Giờ
đây, có lẽ Jenny đã hiểu được, là Oliver Barrett IV không chỉ có nghĩa là liên
quan đến cái công trình bằng đá ở sân đại học Harvard. Nó còn ẩn chứa một mối
đe dọa về thể chất. Tôi muốn nói, ở trong bạn, tức là ở trong tôi, mơ hồ hiện
hữu một niềm đam mê đối với thể thao.
"Nhưng ông ấy đã làm gì để
anh gọi là ông cụ Khốt?"
"Áp đặt anh" Tôi đáp.
"Xin lỗi?"
"Áp đặt anh" Tôi lặp
lại.
Nàng tròn mắt ngạc nhiên:
"Ý anh nói là…"
"Đừng đưa các vấn đề của
gia đình em ra với anh, Jen. Anh cũng có quá đủ chuyện của mình rồi."
"Như cái gì, Oliver, ví dụ
như ông buộc anh làm gì?"
"Những điều đúng
đắn".
"Thế có gì sai ở ‘những
điều đúng đắn’?" Nàng thắc mắc, có vẻ vui vui vì sự mâu thuẫn có vẻ hiển
nhiên.
Tôi kể cho Jenny nghe tôi bị áp
đặt theo truyền thống họ Barrett ra sao, điều mà lẽ ra nàng đã nhận ra khi
trông thấy tôi co người lại mỗi khi nhắc đến con số đặt sau tên họ của tôi. Tôi
ghét phải mang kèm theo bất cứ một con số x nào.
"Ồ vâng, em nhận thấy anh
ghét thậm tệ mấy thứ như đạt điểm A, vào đội All Ivy ra sao." Nàng chế
nhạo.
"Anh ghét bất cứ thứ gì
ông ấy muốn!" Bật thốt ra những điều mình luôn cảm nhận (nhưng chưa hề nói
với ai), tôi thấy buồn bực kinh khủng, nhưng hôm nay tôi phải làm cho Jenny
hiểu ra mọi chuyện. "Ông ấy vô cùng lãnh đạm mỗi khi anh tới gần. Làm như
cho anh gặp là ông đã ban phát một thứ gì ghê gớm lắm."
"Nhưng ông là một nhà
doanh nghiệp. Không phải ông rất bận rộn với các nhà băng và những điều đại
loại sao?"
"Jenny, em đứng về phía
của ai?"
"Đây là một cuộc chiến
à?" Nàng hỏi.
"Đúng vậy."
"Như thế ngớ ngẩn lắm,
Oliver."
Có vẻ như Jenny phản đối tôi
một cách chân thành. Bỗng dưng, tôi bắt đầu nghi hoặc rằng có một khoảng cách
giữa chúng tôi. Ý tôi là ba năm rưỡi ở trường đại học làm chúng tôi có nhiều
nhận thức chung mang tính truyền thống, nhưng khi chấp nhận ba tôi là một mẫu
người cứng rắn lạnh lùng, nàng liên hệ đến papa yêu dấu của mình, một người
mang giòng máu lai Ý-Địa Trung Hải, và không muốn bàn luận nhiều hơn.
Tôi cố đưa ra một dẫn chứng:
cuộc đối thoại không ai nghe ai ngớ ngẩn sau trận đấu với Cornell. Câu chuyện
này rất gây ấn tượng với nàng. Nhưng lại là một ấn tượng sai lệch hoàn toàn.
"Ông ấy đã đi cả một chặng
đường xa đến Ithaca
để xem một trận đấu hockey tồi tệ?"
Tôi cố giải thích với nàng ba
tôi lúc nào cũng chỉ hình thức mà thôi. Nhưng nàng vẫn còn bị ám ảnh với sự
kiện ông đã đi cả quãng đường dài cho một trận đấu tầm thường như vậy.
"Thôi, hãy quên chuyện đó
đi, Jen."
"Tạ ơn Chúa, anh vẫn còn
là con của ba anh", nàng đáp, " Chứng tỏ là anh chưa hoàn hảo
đâu."
"Được, em muốn nói là em
hoàn hảo chứ gì?"
"Không đâu, công tử ạ, nếu
em được như vậy, chắc gì em kết bạn với anh?"
Lại trở về chuyện bồ bịch tình tang của hai đứa chúng tôi, như thường lệ.
Lại trở về chuyện bồ bịch tình tang của hai đứa chúng tôi, như thường lệ.
Chương V
Tôi muốn nói đôi lời về quan hệ
thể xác giữa chúng tôi.
Suốt một thời gian lâu đến lạ
lùng, chả có gì xảy ra cả. Ý tôi là, không có gì ngoài những nụ hôn đã kể với
bạn (tôi vẫn nhớ chúng mồn một đến từng chi tiết). Điều này không phải là cách
hành xử quen thuộc của tôi.
Cho đến lúc đó, tôi luôn luôn
khá bốc đồng, không hề biết kiên nhẫn, và mau chóng đi đến hành động. Nếu bạn
nói với bất cứ ai trong số hàng tá cô gái ở Tower court, Wellesey, rằng Oliver
Barrett IV đã hẹn hò hàng ngày với một cô gái suốt ba tuần, mà chưa từng ngủ
với cô ta, chắc chắn họ sẽ phá ra cười và thắc mắc về nữ tính của cô gái đó.
Nhưng dĩ nhiên sự thật hoàn toàn khác hẳn.
Tôi không biết phải làm gì.
Đừng hiểu lầm hay chỉ hiểu theo
nghĩa đen. Tôi biết mọi động tác hành vi cần thiết. Tôi chỉ không sao đối phó
được với cảm giác của riêng tôi trong việc tiến hành các hành vi này. Jenny quá
thông minh, tôi sợ nàng sẽ cười mũi vào cái mà từ trước đến giờ tôi vẫn xem đó
là phong cách ngọt ngào lãng mạn (và không ai cưỡng lại được) của Oliver
Barrett IV. Vâng, tôi sợ bị từ chối. Và tôi cũng sợ nàng chấp nhận nó vì một
nguyên nhân sai lệch. Cái mà tôi đang cố tìm cách diễn đạt, có lẽ chính là vì
tôi có một cảm giác khác hẳn đối với Jenny, tôi không biết phải làm sao, và
thậm chí cũng không biết hỏi ai. (Sau này, nàng bảo tôi: "Lẽ ra anh phải
hỏi em.") Tôi chỉ biết tôi có cảm giác đó. Với nàng. Với toàn bộ con người
của Jenny.
"Anh sẽ thi trượt mất thôi, Oliver."
"Anh sẽ thi trượt mất thôi, Oliver."
Hôm ấy là một chiều Chủ nhật,
chúng tôi đang ngồi đọc sách, trong phòng tôi.
"Oliver, anh sẽ trượt nếu anh cứ ngồi đó nhìn em học."
"Oliver, anh sẽ trượt nếu anh cứ ngồi đó nhìn em học."
"Anh đâu có nhìn em học.
Anh đang học đấy chứ."
"Thôi đi. Anh đang nhìn
chân em."
"Chỉ thỉnh thoảng thôi mà.
Sau mỗi một chương."
"Chà, cuốn sách đó có
những chương đặc biệt ngắn đấy."
"Này, cô bé, em không quá
đẹp đến vậy đâu."
"Em biết, nhưng nếu anh
nghĩ vậy thì em đâu có cản anh được."
Tôi quẳng cuốn sách xuống, băng
qua căn phòng tới chỗ nàng.
"Lạy Chúa, Jenny, làm sao
anh đọc được John Stuart Mill khi trong từng giây phút một anh cứ thèm yêu em
chết được."
Nàng nhăn mặt.
"Ồ, Oliver, làm ơn đi
mà."
Tôi đứng tựa vào ghế Jenny.
Nàng cúi xuống quyển sách.
"Jenny…"
Nàng nhẹ nhàng gấp sách lại, đặt xuống bàn, rồi vòng tay qua cổ tôi.
"Ồ, Oliver, hãy làm ơn."
Nàng nhẹ nhàng gấp sách lại, đặt xuống bàn, rồi vòng tay qua cổ tôi.
"Ồ, Oliver, hãy làm ơn."
Và chuyện đó diễn ra. Tất cả.
Lần quan hệ đầu tiên của hai
đứa thật là tuyệt diệu. Tất cả thật chậm rãi, thật nhẹ nhàng, trân trọng. Tôi
không còn nhận ra đó có phải thực sự là Jenny không – một Jenny mềm mại, với
những vuốt ve rất dịu hiền trìu mến. Và cái làm tôi kinh ngạc nhất, là cả tôi
cũng vậy. Tôi trân trọng, dịu dàng. Có phải thực sự đó là Oliver Barrett IV?
Như đã nói, tôi chưa hề trông
thấy chiếc áo len của Jenny hở hơn một nút. Vậy nên tôi khá là ngạc nhiên khi
thấy nàng đeo một chiếc thánh giá vàng nhỏ xíu. Sợi dây chuyền không bao giờ
được tháo ra. Nghĩa là trong lúc chúng tôi yêu nhau, nàng vẫn đeo nó trên
người. Vào một khoảnh khắc nghỉ ngơi trong buổi chiều đáng yêu đó, tôi sờ chiếc
thánh giá, và hỏi nàng, không biết cha cố của nàng sẽ nói gì về việc chúng tôi
ngủ với nhau. Nàng đáp, nàng không có cha cố nào hết.
"Vậy em không phải là một
cô gái ngoan đạo hay sao?" tôi hỏi.
"Em là một cô gái, và em
ngoan.", Nàng đáp, rồi nhìn tôi chờ xác nhận. Tôi mỉm cười. Và nàng mỉm
cười lại với tôi:
"Vậy tức là có hai trong
ba."
Rồi tôi hỏi nàng về chiếc thánh
giá. Nàng giải thích đó là di vật của mẹ nàng, nàng đeo nó vì tình cảm chứ
không phải vì tôn giáo. Cuộc đối đáp quay về với chuyện của hai đứa với nhau.
"Này, Oliver, em có nói là
em yêu anh không nhỉ?"
"Chưa, Jen."
"Sao anh không hỏi
em."
"Anh sợ, thật đó."
"Vậy giờ hãy hỏi em
đi."
"Em có yêu anh không,
Jenny?"
Nàng nhìn tôi, nghịch ngợm:
"Anh nghĩ sao?"
"Ờ, anh đoán là… có lẽ…"
Tôi hôn cổ nàng.
"Oliver?"
"Hả?"
"Em không chỉ yêu anh…"
"Hả?"
"Em không chỉ yêu anh…"
Ôi, Chúa ơi, cái gì đây?
"Em yêu anh thật nhiều,
Oliver."
Chương VI
Tôi yêu mến Ray Straton.
Hắn có thể chẳng là thiên tài mà cũng chẳng là một cầu thủ giỏi
(loại tấn công hơi chậm), nhưng lúc nào hắn cũng là một người bạn cùng phòng
tốt bụng, chân thành. Và cái gã khốn khổ đó đã chịu bao cay đắng trong gần trọn
năm học cuối của chúng tôi. Hắn đi đâu để học khi trông thấy chiếc cà vạt treo
ở tay nắm cửa phòng (đó là ám hiệu truyền thống cho biết "bên trong có
việc"? Phải nhận rằng, hắn chẳng học hành nghiên cứu nhiều nhặn gì, nhưng
dù sao, đôi khi hắn cũng buộc phải nghiên cứu học hành. Cứ cho rằng hắn học ở
thư viện House, hoặc Lamont, hoặc thậm chí ở câu lạc bộ Pi Eta. Nhưng hắn ngủ ở
đâu, trong những đêm Thứ bảy, khi tôi và Jenny quyết định chống lại các lề luật
thông thường để ngủ chung nhau? Hắn hẳn phải van xin các phòng bên một xó để
chui vào, nếu như bọn đó không kẹt chuyện riêng. Trời, ít nhất thì chuyện cũng
diễn ra suốt từ sau mùa thi đấu. Còn tôi thì cứ ức hiếp hắn như vậy đó.
Nhưng Ray được gì đáp trả? Ngày xưa, tôi chia sẻ với hắn từng chi
tiết vụn trong những thắng lợi về tình ái của tôi. Giờ đây, hắn không những bị
chối bỏ cái quyền không thể chuyển giao là ở chung phòng, mà thậm chí không bao
giờ tôi công khai thừa nhận với hắn hai đứa tôi là tình nhân của nhau. Tôi chỉ
báo cho hắn biết khi nào chúng tôi cần phòng, chỉ vậy. Straton có thể rút ra
bất cứ kết luận nào tùy ý.
"Trời, ý tao là, Oliver, mày có tiến tới thật hay
chăng?" Hắn mãi hỏi tôi câu đó.
"Raymond, nhân danh tình bạn, yêu cầu mày đừng hỏi."
"Nhưng, trời, bao nhiêu buổi chiều, bao nhiêu đêm thứ Sáu, thứ
Bảy, trời, chắc mày phải tiến tới thôi."
"Vậy sao mày còn quấy rầy tao với câu hỏi đó nữa."
"Vì điều đó làm mất sức."
"Cái gì?"
"Toàn bộ mọi chuyện. Ý tao là, chưa bao giờ như thế trước
đây. Ý tao là, mày hoàn toàn bưng bít, không cho Ray lớn này biết một chút xíu
gì. Ý tao là không bảo đảm. Mất sức. Trời, con nhỏ đó làm cách gì mà mọi chuyện
khác hẳn đi vậy?"
"Nghe đây, Ray, đối với một tình yêu chín chắn…"
"Tình yêu?"
"Đừng nói như thể đó là một từ nhơ bẩn."
"Ở tuổi của mày? Tình yêu? Trời, tao sợ lắm đấy, bạn già
ơi."
"Sợ cho cái gì? Cho lý trí của tao?"
"Cho bằng cử nhân của mày. Cho sự tự do của mày. Cho cuộc đời
mày."
Ray khốn khổ. Hắn thực sự nghĩ như thế.
"Sợ mất đi một đứa bạn cùng phòng hả?"
"Con khỉ, ở mặt nào đó, tao có thêm một thì đúng hơn. Con nhỏ
đó chiếm quá nhiều thời gian ở đây."
Tôi đang thay đồ để đi dự một cuộc hòa nhạc, thế nên phải kết thúc
ngắn gọn cuộc đối đáp này.
"Đừng lo, Raymond Tụi mình sẽ kiếm một căn hộ ở New York.
Mỗi đêm là các em khác nhau. Tụi mình sẽ làm được mà."
"Đừng bảo tao không lo, Barrett. Con nhỏ đó lấy mất hồn mày
rồi."
"Mọi thứ đều nằm trong vòng kiểm soát." Tôi đáp,
"Thôi thoải mái đi." Tôi sửa lại chiếc cà vạt và bước ra cửa. Straton
có vẻ chưa hài lòng.
"Này, Oliver."
"Hả?"
"Mày sẽ tiến tới, phải không?"
"Lạy Chúa, Straton!"
Tôi không mời Jenny tới buổi hòa nhạc. Tôi đến để xem nàng. Ban
nhạc Bach Society trình diễn bản concerto số 5 của Brandenburg,
ở Dunster House, Jenny đảm nhiệm tay solo đàn clavico. Tôi từng nghe nàng chơi
nhiều lần, dĩ nhiên, nhưng chưa bao giờ trong cả ban nhạc hay trước đám đông.
Trời, tôi rất tự hào. Tôi không nghe thấy một lỗi nào ở phần trình diễn của
nàng cả.
"Anh không tin nổi em chơi tuyệt đến như vậy." Tôi bảo
nàng sau cuộc hòa nhạc.
"Chứng tỏ anh cũng khá rành âm nhạc đó, chàng công tử."
"Anh biết vừa đủ."
Chúng tôi đang ở trong khuôn viên sân Dunster. Đó là một buổi tối
tháng Tư, và người ta thấy mùa xuân cuối cùng đã quay trở về vùng Cambridge.
Các bạn học của nàng đang đi lại gần đấy (có cả Martin Davidson đang lén lút
gửi đến tôi cái nhìn căm ghét), vì vậy tôi không tiện lý luận dài dòng hơn với
nàng về âm nhạc.
Chúng tôi băng qua đài tưởng niệm ra lối dọc bờ sông.
"Nè anh, hãy nghĩ kỹ đi, được không. Em chơi được thôi. Không
tuyệt lắm. Thậm chí không như "All Ivy". Chỉ được thôi. OK?"
"OK. Em chơi được. Ý anh là lúc nào em cũng nên giữ được mức
đó."
"Ai nói là em không giữ được mức đó, lạy Chúa. Không phải là
em sẽ theo học với Nadia Boulanger sao?"
Nàng đang nói cái quái quỷ gì thế? Từ cách nàng đột ngột lặng im,
tôi đoán là nàng lỡ lời nói ra một điều không định nói.
"Ai chứ?"
"Nadia Boulanger. Một giáo sư nhạc nổi tiếng, ở Paris",
nàng nói hai từ cuối rất nhanh.
"Ở Paris?"
Tôi lặp lại thật chậm rãi.
"Cô ấy nhận dạy vài sinh viên Mỹ. Em rất may đó. Em còn được
một học bổng loại giỏi nữa."
"Jenifer. Em đi Paris thật sao?"
"Em chưa từng tới Châu Âu. Em nôn nóng muốn đi lắm."
Tôi xiết mạnh bờ vai nàng. Có lẽ hơi thô lỗ một chút chăng, tôi
cũng không biết nữa.
"Nào, em đã biết chuyện này lâu chưa?"
Lần đầu tiên Jenny không nhìn thẳng vào mắt tôi.
"Oliver, đừng có ngốc như thế, đây là chuyện tất yếu phải
đến."
"Tất yếu cái gì?"
"Mình tốt nghiệp, rồi mình sẽ phải chia tay nhau. Anh sẽ vào
học trường luật…."
"Khoan đã, em nói cái gì vậy?"
Giờ thì nàng nhìn vào mắt tôi. Và mặt nàng buồn rười rượi.
"Oliver. Anh là một cậu ấm con nhà tỷ phú. Còn em chỉ là một
con số không trong xã hội."
Tôi vẫn còn ôm bờ vai nàng.
"Việc đó có liên quan quái quỷ gì đến chuyện chia tay. Chúng
ta đang có nhau, chúng ta đang hạnh phúc."
"Đừng có ngốc nghếch nữa, Oliver," nàng lặp lại,
"Harvard như cái túi của ông già Noel, anh có thể nhét bất cứ loại đồ chơi
nào vào đó, nhưng khi lễ qua đi, người ta cũng vứt bỏ ra tất cả…" Nàng
ngần ngừ, rồi tiếp, "và anh lại quay về nơi anh đã từ đó đến."
"Ý em nói là em sẽ trở về làm thợ nướng một thứ bánh trái gì
đó ở Cranston,
Rhode Island
phải không?"
Tôi đang nói những lời tuyệt vọng.
"Nướng bánh ngọt." Nàng chữa lời tôi, "và đừng có
chế giễu ba của em."
"Vậy đừng rời xa anh, Jenny. Anh xin em."
"Thế còn học bổng của em? Còn chuyến đi Paris,
nơi mà cả cuộc đời khốn khổ của em chưa từng biết thì sao?"
"Thế còn đám cưới của chúng mình thì sao?"
Chính tôi nói những lời trên, dù trong một thoáng giây, tôi vẫn
chưa chắc là tôi đã thốt ra.
"Nào đã có ai nói gì về đám cưới đâu."
"Anh nói. Anh đang nói về nó, ngay bây giờ."
"Anh muốn cưới em?"
"Phải."
Nàng cúi mặt, không cười, mà chỉ hỏi:
"Vì sao?"
Tôi nhìn vào đôi mắt của nàng.
"Bởi vì…" Tôi nói.
"Ồ, đó là một lý do rất tốt." Nàng nói.
Nàng nắm cánh tay tôi (lần này thì không phải là tay áo), và chúng
tôi đi theo dọc theo lối bờ sông. Thật sự, không cần phải nói thêm điều gì nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét