Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Chuyện tình - Erich Segal - Kỳ III






Chương XIII

 

Ông và Bà Oliver Barrett III
Hân hạnh được đón tiếp quý bạn
tại buổi tiệc mừng sinh nhật thứ sáu mươi
của Ông Barrett III.
Ngày Thứ bảy, 6 tháng 3
Lúc 7 giờ
Dover House, Ipswich, Massachusetts
Xin hồi âm.

"Thế nào?" Jenny hỏi.
"Em còn phải hỏi?" Tôi đáp. Tôi đang chìm trong đám sương trừu tượng của cuốn Nhà nước chống Percival, một tiền lệ pháp quan trọng của luật hình. Jenny phe phẩy tấm thiệp mời như để trêu tôi.
"Em nghĩ đã tới lúc rồi, Oliver." Nàng nói.
"Để làm gì?"
"Anh biết rõ là làm gì," Nàng đáp, "Chả lẽ ông ấy phải bò lê tới đây sao?"
Tôi tiếp tục công việc.
"Oliie, ông ấy đang muốn dàn hòa."
"Vớ vẩn, Jenny, địa chỉ trên phong bì do má anh ghi."
"Em nghĩ lúc nãy anh bảo anh không nhìn đến nó cơ mà." Nàng cao giọng kêu lên.
Okay. Tôi đã liếc nó lúc nãy. Có lẽ nó tự động lướt vào đầu tôi. Nói cho cùng, tôi đang nghiên cứu, và sắp sửa thi. Lẽ ra nàng đừng nên quấy rầy tôi.
"Oliie, nghĩ xem," nàng tiếp, giọng van nài khẩn khoản, "60 tuổi. Cuối cùng, đến lúc mà anh chịu sẵn lòng, thì chắc gì ông ấy còn sống để gặp anh."
Tôi bảo Jenny, với những lời lẽ đơn giản nhất, rằng sẽ không có cuộc trùng phùng nào cả, và nàng có chịu để cho tôi tiếp tục học hay không. Nàng lặng lẽ ngồi xuống, co người nép vào chân tôi. Dù nàng không lên tiếng nữa, tôi nhanh chóng nhận ra nàng đang nhìn tôi đăm đăm. Tôi ngẩng đầu lên.
"Một ngày nào đó, khi anh bị Oliver V chọc tức …" Nàng nói.
"Nó sẽ không được gọi là Oliver, chắc chắn như thế." Tôi quát lên. Nàng không hề cao giọng, dù trước nay, nàng vẫn làm thế khi tôi cao giọng:
"Nghe này, Oliie, dù mình đặt tên nó là Bozo gì đi nữa, thằng nhóc nhất định sẽ làm anh phật ý, vì anh là một vận động viên lớn của Harvard. Và trước khi nó học năm thứ nhất, anh hẳn phải vào Tòa thượng thẩm rồi!"
Tôi bảo nàng rằng con chúng tôi tuyệt đối không làm tôi phật ý. Nàng hỏi sao tôi có thể chắc chắn như thế. Tôi không thể đưa ra chứng cứ. Tôi muốn nói là, tôi chỉ đơn giản biết rằng con trai tôi sẽ không làm phật ý tôi, tôi không thể lý giải chính xác vì sao.
Jenny nhận xét:
"Ba anh cũng yêu anh, Oliver. Ông ấy yêu anh giống hệt như cách anh sẽ yêu Bozo. Nhưng họ Barrett chết tiệt nhà anh quá đỗi tự phụ và hiếu thắng. Cả đời ông ấy và anh cứ nghĩ là người này ghét người kia."
"Thế đối với em không phải vậy sao?" Tôi cố pha trò.
"Vâng."
"Phiên tòa kết thúc!" Tôi nói, nhân danh một ông chồng và một vị gia trưởng. Ánh mắt tôi quay về quyển sách. Jenny đứng lên. Nhưng khi ấy nàng sực nhớ một điều:
"Còn vấn đề phúc đáp thì sao?"
Tôi gợi ý rằng một sinh viên khoa nhạc Racliffe hẵn là có đủ khả năng viết một thư từ chối mà không cần tới một hướng dẫn chuyên môn nào.
"Nghe này, Oliver, có thể trong đời em có những khi nói dối hay trêu tức người khác. Nhưng em chưa bao giờ cố tình làm tổn thương bất cứ một ai. Em nghĩ là em không làm được."
Thật sự, vào lúc ấy, nàng đã làm tổn thương chính tôi, tôi nhã nhặn yêu cầu nàng giải quyết chuyện hồi âm bằng bất cứ cách nào nàng muốn, miễn sao nói được nội dung cơ bản của thông điệp, là chúng tôi sẽ không đến, trừ khi chạch đẻ ngọn đa. Rồi tôi lại quay về với quyển sách.
"Số điện thoại?" Nàng dịu dàng hỏi tôi khi đến bên điện thoại.
"Em viết mấy chữ thôi không được sao?"
"Để em bớt căng thẳng chút đã. Điện thoại số mấy?"
Tôi bảo cho nàng biết, và ngay tức khắc trở lại việc nghiên cứu. Tôi không để ý nghe nàng. Nghĩa là tôi cố không nghe. Dù sao thì nàng đang ở cùng phòng.
"Ồ, chào ông." Tôi nghe nàng nói. Ông già Khốt đang nói với nàng ư ? Ông ấy không ở Washington sao? Một bài báo gần đây trên tờ New York Times viết như vậy mà. Đám báo chí chết tiệt thời buổi này đã xuống dốc quá rồi.
Bao lâu nữa nàng sẽ bảo là không?
Dù sao, Jenny đã mất khá nhiều thời gian hơn cần thiết để nói ra một từ đơn giản.
"Olliie?"
Nàng che đầu ống nói lại.
"Oliie, có buộc phải từ chối không?"
Tôi gật đầu, ra dấu đó là điều bắt buộc, tôi khoát tay, ra dấu nàng nên nhanh nhanh kết thúc cái chuyện khốn kiếp ấy đi.
"Tôi rất lấy làm tiếc," Nàng nói vào điện thoại, "Ý tôi là, chúng tôi rất tiếc, thưa ông…"
Chúng tôi! Nàng có cần phải lôi tôi vào vòng không? Sao nàng không đi thẳng vào vấn đề và gác máy?
"Oliver!"
Nàng lại che ống nói, và kêu to với tôi.
"Ông ấy bị thương, Oliver ! Anh có thể ngồi đấy mặc cho ba anh đổ máu sao?"
Nếu nàng không quá xúc động như thế, tôi đã giải thích cho nàng nghe lần nữa, rằng đá không thể đổ máu, rằng nàng không nên đem mức độ tình cảm giữa cha con nàng với nhau ra để đo lường với chiều cao của đỉnh Rushmore. Nhưng nàng quá đỗi buồn rầu. Và điều này làm tôi cũng buồn lây.
"Oliver," Nàng nài nỉ, "Anh không thể nói dù chỉ một lời sao?"
Với ông ta? – Chắc là nàng mất trí rồi.
"Ý em là, chỉ cần một tiếng hello, được chứ?"
Nàng đưa điện thoại cho tôi, cố không bật khóc.
"Anh không bao giờ nói với ông ấy. Không bao giờ ." Tôi nói, tuyệt đối lạnh lùng.
Và bấy giờ nàng khóc. Không thành tiếng, nhưng nuớc mắt chảy dài trên má. Và nàng van nài.
"Hãy vì em, Oliver. Em chưa bao giờ yêu cầu anh điều gì cả. Hãy vui lòng."
Ba người chúng tôi. Ba người chúng tôi đứng đó (tôi tưởng như ba tôi cũng đang đứng đó) để chờ đợi một cái gì. Cái gì? Cho tôi?
Tôi không thể.
Jenny có hiểu nàng đã yêu cầu một điều bất khả thi? Lẽ ra tôi đã làm một điều gì hoàn toàn khác hẳn?
Khi tôi nhìn xuống sàn nhà, lắc đầu kiên quyết khước từ, và vô cùng khó chịu, Jenny nói với tôi bằng những tiếng thì thầm đầy phẫn nộ mà tôi chưa bao giờ nghe thấy:
"Anh là một gã không có trái tim." Nàng nói, rồi kết thúc cuộc điện đàm với ba tôi:
"Ông Barrett. Oliver muốn ông biết theo cái kiểu riêng đặc biệt của anh ấy, rằng…"
Nàng ngưng lại để thở. Nàng đang nức nở, vì vậy đó không phải là chuyện dễ dàng. Tôi quá ngạc nhiên để có thể làm bất cứ chuyện gì ngoài việc chờ đợi câu kết thúc.
"Oliver rất yêu ông." Nàng kết thúc, và vội vàng gác máy.
Tôi hoàn toàn không định hướng được hành động của mình trong một giây kế tiếp. Tôi cầu cho mình tạm thời mất trí. Đúng hơn, tôi không cầu gì cả. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho những gì tôi đã làm.
Tôi giật chiếc thoại khỏi tay nàng, và khỏi ổ quay, ném nó vào một góc phòng.
"Khốn kiếp thật, Jenny. Sao cô không biến khỏi đời tôi cho rảnh mắt!"
Tôi đứng lặng người, hồng hộc thở như đột nhiên biến thành một con dã thú. Lạy Chúa. Chuyện chết tiệt gì đã xảy ra cho tôi vậy? Tôi quay lại phía Jenny.
Nhưng nàng đã đi rồi.
Nàng đã đi xa hẳn không biết từ lúc nào, vì tôi thậm chí không nghe tiếng bước chân của nàng trên các bậc thang. Chúa ơi, chắc là nàng đã bỏ chạy lúc tôi vồ lấy chiếc điện thoại. Chiếc áo khoác và khăn quàng cổ của nàng vẫn còn đây. Nỗi đau vì không biết phải làm gì càng gia tăng vì nỗi đau khi nhận thức ra những gì tôi đã làm.
Tôi tìm kiếm khắp nơi.
Trong thư viện trường Luật, tôi lách vào những hàng ghế đầy những sinh viên đang học miệt mài, mỏi mắt dò tìm. Đi qua đi lại, đi tới đi lui, ít nhất cả chục lần. Dù tôi không thốt một tiếng nào, tôi biết mắt mình đang quắc lên sòng sọc, nét mặt mình hung dữ như thú đói mồi. Tôi đang quậy tung lên cái nơi khốn kiếp này. Nhưng có hề gì chứ?
Nhưng Jenny không ở đấy.
Rồi tôi đi qua Khu công cộng Harkness, nhà khách, quán café. Rồi chạy điên cuồng sang Hội trường Agassiz bên trường Radcliffe. Không nơi nào có. Giờ thì tôi chạy khắp mọi nơi, những bước chân cố nhanh lên, nhanh mãi, như nhịp đập trái tim tôi.
Hay ở Paine Hall? (cái tên nghe sao mà đau khổ!). Ở tầng dưới là phòng tập piano. Tôi biết mỗi khi Jenny buồn giận, nàng hay gõ phím như người ta giã gạo. Phải ở đó không? Nhưng nàng đã sợ chết khiếp vì tôi, sao có thể ngồi đàn?
Tôi đi như một gã điên khùng dọc hành lang, dọc các căn phòng tập, ở cả hai phía. Những khúc nhạc của Mozart, Batok, Bach, Brahms vẳng ra, trộn lẫn thành một âm thanh kỳ quái và kinh khủng.
Jenny hẳn phải tới đây!
Bản năng thúc đẩy tôi dừng lại trước một cánh cửa khi tôi nghe tiếng gõ đàn dồn dập một dạo khúc của Chopin. Tôi đứng yên một lúc. Tiếng đàn rất ầm ĩ, ngừng, rồi lặp lại, và nhiều lỗi. Trong một lần ngưng, tôi nghe tiếng một cô gái lầm bầm: "Con khỉ!" Chắc chắn là Jenny rồi. Tôi xô bật cánh cửa bước vào.
Một nữ sinh Racliffe ngồi bên chiếc đàn ngẩng nhìn tôi. Một con nhỏ hippie xấu xí, vai to, đang bực mình vì sự xâm nhập của tôi.
"Có chuyện gì vậy, ông anh?" Cô ta hỏi.
"Tệ ơi là tệ." Tôi đáp, và đóng cửa lại.
Và tôi thử tới công viên. Quán Pamplona, Cổng vòm của Tommy, cả Hayes Bick. Đó là những nơi mấy tay nghệ sĩ hay lui tới. Chẳng có gì.
Jenny đã đi đâu?
Lúc ấy, ga xe điện ngầm đã đóng cửa, nhưng nếu nàng đi thẳng qua ngõ công viên, nàng có thể đón tàu đi Boston. Tôi vọt tới trạm xe buýt.
Lúc tôi nhét mấy đồng xu vào máy điện thoại, đã gần một giờ khuya. Tôi đang ở trong một phòng điện thoại ở công viên Harvard.
"Hello, Phil?"
"Hả, ai đó ?" Ông hỏi lại, giọng ngái ngủ.
"Con đây, Oliver đây."
"Oliver!" Giọng ông có vẻ lo sợ, "Jenny có bị gì không?" Ông hỏi nhanh.
Nếu ông hỏi tôi, nghĩa là nàng không ở với ông.
"À, không, không đâu Phil."
"Tạ ơn Chúa! Con khỏe không, Oliver?"
"Tốt, Phil. Rất tốt. Phil, Jenny có thường gọi cho ba không?"
"Không đủ, khốn kiếp thật." Ông đáp, giọng nhẫn nhục lạ lùng.
"Ý ba là sao Phil?"
"Lạy Chúa, nó phải gọi thường xuyên hơn mới phải. Ba đâu phải là người lạ."
Nếu bạn biết thế nào là vừa an ủi, vừa đau đớn cùng một lúc, thì tôi đang như vậy đó.
"Nó có ở đó không?" Ông hỏi tôi.
"Dạ?"
"Đưa máy cho nó. Ta sẽ trách mắng chính nó."
"Không được, Phil."
"Ồ, nó ngủ rồi hả. Nếu nó ngủ, thôi đừng quấy rầy nó vậy."
"Dạ." Tôi đáp.
"Nghe này, chàng trai."
"Dạ?"
"Bộ Cranston xa xôi lắm hay sao mà con không ghé được vào một chiều chủ nhật nào đó, hả? Hay ba phải lên chỗ các con, Oliver?"
"Ồ, không, Phil, tụi con sẽ xuống chỗ ba."
"Chừng nào?"
"Một Chủ nhật nào đó."
"Đừng có nói chữ ‘nào đó’ với ba. Một đứa con ngoan không nói ‘ngày nào đó’. Nó nói ‘này’. Chủ nhật này nhé, Oliver?"
"Dạ vâng, thưa ba. Chủ nhật này."
"Bốn giờ nhé. Nhưng nhớ lái cẩn thận đấy. Được chứ?"
"Dạ được."
"Và lần sau gọi cho đúng giờ giấc đó, đồ chết tiệt!"
Ông gác máy.
Tôi đứng lặng, cô đơn lạc lõng, chìm trong bóng tối công viên, không biết phải đi đâu, phải làm gì kế tiếp. Một gã da màu đi tới gần, và hỏi tôi có cần gì không. Tôi đáp, lòng trống vắng: "Không, cám ơn ông."
Giờ đây, tôi không chạy nữa. Vội gì đâu khi quay trở về ngôi nhà trống rỗng? Đêm đã sâu lắm, và tôi lạnh cóng người (dù trời ấm áp, xin hãy tin tôi). Khi cách ngôi nhà khoảng vài chục thước, tôi cho là tôi trông thấy có ai đó đang ngồi trên đầu cầu thang. Chắc là mắt tôi đã đánh lừa tôi, vì cái hình dáng đó không hề động đậy.
Nhưng đó là Jenny.
Nàng ngồi đó, trên đầu cầu thang.
Tôi mệt đến không còn hoảng sợ, và thấy lòng nhẹ nhỏm hẳn đi đến không nói nên lời.
Thâm tâm tôi mong nàng có một thứ đồ vật gì đó để đập vào tôi.
"Jen ?"
"Ollie ?"
Cả hai đứa chúng tôi nói rất khẽ khàng. Không thể viết được thêm một cái gì cảm động.
"Em bỏ quên chìa khóa."
Tôi đứng dưới chân cầu thang, không dám hỏi nàng đã chờ ở đó bao lâu, chỉ biết mình đã mắc sai lầm kinh khủng với nàng.
"Jenny, anh xin lỗi…"
"Thôi anh!" Nàng cắt ngang lời xin lỗi của tôi, rồi lặng lẽ nói tiếp, "Yêu nghĩa là không bao giờ phải nói mình hối tiếc."
Tôi trèo lên các bậc thang, tới chỗ nàng ngồi.
"Em muốn đi ngủ, Oliver."
"Okay."
Chúng tôi đi lên nhà. Khi cởi đồ, nàng nhìn tôi, khuyến khích:
"Em muốn cái em đã nói, Oliver."
Và đó là tất cả.


Chương XIV


Lá thư tới vào tháng Bảy.
Nó được gửi tới cảng Dennis từ Cambridge, vì thế tôi đoán là thư đến chỉ trong vòng một hai ngày. Tôi vọt ra chỗ Jenny đang giám sát bọn học trò của nàng chơi đá bóng, và gọi nàng với giọng ngọt ngào nhất:
"Ta đi đi em."
"Hả?"
"Ta đi đi." Tôi lặp lại, đầy vẻ quyền uy, nên nàng đi theo khi tôi bước về phiá bờ nước.
"Có tin gì hả Oliver? Nói cho em nghe đi nào."
Tôi dẫn nàng đi tiếp vào chỗ đậu thuyền.
"Lên thuyền đi, Jenny." Tôi ra lệnh, chỉ về hướng chiếc thuyền với tay đang cầm lá thư, mà tới khi đó nàng vẫn chưa để ý tới.
"Oliver, em còn phải coi lũ trẻ." Nàng phản đối, ngay cả lúc ngoan ngoãn bước lên thuyền.
"Oliver, anh nói xem có chuyện gì vậy?"
Chúng tôi đã cách bờ vài trăm thước.
"Anh có chuyện này muốn nói với em."
"Anh không thể nói trên đất liền sao?" Nàng hét lớn.
"Không, chết tiệt vậy đó." Tôi cũng hét lớn ( Không có ai giận hờn chi cả, nhưng gió mạnh, nên chúng tôi phải hét lên mới nghe rõ lời nhau ).
"Anh muốn ở một mình với em. Hãy nhìn xem anh có cái gì này."
Tôi giơ phong thư ra cho nàng. Ngay tức khắc, nàng đọc ra địa chỉ nơi gửi.
"Ồ, trường luật Harvard. Anh bị đuổi học à?"
"Đoán lại đi, em bé lạc quan." Tôi hét.
"Anh đứng nhất lớp." Nàng đoán.
"Không hoàn toàn như vậy. Thứ ba."
"Ồ, chỉ thứ ba thôi?"
"Nghe này, thế nghĩa là anh vẫn được nêu tên trong Law Review."
Nàng vẫn ngồi im, vẻ thản nhiên.
"Lạy Chúa, Jenny." Tôi van vỉ. "Hãy nói gì đi."
"Không, nếu em chưa nhìn thấy con số 1 hoặc 2."
Tôi nhìn nàng, hy vọng nàng sẽ mỉm cười, một nụ cười nàng đang cố nén lại, tôi biết.
"Cười lên nào, Jenny" Tôi cầu khẩn.
"Em đi đây, chào nhé." Nàng nói, và ngay lập tức nhảy xuống nước. Tôi nhảy theo nàng, điều tôi biết kế đó là cả hai bám vào lườn chiếc thuyền và cười như điên dại.
"Nào, leo lên thuyền đi." Tôi nói, ranh mảnh nhìn nàng.
"Đừng vội huênh hoang, hạng ba vẫn chỉ là hạng ba thôi."
"Nghe đây, cô ả." Tôi nói.
"Gì vậy, chàng ngốc?"
"Anh nợ ơn em rất nhiều." Tôi nói chân thành.
"Không đúng, chàng ngốc ạ, không đúng."
"Không đúng?" Tôi hỏi lại, hơi ngạc nhiên.
"Anh nợ em mọi thứ." Nàng nói.
Đêm hôm đó, chúng tôi bỏ ra 23 đô cho một buổi tiệc tôm hùm tại một quán độc đáo ở Yarmouth. Jenny vẫn bảo lưu phán quyết của nàng cho tới lúc nào nàng biết được ai là người, như lời nàng, đã "đánh bại" tôi.
Nói nghe hơi ngớ ngẩn, tôi yêu nàng đến nỗi khi vừa về tới Cambridge, tôi vội tìm xem hai tay đứng đầu là ai. Tôi thấy khuây khỏa khi phát hiện ra người đạt hạng nhất là Erwin Blasband, Khoá ’64 trường City College, một kiểu sinh viên mọt sách, đeo kính cận, không thể thao chút nào và nhất là không phải mẫu thần tượng của Jenny. Kẻ đạt hạng nhì là Bella Landau, Khoá ’64 trường Bryn Mawr, một cô gái. Điều này thật là tuyệt, nhất là Bella Landau trông khô như ngói (như phần đông các quý cô học luật), và tôi có thể kể cho Jenny nghe một cách chi tiết về những gì xảy ra trong buổi tối ở Gannett House, tòa lầu của tờ Law Review. Lạy Chúa, đó là những đêm về muộn. Tôi đâu có hay về vào lúc hai hoặc ba giờ sáng. Sáu đêm, để biên tập tờ Law Review, tôi là tác giả của một bài báo (Hỗ trợ pháp lý cho dân nghèo thành thị – Một đề tài nghiên cứu tại quận Roxbury – thực hiện bởi Oliver Barrett IV, 3/1966, trang 861-908).
"Một bài viết khá. Thực sự rất khá."
Đó là tất cả những gì Joel Fleishman, tổng biên tập, lặp đi lặp lại. Thực tình, tôi mong chờ một lời đánh giá cụ thể hơn ở người sẽ là thư ký cho Thẩm phán Doughlas vào năm sau, nhưng đó là những gì anh ta nói khi đang xem lại bản thảo hoàn chỉnh của tôi. Chúa ơi, Jenny đã bảo tôi, nó "sắc sảo, thông minh, và thực hay ". Chả lẽ Fleishman không theo kịp?
"Fleisman nói đó là một bài khá, Jenny."
"Lạy Chúa, em chờ đến giờ này để nghe chỉ bao nhiêu đó thôi ư ? Ông ấy có phê bình về mặt khảo cứu, hay về văn phong gì khác không?"
"Không, Jen, anh ta chỉ nói nó khá."
"Vậy anh làm gì mà về muộn thế?"
Tôi nháy mắt với nàng.
"Anh có vài chuyện phải làm với Bella Landau."
"Ồ." Nàng nói. Tôi không xác định được giọng nàng biểu thị điều gì.
"Em có ghen không?"
"Không, em có đôi chân đẹp hơn."
"Nhưng em có viết được một bài báo không?"
"Cô ta có làm được món lasana không?”
"Vâng," Tôi nói, " Thực sự, hồi nãy ở Gannett House trông cô ta lôi cuốn lắm. Mọi người đều bảo chân cô ta cũng đẹp không kém của em đâu."
Jenny gật đầu: " Em sẽ đánh cuộc."
"Thế em bảo sao nào?"
"Bella Landau có trả tiền thuê nhà cho anh không?"
"Chết tiệt, chả lẽ anh không thể thôi thuê khi anh đã khấm khá?"
"Bởi vì, anh ạ," Vợ yêu của tôi đáp, "Anh chưa bao giờ khấm khá cả."


Chương XV


Chúng tôi hoàn thành khoá học theo thứ tự đó.
Nghĩa là, tôi, Erwin và Bella là ba sinh viên đỗ đầu của Khoa luật. Thời vẻ vang thắng lợi đã đến. Nào phỏng vấn. Nào Thư đề nghị. Nào những lời nài nỉ. Hàng đống hàng khối việc làm đang chào mời hứa hẹn. Như thể ở bất cứ phía nào tôi nhìn tới cũng đều có ai đó đang vẫy lá cờ với hàng chữ: "Barrett, hãy làm việc cho chúng tôi!"
Nhưng tôi chỉ hướng về những lá cờ xanh. Không phải là tôi ngu ngốc, nhưng tôi loại trừ các chỗ làm nhiều danh vọng, ví dụ như thư ký tòa án, hay một công sở, như Sở Tư pháp. Tôi ưu tiên cho một công việc kiếm nhiều tiền, để sớm tẩy sạch cái cụm từ "khổ như ăn mày" khỏi vốn từ vựng chết tiệt của chúng tôi.
Dù chỉ đứng thứ ba, tôi có những thuận lợi bất ngờ trong việc cạnh tranh một chỗ làm, vì trong số top ten tốt nghiệp luật, chỉ có mình tôi không phải là người Do Thái. Lạy Chúa, có đến một tá công ty rối rít mong một tay người Anglo Saxson chính gốc. Và hãy xem lại trường hợp của tôi: Law Review, All Ivy, Harvard, và còn nữa, bạn biết rồi đó. Hàng đàn người đang tranh nhau để có tên và con số của tôi trong danh sách nhân viên của họ. Tôi thấy mình như một em bé được nưng niu chiều chuộng, và tôi yêu những giây phút ấy.
Có một thư mời đặc biệt đến từ một công ty ở Los Angeles. Người tuyển dụng, Mr ___ viết cho tôi: "Bé nhà Barrett, ở địa hạt chúng tôi, lúc nào cũng có cái đó! Đêm hay ngày. Thậm chí, chúng tôi có thể yêu cầu mang nó đến văn phòng."
Không phải chúng tôi thích ở California, nhưng tôi muốn biết đích xác Mr ___. muốn trao đổi với tôi về vấn đề gì. Tôi và Jenny đã đến Los Angeles với nhiều hăm hở, nhưng ở đấy dường như họ không hăm hở lắm. (Cuối cùng, tôi gạt Mr___ ra sau lưng khi bảo ông ta tôi cóc cần quan tâm đến "cái đó" tí nào. Trông ông ta tiu nghỉu như gà bị cắt tiết.)
Thực sự, chúng tôi quyết định sẽ ở East coast. Chúng tôi vẫn còn nhiều lời mời hấp dẫn khác từ Boston, New York và Washington. Jenny cho là về thủ đô có thể tốt hơn cho tôi (Anh có thể vào Nhà trắng, Oliver), nhưng tôi nghiêng về phía New York. Và thế là, với lời chúc lành của nàng, cuối cùng tôi nhận lời với công ty của Jonas và Marsh, một công ty nhiều uy tín (Marsh là một cựu luật sư trưởng), và có một định hướng rất dân chủ (Anh có thể làm việc tốt và kiếm nhiều tiền ngay – Jenny nói). Họ cũng rất trọng vọng tôi. Ông già Jonas đã lên Boston, mời chúng tôi đi ăn tối ở Pier Four, và ngày hôm sau còn gửi hoa tặng Jenny nữa.
Trong khoảng một tuần, Jenny cứ ca hát véo von mấy chữ "Jonas, Marsh và Barrett". Tôi bảo nàng đừng vội hí hửng thế, nàng đáp lại là tôi cũng đang hí hửng đấy thôi, vì có lẽ trong đầu tôi cũng đang ca hát những giọng điệu tựa như nàng. Bạn thấy đâu cần tôi phải nói ra là nàng nói đúng, phải không?
Cho tôi lưu ý bạn, rằng Jonas and Marsh trả cho Oliver Barrett IV khoản lương 11.800 USD, cao nhất so với các bạn tốt nghiệp cùng khóa của tôi.
Thế nhưng bạn biết, về mặt học thuật, tôi chỉ đứng thứ ba.


Chương XVI


ĐỔI ĐỊA CHỈ
Kề từ ngày 1/7/1967
Ông bà Oliver Barrett IV
Dời về số 263 Khu Đông Đường 63rd
New York, NY 10021


"Nghe có vẻ trưởng giả học làm sang quá." Jenny phàn nàn.
"Đúng thế, chúng ta là trưởng giả học làm sang mà." Tôi bảo.
Sự kiện chi phí hàng tháng cho chiếc xe mới của tôi xuýt xoát với tiền thuê toàn căn hộ ở Cambridge càng làm tăng cảm giác thắng lợi của tôi. Công ty Jonas & Marsh chỉ cách chỗ tôi 10 phút đi bộ (hay nói chính xác hơn là đi khệnh khạng), và các cửa hiệu sang trọng như Bonwitt's vv…cũng cách xa nhà tôi từng ấy. Tôi khăng khăng bảo vợ tôi mở tài khoản và bắt đầu tiêu xài ngay lập tức.
"Vì sao vậy, Oliver?"
"Vì anh muốn được tôn trọng, Jenny."
Tôi gia nhập câu lạc bộ Harvard ở New York theo đề nghị của Raymon Straton, vừa mới quay trở về cuộc sống dân sự sau khi đã bắn vài phát súng vào những tay VC (Tao không chắc đó có phải là VC không nữa. Tao nghe tiếng động, và tao xả súng vào bụi rậm – Hắn kể.) Ray và tôi cùng chơi squash it nhất ba lần mỗi tuần, và tôi tự nhủ sẽ dành ra ba năm để đạt chức vô địch câu lạc bộ. Không hiểu chỉ đơn giản vì tôi lại lê la trên lãnh địa Harvard, hay là vì lời đồn đại về những thành công tôi đạt được sau khi ra trường, lũ bạn bè tôi một lần nữa lại tề tựu về. (Tôi không hề khoe khoang về lương tháng đâu, thật đấy). Chúng tôi dọn tới vào giữa mùa hè (Tôi phải dự một khóa tập huấn để thi lấy chứng chỉ luật sư ở New York) và lá thư mời đầu tiên là rủ chúng tôi đi chơi cuối tuần.
"Thôi đi, Oliver. Em không muốn phí hai ngày với lũ bạn bè thô lỗ ấy đâu."
"Được rồi, nhưng anh phải nói sao với tụi nó đây Jen?"
"Bảo họ là em đang có mang."
"Thật hả?"
"Không, nhưng nếu mình ở nhà thì có thể lắm chứ."
Chúng tôi đã chọn được một cái tên. Có nghĩa là, cuối cùng, tôi đã được sự đồng ý của Jenny.
"Nè, em không cười chứ?" Tôi hỏi nàng khi thảo luận chuyện này lần đầu tiên. Lúc đó, nàng đang đứng trong bếp (một căn phòng với màu vàng chủ đạo, và thậm chí có cả một cái máy giặt).
"Cái gì?" Nàng vừa hỏi, vừa tiếp tục xắt cà chua.
"Anh thích cái tên Bozo thật đó."
"Anh nói nghiêm chỉnh chứ?"
"Vâng, thật mà."
"Anh tính đặt tên con là Bozo?" Nàng lặp lại câu hỏi.
"Vâng, thật đấy, Jenny. Đó là một cái tên siêu hạng đấy."
"Bozo Barrett." Nàng lặp lại, thử đo lường tầm cỡ cái tên.
"Chà, nó sẽ là một thằng nhóc ngon lành đó." Tôi nói tiếp, tự củng cố niềm tin của mình với từng từ một. "Bozo Barrett, một cầu thủ tranh bóng cừ khôi của đội All Ivy trường Harvard."
"Vâng, nhưng mà, anh à," Nàng hỏi, "giả sử, chỉ giả sử thôi, thằng nhóc không thích hợp thì sao?"
"Không thể có chuyện đó đâu em, gien của tụi mình tốt lắm mà. Thật đó."
Tôi nói, chân thành. Cái vụ Bozo này đã trở thành giấc mơ ban ngày thường trực của tôi những lúc tôi đi bộ một cách tự hào đến nơi làm việc.
Tôi nhắc lại vấn đề vào bữa ăn tối. Chúng tôi đã mua mấy món đồ sứ Đan Mạch thật tuyệt.
"Bozo sẽ là một tay bự xự và chơi thể thao ra trò đấy." Tôi bảo nàng. "Nếu mà nó có đôi bàn tay giống em, mình sẽ cho nó chơi vị trí hậu vệ."
Nàng chỉ mỉm một nụ cười nhiều ẩn ý, chắc chắn là đang tìm kiếm một lý lẽ gì đó để dập tắt viễn tượng tươi sáng của tôi. Nhưng vì không tìm ra một nhận xét thật sự thuyết phục, nên nàng chỉ cắt chiếc bánh và đưa cho tôi một miếng. Rồi tiếp tục nghe tôi vẽ vời.
"Hãy nghĩ mà xem, Jenny," Tôi nói tiếp, miệng còn đầy bánh, "Một thằng nhóc cân nặng một trăm lẻ tám ký lô!"
"Một trăm lẻ tám ký à? Gien chúng mình chả đủ để bảo đảm chuyện đó đâu anh."
"Mình sẽ bồi dưỡng nó, Jenny. Thức ăn giàu đạm, các thứ đồ bổ, cả một khẩu phần bổ sung nữa."
"Ờ, thế giả dụ nó không ăn thì sao anh?"
"Nó phải ăn. Mẹ kiếp!" Tôi đáp, hơi nản lòng vì thằng bé chẳng bao lâu nữa sẽ cùng ngồi chung bàn ăn với chúng tôi, có thể chả tích cực hợp tác trong kế hoạch của tôi, nhằm làm cho nó thành nhà vô địch thể thao, tí xíu nào – "Nó phải ăn, không thì anh đập vỡ mặt nó ra!"
Ngay lúc ấy, Jenny nhìn thẳng vào mắt tôi, mỉm cười:
"Thế nếu nó nặng một tạ mốt, anh vẫn đập chứ?"
"Ồ!" – Tôi hơi xìu xuống, rồi lấy lại bình tĩnh ngay, "nhưng nó không thể nặng như vậy ngay lập tức!"
"Phải, phải." Nàng nói, vung vẩy chiếc muỗng về phía tôi, "Nhưng đến lúc ấy, công tử ạ, bắt đầu co chân chạy là vừa đấy !" Rồi nàng phá ra cười.
Thật khôi hài. Trong lúc nàng đang cười ngặt nghẽo, tôi đã nhìn thấy viễn cảnh một thằng nhóc nặng gần một tạ mốt mặc tả lót, vừa rượt theo tôi ở Công viên Central Park, vừa gầm lên: "Ông phải cư xử tốt với mẹ tôi nghe chưa, công tử!" Chúa ơi, hy vọng là Jenny sẽ ngăn Bozo lại, không thì chắc tôi tiêu tùng.


Chương XVII


Có một em bé không phải là chuyện dễ dàng.
Tôi muốn nói, có một nỗi đau đối với những kẻ mà năm đầu tiên trong đời sống gia đình cố làm sao để tránh cho người vợ mang thai (khi tôi khởi sự, tôi cũng mang bao phòng ngừa) rồi thay đổi hoàn toàn ý định của mình và bị ám ảnh bởi một lo âu ngược lại.
Vâng, điều này có khả năng trở thành một sự ám ảnh. Và nó có thể tước đoạt đi những khía cạnh đẹp đẽ nhất của niềm hạnh phúc lứa đôi, đó là sự tự nhiên và không gò bó. Nghĩa là, phải "lập chương trình" cho ý nghĩ của bạn ("lập chương trình" đúng là một từ không hay ho gì cả, vì nó gợi cho người ta liên tưởng đến một cỗ máy nào đó) – Cái sự vụ ấn định chương trình cho ý nghĩ về hành vi yêu đương theo những nguyên tắc, những thứ lịch, những kế hoạch (ví dụ như: "Sáng mai có lẽ tốt hơn đấy, Oliver") là cội nguồn của vô số điều bất tiện, đáng ghét và cuối cùng là sự kinh hoàng.
Bởi vì, khi bạn thấy rằng những kiến thức học lóm đâu đó và các cố gắng về thể chất thông thường không đạt được chút kết quả nào trong việc sinh con đẻ cái, đầu óc bạn sẽ chứa toàn những ý nghĩ ảm đạm buồn rầu.
"Tôi chắc là cậu hiểu, Oliver, rằng việc vô sinh và khả năng tình dục không có liên quan gì với nhau cả" – Lời của bác sĩ Mortimer Sheppard trong cuộc tư vấn đầu tiên, khi tôi và Jenny cuối cùng quyết định là cần phải có sự tư vấn của một chuyên gia.
"Anh ấy hiểu mà, bác sĩ " – Jenny đáp thay cho tôi, biết rằng ý niệm về việc vô sinh – về khả năng có thể bị vô sinh của tôi, đối với tôi chẳng khác gì bị hủy diệt, dù tôi chưa bao giờ nói với nàng tí gì về chuyện này. Phải chăng, qua giọng nói của nàng, Jenny thậm chí còn mong mỏi rằng nếu như khám phá ra một sự thiểu năng nào đó, thì đó là do ở bản thân nàng?
Nhưng vị bác sĩ đã đơn giản lật ngửa bài với chúng tôi, bảo cho chúng tôi biết điều xấu nhất, trước khi tiếp tục nói rằng vẫn còn một khả năng to lớn là cả hai đứa chúng tôi vẫn hoàn hảo, rằng có thể chẳng bao lâu chúng tôi sẽ trở thành những bố mẹ đầy ắp tự hào. Nhưng dĩ nhiên chúng tôi phải trải qua một loạt xét nghiệm, hoàn toàn về thể chất. Chỉ là một số công việc mà thôi. (Tôi không muốn lặp lại chi tiết không có gì thú vị về những cuộc xét nghiệm này.)
Chúng tôi tiến hành việc xét nghiệm vào một ngày thứ Hai. Jenny trong ngày, còn tôi thì sau giờ làm việc (Tôi hoàn toàn mải mê với thế giới pháp lý của mình). Bác sĩ Sheppard gọi Jenny tái khám vào thứ Sáu, bảo rằng cô y tá của ông nghỉ việc, và ông muốn kiểm tra lại một vài thứ. Khi Jenny nói với tôi về cuộc tái khám, tôi bắt đầu ngờ rằng có lẽ ông đã phát hiện sự thiểu năng ở nàng. Tôi nghĩ nàng cũng ngờ như vậy. Việc cô y tá vắng chỉ là một cái cớ cũ rích.
Khi bác sĩ Sheppard gọi điện thoại tới công ty cho tôi, tôi gần như tin chắc. Ông bảo tôi nên ghé qua phòng khám bệnh của ông trên đường về. Khi tôi nghe thấy đó không phải là một cuộc đối thoại tay ba ("Tôi đã nói chuyện với bà Barrett vào hồi sớm nay"), sự ngờ vực của tôi đã được xác nhận. Jenny không thể sinh con. Dù sao, đừng tuyệt đối hóa điều này, Oliver ơi; hãy nhớ rằng bác sĩ đã nói về những thứ như giải phẫu gì đó. Nhưng tôi không còn tập trung tư tưởng được, và thật là điên nếu phải chờ cho đến năm giờ chiều. Tôi gọi lại cho ông và hỏi ông có thể tiếp tôi vào đầu giờ chiều được không. Ông ta bảo được.
"Do lỗi ở ai, ông có biết không?" Tôi hỏi, không chút màu mè vòng vo.
"Thật tình, tôi không thể nói là "lỗi", Oliver" Ông ta đáp.
"Được rồi, vậy thì ông biết ai trong chúng tôi là người thiểu chức năng?”
"Vâng, là Jenny."
Ít nhiều, tôi cũng đã chuẩn bị tư tưởng, nhưng sự phán quyết của vị bác sĩ vẫn làm tôi choáng váng. Ông ta không nói gì thêm, nên tôi cho là ông ta muốn tôi nói ra một vài lời gì đó.
"Được thôi, chúng tôi sẽ xin con nuôi. Ý tôi là, vấn đề quan trọng là chúng tôi yêu nhau, phải không?"
Và ông ta đã báo cho tôi biết.
"Oliver, Vấn đề nghiêm trọng hơn thế nhiều. Jenny đau nặng lắm."
"Xin ông nói rõ đau nặng là sao ạ?"
"Cô ấy sắp chết."
"Không thể nào." – Tôi đáp.
Và tôi chờ ông bảo với tôi, đó chỉ là một lời đùa cợt.
"Cô ấy sắp chết, Oliver. Tôi rất tiếc phải nói điều này với anh."
Tôi nhất quyết là ông ta đã phạm sai lầm – có thể là cái cô y tá điên rồ ấy lại khóa trái cửa phòng và đưa lộn cho ông ta hình chụp X quang hay thứ gì đại loại. Ông ta lặp lại với vẻ trắc ẩn, rằng việc xét nghiệm máu của Jenny đã tiến hành tới ba lần. Tuyệt đối không thể có sai lầm trong chẩn đoán. Dĩ nhiên ông ta có thể giới thiệu chúng tôi – tôi và Jenny – tới một bác sĩ chuyên khoa huyết học. Thật tình, ông ta muốn đề nghị…
Tôi khoát tay cắt ngang lời ông ta. Tôi muốn yên tĩnh trong giây lát. Cần yên tĩnh cho mọi thứ lắng dịu lại trong tôi. Và tôi chợt nảy ra một ý nghĩ.
"Ông đã nói gì với Jenny, bác sĩ?"
"Rằng cả hai đều bình thường."
"Cô ấy tin chứ?"
"Tôi cho là có."
"Vậy chừng nào chúng ta có thể nói với cô ấy?"
"Chuyện ấy bây giờ tùy ở anh."
Tùy ở tôi! Lạy Chúa, tôi bây giờ hầu như không thể thở được.
Vị bác sĩ giải thích rằng liệu pháp cho những ca bệnh bạch cầu như Jenny chỉ đơn giản là xoa dịu – có thể làm giảm đau đớn, có thể kéo dài thêm một thời gian, nhưng vô phương cứu chữa. Vì vậy, bây giờ vấn đề là tùy ở nơi tôi. Họ có thể điều trị kín đáo một thời gian.
Nhưng lúc bấy giờ, tất cả những gì tôi có thể nghĩ được, đó là tại sao mọi chuyện lại có thể tồi tệ vậy.
"Cô ấy chỉ mới hai mươi bốn tuổi!" Tôi bảo, đúng hơn là hét lên với vị bác sĩ. Ông ta gật đầu, tỏ vẻ vô cùng nhẫn nại và hiểu biết rất rõ tuổi của nàng, cũng như hiểu rõ điều này làm cho tôi đau đớn ra sao. Cuối cùng, tôi nhận ra mình không thể ngồi lì trong phòng khám của ông ta mãi. Tôi hỏi ông ta tôi phải làm gì. Nghĩa là, tôi nên làm gì đây. Ông ta bảo tôi cố cư xử càng bình thường và càng lâu thì càng tốt. Tôi cảm ơn ông và rời nơi ấy.
Bình thường! Bình thường!

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét