Mấy hôm trước, tôi gặp lại một người bạn thân khá lâu rồi mất dạng. Tôi đưa cho
anh đọc tập thơ mà tôi in ra từ Trinhnu. Trong này, có những bài viết từ lâu
lắm, anh đã từng đọc rồi, nhưng cũng có một số mới viết sau này, dù không nhiều
như trước.
Đọc xong, anh chỉ bảo: “Thơ bạn dạo sau này hình ảnh buổi chiều chiếm tỷ lệ khá nhiều. Thơ viết ngày càng ít. Chiều ngày càng hiện ra nhiều. Bạn đã thật sự đi về phía lắng của tâm hồn.”
Đọc xong, anh chỉ bảo: “Thơ bạn dạo sau này hình ảnh buổi chiều chiếm tỷ lệ khá nhiều. Thơ viết ngày càng ít. Chiều ngày càng hiện ra nhiều. Bạn đã thật sự đi về phía lắng của tâm hồn.”
Tôi không biết. Tôi chỉ nhìn anh, mỉm cười chan chứa.
Lời nhận xét của bạn tôi làm tôi giật mình nhận ra một sự thật vô cùng đơn giản mà tôi không hề ngờ tới: Tôi đã bị những buổi chiều ám ảnh. Hay chiều đã trở thành nỗi ám ảnh của tôi. Chiều và nỗi lòng của một người lữ khách bơ vơ trên bước đường lưu lạc.
Gần đây, thậm chí tôi còn không viết nổi dăm câu thơ nữa. Thơ đã từ bỏ tôi, hoặc tôi đã từ bỏ thơ, một cách lặng lẽ âm thầm, như những buổi chiều, những hoàng hôn không lời, xa vắng đã lặng thầm len lỏi vào thơ tôi từ lúc nào không rõ.
Có lẽ, có một buổi chiều đã trở thành ám ảnh trong tôi, một buổi chiều tàn có một tên lữ khách còn lang thang ngơ ngác trên đường, nhìn quanh và tự hỏi đâu là quê hương - một buổi chiều trong một bài thơ Đường mà tôi cũng chẳng nhớ tên, chỉ nhớ được có mỗi một câu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị.” Và câu thơ này cứ quay trở lại, quay trở lại mãi, như một tiếng chuông đồng vọng âm u trong trí óc tôi.
Tôi không biết là lòng tôi lắng, thơ tôi lắng, hay là lòng tôi đã úa tàn, hiu hắt, sầu héo như những lúc nắng chiều đã phai nhòa ở phía trời xa.
Tôi là tên lữ khách suốt đời hành hương qua những miền xa lạ. Có nơi tràn ánh sáng, hoa cỏ dịu hiền. Có nơi buồn bã, tối tăm, âm u, đi hoài vẫn không tìm thấy một chút chồi hy vọng. Có nơi mênh mông, thăm thẳm, huyền hoặc cõi thần tiên. Có nơi bít bùng, đâm đầu vào không thấy lối ra, cứ loay hoay mò mẫm trong đó suốt một quãng tuổi đời ngắn ngủi. Nhưng đi hoài, đi mãi, tên lữ khách vẫn không tìm thấy bóng quê nhà. Một quê nhà tâm linh mà tôi đi tìm từ hồi tuổi còn xanh, máu còn nồng, đến bây giờ tóc đã trắng lốm đốm in dấu những phiêu bạt nhục nhằn của một phận người cũng vẫn còn nằm trong hoài vọng.
Và tôi, tôi cũng không thực sự chắc là có một quê nhà như thế thật không, không chắc mình có bao giờ được thanh thản ngã lưng trên những lớp nệm cỏ mùa đông, ngủ một giấc an lành miên viễn. Tôi nhớ chàng lãng tử trong một bài hát, sau khi rong chơi phiêu lãng chất ngất trời mây, điên cuồng sảng khoái, chàng mơ: “Xin một sáng, trong mùa đông, trên nệm êm lá vàng úa . Không còn nhớ, không còn thương, ta nằm im chết bên đường.(*)” Chàng lãng tử ấy hẳn là hạnh phúc nếu mơ một giấc mơ quá đỗi giản dị bình thường như thế. Có lẽ chàng sẽ đạt được niềm mơ đó. Có lẽ chàng sẽ chết không còn chút luyến lưu, vương vấn. Chết an bình, tự tại, như một thiền sư đã tỏ ngộ lẽ hằng quay về miền tịch diệt. Vì chàng chết trên quê hương. Chàng đã đi, đã thấy, đã biết, đã thụ hưởng nếm trải mọi thú vui trần thế và đã quay trở về tới quê nhà sau chuyến viễn du khinh khoái.
Còn tôi, từ lúc nào, trời trong tôi đã ngã về chiều, hồn tôi đã úa màu nắng rớt, mà tôi vẫn còn lang thang trên những con đường xa lạ. Nhìn quanh chỉ thấy núi cao, lũng thẳm, rừng hoang. Nơi đâu là quê hương? Để tôi, vào một buổi chiều xin được nằm im thanh thản, đi vào giấc lãng quên: Chiều im nằm nghe rơi vào khoảng trống. Một thoáng phù du rồi cũng qua thôi. Bao giờ, hay chẳng bao giờ cả?
3/2005
(*) ca khúc Rong chơi cuối trời quên lãng của NS Hoàng Thi Thơ
Mời bạn click vào link dưới đây để nghe nhạc:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét