VIRGINIA WOOLF
TỚI NGỌN HẢI ĐĂNG
Nguyễn Thành Nhân dịch
(từ nguyên tác To the Lighthouse)
GIỚI THIỆU
1. VỀ TÁC GIẢ
"Một người phụ nữ phải có tiền và một căn phòng của riêng mình nếu cô ta muốn viết văn; và điều đó, như bạn sẽ thấy, khiến cho vấn đề lớn lao về bản chất đích thực của phụ nữ và bản chất đích thực của văn chương vẫn còn bỏ ngỏ chưa giải quyết.”
Câu nói trên trích từ Chương 1 của tập tiểu luận nhan đề A Room of One’s Own (Một căn phòng của riêng mình) của nữ tiểu thuyết gia, tiểu luận gia, nhà phê bình văn học người Anh Virginia Woolf (1882-1941).
Dù câu trích dẫn này không phải là ý tưởng trọng tâm nhất trong toàn bộ những trước tác của bà về vấn đề nữ quyền, nhưng nó vẫn thường được mọi người nhắc đến khi đề cập tới Virginia, bởi lẽ tất cả những tác phẩm và chính cuộc đời đầy sóng gió và bi kịch của bà thật sự là những nỗ lực không ngừng để đạt tới mục đích bình dị vô song đó: Tiền và một căn phòng riêng để viết – hay nói cách khác, sự độc lập về mặt vật chất (và cả tinh thần) của một phụ nữ muốn sáng tạo văn chương nghệ thuật.
Nhũ danh của Virginia Woolf là Adeline Virginia Stephen. Bà là con gái của nhà biên tập và phê bình Leslie Stephen và Julia Prinsep Stephen (nhũ danh Jackson), một phụ nữ đẹp nổi tiếng từng là người mẫu cho các họa sĩ theo trào lưu Tiền-Raphael như Edward Burne-Jones. Cha mẹ bà đều đã từng kết hôn và con riêng, do đó gia đình bà bao gồm con cái của ba cuộc hôn nhân. Julia có ba con riêng là George, Stella và Gerald Duckworth. Leslie có một con gái với người vợ trước, tên là Laura Makepeace Stephen. Leslie và Julia có chung bốn người con: Vanessa Stephen, Thoby Stephen, Virginia và Adrian Stephen. Leslie vốn là con rể của nhà văn William Thackeray (ông là chồng góa của con gái út của Thackeray), bên cạnh đó thân hữu của cả hai vợ chồng ông đều là những nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng của nước Anh vào thời bấy giờ. Do vậy con cái của ông được nuôi dạy trong một môi trường chịu nhiều ảnh hưởng của giới văn học nước Anh.
Bổ sung cho những ảnh hưởng này là tòa thư viện rộng mênh mông ở nhà của Stephen, nơi mà Virginia và Vanessa được dạy các môn học như ngoại ngữ, triết học, văn chương, lịch sử, nghệ thuật và văn học Anh.
Theo Woolf, những hồi ức tuổi thơ mạnh mẽ nhất của bà không phải là ở London mà là ở thị trấn St. Ives thuộc hạt Cornwall, nơi gia đình bà dùng để nghỉ hè cho tới năm 1895. Ngôi nhà nghỉ hè của gia đình Stephen, Talland House, nhìn ra vịnh Porthminster, và vẫn còn cho tới ngày nay, dù đã thay đổi ít nhiều.
Ký ức về những ngày nghỉ gia đình này và những ấn tượng về phong cảnh ở đó, đặc biệt là ngọn hải đăng Godvry, đã được thể hiện lại trong quyển tiểu thuyết được xem là hay nhất của Woolf vào những năm sau này, quyển To the Lighthouse (Tới ngọn hải đăng).
Hải đăng Godvry
Trong thời gian nghiên cứu ở đại học đường King’s College Cambridge và King’s College London, bà quen biết với một số văn nghệ sĩ và trí thức cấp tiến như nhà kinh tế học John Maynard Keynes, thi sĩ E. M. Forster, nhà văn chuyên viết tiểu luận và tiểu sử Lytton_Strachey và nhà văn, lý thuyết gia chính trị người Anh gốc Do Thái Leonard Woolf (1880-1969), người mà bà kết hôn vào năm 1912. Họ trở thành những thành viên sáng lập của Bloomsbury Group, một nhóm các bạn bè thân hữu sống và hoạt động gần khu Bloomsbury, London, thường xuyên có những buổi họp mặt thảo luận về đủ mọi đề tài. Tác phẩm của Nhóm Bloomsbury đã có một ảnh hưởng sâu rộng tới các mặt văn chương, mỹ học, phê bình và kinh tế học, cũng như đưa ra những quan điểm hiện đại về thuyết nam nữ bình quyền, chủ nghĩa hòa bình và quan hệ tính dục.
Năm 1917, hai vợ chồng Woolfs mua lại một xưởng in thủ công nhỏ và sáng lập ấn quán Hogarth Press, xuất bản những tác phẩm của nhóm Bloomsbury, của Katherine Mansfield cũng như bản dịch các tác phẩm của Freud. Virginia Woolf sống một cuộc đời sôi động giữa bằng hữu và gia đình, viết lách và diễn thuyết ở các trường đại học.
Cái chết của mẹ vào năm 1895 và của chị gái cùng mẹ khác cha Stella hai năm sau đó đã dẫn tới những cơn suy nhược thần kinh đầu tiên của Virginia Woolf. Và cái chết của cha bà vào năm 1914 đã khiến cho bà suy sụp hoàn toàn, phải vào bệnh viện để điều trị một thời gian ngắn. Các cơn suy nhược và những thời kỳ trầm cảm sau này cũng còn chịu ảnh hưởng bởi sự lạm dụng tình dục mà bà và Vanessa gánh chịu từ hai người anh cùng mẹ khác cha là George và Gerald Duckworth. Woolf đã nhắc lại chuyện này trong các tiểu luận A sketch of the Past (Một phác họa về quá khứ) và 22 Hyde Park Gate (Nhà số 22 phố Hyde Park Gate).
Trong suốt đời mình, Virginia Woolf luôn bị quấy rầy bởi những cơn trầm cảm và những chứng bệnh liên quan. Dù các cơn đau này thường gây ảnh hưởng tới hoạt động xã hội của mình, bà vẫn tiếp tục sáng tác với một vài thời kỳ gián đoạn cho tới khi qua đời do tự tử.
Càng về sau này, Virginia càng thường xuyên chịu đựng các cơn suy nhược thần kinh. Bà thẳng thắn tự nhận là mình “bị điên”, bảo rằng bà thường nghe thấy những tiếng nói và nhìn thấy những ảo ảnh: “Đối với tôi, bộ não của tôi là thứ thiết bị bất khả lý giải nhất – luôn luôn kêu vo ve, o o, vút lên, gầm rú, lao xuống, và rồi bị vùi chôn trong bùn. Và tại sao?...” (trích một lá thư đề ngày 28/12/1932.)
Sợ làm phiền đến chồng mình, bà đã tự tử một đôi lần nhưng thất bại. Trong lá thư cuối cùng gửi cho chồng, bà viết:
“Em cảm thấy chắc chắn rằng em sắp sửa điên trở lại. Em cảm thấy chúng ta sẽ không thể vượt qua những thời khắc kinh khủng đó thêm nữa. Và lần này em không thể hồi phục lại. Em bắt đầu nghe thấy những giọng nói, và em không thể tập trung. Vì thế em sẽ thực hiện cái điều mà dường như là điều tốt nhất để làm. Anh đã cho em niềm hạnh phúc lớn nhất có thể có. Theo bất kỳ cách thức nào anh đã là tất cả những gì mà bất kỳ một người nào có thể là. Em không nghĩ rằng có thể có hai người nào từng hạnh phúc hơn (chúng ta) cho tới khi căn bệnh khủng khiếp này đến. Em không thể chiến đấu thêm được nữa. Em biết rằng em đang phá hỏng cuộc đời anh, rằng nếu không có em anh có thể làm việc được. Và anh sẽ làm được, em biết. Anh thấy đó, thậm chí em không thể viết được lá thư này cho hợp cách. Em không thể đọc. Điều em muốn nói là em mắc nợ anh về tất cả những hạnh phúc của đời mình. Anh đã hoàn toàn nhẫn nại với em và tốt đến không thể tin nổi. Em sẽ không tiếp tục phá hỏng đời anh nữa. Em không nghĩ rằng có thể có hai người nào lại từng hạnh phúc hơn chúng ta.”
Đêm 28-3-1941, Virginia Woolf nhét đầy đá vào những túi áo khoác rồi đi bộ tới con sông Ouse gần nhà và tự trầm mình. Cho tới ngày 18-4, thi thể hầu như chỉ còn xương của bà mới được phát hiện ra. Chồng bà chôn phần thi thể còn lại của bà dưới một gốc cây trong khu vườn nhà của họ tại Rodmell, Sussex.
Sau Thế chiến thứ hai, sự chú ý đối với các tác phẩm của bà giảm đi nhiều, nhưng từ đầu thập niên 1970 cho tới nay, ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu về tác phẩm cũng như bản thân cuộc sống sáng tác và hoạt động của bà. Bộ môn văn chương Anh ở tất cả các trường đại học danh tiếng trên thế giới đều dành một học phần quan trọng để nghiên cứu về các tác phẩm của Virginia Woolf. Các trước tác của bà được tái bản nhiều lần và dịch ra nhiều thứ tiếng trên khắp thế giới.
Hiện nay bà được đánh giá là một trong các tác giả vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đồng thời cũng là một nhân vật trọng yếu trong lịch sử văn chương Anh ngữ với tư cách một người bênh vực nữ quyền và một người theo chủ nghĩa hiện đại; một trong những người sáng lập nên trào lưu Chủ nghĩa Hiện đại bao gồm T.S. Eliot, Ezra Pound, James Joice và Gertrude Stein.
Trong quãng đời ngắn ngủi và chiến đấu thường xuyên với căn bệnh thần kinh của mình, Virginia Woold đã trước tác một lượng khổng lồ các tác phẩm với đủ thể loại: 8 tiểu thuyết (The Voyage Out – 1915; Night and Day – 1919; Jacob’s Room – 1922; Mrs. Dalloway – 1925; To The Lighthouse – 1927; The Waves – 1931; The Years – 1937; Between The Acts – 1941); 14 tập tiểu luận, trong đó nổi bật nhất là A Room of One’s Own (1929) và Three Guineas (1938); sáu tập truyện ngắn; ba tập tiểu sử, trong đó nổi bật nhất là quyển Orlando: A Biography (1928), thường được xem như một tác phẩm tiểu thuyết, lấy cảm hứng từ nhà thơ nữ Vita Sackville-West,người tình đồng tính của bà; sáu tiểu sử tự thuật và nhật ký; và một vở kịch (Freshwater: A Comedy – công diễn 1923; xuất bản 1976. Ngoài ra còn có vô số thư từ liên quan tới cuộc sống và công việc của bà đã được xuất bản bao gồm ba quyển Congenial Spirits: The Selected Letters (1993), The Letters of Virginia Woolf 1888-1941 (sáu tập, 1975-1980) và Paper Darts: The Illustrated Letters of Virginia Woolf (1991).
Cuộc đời và sự nghiệp phong phú, phức tạp của Virginia Woolf cũng đã được nghiên cứu rộng và sâu bởi gần ba mươi tác giả khác nhau dưới hình thức các tác phẩm tiểu sử và phân tích phê bình.
2. VỀ TÁC PHẨM “TỚI NGỌN HẢI ĐĂNG”
Nhìn chung, những nhận xét của độc giả trên những website văn học hoặc có liên quan tới văn học và liên quan tới tiểu thuyết Tới ngọn hải đăng như amazon, sparknote, librarything, britannica,search.barnesandnoble, vv... đã hình thành nên hai quan điểm cực kỳ đối lập với nhau.
Quan điểm thứ nhất khen ngợi và đánh giá rất cao Tới ngọn hải đăng, đại khái là nhận định rằng những chi tiết trong truyện rất gần gũi với tâm lý, cảm xúc của người đọc, với những trải nghiệm trong đời sống thật của họ; rằng văn phong của Virginia thật du dương, toàn tác phẩm là một bài thơ văn xuôi đậm chất nhân văn và là một bước cách tân lớn về mặt nghệ thuật cả đối với bản thân tác giả lẫn nền văn học Anh ngữ hiện đại nói chung.
Quan điểm còn lại (may thay chỉ là thiểu số) lại cho rằng văn phong của tác giả quá rườm rà, câu cú dài lê thê, đầy những phần mở rộng, khai triển quá nhiều ý phụ khiến cho người đọc khó lòng theo dõi nắm bắt nội dung ý chính, hành động (actions) – nếu có thể gọi chúng là hành động – thì đa phần diễn ra trong dòng ý thức của các nhân vật, với một nhịp điệu quá là chậm chạp, nói tóm lại một câu, như nhận xét của một độc giả, là: “Chẳng hơi đâu phí thì giờ để đọc một cuốn như cuốn này!”
Và cả hai quan điểm trên đều đúng!
Nếu nhìn từ góc độ của một bạn đọc thích loại truyện thiên về giải trí, có cốt truyện ly kỳ, đầy ắp những hành động diễn tiến với tốc độ cực nhanh, thì rõ ràng là cuốn tiểu thuyết này quá đáng chán, quá nặng nề. Nhiều khi không thể hiểu ý chính của tác giả là gì nếu không đọc đi đọc lại, đọc tới đọc lui một câu văn có khi dài tới cả trang giấy. Nhưng đối với dạng bạn đọc khác,chấp nhận tác phẩm như nó vốn có, như nó là vậy, dành thời gian cho nó, bình thản và chậm rãi đi vào nó, khám phá nó, rung động với từng câu chữ, từng nhịp điệu, các bạn này sẽ dần quên đi ngoại vật, dần chìm đắm vào những diễn biến tâm lý của nhân vật, cùng buồn, vui, kinh ngạc, chán chường, bực tức, lo âu... với những buồn vui của họ.
Lý do của hai quan điểm trên đều xuất phát từ chính văn phong đặc biệt và độc đáo mà tác giả sử dụng ở tác phẩm này: sự khai thác “Dòng Ý thức” (Stream of Consciousness) của nhân vật. Thuật ngữ “Dòng Ý thức” bắt nguồn từ các văn bản Phật giáo sơ kỳ (theo chữ Pali là viññāna-sota ",sau đó được phát triển mở rộng bởi hệ phái Yogachara (Du già tông) của Phật giáo Đại thừa thành một lý thuyết về tinh thần.
Theo Đại đức người Sri Lanka Hammalawa Saddhatissa Maha Thera (1914-1990) thì: “Dòng ý thức, chảy qua nhiều kiếp sống, cũng thay đổi y như dòng nước. Đây là học thuyết anatta (vô ngã) của Phật giáo liên quan tới cá thể con người."
Triết gia, tâm lý học gia người Mỹ William James (1842-1910) là người đầu tiên vận dụng thuật ngữ Dòng Ý thức trong tác phẩm Principles of Psychology (Các nguyên tắc của Tâm lý học - 1890). Ngay lập tức, khái niệm này đã có một ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ tới nền văn học nghệ thuật hiện đại avant-garde thời bấy giờ, hình thành nên bút pháp Dòng Ý thức. Bút pháp Dòng Ý thức có nghĩa là người thuật chuyện thể hiện lại dòng ý thức của nhân vật bao gồm những ý nghĩ, liên tưởng, cảm xúc liên tục đan xen vào nhau và chuyển động liên miên tiếp nối như một dòng nước chảy.
Dù Dòng ý thức có phần tương tự với Độc thoại nội tâm (Interior monologue) và người ta thường hay nhầm lẫn giữa hai thủ pháp này, thật ra Độc thoại nội tâm có một điểm hoàn toàn khác biệt, do cú pháp tương đối có cấu trúc của nó và khả năng cho phép người độc thoại trực tiếp nói với chính bản thân mình (thường ở thì hiện tại). Còn ở Dòng ý thức, người thuật chuyện thường đứng ở vị trí kẻ quan sát thứ ba, cấu trúc cú pháp và trình tự thời gian bị đẩy tới một mức độ hoàn toàn hỗn loạn. Nói cách khác, theo quyển 150 thuật ngữ văn học do Lại Nguyên Ân biên soạn, Dòng Ý thức là “mức tới hạn, là dạng cực đoan của độc thoại nội tâm.”
Có rất nhiều nhà văn khai thác bút pháp Dòng Ý thức trong tác phẩm của mình, chẳng hạn Dostoievsky,Leon Tolstoi, Knut Hamsun, Marcel Proust, James Joice, T.S, Eliot, vv..., nhưng với Virginia Woolf, đặc biệt, ở tác phẩm Tới ngọn hải đăng, bút pháp khai thác Dòng Ý thức đã được sử dụng ở một cấp độ đậm đặc nhất, nhuần nhuyễn nhất, tuyệt diệu nhất.
Mrs. Dallloway là tác phẩm đầu tiên mà trong đó Virginia Woolf sử dụng thủ pháp Dòng Ý thức. Tác phẩm này đã ngay lập tức đạt được thành công và có một ý nghĩa rất quan trọng trong bước phát triển về bút pháp của bà. Tuy nhiên, dù ở Tới ngọn hải đăng bạn đọc một lần nữa gặp lại thủ pháp này,nó đã vươn lên một tầm cao khác. Dòng Ý thức đã được giải phóng khỏi sự hỗn loạn thông thường của nó thông qua sự chọn lọc và ý thức về trình tự để đạt tới một độ cô nén tối đa.
Trong Mrs. Dalloway, nhân vật chính Clarissa Dalloway chiếm vị trí trung tâm trong mối quan hệ với chính bản thân mình, với gia đình, bằng hữu, người hầu, hoàn cảnh của mình. Trái lại, Tới ngọn hải đăng là một tác phẩm thể hiện những quan hệ tương tác giữa mọi người, và dù vẫn có những nhân vật chủ yếu và thứ yếu, những nhân vật chính không choán chỗ từ đầu tới cuối tác phẩm, mà đúng hơn chỉ là những phương tiện để mang lại cho câu chuyện sự hòa hợp và thống nhất của nó, những tiêu điểm trọng tâm của nó.
Với công cụ này, Virginia đã tạo tác nên một tác phẩm mang tính tự truyện cao độ, gắn bó mật thiết với những hồi ức của mình về cha, mẹ, các anh chị em, và ngôi nhà nghỉ hè ở thị trấn St.Ives. Tuy nhiên, tác phẩm đã vượt cao khỏi tầm vóc của một cuốn tự truyện bình thường để vươn tới một chiều cao khác, thể hiện được các chủ đề quán xuyến toàn tác phẩm, như tính chất phù du vô thường của phận người, sự vật; như nghệ thuật là một phương tiện bảo tồn; như bản chất khách quan của thực tại; như những tác động mang tính phục hồi của cái đẹp, vv...
Được đặt trong bối cảnh thời gian khoảng từ năm 1910 đến 1920, Tới ngọn hải đăng gián tiếp đề cập tới sự can thiệp mang tính hủy diệt của Thế Chiến thứ nhất. Cuộc chiến tranh không được thể hiện một cách trực tiếp mà chỉ qua những chi tiết nhỏ như việc Andrew, con trai cả của ông bà Ramsay bị giết chết bởi một mảnh đạn pháo ở Pháp. Andrew là một thanh niên có rất nhiều triển vọng, có khả năng trở thành một nhà toán học lớn. Anh tiêu biểu cho niềm hy vọng vào thế hệ tương lai, niềm hy vọng con cái mình sẽ tiếp tục hoàn thành con đường dang dở của mình của ông Ramsay. Nhưng chiến tranh đã phạt ngang niềm hy vọng đó, cắt đứt nó bằng một nhát chém vô tình ngọt lịm.
Chiến tranh cũng được gián tiếp nhắc đến như một tai ương không thể tránh khỏi qua những suy nghĩ của bà McNab, một bà lão giúp việc coi sóc ngôi nhà của gia đình Ramsay:
"Có những đôi giày và ủng; một cái bàn chải và một cây lược còn nằm lại trên bàn trang điểm, như thể bà ấy từng mong đợi sẽ trở về ngay trong ngày mai. (Bà ấy đã chết rất đột ngột, họ bảo thế.) Có lần lẽ ra họ đã tới nhưng phải hoãn lại, do chiến tranh, và việc đi lại thời buổi này rất khó khăn.”
Hoặc, "Nhưng, than ôi, đã có nhiều thay đổi kể từ dạo ấy (bà đóng ngăn kéo lại); nhiều gia đình đã mất đi người thân yêu nhất của mình. Thế là bà ấy đã chết; và cậu Andrew bị giết; cả cô Prue cũng đã chết, họ bảo thế, với đứa con đầu lòng của cô ấy; nhưng mọi người đều mất mát một ai đó trong những tháng năm này. Giá cả tăng vọt một cách đáng xấu hổ, và cũng chưa hề hạ xuống."
Hoặc một cách gián tiếp hơn nữa thông qua những chi tiết miêu tả cảnh hoang tàn đổ nát của một ngôi nhà vắng chủ:
“Ngôi nhà đã bị bỏ lại; ngôi nhà đã trở nên hoang vắng không người. Nó bị bỏ lại như chiếc vỏ sò trên một đồi cát và bị những hạt cát khô vùi lấp khi giờ đây cuộc sống đã từ bỏ nó. Dường như đêm dài đã chập chùng chặn nẻo; Dường như những làn gió lẻ vi vu, những hơi thở lần mò, lạnh và ẩm ướt, đã chiến thắng. Những cái chảo han rỉ, và những tấm thảm mục nát. Lũ cóc mò mẫm vào nhà. Tấm khăn choàng đong đưa phấp phới lại qua một cách lười nhát vô mục đích. Một cây kế đâm rễ vào những ô ngăn trong tủ chạn. Lũ chim én làm tổ trong phòng khách; nền nhà vương vải những cọng rơm; vữa trát tường rơi từng mảng lớn; những chiếc rui nhà nằm trần trụi; lũ chuột tha dần món này món nọ để gặm nhấm phía sau những tấm ván ốp tường. Những con nhộng nở thành bướm đốm nâu và bò lổm ngổm phía ngoài kính cửa sổ. Cây anh túc nẩy mầm giữa những lùm hoa thược dược; bãi cỏ nhấp nhô gợn sóng với những lớp cỏ cao; những cây atisô to lớn nhô cao giữa những bụi hoa hồng; một cây thược dược nở hoa giữa luống cải bắp; vào những đêm đông, tiếng gõ khe khẽ vào cửa sổ của một loài cỏ dại trở thành một tiếng lộp độp đều đều từ những thân cây cứng cáp và những cụm thạch nam gai vốn đã từng biến toàn bộ căn phòng thành một màu xanh vào mùa hạ."
Xuyên suốt câu chuyện Woolf luôn sử dụng những hình ảnh biểu tượng lung linh đa tầng ý nghĩa như: khung cửa sổ – vị trí trung tâm của ngôi nhà, vị trí trung tâm của người mẹ, người vợ trong gia đình; ngọn hải đăng (trên thực tế và trong tâm tưởng của bà Ramsay, của Lily Briscoe, của James) – một hình ảnh tượng trưng cho cấu trúc bền vững của gia đình, một sự soi rọi, một cái gì đó tràn đầy an ủi, một cái gì đó tuyệt diệu của tuổi ấu thơ giàu tưởng tượng; con gà mái và bầy con – mái ấm và cuộc sống gia đình; cái xương sọ lợn lòi – một sự nhắc nhở tới cái chết luôn hiện diện xung quanh; biển – luôn thay đổi trang thái, có lúc xinh đẹp, thanh bình với những lượn sóng vỗ bờ êm ả, nhưng cũng có lúc đầy bạo lực, đầy đe dọa chết chóc với những cơn bão tố; nhắc tới sự mong manh của kiếp người; những lượn sóng – luôn chuyển dịch, đổi thay, trôi qua như chính bản thân thời gian, giống hệt như nhau nhưng không phải là cùng một lượn sóng đó; bức tranh của Lily Briscoe – sự tranh đấu để đạt được nam nữ bình quyền trong sáng tạo, để đưa những sự vật tách rời nhau tới sự hòa hợp, và ý nghĩa cuối cùng của một tác phẩm, vv...
Bạn đọc có thể tự mình phát hiện ra nhiều biểu tượng khác gắn liền với bản thể của riêng mình. Bên cạnh đó, được sáng tác dưới ảnh hưởng lớn lao của các học thuyết quan trọng ra đời trước đó hoặc mới ra đời như học thuyết Tiến hóa (với tác phẩm Nguồn gốc các loài – 1859) của Charles Darwin, Phân tâm học (với tác phẩm đánh dấu The Interpretation of Dreams – Diễn giải các giấc mơ – 1900) của Sigmund Freud, Tới ngọn hải đăng cũng đã khai thác những phát hiện khoa học mới mẻ này trong các tình tiết của câu chuyện. Ví dụ: sự căm ghét cha của James; những suy tưởng đậm chất triết học của ông Ramsay, những suy nghĩ của bà Ramsay về đức Chúa.
Tới ngọn hải đăng gồm có ba phần: Khung cửa sổ, Thời gian qua và Ngọn hải đăng, đặt trên nền bối cảnh ngôi nhà nghỉ hè của gia đình Ramsay bên bờ biển trên hòn đảo Skye thuộc quần đảo Hebrides, Tô Cách Lan.
Phần Một – gồm 19 chương – chiếm hơn phân nửa độ dài tác phẩm, thuật lại những diễn biến từ sau bữa ăn trưa cho tới khi kết thúc bữa tiệc tối. Phần Hai – gồm 10 chương – mô tả những diễn biến suốt quãng thời gian mười năm. Phần Ba – gồm 13 chương – kể lại hành trình ra ngọn hải đăng của ông Ramsay, Cam và James, diễn biến tâm lý của ba cha con; và quá trình diễn biến tâm lý của Lily Briscoe khi tiếp tục thực hiện bức tranh bỏ dở mười năm trước. Được đặt trong bối cảnh một buổi chiều tại ngôi nhà nghỉ hè của gia đình Ramsay. Hai vợ chồng Ramsay, dù rất khác nhau, vẫn thật sự yêu nhau.
Bà Ramsay, đã năm mươi tuổi, là một phụ nữ xinh đẹp,thông minh, quyến rũ, thông hiểu; bà hay nhúng tay vào việc của người khác, muốn được người khác ưa thích mình, muốn duy trì những ảo tưởng của mình và muốn những người khác duy trì các ảo tưởng của họ. Ông Ramsay khó hiểu hơn. Trong nhiều phương diện ông là một nhân vật khá thú vị, thông minh xuất chúng nhưng hướng nội, trung thực một cách cứng nhắc. Ông là một triết gia siêu hình học, một nhà tư tưởng, trong khi vợ ông chỉ là một người phụ nữ bình thường, với bản năng yêu thương và chăm sóc, quan tâm tới chồng con, bạn hữu và những người nghèo khổ. Hai vợ chồng họ có thể hiểu nhau mà không cần phải nói bằng lời.
Quanh ông bà Ramsay là tám đứa con: Andrew (con trai cả), một thanh niên thông minh và có nhiều triển vọng; Prue, (con gái) xinh đẹp dịu dàng; Nancy, (con gái); Rose (con gái), rất khéo tay; Roger (con gái); Jasper (con trai); Cam (con gái) nghịch ngợm và mơ mộng; và James (con trai út) hay cau có, gắt gỏng, có một thái độ mang tính phức cảm Oedip với cha nó.
Các nhân vật còn lại là những bằng hữu của gia đình Ramsay đến đó nghỉ hè, những người giúp việc hoặc những người quen biết khác như Lily Briscoe, cô gái già họa sĩ không muốn kết hôn mà quyết định hiến mình cho nghệ thuật; Charles Tansley, chàng thanh niên ngạo mạn, ích kỷ và mang chứng tự thương thân, một sản phẩm thật sự của môi trường thuở ấu thơ; William Bankes,một nhà thực vật học chính trực thông minh nhưng cũng có những điểm tính cách buồn cười; ông già Carmichael, thi sĩ, một người nghiêm khắc, có phần mâu thuẫn về tính cách; đôi bạn trẻ Paul và Minta, vân vân.
Hầu hết tất cả bọn họ đều di động về các hướng khác nhau,thế nhưng lại di động, ít ra là một cách gián đoạn, dưới ảnh hưởng của bà Ramsay. Dù có một khả năng chi phối đối với mọi người, bà Ramsay cũng đồng thời đánh mất đi một phần bản thân mình. Do áp lực phát sinh từ sự hiện diện của mọi người xung quanh, bà không thể tìm ra cơ hội để sống trọn vẹn đời sống nội tâm của chính mình.
Câu chuyện mở ra với việc thằng bé James, sáu tuổi, muốn đi qua vịnh tới ngọn hải đăng. Dù biết thời tiết xấu, mẹ nó vẫn không muốn dập tắt niềm hy vọng của nó, nhưng ông Ramsay cứ khăng khăng rằng thời tiết sẽ rất tồi tệ. Charles Tansley cũng hùa theo ý kiến của ông.
Nhiều diễn biến nho nhỏ khác xảy ra. Chẳng hạn, sau bữa ăn trưa, bà Ramsay thấy thương hại Tansley nên đề nghị anh ta cùng đi với bà ra thị trấn. Trên đường đi, Tansley cảm thấy yêu người phụ nữ lớn tuổi hơn mình nhưng vẫn còn xinh đẹp. Sau đó, bà Ramsay vừa ngồi bên cửa sổ đọc truyện cho James nghe vừa suy ngẫm miên man.
Lily Briscoe đứng vẽ tranh ở rìa bãi cỏ, William Bankes tới gần cô, sau đó cả hai cùng đi ra phía hàng giậu của khu vườn để tránh chạm mặt với ông Ramsay đang vừa đi qua đi lại vừa đọc to những câu thơ trong một trạng thái hưng phấn lạ lùng. Họ trao đổi về ông Ramsay. Lily nghĩ tới ông Ramsay cùng sự thông thái của ông ta với lòng kính trọng. Còn ông Bankes thì nghĩ về tình bạn giữa mình và ông Ramsay.
Trong lúc đó ông Ramsay vẫn đi quanh bãi cỏ, suy ngẫm về sự khả tử của con người và tự hỏi các tác phẩm của ông sẽ tồn tại được bao lâu, tiếp tục hành trình tư tưởng của mình, được ẩn dụ như là một bảng chữ cái ABC mà bản thân ông chỉ mới đi tới mẫu tự Q. Ông không thể vươn tới chữ R, cảm thấy thất vọng và tìm tới sự an ủi của bà Ramsay. Bà Ramsay cùng ông đi dạo trong vườn, rồi bắt đầu thấy lo âu về Paul, Minta, Nancy và Andrew. Họ đã đi ra bãi biển và chưa quay lại.
Minta, Paul, Andrew và Nancy cùng dạo chơi trên bãi biển. Paul cầu hôn Minta. Sau đó Minta đánh mất chiếc trâm cài đầu của bà cô. Họ trở về nhà muộn.
Trong bữa tiệc tối, tất cả các nhân vật đều thể hiện cái tôi của họ thông qua những diễn biến nội tâm của mỗi người về mối quan hệ tương tác giữa họ với nhau. Bữa tiệc kết thúc với sự hài lòng của bà Ramsay. Những khó chịu bực dọc xảy ra đã được hòa giải.
Bà Ramsay lên phòng Cam và James để dỗ chúng ngủ rồi ghé qua chỗ chồng mình đang ngồi đọc sách. Họ trò chuyện vài câu và bà biết rằng ông Ramsay muốn bà nói rằng bà yêu ông ấy. Nhưng bà chỉ mỉm cười và nói rằng ông đúng – ngày mai thời tiết sẽ xấu và họ không thể đi ra ngọn hải đăng. Và bà biết rằng ông ấy biết bà yêu ông ấy.
Rải rác trong Phần Một có rất nhiều ý tưởng sâu sắc, chẳng hạn như ý nghĩ của bà Ramsay khi đột nhiên tiếng trò chuyện của mấy người đàn ông im bặt, và bà chợt nghe thấy tiếng sóng biển nổi lên, không còn dịu êm nữa mà trở nên một mối đe dọa vô cùng đáng sợ (một ẩn dụ về tính chất mong manh của sự an bình/hạnh phúc/đời người?:
"Nhưng trong khi bà lật trang giấy, việc tìm kiếm một bức hình đột ngột bị cắt ngang. Tiếng thì thầm cộc lốc thỉnh thoảng bị phá vỡ bởi tiếng ống tẩu phì phèo khiến cho bà yên tâm rằng những người đàn ông đang trò chuyện vui vẻ, dù bà không nghe thấy họ nói gì (vì bà ngồi phía trong cửa sổ mở ra mái hiên), cái âm thanh kéo dài suốt nửa giờ qua và diễn ra êm ả trong những tiếng ồn ào phía trên đầu bà, như tiếng bóng chạm vào vợt, tiếng hét chói tai thỉnh thoảng nổi lên, “Cú đó thế nào? Cú đó thế nào” của lũ trẻ đang chơi crikê, đã tắt hẳn; tiếng sóng vỗ đều đều ngoài bãi biển thường khi vẫn điểm nhịp cho những ý nghĩ của bà và hình như lặp đi lặp lại một cách đầy an ủi khi bà đang ngồi với lũ trẻ những lời an ủi thì thầm của thiên nhiên như một bài hát ru xa xưa nào đó, 'Mẹ trông nom con.. mẹ che chở cho con,' nhưng có đôi lúc, đột ngột và bất ngờ, chúng lại không có ý nghĩa tốt lành như thế mà giống như một hồi trống ma quái dằn nhịp cho cuộc sống một cách không thương xót, khiến cho người ta nghĩ tới sự hủy diệt của hòn đảo và việc nó bị nhấn chìm vào lòng biển, và cảnh báo với bà, kẻ mà tuổi thanh xuân đã trôi về thời quá vãng, rằng tất cả đều phù du như một dải cầu vồng. Âm thanh vốn đã bị nhòa đi và bị che lấp dưới những âm thanh khác này đột nhiên lại vang rền trong tai bà và khiến cho bà ngẩng lên nhìn với niềm kinh hãi.”
Hoặc ý nghĩ của Lily về tài năng và công việc vẽ tranh của mình:
“Phía sau lớp màu sắc là hình dáng. Cô có thể nhìn thấy rõ ràng mọi thứ. Chính lúc cô cầm chiếc cọ trên tay toàn bộ mọi sự vật chợt đổi thay. Ngay trong cái khoảnh khắc phiêu diêu giữa cảnh quan và khung vẽ này lũ quỷ đã ám vào cô. Chúng thường khiến cho cô muốn rơi nước mắt và biến quá trình chuyển từ ý niệm sang thực hiện trở nên đáng sợ như việc đi xuống một hành lang tăm tối đối với một đứa trẻ con. Cô thường có cảm giác như thế – khi đang đấu tranh chống lại những điều lạ lùng kinh khủng và duy trì lòng can đảm – và cô thốt lên: “Nhưng đây là những gì tôi thấy; đây là những gì tôi thấy,” và cố níu kéo lại một ít tàn dư khốn khổ nào đó trong viễn tượng của mình, có tới cả ngàn trở lực cố hết sức giật chúng ra khỏi cô. Và cũng chính lúc đó, trên con đường lạnh lẽo lắm phong ba này, khi cô bắt đầu vẽ, những trở lực đó tác động lên những thứ khác của cô, tài năng chưa chín tới của cô, sự tầm thường của cô, và cô cố gắng kềm nén cảm giác thôi thúc muốn sụp xuống dưới chân của bà Ramsay...”
Hoặc ý nghĩ của ông Ramsay về sự hữu hạn của kiếp người và những gì do con người tạo tác:
“Ông đứng bất động, cạnh chậu hoa phong lữ thảo tỏa nhánh um tùm. Rốt cuộc, có bao nhiêu người trong một tỷ người, ông tự hỏi, đã chạm tới chữ R? Chắc chắn là một người lãnh đạo với niềm hy vọng chơ vơ có thể tự hỏi mình điều đó, và trả lời mà không phản bội lại đoàn thám hiểm phía sau ông ta, ‘Có lẽ là một người.’ Một người trong cả một thế hệ. Ông có đáng trách không nếu ông không phải là người đó? Miễn là ông đã lao khổ một cách chân thành, cố gắng với hết khả năng, cho tới khi ông không còn gì để cho đi nữa? Và tên tuổi của ông sẽ tồn tại bao lâu? Ngay cả một vị anh hùng đang hấp hối cũng được phép suy nghĩ trước khi ông ta chết rằng người ta sẽ nói về mình như thế nào sau đó. Có lẽ tên tuổi của ông sẽ tồn tại được hai ngàn năm. Và hai ngàn năm là cái quái gì? (ông Ramsay tự hỏi một cách mỉa mai, nhìn đăm đăm vào hàng giậu). Là cái quái gì, thật thế, khi bạn nhìn từ một đỉnh núi xuống bãi sa mạc thời gian dài vô tận? Ngay cả một hòn cuội mà người ta giơ chân đá văng xuống cũng sẽ tồn tại lâu hơn Shakespeare. Ánh sáng bé nhỏ của ông sẽ tỏa ra, không rực rỡ lắm, trong một hoặc hai năm, rồi sẽ chìm vào một ánh sáng lớn hơn, và ánh sáng đó lại chìm vào một ánh sáng khác lớn hơn nữa."
Và còn nhiều, rất nhiều những đoạn như thế, tôi xin phép để các bạn đọc tự khám phá khi bước vào tác phẩm.
Phần Hai – Thời gian qua rất cô đọng, gói gọn quãng thời gian mười năm trong vòng vài mươi trang sách. Nhưng có thể nói đây cũng là phần ấn tượng nhất, nơi tài năng điêu luyện của Virginia Woolf đã được khai thác tối đa. Những đoạn văn xuôi đẹp như thơ diễn tả một cách sâu xa và hàm súc sự tàn lụi của ngôi nhà, tác động của cuộc chiến tranh, sự trôi chảy không ngừng của thời gian và tính chất phù du của vạn vật.
Chẳng hạn như các đoạn sau đây:
“Nhưng dù mùa hè có vẻ như triền miên trong giấc ngủ, muộn hơn sau đó cũng xuất hiện những âm thanh đáng ngại giống như những tiếng búa gõ nhịp nhàng lên lớp nỉ, mà với sự chấn động lặp đi lặp lại của chúng tấm khăn choàng càng trở nên lỏng lẻo hơn và những cái tách uống trà rạn vỡ. Thỉnh thoảng một cái ly kêu leng keng trong tủ chạn như thể một gã khổng lồ nào đó vừa hét to lên giận dữ đến nỗi những cái cốc vại nằm bên trong một cái tủ cũng rung lên. Rồi sự im lặng lại buông xuống; và rồi, đêm nối tiếp đêm, và đôi khi vào đúng giữa trưa khi những đóa hoa hồng đẹp rạng rỡ và ánh sáng rọi lên bức tường hình dáng rõ ràng của nó, dường như có tiếng của một vật gì đó rơi đánh sầm xuống sự im lặng này, sự lãnh đạm này, sự vẹn nguyên này. Một quả đạn đại bác nổ. Hai mươi hoặc ba mươi chàng trai tan xác ở Pháp, Andrew Ramsay nằm trong số đó. Trời đất thương tình, anh chết ngay lập tức."
Hoặc, “Bây giờ, ngày nối tiếp ngày, ánh sáng biến chuyển hình ảnh sắc nét của nó trên bức tường đối diện, như một bông hoa phản chiếu trên mặt nước. Chỉ có bóng của những hàng cây ngả nghiêng trong gió đang rạp người trên tường, và trong khoảnh khắc làm tối đi cái vũng ánh sáng phản quang; hoặc chỉ những bóng chim bay ngang, tạo thành một vệt nhòa chậm chạp lướt qua nền phòng ngủ."
Hoặc, “Đêm nối tiếp đêm, hè qua đông đến, sự hoành hành của những cơn bão, sự tĩnh lặng như tờ của ngày trời đẹp (đã từng có ai đó lắng nghe không), từ những căn phòng bên trên của ngôi nhà trống chỉ có thể nghe thấy tiếng giằng giật của những tia chớp lóe khổng lồ, khi những cơn gió và những lượn sóng nô đùa và cưỡi lên nhau như những bầy thủy quái phi lý trí luôn thay hình đổi dạng, và lao sầm vào bóng đêm hay ánh sáng ban ngày (vì đêm và ngày, tháng và năm cùng lướt bên nhau một cách phi hình thể) trong những trò chơi ngốc nghếch cho tới khi dường như vũ trụ cũng vật vã đổ nhào trong sự hỗn mang bạo tàn và khát vọng vô mục đích của chính nó.”
Hoặc, “Rồi mái nhà hẳn cũng sẽ sụp đổ xuống; những bụi thạch nam và độc cần sẽ phủ kín những lối đi, bậc thềm và cửa sổ; sẽ đâm chồi nảy lộc, không đồng đều nhưng mạnh mẽ trên ụ đất, cho tới khi một kẻ xâm phạm nào đó, bị lạc đường, chỉ có thể được kể cho nghe câu chuyện bởi một cây loa kèn đuốc nằm giữa những bụi tầm ma, hoặc một mảnh đồ sứ trong bụi độc cần, rằng nơi đây trước kia đã có người từng sống; nơi đây từng có một ngôi nhà.”
Tất cả những thông tin quan trọng về các nhân vật đều nằm trong hai dấu ngoặc ôm. Ví dụ: việc kết hôn của Prue Ramsay, cái chết của bà Ramsay, cái chết của Prue, cái chết của Andrew, việc ông Carmichael xuất bản thành công tập thơ.
Phần Ba – Ngọn hải đăng thuật lại hành trình đi ra ngọn hải đăng của ông Ramsay, Cam và James.
Hai đứa trẻ không muốn đi nhưng phải miễn cưỡng phục tùng ý muốn của cha chúng. Diễn biến tâm lý của hai đứa trẻ ngày càng để lộ ra một thực chất rằng thật ra chúng không ghét cha chúng mà là căm ghét tính cách độc đoán chuyên chế của ông.
Như cảm nghĩ của James: "không phải là ông ta, cái người đang đọc ấy, là người mà nó muốn giết, mà là cái đã bất ngờ tấn công nó – có lẽ ông ấy cũng không biết: cái con yêu quái cánh đen dữ tợn bất ngờ xuất hiện đó, với cái mỏ và bộ móng vuốt cứng và lạnh lẽo, cứ bấu sâu, bấu sâu vào bạn (nó có thể cảm thấy cái mỏ trên đôi chân trần của nó, nơi con quái thú đó đã tấn công khi nó còn là một đứa bé) rồi biến đi, và ông ấy lại hiện ra, một ông già, rất buồn, đang đọc sách. Nó sẽ giết cái đó, nó sẽ đâm vào tim cái đó. Bất cứ điều gì nó làm – (và nó sẽ làm bất cứ điều gì, nó cảm thấy, nhìn vào ngọn hải đăng và bờ biển phía xa) dù nó là thương gia, làm trong một nhà băng, một luật sư, một lãnh đạo công ty, nó sẽ chiến đấu với cái đó, nó sẽ truy lùng và nghiền nát cái đó – sự bạo ngược, sự chuyên chế, nó gọi cái đó như thế; việc buộc mọi người làm điều mà họ không muốn làm, tước đoạt quyền được nói của họ. Làm sao bất kỳ ai trong số chúng có thể nói, Nhưng tôi sẽ không đi, khi ông ấy nói, Hãy ra ngọn hải đăng. Hãy làm điều này. Hãy lấy cho tôi cái đó...”
Và của Cam: “Chẳng bao lâu nữa họ sẽ rời khỏi cuộc đời, ông Ramsay đang nói với già Macalister, nhưng con cái họ sẽ nhìn thấy những điều kỳ lạ. Macalister bảo ông tròn bảy mươi lăm vào tháng Ba vừa rồi; ông Ramsay thì bảy mươi mốt. Macalister bảo ông chưa từng đi bác sĩ lần nào; ông chưa rụng một cái răng nào. Và đó là cái cách mà tôi thích con cái tôi sống – Cam chắc chắn đó là điều mà cha nó đang thầm nghĩ vì ông đã ngăn nó đừng ném một cái bánh sandwich xuống biển và bảo nó, như thể ông đang nghĩ về những người ngư dân và cách sống của họ, rằng nếu nó không muốn ăn nữa thì nên cất cái bánh lại vào gói. Nó đừng nên lãng phí. Ông nói điều đó một cách minh nhiên, như thể ông biết rõ những điều xảy ra trên thế gian đến nỗi nó cất cái bánh vào ngay, thế rồi ông lấy từ gói của mình ra một cái bánh gừng và trao cho nó, như thể ông là một ông lớn Tây Ban Nha đang trao cho một phu nhân bên cửa sổ một đóa hoa (cử chỉ của ông hào hoa phong nhã làm sao). Ông ăn mặc xoàng xỉnh, giản dị, đang ăn bánh mì và pho mát; thế nhưng ông đang chỉ huy chúng trong một cuộc viễn chinh mà họ có thể sẽ chết chìm, đó là tất cả những gì nó biết.”
Cuối cùng, khi họ sắp đặt chân lên bờ ở chỗ ngọn hải đăng, mối xung đột giữa người cha và hai đứa con đã được hóa giải một cách tuyệt vời, hai đứa trẻ không còn căm ghét cha chúng nữa.
Trong khi đó, trên bãi cỏ tại ngôi nhà, Lily Briscoe bắt đầu vẽ tiếp bức tranh bỏ dở mười năm trước. Hình ảnh ông Ramsay van xin sự cảm thông của cô trước lúc lên đường, những hồi ức về bà Ramsay, về Charles Tansley, về William Bankes, về đôi vợ chồng Paul và Minta, cuối cùng cũng đã hóa giải trong lòng cô nỗi thống khổ vì câu nói vẫn luôn ám ảnh cô: “Đàn bà không thể vẽ, đàn bà không thể viết” của Tansley. Cuối cùng cô cũng nhận ra ý nghĩa đích thực của công việc sáng tạo của mình và hạ nét cọ cuối hoàn tất bức tranh. Tuy có phần hơi gượng ép trong cách xử lý những mối xung đột, phần này vẫn rất xuất sắc khi lần theo đường dây tâm lý của các nhân vật, với những trang văn thật sự rung cảm lòng người.
3. Một số thông tin liên quan khác
- Tác phẩm Tới ngọn hải đăng được xuất bản lần đầu vào tháng 5-1927 với số lượng ba ngàn bản và bán hết trong vòng một thời gian ngắn, giúp vợ chồng Woolf mua được một chiếc xe hơi.
- Đoạt giải Heinemann Northcliffe và Femina Vie Heureuse (nay gọi là Prix Femina) dành cho tác phẩm nước ngoài năm 1928.
- Được dịch sang tiếng Pháp ba lần: dịch giả Maurice Lanoire (tựa tiếng Pháp Promenade au Phare – 1929); dịch giả Magadi Merle (tựa tiếng Pháp Voyage au Phare – 1993); dịch giả Francois Pellan (tựa tiếng Pháp Vers le Phare – 1996).
- Được tạp chí Time Magazine xếp hạng nằm trong số 100 cuốn tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ 1923 – 2005.
- Được hãng thông tấn BBC chuyển thể thành phim (TV) vào năm 1983. Đạo diễn Colin Gregg, chuyển thể kịch bản phim Hugh Stoddart.
- Được chuyển thể thành kịch bởi kịch tác gia Adele Edling Shank. đạo diễn Les Waters, âm nhạc Paul Dresher, công diễn lần đầu tại nhà hát Roda ngày 23-3-2007.
- Nhạc sĩ Anh Patrick Wolf (sinh năm 1983) đã sáng tác ca khúc To the Lighthouse (trong album Lycanthropy - 2003) với cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết.
- Như phần giới thiệu về tác phẩm đã nói bên trên, cách nhìn nhận của độc giả đối với Tới ngọn hải đăng rất khác biệt, có thể nói là đối lập hẳn với nhau. Để có thể hiểu sâu cũng như lý giải thêm về hiện tượng này, tôi xin kèm theo ở phần này một bài viết của nữ văn sĩ, thi sĩ, nhà phê bình nổi tiếng người Canada Margaret Atwood (sinh năm 1939) đăng trên tờ The Guardian ngày thứ Bảy 7-9-2002 nói về sự sai lầm của mình trong cách đánh giá Tới ngọn hải đăng:
Người phụ nữ không thể tẩy gột khỏi ký ức
Tôi đọc quyển Tới ngọn hải đăng của Virginia Woolf lần đầu vào năm 19 tuổi. Đó là trong một khóa học – “Tiểu thuyết Thế kỷ Hai mươi,” hoặc đại loại thế....
Tôi tiếp thu rất ổn tiểu thuyết của thế kỷ 19 – các tác phẩm của Dickens, tôi cảm thấy, như những điều như vậy sẽ phải diễn ra, ít ra là ở Anh: đầy những người điên và sương mù. Tôi cũng không quá kém cỏi đối với một số cuốn tiểu thuyết nhất định của thế kỷ 20. Ít nhiều gì tôi cũng có thể đo lường được Hemmingway – tôi từng chơi trò chơi chiến tranh khi còn bé, tôi từng đi câu cá rất nhiều, tôi biết những nguyên tắc gần đúng của cả hai, tôi ý thức được rằng những tên con trai thì vắn tắt. Camus thì khá là đáng chán đối với lứa tuổi mới chớm trưởng thành của tôi, với cảm giác tội lỗi về sự tồn tại và thêm vào đó cái thứ tình dục táo tợn không chút gì thú vị. Faulkner là ý tưởng của tôi về cái có khả năng xảy ra đối với – vâng, đối với tôi, với tư cách một văn sĩ (tôi muốn trở thành một văn sĩ), chứng cuồng loạn bốc cao, những đầm lầy lúc nhúc sâu bọ là nhận thức của tôi về cái có vẻ có thật của nghệ thuật. (Tôi biết những con sâu bọ đó. Tôi biết những đầm lầy đó, hoặc những đầm lầy giống như chúng. Tôi biết chứng cuồng loạn đó.) Thực tế rằng Faulkner cũng có thể khôi hài kinh khủng – vào lứa tuổi của tôi lúc đó – lướt ngay qua tôi.
Nhưng Virginia Woolf bị gạt ra bên lề trong chừng mực lứa tuổi 19 của tôi. Nói cho cùng vì sao lại phải đi ra ngọn hải đăng, và tại sao cứ rối lên như thế về việc đi hay không đi? Cuốn sách này nói về cái gì? Vì sao mọi người cứ bám riết lấy bà Ramsay, người đi lòng vòng với một cái mũ vải mềm cũ trên đầu và lãng phí thời gian thơ thẩn trong khu vườn của bà ta, nuông chiều ông chồng của bà với những cử chỉ phục tùng khéo léo? Ai đó đã sai lầm, ông ta hét lên, nhưng điều này chả tác động đến tôi tí ti nào. Còn Lily Briscoe thì sao chứ, kẻ muốn trở thành một họa sĩ và đã cố công thực hiện ước vọng này, nhưng dường như không thể vẽ giỏi cho lắm, hoặc chưa làm cho chính cô ta hài lòng cho lắm? Trong cõi miền của Woolf, mọi sự dường như đều mong manh. Chúng quá khó nắm bắt. Chúng quá lửng lơ không xác định. Chúng quá sâu thẳm khôn dò. Chúng giống như một dòng thơ của một thi sĩ râu tóc lưa thưa trong một truyện ngắn của Katherine Mansfield: “Vì sao nó phải luôn luôn là xúp cà chua?”
Mười chín tuổi, tôi chưa từng biết tới cái chết của bất kỳ một ai, ngoại trừ ông tôi, người đã già và xa khuất. Tôi chưa từng tới dự một lễ tang. Tôi không hiểu chút gì về loại trải nghiệm đó – về sự co rúm lại của mảnh vải vật chất của những cuộc đời đã sống, cái cung cách mà ý nghĩa của một nơi chốn có thể đổi thay vì những người đã từng ở trong nó nay không còn ở đó nữa. Tôi không biết chút gì về sự tuyệt vọng và sự cần thiết của việc cố nắm bắt lấy những cuộc đời như thế - để cứu vớt chúng, để ngăn chúng khỏi biến mất hoàn toàn.
Mặc dù tôi đã có nhiều lầm lạc trong nghệ thuật, tôi chưa hề nhận ra sự non nớt đó của mình. Lily Briscoe đau khổ vì sự công kích của một gã đàn ông dễ dao động cứ bảo với cô rằng đàn bà không thể vẽ và đàn bà không thể viết, nhưng tôi không nhận ra lý do vì sao cô lại phải phiền muộn đến thế về việc đó: rõ ràng cái gã đó là một tên quấy rối, vì thế ai cần quan tâm tới những gì hắn nghĩ chứ? Dù sao đi nữa, chưa có người nào từng nói với tôi những câu như thế, chưa hề. (Tôi không biết rằng chẳng bao lâu sau chúng sẽ bắt đầu.) Tôi không nhận ra những phát ngôn như thế có thể có một sức nặng đến thế nào, ngay cả khi được thốt ra từ những tên ngu xuẩn, do nhiều thế kỷ của thẩm quyền được tôn trọng một cách nặng nề nằm phía sau chúng.
Mùa hè vừa rồi, 43 năm sau, tôi đọc lại Tới ngọn hải đăng. Không vì một lý do đặc biệt nào: tôi đang ở trong cái không gian rất mang tính cách Canada, “căn nhà thôn dã” đó, và cuốn sách cũng vậy, và tôi đã đọc hết tất cả những cuốn truyện trinh thám hình sự. Vì thế tôi nghĩ tôi sẽ thử lần nữa.
Sao mà lần này mọi thứ trong cuốn sách lại rơi vào đúng chỗ đến như vậy? Sao tôi lại có thể bỏ qua nó – trên tất cả là những khuôn mẫu, là nghệ thuật – trong lần đầu đọc nó? Sao tôi có thể bỏ qua sự vang vọng ở câu trích dẫn Tennyson của ông Ramsay, đã đến như một tiên đoán về cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất? Sao tôi lại có thể không hiểu ra rằng kẻ vẽ tranh và kẻ viết văn rốt cuộc đều giống hệt nhau? (Đàn bà không thể vẽ, đàn bà không thể viết..) Và cái cách thời gian trôi lướt qua mọi thứ như một đám mây, và những vật thể vững chắc chao động lung linh rồi biến mất? Và cái cách của bức tranh vẽ bà Ramsay của Lily Briscoe – không trọn vẹn, không đầy đủ, chịu số phận bị treo dấm dúi trong một căn phòng áp mái – trở thành, như khi cô thêm vào một nét nối kết tất cả lại với nhau vào lúc cuối, cuốn sách mà chúng ta vừa đọc?
Có một số cuốn sách phải đợi cho tới lúc bạn đã sẵn sàng cho nó. Trong việc đọc, có rất nhiều điều phụ thuộc vào sự may mắn. Và tôi vừa may mắn biết bao! (Hoặc tôi đã tự nhủ thầm với mình như thế khi đội cái mũ vải mềm cũ lên đầu, bước ra ngoài để đi thơ thẩn lòng vòng trong khu vườn bất khả thăm dò của mình...)
Cuối cùng, tôi xin được khép lại phần giới thiệu này với niềm hy vọng các bạn đọc sẽ tìm thấy sự rung cảm mà tôi đã trải qua khi đọc tác phẩm và nhất là trong quá trình chuyển dịch nó sang tiếng Việt. Dịch một tác phẩm lớn với văn phong cực kỳ phức tạp như Tới ngọn hải đăng là một sự thử thách, một cuộc mạo hiểm đầy thú vị nhưng cũng gian khổ gay go. Một lần nữa, tôi rất hy vọng và mong mỏi các bạn đọc có thể tìm được những cảm giác tri âm tri kỷ cùng tác giả Virginia Woolf qua bản dịch này.
Sài Gòn, tháng 11-2009
Nguyễn Thành Nhân
- www.wikipedia.en.com ;www.librarything.com; www.nytimes.com; www.guardian.co.uk;
- www.new.music.yahoo.com/patrick-wolf; www.culture24.org.uk; www.berkeleyrep.org ;
- www.berkeleyrep.org; www.sparknotes.com; www.britannica.com;
- www.amazon.com/">www.amazon.com; www.search.barnesandnoble.com;
- www.readysteadybook.com; www.readysteadybook.com www. smoop.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét