Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Chuyện tình - Erich Segal - Kỳ II





 

Chương VII


Ipwish, Massachusetts, ở cách cầu sông Mytis chừng 40 phút lái xe, tùy vào thời tiết và tốc độ của bạn ra sao. Tôi đã có lần vượt quãng đường này trong 29 phút. Một tay chủ ngân hàng ở Boston rêu rao là hắn còn lái nhanh hơn, nhưng khi người ta nói về một thời gian dưới 30 phút để đi từ cầu Mytis tới gia thự họ Barrett, thì khi đó khó mà phân biệt giữa thực tế và óc tưởng tượng. Với tôi, thời gian 29 phút là giới hạn tuyệt đối. Người ta đâu thể làm ngơ các tín hiệu giao thông, phải không nào?
"Anh lái như một tên khùng ấy." Jenny nói.
"Đây là Boston" Tôi đáp, "Mọi người đều lái như điên". Lúc đó, xe của tôi đang dừng lại vì đèn đỏ ở đường số 1.
"Anh sẽ giết tụi mình trước cả lúc ba me anh giết tụi mình" Jenny nói.
"Nghe này Jenny, ba má anh là những người rất dễ thương."
Đèn chuyển sang xanh. Trong 10 giây, chiếc MG lên tới tốc độ 60 dặm/giờ.
"Kể cả ông cụ Khốt ư?"
"Ai?"
"Oliver Barrett III."
"À, ông ấy là người dễ thương, em sẽ thích ổng mà."
"Làm sao anh biết được?"
"Mọi người đều thích ổng."
"Vậy sao anh thì không?"
"Vì mọi người thích ổng."
Dù sao, vì lẽ gì mà tôi mang nàng đến gặp ba má tôi? Tôi có thực sự cần lời chúc phúc của ông già mặt lạnh không? Một phần đó là vì ý muốn của nàng, (Đó là điều phải làm, Oliver!) phần khác, vì O.B. III là người thanh toán món tiền học phí chết tiệt cho tôi.
Có cần phải là một buổi ăn tối ngày Chủ nhật không? Ý tôi nói, hình như tôi đã sai lầm, phải không? Chủ nhật, khi tất cả những tay tài xế cô hồn choán hết cả con đường số 1, và chen cả vào đường xe của tôi. Tôi quẹo ra đường Groton, một con đường tôi từng chạy hết tốc lực từ năm 13 tuổi.
"Ở đây chẳng có nhà, chỉ toàn cây", Jenny nói.
"Nhà cửa nằm sau rặng cây" Tôi đáp.
Khi xuống cuối đường Groton, bạn phải cẩn thận, nếu không bạn sẽ chạy lố qua ngã rẽ vào chỗ của bạn. Và thực tế là tôi đã chạy lố vào chiều hôm ấy. Khi thắng lại, tôi đã xuống quá 300 yard.
"Mình đang ở đâu?" Nàng hỏi.
"Chạy lố rồi." Tôi lẩm bẩm chửi thề.
Có cái gì mang tính biểu tượng chăng trong sự kiện tôi quay ngược lại 300 yard để vào lối nhà tôi? Dù sao, khi xe lăn bánh trên mảnh đất nhà Barrett, tôi chạy chậm lại. Ít nhất là nửa dặm từ ngã rẽ vào tới tòa nhà Dover House. Dọc đường, bạn đi qua những cao ốc, mà tôi chắc sẽ gây nhiều ấn tượng khi bạn mới tới lần đầu.
"Kinh thật." Jenny bảo.
"Gì vậy, Jen?"
"Dừng xe lại, không đùa đâu, Oliver."
Tôi dừng xe. Nàng nói:
"Chà, em không ngờ lại như thế này."
"Như thế nào, Jen?"
"Giàu sang thế này. Em cuộc là anh còn có cả nô lệ ở đây."
Tôi muốn nhích qua và nắm tay nàng, nhưng tay tôi ướt đẫm (một trạng thái bất thường), nên tôi chỉ khích lệ nàng bằng lời:
"Xin em đó, Jen. Mọi chuyện qua nhanh thôi."
"Vâng, nhưng không hiểu sao, em bỗng dưng ước gì tên của em là Abigail Adam hoặc Wendy Wasp."
Chúng tôi im lặng trong chặng đường còn lại, rồi tôi dừng xe, và hai đứa đi bộ tới cổng. Trong lúc chờ người ra mở cổng, Jenny không chống lại nổi cơn sợ hãi vào giây phút cuối.
"Ta chạy đi anh." Nàng nói.
"Ta sẽ ở lại và tranh đấu." Tôi đáp.
Có ai trong hai đứa tôi nói đùa chăng?
Florence, một đầy tớ trung thành và lâu năm của gia đình Barrett ra mở cổng.
"Ồ, cậu chủ Oliver." Bà mừng rỡ chào tôi.
Chúa ơi, tôi ghét bị gọi như thế làm sao! Tôi ghét cay ghét đắng sự cách biệt tuyệt đối giữa tôi và ông già mặt lạnh.
Ba má tôi, theo lời Florence, đang chờ ở thư viện. Jenny thối lui về sau mấy bước vì mấy bức tranh chân dung chúng tôi vừa đi lướt qua. Hầu hết đó là các tác phẩm của John Singer Sargent (có một bức vẽ O.B. II cao quý từng trưng bày ở bảo tàng Boston). Nhưng tôi chợt có một nhận thức mới mẻ, rằng không phải tất cả tiền nhân của tôi đều mang tên Barrett. Còn có các phụ nữ họ Barrett, đã kết hôn và đã sinh ra những người như Barrett Winthrop, Richard Barrett Sewall, và nhất là Abbott Lawrence Lyman, người đã táo bạo đi qua cuộc đời (và trường Harvard), trở thành một nhà hóa học nổi danh, mà chẳng có một chữ Barrett nào chen vào giữa tên của ông ấy cả!
"Chúa ơi, có đến phân nửa gương mặt các nhân vật được đặt tên cho các cao ốc ở Harvard treo ở đây!"
"Toàn là thứ vớ vẩn." Tôi bảo nàng.
"Em tự hỏi không biết liệu anh còn có họ hàng gì với Sewall Boat House chăng?" Nàng nói.
"Có. Anh sinh ra từ dòng họ đá và gỗ."
Ở cuối dãy tranh chân dung, ngay trước khúc quanh vào thư viện, có một chiếc hòm bằng thủy tinh. Bên trong là các kỷ niệm chương.
"Trông chúng đẹp quá. Em chưa bao giờ nhìn thấy những thứ thế này, hình như chúng làm toàn bằng vàng bạc hở?"
"Phải."
"Lạy Chúa. Của anh?"
"Không. Của ông ấy."
Bằng chứng về các kỷ lục này cho thấy O.B. III không dự giải Olympic Amsterdam. Tuy nhiên, ông ấy đã dự nhiều giải quan trọng khác, và ddạt thứ hạng cao. Nhiều. Rất nhiều. Những đồ vật lau chùi sáng chói này đang làm Jenny kinh ngạc.
"Người ta không tặng những món quí như thế này trong giải bowling ở Cranston."
Và nàng quay sang tôi.
"Anh có kỷ niệm chương chứ, Oliver?"
"Có."
"Trong chiếc hòm này?"
"Ở trên phòng anh, dưới gầm giường."
Nàng tặng cho tôi một cái nhìn rất đỗi tình tứ kiểu Jenny và thầm thì:
"Lát nữa mình sẽ lên đó và xem chúng, nhé?"
Trước khi tôi kịp đáp, và làm theo đề nghị của nàng, chúng tôi bị cắt ngang.
"A, xin chào."
Ông già Khốt! Đó là ông già Khốt.
"Ồ, chào ba. Đây là Jenny."
"Ờ, chào cô."
Ông bắt tay tôi trước lúc tôi nói hết lời giới thiệu. Tôi nhận ra ông không mặc bộ đồng phục nhà băng. O.B. III mặc một chiếc áo khoác ngắn thể thao bằng vải cashmere. Và sau vẻ mặt lạnh lùng, ẩn giấu một nụ cười.
"Ta vào đây, gặp bà Barrett."
Lại một lần nữa, hiếm hoi trong đời mình, Jenny co người lại. Gặp mặt Alison Forbes “Tipsy" Barrett. (Trong một khoảnh khắc, tôi tự hỏi, cái biệt danh thời nữ sinh ký túc của mẹ tôi có tác động gì tới bà không, nếu như bà không lớn lên trong một gia đình danh gia vọng tộc trong ngành bảo tàng). Bà chưa bao giờ tốt nghiệp đại học. Bà rời trường vào năm thứ hai, với lời chúc phúc tốt lành của ông bà ngoại tôi trong ngày hôn lễ với O.B. III.
"Alison vợ tôi, còn đây là Jenny."
Ông ấy đã tước khỏi tôi nhiệm vụ giới thiệu Jenny.
"Callivery" Tôi bổ sung, vì ông già không biết họ của nàng.
"Cavillery", Jenny nhẹ nhàng chữa lại, vì tôi đã nói sai – lần đầu và cũng là lần độc nhất trong cả đời tôi.
"Như trong Cavilleria Rusticana?" Má tôi hỏi, rõ là để chứng tỏ dù bà bỏ học, bà vẫn rất là có văn hóa.
"Dạ phải. Nhưng không có họ hàng gì hết." Jenny đáp.
"Ồ." Má tôi nói.
"Ồ." Ba tôi nói.
Và tôi, trong lúc tự nhủ không biết ba má tôi có hiểu kịp sự dí dỏm ngấm ngầm của nàng chăng, cũng chỉ còn biết góp phần: "Ồ?"
Má tôi bắt tay Jenny, và sau cái nghi thức thông thường đó, tất cả ngồi vào ghế. Mọi người lặng lẽ. Tôi cố nghĩ xem cái gì sẽ xảy ra. Không nghi ngờ gì nữa, má tôi đang đo lường Jenny, xem xét trang phục (đêm nay thì không có vẻ bụi đời), cung cách, điệu bộ, giọng nói của nàng. Dưới sự quan sát đó, giọng nói vùng Nam Cranston thậm chí ở vào cung bậc nhã nhặn nhất. Có lẽ Jenny cũng đang đo lường má tôi. Phụ nữ luôn như thế, tôi biết. Chắc là để vén những bí mật về cái gã đàn ông họ sắp sửa cưới. Và có lẽ nàng cũng đang đo lường O.B. III. Nàng có nhận ra ông ấy cao hơn tôi chưa nhỉ? Nàng có thích chiếc áo khoác cashmere của ông không?
Còn O.B. III, dĩ nhiên là ddang tập trung hỏa lực vào tôi, như thường lệ.
"Con khỏe chứ, con trai?"
Đối với một nhà học giả khốn khổ nào đó, hẳn ông là một người đối thoại tồi khủng khiếp.
"Tốt, ba. Tốt."
Đúng lúc đó, má tôi hỏi thăm Jenny.
"Chuyến đi của cháu xuống đây tốt chứ?"
"Dạ, tuyệt, và nhanh nữa ạ."
"Oliver lái xe nhanh đấy." Ông già mặt lạnh xen vào.
"Không nhanh bằng ba đâu." Tôi đáp lại.
Ông ấy sẽ nói sao?
"Ừ, ta cũng cho là thế."
Ba có dám cuộc không, ba?
Má tôi, người luôn đứng về phía ông, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chuyển sang một đề tài phổ quát hơn – âm nhạc hay nghệ thuật gì đó, tôi cho là vậy. Tôi không để ý nghe kỹ. Sau đó, một tách trà được đưa đến tay tôi.
"Cám ơn" Tôi nói, "Con phải đi sớm."
"Hả?" Lời Jenny. Hình như họ đang nói về Picini gì đó, và lời phát biểu của tôi, có vẻ bất ngờ. Má tôi nhìn sang tôi (một chuyện khá hiếm hoi).
"Nhưng con tới đây ăn cơm tối mà, đúng không?"
"Ơ, không được má à."
Cùng lúc đó, Jenny nói:
"Dĩ nhiên là được."
"Anh phải về." Tôi nghiêm trang bảo nàng.
Jenny nhìn tôi kiểu: "Anh đang nói tầm phào gì thế?". Và ông già lên tiếng.
"Con phải ở đây ăn cơm. Đó là mệnh lệnh."
Nụ cười giả tạo trên mặt ông không làm giảm chút nào vẻ ra lệnh. Và tôi không bao giờ chịu thua cái trò vớ vẩn đó, dù là của một tay vô địch Olympic đi nữa.
"Chúng con không thể, ba."
"Chúng ta phải ở lại, Oliver" Jenny nói.
"Tại sao?" Tôi hỏi.
"Vì em đói bụng." Nàng đáp.
Chúng tôi ngồi quanh bàn, ngoan ngoãn nghe lời cầu nguyện của Oliver III. Ông kính cẩn cúi đầu. Má tôi và Jenny làm theo y chang. Tôi khẽ nghiêng đầu.
"Cầu xin ban cho chúng con thức ăn và nhờ đó phục vụ người, cầu xin giúp cho chúng con không hề lo âu vì các nhu cầu, mong muốn khác. Chúng con nguyện cầu nhân danh cha và con và thánh thần. Amen."
Chúa ơi, tôi đang bị tra tấn. Bộ ông ấy không thể bỏ qua lòng mộ đạo chỉ một lần này hay sao? Jenny sẽ nghĩ gì? Trời, đúng là một cú quay ngược về thời Trung cổ.
"Amen." Lời của má tôi (và của Jenny nữa, rất khẽ).
"Phát bóng đi!" Tôi la lên, làm ra bộ vui hí hửng.
Hình như không có ai buồn cười cả. Ít nhất là vậy đối với Jenny. Nàng ngó lơ không nhìn tôi. O.B. III liếc nhanh tôi.
"Ta rất mong con thỉnh thoảng chơi bóng, Oliver."
Chúng tôi không hoàn toàn im lặng trong khi ăn, nhờ tài năng đặc biệt của má tôi với các câu chuyện vặt.
"Thế ba má cháu ở Cranston hả Jenny?"
"Gần như thế. Má cháu ở Fall River."
"Họ Barrett có các cối xay bột ở Fall River" O.B. III nói.
"Nơi họ bóc lột dân nghèo suốt nhiều thế hệ" O.B. IV nói thêm.
"Vào thế kỷ 19" O.B. III nói thêm.
Má tôi mỉm cười, rõ ràng là hài lòng với cú phản công của ông. Nhưng chưa đâu!
"Thế các kế hoạch tự động hóa cối xay thì sao?" Tôi phát bóng lại.
Một thoáng yên lặng. Tôi chờ đợi một lời trả đũa gay gắt.
"Uống cà phê nhé?" Alison Forbes Tipsy Barret nói.
Chúng tôi lui vào thư viện, chờ đợi vòng đấu cuối. Jenny và tôi phải lên lớp ngày mai, ông già có nhà băng và các thứ, và chắc chắn là Tipsy có một vài điều gì đó để làm.
"Cho đường chứ, Oliver?" Má tôi hỏi.
"Oliver lúc nào cũng uống có đường, em ạ." Ông già nói.
"Cám ơn. Bữa nay thì không" Tôi nói, "Cà phê không thôi, má."
Ồ, mọi người chúng tôi đều đã cầm ly, và đang ngồi đó, ấm cúng, hoàn toàn không có gì để nói với nhau. Vì vậy, tôi đưa ra một đề tài.
"Jenny, nói cho anh biết –- em nghĩ sao về đội quân Hòa bình?"
Nàng nghiêng người sang tôi, nhưng từ chối hợp tác.
"Ồ, anh chưa nói với chúng sao, O.B.?" Má tôi hỏi.
"Chưa tới lúc, em yêu." O.B.III đáp, với một vẻ vui vui giả tạo và hẳn đang ngầm kêu lên: "Hãy hỏi ta đi, hãy hỏi đi!" Thế nên tôi hỏi.
"Đó là gì vậy, ba?"
"Không có gì quan trọng cả, con trai."
"Không hiểu sao anh lại nói vậy" Má tôi thốt, và bà quay sang tôi, thông báo với vẻ đầy quyền lực. (Tôi đã bảo bà đứng về phía ba tôi):
"Ba con sẽ là chủ tịch đội quân Hoà bình."
"Ồ."
"Ồ." Jenny cũng kêu lên, nhưng với giọng khác hẳn, đầy vẻ vui sướng.
Ba tôi vờ như hơi bối rối, còn má tôi thì hình như đang chờ tôi nghiêng đầu thán phục. Nói cho cùng, đó đâu phải là chức Thống đốc.
"Xin chúc mừng, ông Barrett" Jenny nói.
"Vâng, chúc mừng, ba."
Má tôi vẫn còn nôn nao nói về chuyện đó.
"Má nghĩ đó là một kinh nghiệm rất tốt về giáo dục" Bà nói.
"Ồ vâng, đúng vậy." Jenny đáp.
"Vâng," Tôi nói, không tin tưởng mấy. "Chà, má làm ơn đưa lọ đường cho con với."

 

Chương VIII

 

"Jenny, nói cho cùng, đó đâu phải là Thống đốc!"
Cuối cùng, nhờ trời, chúng tôi đang quay ngược về Cambridge.
"Im lặng đi Oliver, lẽ ra anh nên nhiệt tình hơn mới phải."
"Thì anh đã chúc mừng đó."
"Anh không độ lượng gì hết."
"Vì Chúa, em còn mong đợi gì ở anh nữa đây?"
"Ôi trời, tất cả mọi chuyện làm em muốn bệnh."
"Cả hai chúng ta đều muốn bệnh" Tôi bổ sung.
Sau đó, chúng tôi im lặng trong một đoạn đường dài, nhưng rồi tôi thấy có điều gì trục trặc.
"Tất cả mọi chuyện gì làm em muốn bệnh, Jen?" Tôi hỏi sau một lúc trầm ngâm.
"Cái cách đối xử kinh tởm của anh đối với ba anh."
"Vậy còn cách đối xử kinh tởm của ông đối với anh thì sao?"
Tôi đã chạm vào nơi nhạy cảm của nàng. Bởi vì Jenny bắt đầu có cảm giác bị tổn thương trong tình cảm với gia đình họ đàng trai. Cái kiểu của một cô gái lai Ý-Địa Trung Hải. Và tôi đã thiếu tôn trọng biết bao.
"Anh gây khó dễ cho ông ấy, gây khó dễ cho ông ấy."
"Cả hai bên đều vậy, Jen. Em không nhận ra à?"
"Em thấy anh không từ làm bất cứ chuyện gì, miễn là chọc tức được ba anh."
"Không thể chọc tức được O.B.III đâu Jen."
Có một khoảnh khắc im lặng kỳ lạ trước khi nàng đáp lại:
"Có lẽ trừ phi anh cưới Jennifer Cavillery…"
Tôi cố giữ bình thản để tìm chỗ đậu xe trước một dãy quán ăn hải sản. Rồi tôi quay sang nàng, nổi điên lên.
"Em nghĩ vậy thật sao?"
"Em nghĩ một phần nào đó là như vậy". Nàng lặng lẽ đáp.
"Jenny, em không tin là anh yêu em thật sao?" Tôi hét lên.
"Có, nhưng ở một khía cạnh khùng điên nào đó, anh cũng yêu cả cái giai tầng xã hội thấp kém của em."
Tôi không nghĩ ra điều gì để nói ngoài chữ "không đâu". Tôi nói nó nhiều lần, với nhiều giọng khác nhau. Nghĩa là, tôi vô cùng phiền muộn, thậm chí tôi tự hỏi liệu có một chút xíu sự thật nào không trong câu nói tồi tệ của nàng.
Nhưng cả nàng cũng đâu có vui gì.
"Em không phán xét, Oliver. Em chỉ nghĩ vậy thôi. Em muốn nói là em biết rằng em không chỉ yêu anh, em yêu cả tên anh, yêu cả con số của anh."
Nàng ngoảnh mặt ra chỗ khác, và tôi nghĩ là nàng sắp khóc. Nhưng nàng không khóc, nàng nói tiếp:
"Nói cho cùng, đó là một phần của con người anh mà."
Tôi ngồi im một lúc, ngó ra một ngọn ddèn néon lượn theo dòng chữ " Trai & Hàu". Điều làm cho tôi yêu Jenny kinh khủng là khả năng nhìn vào nội tâm tôi, hiểu được những điều tôi không cần phải thốt ra. Nàng vẫn đang nhìn vào nội tâm tôi lúc này. Nhưng liệu tôi có thể đối diện nổi với sự thật là tôi không hoàn hảo? Trời, nàng đã đối diện với sự không hoàn hảo của tôi, và của riêng nàng. Trời, tôi cảm thấy mình thật đáng khinh.
Tôi không biết nói gì.
"Em có muốn ăn trai hoặc hàu gì đó không, Jen?"
"Anh có muốn bị đấm vào mồm không, Ollie?"
"Muốn." Tôi đáp.
Nàng co bàn tay lại thành một nắm đấm rồi gá nhẹ vào má tôi. Tôi hôn nó, và khi tôi nhích người qua để ôm nàng, nàng giơ thẳng tay đẩy tôi ra, và hét lên:
"Lái xe đi, công tử. Nắm lấy tay lái và phóng đi!"
Tôi làm. Tôi làm.

***

Lời chỉ trích của ba tôi liên quan đến cái mà ông gọi là tốc độ. Vội vàng. Hấp tấp.Tôi không nhớ chính xác từ ông dùng. Nhưng tôi biết bài thuyết giáo của ông trong buổi ăn trưa tại câu lạc bộ Harvard chủ yếu là về việc tôi tiến tới quá nhanh. Ông xoa dịu bằng lời nhắc nhở tôi dùng thức ăn. Tôi nhã nhặn lên tiếng, rằng tôi đã trưởng thành, rằng ông không nên chỉnh đốn, hoặc thậm chí là phê phán những cách hành xử của tôi. Ông lý luận rằng cho dù là những nhà lãnh tụ cỡ thế giới đôi khi cũng cần những lời phê bình xây dựng. Tôi cho là ông có ngụ ý tới vai trò của ông ở Washington trong nhiệm kỳ thứ nhất của Roosevelt. Nhưng tôi không định giúp cho ông hoài niệm về F.D.Roosevelt, hoặc vai trò của ông trong việc cải tổ ngân hàng Mỹ. Vì vậy tôi im lặng.
Chúng tôi, như đã nói, đang ăn trưa trong câu lạc bộ Harvard, ở Boston. (Tôi tiến hành quá nhanh, nếu bạn chấp nhận sự phỏng đoán của ba tôi). Có nghĩa là vây quanh chúng tôi là những bạn bè, thân chủ, người ái mộ…vv… của ông. Nghĩa là công việc này chán ngắt, nếu như đó là công việc. Nếu bạn thực sự lắng nghe, bạn sẽ nghe thấy những câu thì thầm to nhỏ, ví dụ như: "O.B. đi tới đó", hoặc "Đó là Barrett, nhà thể thao lớn".
Đang có một hiệp đấu khác trong cuộc đối thoại đầu Ngô mình Sở của chúng tôi. Chỉ có một điều là, lần này, chủ đề câu chuyện rất hiển nhiên.
"Ba, ba không nói một lời nào về Jenifer."
"Có gì để nói? Con đặt chúng ta trước một việc đã rồi, không phải vậy sao?"
"Nhưng ba nghĩ sao?"
"Ta cho là cô ấy đáng nể phục. Với một cô gái xuất thân như vậy mà len lên tới đại học Radcliffe…"
Bằng cái kiểu đánh trống lãng này, ông đã né tránh vấn đề.
"Hãy đi thẳng vào vấn đề đi ba."
"Vấn đề là cô gái ấy không có quan hệ gì trong việc này cả", ông nói, "vấn đề là ở bản thân con."
"Nghĩa là?"
"Sự chống đối của con" Ông nói, "Con đang chống đối, con trai ạ."
"Ba, con không hiểu được vì sao cưới một sinh viên Radcliff xinh xắn thông minh lại là sự chống đối. Cô ấy đâu phải loại gái hip-py."
"Cô ấy không là nhiều thứ."
A, chúng tôi đã đi tới điểm nút. Một sự hiển nhiên khốn kiếp.
"Cái gì làm phiền ba nhất, vì cô ta theo đạo Thiên Chúa, hay vì cô ta nghèo?"
Ông đáp lời tôi bằng những tiếng thầm thì, người hơi ngã về phiá tôi.
"Cái gì đã hấp dẫn con nhất?"
Tôi muốn đứng dậy, bỏ đi. Tôi bảo với ông điều đó.
"Ở lại đây, và nói như một gã đàn ông." Ông bảo.
Để đối kháng lại cái gì? Một cậu bé? Một cô bé  Một con chuột? Dù sao, tôi ngồi lại.
Ông già tỏ vẻ hài lòng khi thấy tôi ngồi lại. Có thể nói, ông xem điều đó là một trong những thắng lợi của ông đối với tôi.
"Ta chỉ yêu cầu con chờ đợi một thời gian."
"Hãy làm rõ nghĩa chữ ‘thời gian’ đi ba."
"Sau khi tốt nghiệp trường luật. Nếu đó là tình yêu thực sự, nó có thể chịu được sự thử thách của thời gian."
"Nó là thực sự. Nhưng vì cái quái gì con phải để cho thời gian thử thách."
Thế là rõ cả. Tôi nghĩ. Với ông, tôi đang vùng lên, chống lại ông. Chống lại sự phán quyết của ông. Chống lại sự thống trị và kiểm soát một cách áp đặt của ông lên cuộc đời tôi.
Ông bắt đầu một hiệp đấu mới:
"Oliver, con chưa trưởng thành."
"Chưa trưởng thành là sao?" Tôi mất bình tĩnh, thật là khốn kiếp.
"Con chưa đủ 21 tuổi. Chưa là người thành niên theo pháp luật."
"Quẳng cái pháp luật chết tiệt ấy cho rồi!"
Có lẽ vài người bên cạnh nghe câu nói của tôi. Như để trừng phạt sự lớn tiếng đó, O.B. III rót tới tai tôi những tiếng thì thào cay đắng:
"Cưới nó đi, và ta không chúc phúc cho con trong ngày đó đâu."
"Ba, ba sẽ không biết gì về ngày đó."
Tôi đi, ra khỏi cuộc đời ông, và bắt đầu cuộc đời của riêng tôi.


Chương IX

 

Giờ còn lại vấn đề ở Cranston, Rhode Island, một thành phố phía Nam Boston. Sau thất bại thê thảm trong cuộc ra mắt Jennifer với ba má đàng trai, tôi không còn chút xíu tự tin nào để trông mong một điều tốt đẹp trong cuộc gặp gỡ với ba nàng. Tôi bị đè nặng dưới áp lực của một tình phụ tử kiểu Ý-Địa Trung Hải, thêm nữa, Jenny là cô con gái rượu độc nhất của ông, thêm nữa, nàng mồ côi mẹ, nghĩa là nàng vô cùng thân thiết gắn bó với cha. Nghĩa là tôi sắp đương đầu với tất cả những áp lực tình cảm mà các sách vở tâm lý giáo khoa đã mô tả.
Và thêm một điều, tôi hoàn toàn tay trắng.
Hãy cứ tưởng tượng một anh chàng người Ý đẹp trai Olivero Barretto nào đó sẽ đổ bộ xuống Cranston. Hắn tới gặp cụ Cavillery, đầu bếp chính một xưởng bánh ở đó, và nói với ông ta: "Cháu muốn lấy con gái rượu của bác là Jennifer". Lời đầu tiên ông già thốt lên sẽ là gì? (Ông chắc là không đặt vấn đề về tình yêu của gã Barretto, vì nếu có ai đó biết Jenny, hẳn phải yêu Jenny thôi, đó là chân lý). Không, cụ Cavillery sẽ nói đại loại thế này:
“Barretto, cậu sẽ chăm sóc nó ra sao?"
Và hãy hình dung phản ứng của cụ Cavillery nếu Barretto bảo rằng, trái lại, ít nhất là trong ba năm tới, con gái của ông sẽ phải chăm sóc cho chàng rể! Chả lẽ nào ông già lại không đuổi cổ gã ra khỏi nhà, hoặc thậm chí tống cho vài nắm đấm, nếu cái gã Barretto đó không to con bằng tôi!
Tôi dám cuộc mười ăn một là như thế.
Có thể cần giải thích vì sao tôi lại tuân thủ mọi biển hiệu về tốc độ tối đa vào một buổi chiều Chủ nhật trong tháng Năm ấy, khi hai chúng tôi đang xuôi về hướng Nam trên đường số 95. Tới một khúc đường, Jenny – đã trở nên thích thú với kiểu chạy tốc độ của tôi – phàn nàn rằng tôi chạy ở vận tốc 40 trong một cung đường cho phép tốc độ tối đa là 45 dặm/giờ.
Tôi bảo nàng là chiếc xe cần được sửa lại, nàng chẳng tin chút nào.
"Nói lại anh nghe xem nào, Jen."
Kiên nhẫn chẳng bao giờ là một đức tính của Jenny, và nàng từ chối lặp lại lời đáp các câu hỏi ngốc nghếch để giúp tôi củng cố lòng tự tin.
"Nào, chỉ một lần nữa thôi, Jen."
"Em đã gọi cho ba. Em nói chuyện với ông. Ông bảo được. Bằng tiếng Anh, vì, như em từng nói với anh mà anh không tin, rằng ông chả biết một tí quái gì tiếng Ý ngoài vài câu chửi tục."
"Nhưng ‘được’ là sao?"
"Anh không định bảo là Khoa luật trường Harvard đã thu nhận một gã không thể định nghĩa ngay cả từ ‘được’ chứ ?"
"Đây không phải là thuật ngữ pháp lý, Jenny."
Nàng nắm tay tôi. Ơn Chúa, tôi hiểu. Nhưng dù sao, tôi vẫn cần sự phân loại. Tôi cần phải biết tôi được đánh giá ra sao.
"‘Được’,nghĩa là em sẽ tự gánh chịu mọi trách nhiệm."
Tim nàng chợt từ bi để lặp đi lặp lại lần thứ n các chi tiết trong cuộc trò chuyện với ba nàng. Ông ấy rất sung sướng. Vâng, sung sướng. Khi tiễn chân nàng lên học ở Radcliff, ông không bao giờ chờ đợi nàng sẽ quay về để lấy anh chàng nhà bên cạnh (kẻ đã từng hỏi cưới nàng ngay trước lúc nàng đi học). Lúc đầu, ông ngờ vực khi biết người nàng dự định lấy chính là Oliver Barrett IV. Rồi ông cảnh cáo nàng không được vi phạm điều răn thứ mười một của Thánh kinh.
"Đó là điều răn gì?" Tôi hỏi.
"Không được lừa dối ba anh."
"Ồ."
"Chỉ có vậy thôi, Ollie. Thật đó."
"Ông ấy có biết anh nghèo?"
"Biết."
"Ông ấy không quan tâm?"
"Ít nhất anh và ba đã có một cái gì đó giống nhau."
"Nhưng chắc ông sẽ sung sướng hơn nếu anh rủng rỉnh một tí, phải không?"
"Thế anh thì sao?"
Tôi ngậm miệng suốt quãng đường còn lại.
Nhà Jenny nằm trên đường Hamilton Avenue, một dãy dài những căn nhà gỗ nhỏ, có đầy trẻ con trước cửa, và dăm cây cối khẳng khiu. Khi chạy dọc theo con đường để tìm chỗ đậu xe, tôi có cảm giác như đang ở một đất nước nào xa lạ. Đầu tiên là có thật nhiều người. Ngoài bọn nhóc đang chơi đùa, còn có nhiều gia đình kéo nhau ra ngồi cả ngoài cổng, rõ ràng là không có việc gì tốt hơn để làm trong buổi chiều Chủ nhật ấy, ngoài việc nhìn ngó tôi tìm cách đậu chiếc MG.
Jenny nhảy ra trước. Nàng linh lợi một cách bất ngờ ở Cranston, chẳng khác nào một con cào cào nhỏ. Khi các nhà quan sát viên đầu cổng nhìn thấy nàng, họ đồng loạt reo hò. Hệt như chào một nhà lãnh tụ! Khi nghe tiếng reo chào mừng đón Jenny của họ, tôi hầu như mắc cỡ, không dám ló ra khỏi xe. Đâu phải chỉ trong thoáng chốc tôi đã có thể hóa thân thành chàng Olivero Barretto tưởng tượng.
"Ê, Jenny!" Tôi nghe giọng một người ddàn bà the thé hét gọi nàng một cách vui vẻ.
"Ê, bà Capodilupo" Tôi nghe Jenny đáp lại. Tôi đu ra khỏi xe. Hàng chục đôi mắt dán vào tôi.
"Nè, cậu nhỏ này là ai thế ?" bà Capodilupo la lên. Ở đây họ không biết tế nhị là gì sao nhỉ?
"Anh ta chả là cái thá gì hết!" Jenny đáp. Điều này làm tôi thấy tự tin hơn.
"Có thể" Bà Capodilupo lại hét, "Nhưng cô gái đi với anh ta thì là chắc chắn là phải ngon lành há."
"Anh ấy biết." Jenny đáp.
Rồi nàng quay sang đáp lễ nhóm bà con lối xóm ở phía còn lại.
"Anh ấy biết." Nàng nói với mọi người thuộc nhóm này. Rồi nắm lấy tay tôi (tôi là một kẻ lạ ở thiên đường), nàng lôi tôi lên thang gác ngôi nhà số 189 A đường Hamilton.
Đó là một khoảnh khắc đầy bối rối.
Tôi đứng sững người khi Jenny nói "Đây là ba em". Và Phil Cavillery, một tay bự xự (nặng cỡ 75 ký, cao cỡ 1,8m), một mẫu đàn ông Rhode Island trạc cuối tứ tuần, chìa tay ra cho tôi.
Chúng tôi bắt tay, và ông xiết rất mạnh tay tôi.
"Chào ông."
"Phil" Ông ấy chỉnh, "Ta là Phil."
"Dạ, ông Phil." Tôi lặp lại, tiếp tục bắt tay ông.
Vẫn còn là một phút giây đáng sợ. Bởi vì, lúc ấy, ngay sau khi Cavillery buông tay tôi, ông quay sang cô con gái và ddột ngột hét lớn:
"Jennifer!"
Trong một chớp mắt, không có gì xảy ra. Rồi họ ôm chặt nhau. Rất chặt. Xô tới đẩy lui. Tất cả những gì ông già Cavillery có thể thốt nên lời là (giờ thì rất nhẹ nhàng êm ái) lặp đi lặp lại tên con gái; "Jennifer". Và tất cả những gì cô sinh viên danh dự trường Radcliffe đáp lại là: "Phil".
Tôi đã xác định được mẫu người của ông già.
Có một cái thuộc thời niên thiếu đã giúp ích cho tôi trong chiều hôm ấy. Tôi luôn luôn được giảng giải rằng không được nói chuyện khi mồm đang ngậm thức ăn. Vì cả hai cha con cứ hợp lực nhau nhồi thức ăn vào miệng tôi, tôi chả cần phải nói. Tôi đã ngốn một số lượng kỷ lục các thứ bánh ngọt Ý. Sau đó, khen ngợi tí chút những món tôi thích nhất (Tôi ăn ít nhất là hai cái mỗi loại, vì e rằng có thể làm mất lòng chủ nhà.) trong niềm vui sướng của hai bố con.
"Cậu ấy được đấy." Phil Cavillery bảo con gái.
Có nghĩa là sao?
Tôi không cần định nghĩa chữ "được". Đơn giản, tôi muốn chỉ biết cái gì trong các ứng xử của tôi đã làm tôi hưởng được sự đánh giá tốt đẹp đó.
Có phải tôi đã thích đúng một loại bánh nào đó? Tôi bắt tay có đủ chặt không? Cái gì nhỉ?
"Con đã bảo ba là anh ấy được, Phil." Cô con gái nói.
"Ờ, được lắm." Ba nàng nói, "Ba vẫn phải tự mình xem xem thế nào. Giờ thì ba thấy rồi. Oliver?"
Ông ta đang hướng về tôi.
"Dạ, thưa ông?"
"Phil!"
"Dạ, thưa ông Phil?"
"Cậu được đấy."
"Cám ơn ông. Cháu rất cảm kích. Thật thế. Và ông biết cháu nghĩ thế nào về con gái ông rồi đó. Và ông nữa, thưa ông."
"Oliver," Jenny ngắt lời tôi, "anh có ngưng lải nhải như một cậu ấm chết tiệt ngu ngốc được không, và…"
"Jenifer," Ông già ngắt lời, "Con nên tránh những câu xúc phạm. Cậu ấy là khách."
Vào buổi ăn tối ( các món bánh hóa ra chỉ đơn giản là món ăn chơi) Phil cố nói chuyện với tôi về một vấn đề nghiêm chỉnh – bạn biết đó là gì. Vì một vài lý do quái lạ nào đó, ông nghĩ ông có thể tác động đến việc hàn gắn quan hệ giữa O.B. III và O.B. IV.
"Để ta nói chuyện với ông ấy qua điện thoại, giữa hai người bố với nhau" Ông nài nỉ.
"Xin đừng, Phil, chỉ mất thì giờ của bác."
"Ta không thể ngồi yên để nhìn một người bố từ bỏ một đứa con. Không thể được."
"Vâng. Nhưng cả cháu cũng từ bỏ ông ấy nữa."
"Đừng bao giờ để ta nghe thấy những lời như thế." Ông nói, thật sự nổi nóng, "Tình thương của một người cha phải được đền đáp lại bằng thương yêu và tôn trọng. Nó rất hiếm hoi."
"Đặc biệt trong gia đình cháu." Tôi đáp.
Jenny đi lên đi xuống để phục vụ, nên nàng không tham gia vào câu chuyện.
"Hãy gọi cho ông ấy," Phil lặp lại, "ta sẽ lo liệu chuyện này."
"Không, Phil, cháu và ba cháu đã ngừng liên lạc."
"Hừ, nghe này, Oliver, ông ấy sẽ cởi mở. Hãy tin ta khi ta bảo cháu ông ấy sẽ cởi mở. Khi đã đến giờ vào nhà thờ…"
Vào đúng lúc đó, Jenny, đang bê một chồng đĩa trống, thì thào nói với ông:
"Phil…"
"Gì hả, Jen?"
"Chuyện nhà thờ ấy…"
"Sao?"
"Ơ, chả hay ho gì, Phil"
"Hả?" Cavillery thốt lên. Rồi, nhảy ngay đến một kết luận sai lầm, ông quay sang tôi, có vẻ hối lỗi:
"Ta, ờ, không có ý nói cần phải là nhà thờ Thiên Chúa giáo đâu, Oliver. Ý ta là, chắc Jenifer đã nói với cháu rồi, chúng ta là tín đồ Thiên Chúa. Nhưng ta muốn nói là nhà thờ của cháu, Oliver. Chúa sẽ ban phúc lành cho sự kết hợp này ở bất cứ nhà thờ nào. Ta thề là như vậy."
Tôi nhìn sang Jenny. Nàng đã quên đề cập đến vấn đề quan trọng này với ông già qua điện thoại.
"Oliver," Nàng giải thích, " Có quá nhiều chuyện chết tiệt phải đánh đổ ông ấy ngay lúc đó."
"Hừm, đánh đổ ta, đánh đổ ta, bọn nhóc này, ta muốn đánh đổ mọi thứ trong cái đầu bé nhỏ của con thì có."
Tại sao chính vào lúc ấy, ánh mắt tôi nhìn lên bức tượng Đức Mẹ đồng trinh Mary đặt trên kệ của phòng ăn?
"Về chuyện Chúa ban phúc ấy mà, Phil..." Jenny quay mặt đi nơi khác.
"Ừ, sao hả, Jen?" Phil hỏi, lo âu.
"Ờ, chả hay ho gì chuyện đó, Phil." Nàng nói, nhìn tôi đăm đăm chờ sự ủng hộ, mà đôi mắt tôi đang cố gửi đến cho nàng.
"Về Chúa? Về Chúa của bất cứ ai?"
Jenny gật đầu.
"Cháu có thể giải thích không Phil." Tôi nói.
"Xin mời."
"Cả hai chúng cháu không ai tin cả, Phil. Và chúng cháu không thể đạo đức giả được."
Tôi nghĩ ông hiểu, vì chính tôi nói ra điều đó. Có lẽ, ông sẽ đánh Jenny. Nhưng giờ đây, ông trở thành một người ngoại quốc già nua. Ông không nhìn ai trong hai đứa chúng tôi.
"Thế cũng tốt." Ông nói sau một lúc rất lâu. Thế ta có thể biết ai sẽ đứng ra cử hành hôn lễ không?"
"Chúng cháu" Tôi đáp.
Ông nhìn con gái để xác minh. Nàng gật đầu. Lời phát biểu của tôi chính xác.
Sau một hồi lâu im lặng, ông lại nói:
"Thế cũng tốt."
Và ông hỏi tôi, vì như dự định của tôi là hành nghề luật, vậy một đám cưới như kiểu đó có – dùng từ thế nào nhỉ – hợp pháp không?
Jenny giải thích rằng một hôn lễ như thế sẽ có giáo sĩ của trường đứng ra làm chủ hôn. (Chà, giáo sĩ – Phil lẩm bẩm. Còn chúng tôi thì nhìn nhau.)
"Cô dâu có phát biểu chứ?" Ông hỏi, như thể đây là cú ân huệ chót mà ông có thể bám víu được trong tất cả mọi chuyện liên quan.
"Phil," Jenny nói, "chả lẽ ba có thể tưởng tượng được ở một tình huống như vậy mà con gái ba có thể ngậm câm như hến hay sao?"
"Không, bé con," Ông đáp, hơi mỉm cười, "Ta cho là con phải phát biểu."
Khi chúng tôi quay về Cambridge, tôi hỏi Jenny nàng nghĩ sao về mọi chuyện vừa qua.
"Được." Nàng đáp.

Chương X

 

Ngài William F. Thompson, Trưởng phòng hành chánh Trường Luật, không tin được tai mình:
"Tôi không nghe lầm chứ, cậu Barrett?"
"Dạ không, thưa ông Thompson."
Nói ra lần đầu tiên không phải dễ dàng, nhưng lặp lại cũng chả dễ hơn tí nào:
"Tôi cần có học bổng cho năm sau, thưa ông."
"Thật vậy ư?"
"Đó là lý do tôi tới đây, thưa ông. Ông phụ trách vấn đề trợ giúp tài chính, phải không ông Thompson?"
"Phải, nhưng chuyện này hơi kỳ. Ba cậu…"
"Ông ấy không còn liên quan gì nữa, thưa ông."
"Xin lỗi ?" Ngài Thompson tháo cặp kính ra và khởi sự chùi nó với chiếc cà vạt của ông ta.
"Ông ấy và tôi có sự bất đồng ý kiến."
Ngài Thompson mang lại kính, nhìn tôi với vẻ thản nhiên vô cảm mà muốn thể hiện nó, ít nhất bạn phải là một trưởng khoa.
"Thật không may, cậu Barrett. " Ông ta nói. Cho ai chứ? Tôi muốn hỏi. Lão này bắt đầu tìm cách tránh né rồi đây.
"Dạ vâng, thưa ông. Rất không may. Nhưng vì thế mà tôi tới đây nhờ ông, thưa ông. Tháng sau tôi sẽ cưới vợ. Cả hai chúng tôi sẽ làm việc suốt hè. Và Jenny, vợ tôi, sẽ xin một chỗ dạy tại một trường tư thục. Đó là vì cuộc sống, nhưng vẫn chưa đủ để đóng học phí. Học phí của ông khá cao, thưa ông Thompson."
"Ừ, ừ, phải," ông ta đáp. Nhưng chỉ có thế. Lão này có hiểu tôi đang nói gì không? Dù sao thì ông ta nghĩ tôi tới đây để làm cái quái gì chứ?
"Ông Thompson, tôi muốn có học bổng." Tôi lặp lại lần thứ ba, "Tôi hoàn toàn không có gì ở ngân hàng cả, và tôi đã được chấp nhận vào trường."
"À, phải." Ông ta nói, dùng một mánh khóe khác. " Hạn chót để xin trợ cấp đã qua từ lâu rồi."
Phải làm sao để vừa ý lão ta đây? Có lẽ phải là các chi tiết đẫm máu chăng? Ông ta muốn loại scandal nào?
"Ông Thompson, khi tôi đề nghị, tôi không biết nó đã hết hạn, thưa ông."
"Hoàn toàn đúng là hết hạn, cậu Barrett, và tôi phải báo cho cậu biết rằng tôi không nghĩ là văn phòng này nên can dự vào một tranh chấp gia đình. Đó là một vấn đề khá rắc rối."
"Thôi được, ông Trưởng phòng." Tôi đứng lên, "Tôi hiểu ông muốn lái vấn đề tới đâu rồi, nhưng tôi sẽ không nịnh hót ba tôi để ông có cơ hội kiếm một toà hội trường Barrett cho trường luật đâu."
Khi quay gót, tôi nghe lão thì thào: "Thật không công bằng."
Tôi không đồng ý.

 

 

Chương XI


Jenny nhận bằng tốt nghiệp hôm Thứ tư. Mọi bà con quyến thuộc của nàng từ Cranston, Fall River – và thậm chí cả một bà cô từ Cleveland – cùng kéo tới Cambridge để dự lễ. Như đã xếp đặt trước, tôi không được giới thiệu là vị hôn phu của nàng, và Jenny không đeo nhẫn, để tránh làm mọi người bị sốc (quá sớm) vì sẽ không được dự lễ cưới của chúng tôi.
"Cô Clara, đây là bạn cháu, Oliver" Jenny nói, và luôn luôn không quên nhấn mạnh, "Anh ấy đã tốt nghiệp đại học."
Có nhiều lời xầm xì đàm tiếu, và cả phê phán công khai, nhưng không ai moi móc được thông tin gì cụ thể từ hai đứa chúng tôi, hay từ Phil, người mà tôi đoán chắc là vui mừng vì không phải thảo luận về tình yêu giữa những kẻ vô thần.
Thứ Năm kế đó, tôi cũng nhận bằng của trường Harvard, trở thành người ngang vai phải lứa với Jenny. Ngoài ra, tôi là trưởng lớp, nên có nhiệm vụ dẫn đầu các sinh viên tốt nghiệp tới chỗ ngồi. Nghĩa là dẫn đầu cả những tay cừ khôi, trí tuệ. Tôi hầu như muốn nói với mấy tên đó, rằng vai trò của tôi là bằng cứ xác đáng chứng minh hùng hồn cho lý thuyết của tôi, đó là một giờ ở Dillon Field House đáng giá gấp hai ở thư viện Widener. Nhưng tôi cố kềm chế. Hãy để niềm vui trọn vẹn cho tất cả.
Tôi không rõ O.B. III có mặt hay không. Có tới hơn 3.000 người tụ tập ở sân trường Harvard từ sớm, và tất nhiên tôi không thể dùng ống dòm để điểm mặt từng người một. Mặt khác, tôi đã trao hai suất vé người nhà cho Phil và Jenny. Dĩ nhiên, với tư cách cựu sinh viên, ông già mặt lạnh có thể vào, và ngồi chung với lớp niên khoá ’26. Nhưng ông ấy chắc gì muốn làm chuyện đó? Tôi muốn nói, chả lẽ các ngân hàng phải đóng cửa sao?
Lễ cưới tiến hành vào ngày Chủ nhật, tại Giáo đường Phillips Brooks, một nhà thờ cũ kỹ nằm ở phía bắc khuôn viên Harvard. Chúng tôi không mời bà con thân hữu của Jenny, vì không muốn họ phiền lòng khi thấy chúng tôi chả thiết tha gì đến Cha, Con và Thánh thần của Thiên Chúa giáo. Timothy Blauvelt, cha xứ của trường, làm chủ hôn. Lẽ tự nhiên là Ray Stratton phải có mặt, tôi cũng mời thêm Jeremy Nahum, một gã bạn học cũ tốt bụng ở Exeter, gã kéo theo một cô bạn gái tên Amherst. Jenny mời một bạn gái ở Briggs Hall, và có lẽ vì tình cảm, cô bạn học cao kều cùng ngồi ở bàn đăng ký mượn sách. Và dĩ nhiên là có Phil.
Tôi giao Ray nhiệm vụ chăm sóc cho Phil. Nghĩa là, cố làm cho ông cảm thấy thoải mái. Gã Straton này đâu có được đức tính kiên nhẫn đó! Cả hai bác cháu họ ngồi loay hoay, bứt rứt, người này lặng lẽ gửi tới người kia những phát biểu không lời: "Cứ coi như là đám cưới của chính ta đi! (nếu như Phil nói), và nó sẽ là (nếu như Stratton nói) "một pha trình diễn vô cùng kinh khủng!" Vì lát nữa, tôi và Jenny sẽ trao gửi cho nhau vài lời khuôn mẫu. Chúng tôi đã có dịp xem người ta làm thế nào vào đầu xuân ấy, trong đám cưới của Marya Randall, một cô bạn cùng nhóm nhạc của Jenny, với một sinh viên khoa thiết kế tên là Eric Levenson. Đó là một điều tuyệt diệu, và đã gợi cho chúng tôi nhiều ý tưởng.
"Hai bạn đã sẵn sàng chưa?" Cha Blauvert hỏi.
"Dạ đã." Tôi đáp thay cho cả hai.
"Các bạn," Cha Blauvert nói với mọi người, "chúng ta hiện diện tại đây, để chứng kiến sự kết hợp hai cuộc đời trong hôn lễ. Hãy cùng lắng nghe những lời mà họ đã chọn để nói với nhau trong buổi lễ thiêng liêng này."
Cô dâu nói trước. Jenny đứng đối diện với tôi và đọc lại câu thơ nàng đã cất công tuyển chọn. Nó rất sống động, đặc biệt đối với tôi, vì đó là một bài sonnet của Elizabeth Barrett:
"Hồn ta kề cận bên nhau
Lặng im đối diện ta trao ân tình
Mãi khi lửa cháy tan tành…"


Qua khóe mắt, tôi trông thấy Phil Cavillery, xanh xao nhợt nhạt, mắt mở to ngạc nhiên và cảm động. Chúng tôi nghe Jenny đọc đoạn cuối khúc sonnet, ở một ý nghĩa nào đó, là một lời nguyện ước:
"Một nơi ta vẫn yêu thương
Ngày kia khi bóng tối buông quanh mình
Và chuông tử biệt ngân vang."

Rồi tới lượt tôi. Thật khó tìm được một đoạn thơ nào để tôi đọc mà không đỏ mặt. Tôi không thể nào đứng đó, trích ngâm những câu ron ren hoa gấm. Không thể được. Nhưng rồi một đoạn trong Bài ca của con đường của Walt Whitman, dù khá ngắn ngủi, đã thay tôi nói nên lời:
"…Ta trao em tay ta.
Ta trao em tình ta quí hơn tiền bạc.
Ta trao em chính bản thân ta, trước tôn giáo và luật pháp
Em có trao tặng ta bản thân em ? Em có cùng ta lãng du.
Mãi mãi bên nhau trọn đời trọn kiếp?"

Tôi kết thúc, và trong phòng rộn lên tiếng vỗ tay vui vẻ. Rồi Ray Stratton đưa cho tôi chiếc nhẫn. Jenny và tôi – hai đứa – đọc lời thề ước: Từ giờ trở đi, cả hai sẽ yêu thương gắn bó bên nhau, cho đến lúc cái chết chia lìa đôi lứa.
Và với thẩm quyền đã được Nhà Chung Massachusetts ban, Cha Timothy Blauvert tuyên bố chúng tôi là vợ chồng.
Hồi nhớ lại, "cái trò lễ lộc" của chúng tôi (như Stratton nói) rõ là chơi mà thật, thật mà chơi. Jenny và tôi không đãi sâm-panh, và vì khá ít người, chúng tôi có thể cùng ngồi ở một phòng nhỏ, chúng tôi tới uống bia ở quán của Cronin. Tôi nhớ, Jim Cronin đã xếp cả đám thành một vòng tròn để chúc mừng "vận động viên hockey vĩ đại nhất từ thời anh em nhà Cleary" .
"Tầm bậy," Phil cự lại, đấm tay xuống mặt bàn, "Nó bảnh hơn tất cả anh em nhà Cleary cộng lại". Ý của ông là, (tôi tin ông chưa hề trông thấy một trận đấu hockey ở Harvard), dù cho Bobby hoặc Billy Cleary trượt khá thế nào, chả ai trong hai người cưới được cô con gái rượu yêu quí của ông.
Tất cả chúng tôi đều say khướt.
Tôi để cho Phil thanh toán tiền, một quyết định mà sau đó đã khơi gợi ở Jenny một lời chúc tụng hiếm hoi về tình trạng không tiền đóng học phí của tôi ("Anh sẽ thành người đấy, công tử". Lúc tàn cuộc, khi chúng tôi đưa ông ra xe bus, cũng hơi lâm ly chút xíu. Nghĩa là, đẫm nước mắt. Của ông, của Jenny, và có lẽ cả của tôi nữa. Tôi không nhớ gì ngoài một điều là lúc ấy thật ướt át.
Dù sao, sau mọi câu cầu chúc, Phil cũng bước vào xe bus. Chúng tôi chờ và vẫy tay chào ông cho đến khi chiếc xe đã khuất khỏi tầm mắt. Và khi đó, tôi nhận ra một thực tế tuyệt vời.
"Jenny, chúng ta đã chính thức kết hôn rồi."
"Vâng, giờ thì em đã là một mụ nạ dòng."

 

 

Chương XII

 

Nếu có một cụm từ nào diễn tả được cuộc sống hàng ngày của chúng tôi trong suốt quãng thời gian ba năm đầu, cụm từ đó phải là: "khổ như ăn mày". Hàng giây hàng phút, chúng tôi căng đầu nhức óc để bằng cách chết tiệt nào đó thu vén đủ tiền để làm những gì cần thiết phải làm. Thường là chúng tôi bị vỡ kế hoạch. Và chả có gì là lãng mạn trong chuyện này. Bạn có nhớ khổ thơ nổi tiếng trong trường thi Omar Khayyam? Bạn biết không, thơ ca phải đặt dưới củi lửa, bánh mì, rượu vang các thứ. Thay vào thơ, là quyển Scotts on trusts, và để xem cái viễn tượng đẹp đẽ đó so với sự tồn tại thơ mộng của tôi sẽ ra sao. A ha, thiên đường đấy chứ? Không, chả ra cái quái chi. Tất cả những gì tôi nghĩ, là cuốn sách đó giá bao nhiêu, có thể mua nó theo kiểu second-hand không? Và chúng tôi lấy đâu ra tiền để thanh toán các thứ bánh mì, rượu vang. Và rồi chúng tôi cuối cùng phải chạy vạy thế nào để trả lại các khoản nợ nần.
Cuộc sống đã đổi thay. Ngay cả những quyết định đơn giản nhất cũng phải đặt dưới sự phán xét thận trọng của một ủy ban ngân sách trong đầu.
- Nè, Oliver, tối nay đi xem Becket nhé.
- Tới ba đô lận đó.
- Ý anh là sao?
- Ý anh là tốn một đô rưỡi cho anh và một đô rưỡi cho em.
- Nghĩa là đi hay không?
- Không cái này mà cũng chẳng cái kia. Chỉ đơn giản là tốn ba đô.
Tuần trăng mật của chúng tôi diễn ra trên một chiếc thuyền buồm, cùng với hai mươi mốt đứa trẻ con. Tôi lái một chiếc thuyền hiệu Rhodes dài 36 bộ từ 7 giờ sáng cho tới khi nào kiếm đủ số lượng hành khách, và Jenny trở thành một nhà tư vấn cho trẻ em. Đó là một nơi thuộc Câu lạc bộ thuyền Pequod ở cảng Dennis (cách không xa Hyanis), một tòa kiến trúc bao gồm một khách sạn to, một bến thuyền và vài chục căn nhà cho thuê. Trước một trong những túp nhà gỗ tí hon, tôi đóng đinh treo lên một tấm biển đầy ấn tượng: "Đây là nơi Oliver và Jenny ngủ, khi họ không làm tình". Tôi cho là đã có một sự tưởng thưởng cho hai đứa chúng tôi sau một ngày tỏ ra tốt bụng với các khách hàng nhỏ tuổi, vì chúng tôi nhờ cậy vào món tiền boa của chúng rất nhiều, đó là dù sao chúng tôi cũng tốt với nhau. Tôi chỉ đơn giản nói "tốt" vì tôi không đủ ngôn từ để diễn tả sự đáng yêu của Jenny và tình thương tôi dành cho nàng. Xin lỗi, ý tôi muốn là dành cho bà Jennifer Barrett.
Trước lúc chuyển đến Mũi Cape, chúng tôi tìm được một căn hộ cho thuê giá rẻ ở Bắc Cambridge, dù về mặt hành chánh, địa chỉ lại thuộc thị trấn Someville. Căn hộ ở tình trạng, như lời Jenny, "hoàn toàn không thể sửa sang". Trước đây, nó được thiết kế cho hai hộ gia đình, nhưng nay được tách thành bốn căn, giá cả quá mức chấp nhận dù gọi là cho thuê giá rẻ. Nhưng các sinh viên vừa tốt nghiệp còn làm được cái quái gì hơn? Đây là một thị trường của bọn con buôn.
"Chà, Oliver, sao anh nghĩ Phòng cứu hỏa không chịu tới đây?"
"Có lẽ họ sợ phải đi vào bên trong" Tôi đáp.
"Em cũng vậy."
"Giờ đâu còn là Tháng Sáu." Tôi nói.
(Cuộc đối thoại này xảy ra vào tháng 9.)
"Khi ấy em chưa lập gia đình. Với tư cách một bà vợ mà nói, em thấy ở đây chả có chút xíu an toàn nào."
"Thế em định làm gì với nó?"
"Bảo với chồng em. Anh ấy có trách nhiệm coi sóc nó."
"Chà, chồng em chính là anh chứ ai nhỉ!"
"Thật vậy sao? Hãy chứng minh điều đó."
"Bằng cách nào?" Tôi hỏi, và thầm nhủ: Ồ, không được, ngay trên đường phố?
"Bế em lên ngưỡng cửa." Nàng đáp.
Okay. Tôi ôm nàng trong vòng tay và bế bổng nàng trèo lên năm bậc thang tới cửa vào.
"Sao anh dừng lại?" Nàng hỏi.
"Đây không phải là ngưỡng cửa sao?"
"Không phải, không phải."
"Anh thấy tên chúng ta kế chuông gọi cửa."
"Đây không phải là ngưỡng cửa chính. Leo lên tiếp đi, chàng gà tồ ạ."
Có tới 24 bậc thang để lên đến ngưỡng cửa chính của vợ chồng tôi, và tôi phải dừng lại ở chặng giữa đường để thở hào hển một hồi.
"Sao em nặng thế nhỉ?" Tôi hỏi nàng.
"Anh có nghĩ là em có thai không?" Nàng đáp.
Điều này chẳng làm cho tôi thấy dễ thở hơn chút nào hết.
"Vậy sao?" Cuối cùng tôi cũng nói.
"Ha, em làm anh sợ hở?"
"Khô.. ông."
"Đừng có chối, công tử."
"Vâng. Chờ đó một giây, anh bế tiếp đây."
Tôi bế nàng đi hết chặng còn lại.
Đó là một trong những khoảnh khắc quý báu tôi có thể nhớ lại, mà từ "khổ như ăn mày" không thích hợp chút nào.
Cái danh hão thuộc dòng họ Barrett của tôi giúp tôi mua chịu được ở một cửa hàng thực phẩm, nơi không hề bán chịu cho bất cứ sinh viên nào khác. Và ở một nơi tôi ít mong chờ nhất, lại tạo thêm một bất lợi cho chúng tôi: trường tư thục Shady Lane, nơi Jenny sẽ đến dạy.
"Dĩ nhiên là lương ở trường Shady Lane không bằng các trường công."
Cô Anne Miller Whitman, hiệu trưởng, bảo vợ tôi, và để tạo hiệu quả, bà nói thêm, "Nhưng người nhà Barrett, dù sao, cũng đâu có lưu tâm đến khía cạnh này." Jenny cố đánh tan ảo tưởng của cô ta, nhưng tất cả những gì nàng nhận được, ngoài khoản lương đề nghị trước 3.500 đô một năm, là hai phút cười hố hố. Cô Whitman cứ tưởng Jenny giễu cợt khi bảo rằng hai vợ chồng nhà Barrett vẫn phải trả tiền thuê nhà như mọi người.
Khi Jenny thuật lại mọi chuyện cho tôi nghe, tôi cố tưởng tượng lại điều mà cô Whitman đã làm với Jenny: "Hô hô hô – chỉ có 3.500 đô." Sau đó, Jenny hỏi tôi có thể bỏ học ở trường luật, giúp đỡ nàng có thì giờ lấy thêm các chứng chỉ cần thiết để xin vào làm ở một trường công. Tôi suy nghĩ về toàn bộ hoàn cảnh lúc bấy giờ trong khoảng hai giây, để có một kết luận chính xác và cô đọng.
"Con khỉ!"
"Khá hùng biện đấy!" Vợ tôi nói.
"Anh phải nói gì đây, Jenny, ‘hô hô hô’?"
"Không, chỉ cần tập thích spaghetti."
Và tôi đã tập. Tôi đã tập để thích spaghetti, và Jenny học mọi kiểu chế biến có thể nghĩ ra để làm cho món mì Ý trở thành một món gì đó khác.
Với tiền chúng tôi kiếm được trong kỳ nghỉ hè, lương của nàng, khoản kiếm thêm từ những buổi làm đêm ở bưu điện trong dịp lễ Giáng sinh của tôi, chúng tôi sống cũng tạm ổn. Nghĩa là, có rất nhiều bộ phim chúng tôi không xem (và nhiều buổi hòa nhạc nàng không xem), nhưng chúng tôi đã hòa hợp với nhau.
Dĩ nhiên là mọi chuyện rồi cũng kết thúc. Cuộc sống của hai chúng tôi có nhiều thay đổi. Chúng tôi vẫn ở Cambridge, và về lý thuyết, Jenny có thể quay trở lại chơi cùng ban nhạc của nàng. Nhưng không có thì giờ. Nàng từ trường Shady Lane trở về, kiệt sức, còn phải nấu nướng cho buổi cơm chiều (ăn tiệm là chuyện ngoài tầm tay). Đồng thời, lũ bạn bè của tôi khá hiểu biết để chúng tôi được yên thân. Có nghĩa là bọn chúng không mời mọc chúng tôi, để tôi khỏi phải mời mọc lại, hẳn là bạn hiểu tôi muốn nói gì.
Ngay cả các trận đấu bóng chúng tôi cũng bỏ qua.
Vì là thành viên của Câu lạc bộ Varsity, tôi được ngồi trong lô đặc biệt, Nhưng giá vé là 6 đô, cho cả hai là 12 đô.
"Không đâu" Jenny lý sự, "chỉ 6 đô thôi. Anh có thể đi một mình. Em đâu có biết gì bóng đá, trừ lời hò hét của khán giả: "Dập chúng nữa đi", thứ mà anh thích, thứ mà em muốn anh tiến hành!"
"Phiên tòa chấm dứt." Tôi đáp, nhân danh một đức ông chồng và một vị gia trưởng, "Ngoài ra, anh sẽ có thêm thì giờ để học."
Tuy vậy, tôi vẫn dành ra buổi chiều thứ Bảy, với chiếc radio sát bên tai, để nghe tiếng gầm hét của đám ủng hộ viên, đám người về mặt địa lý chỉ cách chỗ tôi chừng một dặm, nhưng giờ đã thuộc một thế giới khác hẳn thế giới của tôi.
Tôi đã dùng đặc quyền của mình tại Câu lạc bộ Varsity để kiếm vài chỗ ngồi trong trận ở Yale cho Robbie Wald, một anh bạn học luật. Khi Robbie rời nhà tôi, đầy lòng biết ơn, Jenny hỏi tôi có thể cho nàng biết ai được quyền ngồi ở lô của CLB Varsity, và một lần nữa tôi lặp lại với nàng rằng, đó là những người bất kể tuổi tác hay dáng vóc hay địa vị, đã vinh dự phục vụ cho trường Harvard trong thi đấu thể thao.
"Kể cả dưới nước?" Nàng hỏi.
"Vận động viên vẫn là vận động viên, dù là khô hay ướt."
"Trừ anh ra, Oliver." Nàng nói, "Anh đã bị đóng băng."
Tôi phớt lờ câu chuyện, cho rằng đó chỉ đơn giản là một câu đối đáp mang chút xúc động thoáng qua mà Jenny thường có, không muốn nghĩ nhiều hơn ám chỉ của nàng về truyền thống thể thao của Harvard. Ví dụ như một chi tiết nhỏ là dù cho sân vận động Chiến sỹ có sức chứa 45.000 người, mọi cựu vận động viên có thể ngồi ở lô đặc biệt. Tất cả. Già và trẻ. Ướt và khô - thậm chí bị đông cứng. Và có đơn giản là chỉ vì 6 đô mà tôi phải xa lánh sân vận động trong những chiều thứ Bảy?
Không; Nếu trong đầu nàng còn nghĩ điều gì khác nữa, tốt hơn tôi vẫn không nên đá động làm gì.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét