Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Dưới ánh sao thu - Knut Hamsun - Kỳ II



Under høstjernen 
Knut Hamsun

Nguyễn Thành Nhân dịch
(từ bản tiếng Anh Under the Autumn Star
của W. W. Worster)




XI

Giờ thì mọi đường ống đã đặt xong, các vòi nước đã được lắp; nước bắn vào bồn với một tia mạnh mẽ. Grindhusen đã mượn những thứ đồ nghề chúng tôi cần từ một nơi khác, nhờ thế chúng tôi có thể trám lại những còn lỗ còn sót đây đó; thêm hai ngày nữa, chúng tôi lấp đầy con mương xuôi sườn đồi, và công việc ở nhà ông mục sư hoàn tất. Ông rất hài lòng; ông đề nghị dán một thông báo trên cây cột đỏ nói rằng chúng tôi là những chuyên gia về giếng, đường ống và cấp nước, nhưng xét tới việc đã quá muộn trong năm, và sương giá có thể rơi vào bất cứ lúc nào, điều đó chẳng ích lợi mấy cho chúng tôi. Chúng tôi xin ông thay vì vậy nên nhớ tới chúng tôi vào mùa xuân sau.
Sau đó chúng tôi tới nông trại kế bên để đào khoai tây, hứa sẽ ghé thăm lại nhà ông vào dịp nào đó.
Có nhiều nhân công đang làm ở nơi mới; chúng tôi chia thành nhiều nhóm và khá là vui vẻ. Nhưng công việc này sẽ không kéo dài tới một tuần; sau đó chúng tôi sẽ phải di chuyển tiếp.
Một chiều nọ ông mục sư ghé tới và đề nghị nhận tôi làm người giúp việc đồng áng ở nhà ông. Đó là một đề nghị tốt đẹp, và tôi suy nghĩ về nó một lúc, nhưng rốt cuộc từ chối. Tôi thà đi lang thang và tự làm chủ chính mình còn hơn, làm những công việc tôi có thể tìm được đây đó, ngủ ngoài trời, tìm ra một điều vặt vãnh để suy tư. Ở đây, trong những cánh đồng khoai tây, tôi gặp một người tôi có thể kết bạn khi Grindhusen đã đi. Người mới này là một anh chàng có tâm hồn giống như tôi, và từ những gì tôi đã nghe và nhìn thấy, gã là một lao động giỏi; gã tên là Lars Falkberget, nhưng gã tự gọi mình là Falkenberg. (Cái tên sau có một âm thanh nổi bật hơn là cái tên địa phương mộc mạc Falkberget.)
Anh chàng Erik trẻ tuổi là đốc công và giám thị phụ trách những nhân công đào khoai, và chở khoai thu hoạch về nhà. Cậu ta là một gã trai hai mươi đẹp mã, điềm tĩnh và khỏe mạnh ở lứa tuổi của mình, và là đứa con trai đích thực của ngôi nhà. Không ngờ gì nữa, giữa cậu ta và Frøken Elisabeth ở nhà ông mục sư có một quan hệ nào đó, xét tới việc một hôm nọ nàng tới đó và đứng nói chuyện với cậu ta ở giữa đồng một lúc. Khi nàng sắp đi, nàng cũng tìm ra vài lời để nói với tôi, rằng Oline bắt đầu quen với những thiết bị ống nước và vòi nước mới.
“Thế còn cô? tôi hỏi.
Vì lịch sự, nàng cũng trả lời câu hỏi này, nhưng tôi có thể thấy nàng không muốn ở  lại trò chuyện với tôi.
Nàng ăn mặc thật dễ thương, với một tấm áo choàng nhẹ mới tinh rất hợp với đôi mắt xanh biếc của nàng…
Ngày hôm sau Erik gặp một sự cố; ngựa của cậu ta đã lồng lên, lôi cậu ta ngang qua những cánh đồng và cuối cùng quẳng cậu ta vào một cái hàng rào. Cậu ta thâm tím cả người và chảy máu dầm dề; vài giờ sau, khi hồi tỉnh lại, cậu ta vẫn còn chảy máu. Lúc này Falkenberg được cử làm người đánh xe.
Tôi vờ đau buồn trước chuyện đã xảy ra, và đi lòng vòng, lặng lẽ và buồn rầu như số còn lại, nhưng tôi không hề cảm thấy như thế. Thật sự, tôi không hề hy vọng có Frøken Elisabeth cho mình; tuy nhiên, tôi đã tống khứ được kẻ được nàng ban ân huệ nhiều hơn tôi.
Chiều hôm đó tôi tới khu nghĩa trang và ngồi ở đó một lúc. Ước gì nàng tới, tôi nghĩ bụng. Và mười lăm phút sau nàng tới. Tôi đột ngột đứng lên, hoàn toàn theo dự tính trước, vờ như thể sẽ chuồn đi và trốn, rồi tôi dừng lại, đứng một cách bất lực và nhượng bộ. Nhưng tới đây mọi dự định và kế hoạch của tôi bỏ rơi tôi, và tôi hoàn toàn yếu ớt khi nàng tới gần đến thế; tôi bắt đầu nói đôi điều.
“Erik – nghĩ tới việc đã xảy ra – và hôm qua…”
“Tôi đã biết chuyện đó,” nàng đáp.
“Cậu ta bị thương nặng.”
“Vâng, vâng, dĩ nhiên, anh ta bị thương nặng – vì sao anh nói với tôi về anh ta?”
“Tôi đã nghĩ… Không, tôi không biết. Nhưng, dù sao, anh ta đã khá hơn. Và chắc chắn là mọi chuyện sẽ ổn thôi.”
“Vâng, vâng…”
Im lặng.
Nghe như thể nàng đang chế giễu tôi. Rồi đột nhiên nàng nói với một nụ cười:
“Anh thật là một người kỳ lạ! Cái gì xui khiến anh đi suốt chặng đường để tới đây ngồi vào một buổi chiều vậy?”
“Chỉ là một thói quen tôi mới có gần đây. Có gì đó để làm cho tới giờ ngủ.”
“Vậy anh không sợ à?”
Giọng đùa cợt của nàng mang tới cho tôi can đảm; tôi cảm thấy mình đang đứng trên một mảnh đất chắc chắn hơn, và đáp:
“Không, đó chính là vấn đề. Tôi muốn học cách rùng mình ớn lạnh.”
“Học cách rùng mình ớn lạnh? Như cậu bé trong chuyện cổ tích. Tôi tự hỏi anh đọc chuyện đó ở đâu?”
“Tôi không biết. Trong cuốn sách nào đó, tôi cho là vậy.”
Im lặng.
“Vì sao anh không tới làm việc cho chúng tôi khi Cha đề nghị anh?”
“Tôi không giỏi làm công chuyện đó. Tôi sẽ lên đường với một người khác.”
“Anh đi đường nào?”
“Tôi không thể nói. Đông hoặc Tây. Chúng tôi chỉ là những gã lang thang.”
Im lặng.
Tôi xin lỗi,” nàng nói. “Ý tôi là, tôi không nghĩ anh khôn ngoan… Nhưng có phải đó là điều anh đã nói về Erik? Tôi chỉ tới để hỏi thăm về anh ta…”
“Giờ thì cậu ta hơi tệ, nhưng ổn.”
“Bác sĩ có nghĩ là anh ta sẽ khá hơn?”
“Vâng, trong chừng mực tôi biết. Tôi không nghe thấy gì khác.”
“Vâng – chúc ngủ ngon.”
Ôi, trẻ trung, giàu có và đẹp mã, nổi tiếng và hiểu biết các ngành khoa học!... Nàng bỏ đi…
Trước khi rời nghĩa trang tôi tìm được một cái móng của ngón tay cái và bỏ nó vào túi. Tôi chờ một lát, nhìn phía này phía khác, và lắng nghe, nhưng mọi thứ vẫn im lìm. Không có giọng nói nào bảo rằng, “Cái móng tay đó của tôi!”


XII

Falkenberg và tôi bước ra ngoài. Đang là chiều tối; không khí mát, bầu trời cao tít với những vì sao đang tỏa sáng. Tôi thuyết phục gã đi theo đường vòng qua khu nghĩa trang; trong tình trạng xuẩn ngốc của mình, tôi muốn đi con đường đó, để xem có ánh sáng trong ô cửa sổ nhỏ ở dưới nhà của ông mục sư hay không. Ôi, trẻ trung, giàu có và…
Chúng tôi đi vài giờ, không mang vác gì nặng, ngoài ra, chúng tôi là hai kẻ lang thang vẫn còn khá xa lạ với nhau, vì thế chúng tôi chỉ nói rất ít. Chúng tôi đi ngang qua thương trạm đầu tiên, rồi tới một thương trạm khác; chúng tôi có thể nhìn thấy cái tháp của chái nhà thờ trong ánh chiều hôm.
Hoàn toàn theo thói quen, tôi cũng muốn đi vào khu nghĩa trang ở đây. Tôi nói:
“Anh nghĩ sao? Chúng ta có thể tìm được một nơi ở đây để nghỉ đêm?”
“Chả có nghĩa lý gì trong việc đó,” Falkenberg nói, “khi có cỏ khô trong mọi cái vựa cỏ dọc theo đường. Và nếu chúng ta ngủ, sẽ có chỗ trú trong rừng.”
Và chúng tôi đi tiếp, Falkenberg dẫn đầu.
Gã khoảng trên ba mươi. Cao và vạm vỡ, nhưng hơi gù lưng; bộ ria dài vòng xuống mép. Gã ít lời, nhanh nhạy và tử tế; gã cũng có một giọng hát tuyệt vời; một dạng hoàn toàn khác với Grindhusen về mọi mặt. Và khi nói, gã dùng những từ lạ lùng xuất phát từ những thổ ngữ khác nhau, với đôi chút tiếng Thụy Điển ở câu này câu khác; không ai có thể nói gã đến từ vùng nào.
Chúng tôi tới một trang trại, lũ chó sủa rân, và người trong trại vẫn còn đi lại.
Falkenberg yêu cầu được gặp chủ trại. Một người đàn ông bước ra.
Anh ta có công việc gì cho chúng tôi không?
Không.
Nhưng cái hàng rào dọc đường đã đổ hết rồi, chúng tôi sửa nó được không?
Không. Bản thân anh ta cũng không có việc gì khác để làm vào thời điểm này trong năm.
Họ có thể cho chúng tôi trú đêm không?
Rất tiếc, nhưng..
Cả trong vựa cỏ cũng không?
Không, các cô gái vẫn đang ngủ ở đó.
“Đồ đáng ghét,” Falkenberg lầm bầm trong lúc chúng tôi bỏ đi. Chúng tôi đi qua một khu rừng nhỏ, tìm một chỗ khả dĩ để ngủ.
“Giả sử chúng ta quay lại nông trại gặp những cô gái trong vựa cỏ? Có khả năng họ sẽ không từ chối chúng ta.”
Falkenberg suy nghĩ giây lát.
“Lũ chó sẽ làm ồn lên.”
Chúng tôi bước ra một cánh đồng nơi hai con ngựa đang được thả rong. Một con có đeo lục lạc trên cổ.
“Cái gã này tệ thật,” Falkenberg, “ngựa của  anh ta vẫn còn ở ngoài và các phụ nữ của anh ta vẫn đang ngủ trong vựa cỏ. Sẽ là một việc tốt cho hai con vật nếu cưỡi chúng một lúc.”
Gã tóm lấy con ngựa đeo lục lạc, nhét cỏ và rêu vào cái lục lạc, và phóng lên lưng nó. Con ngựa của tôi khá nhút nhát, và tôi phải vất vả lắm mới tóm được nó.
Chúng tôi cưỡi ngựa ngang qua đồng, tìm được một cánh cổng, và tiến ra đường cái. Mỗi chúng tôi có một tấm chăn để lót. Nhưng không ai có một sợi dây cương.
Dù sao, chúng tôi xoay xở khá ổn, xoay xở cực kỳ tốt; chúng tôi phi gần năm dặm, tới một ngôi làng khác. Đột nhiên chúng tôi nghe thấy ai đó ở phía trước con đường.
“Tốt hơn nên phi nước đại,” Falkenberg ngoảnh đầu nói, “Tiến lên nào.”
Nhưng với đôi chân của mình, Falkenberg không phải là một kỵ sĩ kỳ tài; đầu tiên gã bám vào cái lục lạc, rồi tuột về trước và treo lủng lẳng với cả hai tay vòng quanh cổ con ngựa. Tôi trông thấy một trong đôi chân của gã chĩa lên trời khi gã té xuống.
May thay, rốt cuộc không có nguy hiểm lớn nào chờ đợi chúng tôi; chỉ là một cặp trẻ tuổi ra ngoài hò hẹn.
Thêm nửa giờ phi ngựa, và cả hai chúng tôi đều cứng cả người và đau nhức. Chúng tôi xuống ngựa, quay đầu hai con ngựa về phía nhà chúng, và đuổi chúng đi. Giờ chúng tôi lại một lần nữa trở thành những khách bộ hành.
Gakgak, gakgak – âm thanh đến từ một chốn xa xôi. Tôi biết nó rất rõ; đó là một con ngỗng xám. Hồi còn nhỏ, chúng tôi được dạy phải chắp hai tay lại và đứng thật yên lặng để không làm con ngỗng hoảng sợ khi nó bay ngang. Không có tổn hại gì trong việc đó; giờ cũng không có tổn hại gì trong việc đó. Và vì thế tôi thực hiện. Một cảm giác bí ẩn lặng thầm len lén xuyên qua tôi; tôi nín thở và nhìn đăm đăm. Và đôi cánh hình lưỡi cày tuyệt diệu lướt qua dưới những vì sao…
Rốt cuộc chúng tôi tìm thấy một cái vựa cỏ khô ở một trang trại im lìm, và chúng tôi ngủ ở đó vài giờ. Họ bắt gặp chúng tôi đang ngủ say vào sáng hôm sau.
Falkenberg tới gặp người chủ trại ngay và đề nghị trả tiền cho việc trọ đêm. Chúng tôi đã tới trễ vào đêm trước, gã giải thích, và không muốn đánh thức mọi người, nhưng chúng tôi không phải là những kẻ lẫn trốn về chuyện đó. Người đàn ông không nhận tiền của chúng tôi; lại còn mời chúng tôi uống cà phê trong bếp. Nhưng anh ta không có việc làm cho chúng tôi, vụ thu hoạch đã xong, lúc này bản thân anh ta và người nhà cũng không có gì để làm ngoài việc sửa lại hàng rào ở chỗ này chỗ khác.

XIII

Chúng tôi lê bước suốt ba ngày và không tìm được việc làm nào, nhưng phải thanh toán tiền ăn uống, trở nên nghèo hơn từng ngày một.
“Anh còn lại bao nhiêu, và tôi còn lại bao nhiêu? Chúng ta không bao giờ đạt được điều gì khá với mức độ thế này,” Falkenberg nói. Và gã đưa ra một gợi ý rằng chẳng bao lâu chúng tôi sẽ phải thử trộm cắp đôi chút.
Chúng tôi trao đổi về chuyện đó một lát, và đồng ý chờ xem mọi sự sẽ chuyển biến ra sao. Thức ăn không khó kiếm, chúng tôi luôn có thể bắt được một con gà. Nhưng tiền là món chúng tôi thật sự cần tới, và phải có. Nếu không thể xoay được nó theo cách này, chúng tôi phải cố xoay được nó theo cách khác. Chúng tôi không phải là những thiên thần.
“Tôi không phải là một thiên thần mắc đọa,” Falkenberg. “Giờ tôi ở đây, ngồi với bộ quần áo tốt nhất, và chúng cũng chả tốt hơn quần áo lao động của một người khác. Tôi có thể giặt chúng trong một dòng suối, rồi ngồi đợi cho tới khi chúng khô; nếu có một lỗ thủng tôi sẽ vá lại, và ngày nào đó nếu tôi có dịp kiếm được chút tiền, tôi có thể mua thêm vài bộ. Và đó là mục đích.”
“Nhưng Erik đã bảo rằng anh là một gã ăn xin để uống rượu.”
“Cái thằng nhãi đó. Uống rượu – chà, dĩ nhiên là tôi uống. Chỉ ăn thôi thì có nghĩa lý gì… Chúng ta hãy tìm một nơi có đàn dương cầm,” Falkenberg nói.
Tôi nghĩ bụng: nơi có một cây dương cầm cũng có nghĩa là những người giàu có; đó là nơi gã sẽ bắt đầu ăn trộm.
Vào xế trưa chúng tôi tới một nơi như thế. Falkenberg đã mặc trước bộ đồ thành thị của tôi, và đưa cái ba lô của gã cho tôi đeo để có thể bước dễ dàng với bộ tịch ta đây. Gã đi thẳng lên các bậc thềm cửa trước, biến khỏi tầm nhìn của tôi một lúc, rồi lại bước ra, bảo rằng phải, gã sẽ chỉnh dây cho chiếc đàn của họ.
“Sẽ làm cái gì?”
“Im lặng đi,” Falkenberg nói. “Trước kia tôi từng làm việc này, dù tôi không khoe khoang về chuyện đó ở khắp nơi.”
Gã lôi ra khỏi ba lô một cái khóa để chỉnh dây đàn dương cầm, và tôi thấy rằng gã có vẻ nghiêm chỉnh.
Tôi được lệnh ở gần chỗ đó trong lúc gã chỉnh dây đàn.
Tốt, tôi đi lang thang quanh quẩn để giết thì giờ; thỉnh thoảng khi vòng ra mé nam ngôi nhà, tôi có thể nghe thấy Falkenberg đang chỉnh dây đàn trong phòng khách, và gã dùng sức mạnh để xử lý nó. Gã không thể đánh một hợp âm đàng hoàng, nhưng có lỗ tai tốt, bất cứ lúc nào lên một sợi dây đàn, gã cũng cẩn thận vặn nó trở lại chính xác vị trí ban đầu, để với bất cứ giá nào cây đàn cũng không thể tệ hơn.
Tôi lân la trò chuyện với một trong những người giúp việc trong trại, một chàng trai trẻ. Cậu ta bảo cậu ta kiếm được hai trăm Kroner mỗi năm, ngoài bao ăn. Thức dậy lúc sáu giờ rưỡi để cho lũ ngựa ăn, hoặc lúc năm giờ rưỡi vào mùa bận rộn. Làm việc cả ngày, cho tới tám giờ tối. Nhưng cậu ta rất hài lòng với cuộc sống của mình trong cái thế giới bé nhỏ đó. Tôi còn nhớ bộ răng đẹp, khỏe mạnh và nụ cười vui vẻ khi cậu ta nói về cô gái của mình. Cậu ta đã tặng nàng một chiếc nhẫn bạc với một quả tim vàng ở mặt trên.
“Cô ta đã nói gì về chuyện đó?”
“Chà, nàng sướng rên lên, anh có thể chắc thế.”
“Và cậu đã nói gì?”
“Nói gì ư? Sao, tôi không biết. Bảo rằng tôi hy vọng nàng thích nó. Tôi cũng muốn tặng nàng vải để may một cái váy, nhưng…”
“Cô ta có trẻ không?”
“Sao, có. Nói năng cứ như một chiếc đàn hạc Do Thái nhỏ. Trẻ – tôi nghĩ thế.
“Cô ta sống ở đâu?”
“À, tôi không thể nói điều đó. Cả làng sẽ biết chuyện nếu tôi nói ra.”
Và tôi đứng đó như một Alexander khác, rất chắc chắn về thế giới, và hơi coi khinh cậu trai này cùng cuộc đời nhỏ bé khốn khổ của cậu ta. Khi chúng tôi lên đường, tôi cho cậu ta một trong số chăn của mình; mang cả hai tấm thì nặng quá. Cậu ta nói ngay rằng cậu ta sẽ tặng nó cho cô bạn gái; nàng sẽ vui mừng với một tấm chăn tốt và ấm.
Và Alexander nói: Giá tôi không phải là chính mình, tôi sẽ là cậu…
Khi Falkenberg xong việc và bước ra, gã trở nên cực kỳ thanh lịch trong mọi cung cách ngay tức khắc, và nói năng với một kiểu cách tinh tế, tôi hầu như không hiểu nổi gã. Cô con gái trong nhà bước ra cùng gã. Chúng tôi sẽ đi ngay không trì hoãn sang nông trại lân cận, gã nói; ở đó có một cây đàn dương cầm cần được săn sóc tới. Và thế là “Farvel, Frøken, Farvel.”
“Sáu Kroner, anh bạn của tôi,” gã thì thầm vào tai tôi. “Và sáu đồng khác ở chỗ kế tiếp, tổng cộng là mười hai.”
Chúng tôi lên đường, và tôi mang vác các thứ của cả hai.


XIV

Falkenberg nói đúng; những người ở trại kế tiếp sẽ không để láng giềng của họ chơi trội hơn; cây đàn của họ cũng cần được xem qua. Cô con gái trong nhà lúc này đang đi vắng, nhưng có thể tiến hành công việc khi nàng vắng mặt như là một sự ngạc nhiên nho nhỏ dành cho nàng khi về tới nhà. Nàng thường phàn nàn rằng cây đàn bị lạc dây kinh khủng nên không thể nào chơi đàn được. Vì thế giờ đây tôi lại bị bỏ mặc một mình như trước, trong lúc Falkenberg bận rộn trong phòng khách. Khi trời tối, gã yêu cầu mang đèn vào và tiếp tục chỉnh dây. Gã ăn tối ở đó, và khi ăn xong, gã bước ra gọi tôi để lấy cái tẩu thuốc.
“Cái tẩu nào?”
“Anh ngốc thật! Dĩ nhiên là cái tẩu với cái nắm tay.”
Tôi trao cho gã cái tẩu được chạm khắc công phu của mình, hơi miễn cưỡng; tôi cũng vừa mới hoàn thành nó, với cái móng tay trên nắp, một chiếc nhẫn vàng và một cái ống dài.
“Đừng để cái móng bị nóng quá,” tôi thì thầm, “không thì nó sẽ cong lại.”
Falkenberg đốt tẩu và khệnh khạng đi vào. Nhưng gã cũng có lời nhắc tới tôi, bảo họ dọn cho tôi bữa tối và cà phê trong bếp.
Tôi tìm được chỗ ngủ trong vựa cỏ khô.
Giữa đêm tôi thức giấc, Falkenberg đang đứng bên cạnh, gọi tên tôi. Vầng trăng rằm rọi thẳng vào, và tôi có thể nhìn thấy mặt gã.
“Có chuyện gì thế?”
“Tẩu của anh đây. Nhận lại nó đi, anh bạn.”
“Tẩu ư?”
“Phải, tẩu của anh, tôi sẽ không cầm nó thêm phút nào nữa. Hãy nhìn xem, cái móng đã muốn sút ra rồi.”
Tôi cầm lấy cái tẩu và thấy cái móng tay đã bị co lại trên lớp gỗ. Falkenberg nói:
“Cái vật gớm ghiếc này cứ nhìn tôi với một nụ cười xấu xa dưới ánh trăng. Và rồi tôi sực nhớ ra nơi anh kiếm được cái móng tay đó…”
Falkenberg đại hạnh!
Sáng hôm sau khi chúng tôi chuẩn bị lên đường, cô con gái trong nhà đã về tới nhà. Chúng tôi nghe thấy nàng nện như gõ trống một điệu waltz trên cây đàn, và giây lát sau nàng bước ra và bảo:
“Cây đàn khác hẳn đi. Cám ơn anh rất nhiều.”
“Tôi hy vọng cô hài lòng với nó,” tay thợ chỉnh dây đàn nói với vẻ kẻ cả.
“Vâng, thật sự. Giờ tiếng đàn hoàn toàn khác hẳn.”
“Tiểu thư có thể giới thiệu cho tôi bất kỳ chỗ nào khác không…?”
“Hãy hỏi những người ở Øvrebø; tên chủ nhà là Falkenberg.”
“Tên gì?”
Falkenberg. Cứ đi thẳng từ đây, anh sẽ tới một cây cột ở mé tay phải cách đây chừng một dặm rưỡi. Quẹo tại đó và con đường sẽ đưa anh tới trại.”
Nghe tới đây, Falkenberg ngồi thụp xuống thềm và bắt đầu đưa ra đủ loại câu hỏi về Falkenberg ở Øvrebø. Chỉ để nghĩ rằng gã sắp tình cờ gặp bà con tại đây, và nhận ra mình, như đã từng, lại một lần nữa ở nhà. Gã rất đỗi biết ơn về thông tin đó. “Chân thành cám ơn, Frøken.”
Sau đó chúng tôi lại lên đường, và tôi vác các thứ.
Có một lần trong rừng chúng tôi ngồi xuống để bàn bạc về điều cần thực hiện. Nói cho cùng, một Falkenberg thợ chỉnh dây đàn có nên đi tới gặp viên đại úy ở Øvrebø  và nhận họ hàng hay không? Tôi là người rụt rè nhất, và kết thúc với việc khiến cho bản thân Falkenberg cũng hơi hổ thẹn chút chút. Mặt khác, nó có thể là một câu đùa vui vẻ:
Gã có thứ giấy tờ gì ghi tên mình trên đó không? Một loại giấy chứng nhận nào đó?
“Có, nhưng không có gì trong chúng ngoài việc ghi rằng tôi là một người lao động đáng tin cậy.”
Chúng tôi bàn tới việc thay đổi những giấy tờ chút đỉnh, nhưng cuối cùng đồng ý rằng tốt hơn nên tạo ra một giấy chứng nhận mới hoàn toàn. Chúng tôi có thể làm một tờ về khả năng chỉnh dây đàn siêu giỏi và ghi tên thánh là Leopold thay vì Lars. (Một lần nữa thay một cái tên mộc mạc bằng một cái tên quí tộc.) Không có giới hạn nào với những gì chúng tôi có thể làm theo cách đó.
“Anh nghĩ anh có thể viết vào tờ chứng nhận đó không,” gã hỏi.
“Vâng, tôi có thể.”
Nhưng lúc này bộ não khốn khổ của tôi bắt đầu giở trò chơi khăm, và khiến cho toàn bộ sự việc trở nên lố bịch. Một thợ chỉnh dây đàn thì chưa đủ, tôi nghĩ; không, phải biến gã thành một thiên tài cơ khí, một người từng giải quyết những vấn đề phức tạp hơn, một nhà phát minh với một nhà máy riêng…
“Lúc đó tôi đâu có cần phải đi lòng vòng và vung vẫy những tờ chứng nhận,” Falkenberg nói, và từ chối nghe thêm nữa. Không, rốt cuộc toàn bộ việc này có vẻ như không đi tới đâu cả.
Nản lòng và thất vọng, hai chúng tôi tiếp tục lê bước cho tới khi tới chỗ cây cột.
“Anh có lên đó không?” tôi hỏi.
“Anh có thể tự đi,” Falkenberg chua chát đáp. “Này, nhận lấy các thứ giẻ rách của anh.”
Nhưng khi đi xa thêm một chút, gã bước chậm lại và lẩm bẩm:
“Thật xấu hổ khi vất đi một cơ may như thế. Sao, nó tự hiện ra trước chúng ta mà.”
“Tốt, vậy thì sao anh không lên đó và ghé vào thăm họ? Ai biết được, nói cho cùng anh có thể là một người bà con.”
“Tôi đang nghĩ tới chuyện hỏi ông ta có một người cháu họ ở Mỹ hay không.”
“Vậy thì sao? Nếu có, anh có thể nói tiếng Anh với họ hay không?”      “Cứ lo việc của anh, đừng nói nhiều quá,” Falkenberg nói. “Dù sao, tôi không thấy anh có gì để khoe khoang hết.”
Gã bồn chồn và nổi cáu, và bắt đầu bước đi. Rồi đột nhiên gã dừng lại và bảo:
“Tôi sẽ làm. Hãy cho tôi mượn lại cái tẩu của anh. Tôi sẽ không đốt nó lên.”
Chúng tôi đi lên đồi, Falkenberg khoác lên người vẻ bệ vệ, chỉ trỏ chỗ này chỗ khác với chiếc tẩu và phê phán địa điểm này. Tôi hơi bực mình khi nhìn thấy gã khệnh khạng với cung cách hiu hiu tự đắc đó trong lúc tôi đang vác nặng. Tôi bảo:
“Lần này sẽ là một thợ chỉnh dây đàn hả?”
“Tôi nghĩ tôi sẽ cho thấy tôi có thể chỉnh dây một cây đàn dương cầm,” gã nói ngắn gọn. “Tôi giỏi việc đó, với bất cứ giá nào.”
“Nhưng nếu như có người trong nhà rành về nó – chẳng hạn bà chủ – và thử lại cây đàn sau khi anh làm xong?
Falkenberg im lặng. Tôi có thể thấy gã đang hoài nghi trở lại. Dần dà, dáng đi chủ nhân ông của gã chùng xuống thành một nhịp bước ủ rũ.
“Có lẽ tốt hơn chúng ta đừng nói gì,” gã nói. “Này, cái tẩu của anh đây. Chúng ta chỉ lên đó và đơn giản hỏi xin việc làm.”

XV

Như chuyện đã xảy ra, có một cơ hội để chúng tôi trở nên hữu dụng ngay khoảnh khắc chúng tôi tới nơi. Họ đang dựng một cột cờ, và thiếu người làm. Chúng tôi bắt tay vào việc và dựng nó lên thẳng thớm. Có một đám phụ nữ nhìn ra từ cửa sổ.
Đại úy Falkenberg có nhà không?
Không.
Còn phu nhân?
Phu nhân đi ra. Nàng cao và trắng trẻo, thân thiện như một chú ngựa con; nàng  đáp lại những lời chào hỏi của chúng tôi với cung cách tử tế nhất.
Bà có việc gì cho chúng tôi làm không?
“Chà, tôi không biết. Thật sự tôi không nghĩ là có, khi chồng tôi vắng nhà.”
Tôi có cảm tưởng rằng nàng thấy khó lòng nói không, nên chạm tay vào mũ rồi quay đi, không muốn quấy rầy nàng nữa. Nhưng hẳn nàng đã phát hiện ra điều lạ lùng nào đó về Falkenberg, lên chỗ này trong bộ quần áo lịch sự như thế, với một người mang vác các thứ cho gã; nàng tò mò nhìn gã và hỏi:
“Loại công việc gì thế?”
“Bất cứ loại công việc ngoài trời nào,” Falkenberg đáp. “Chúng tôi có thể dựng hàng rào, đào mương, xây gạch…”
“Với loại công việc đó thì đến cuối năm mới có,” một người đàn ông cạnh cột cờ xen vào.
“Phải, tôi cho là vậy,” Fruen đồng ý. “Tôi không biết… Dù sao, vừa đúng vào giờ ăn; nếu các anh muốn vào ăn chút gì đó thì xin mời.”
“Cám ơn lòng tốt của bà,” Falkenberg đáp.
Lúc này, hình như trong đầu tôi cách nói đó thật nghèo nàn và thiếu tế nhị; tôi cảm thấy gã đã làm cho cả hai chúng tôi xấu hổ khi trả lời như vậy, và điều đó khiến tôi khó chịu. Vì thế tự tôi phải xen vào một lời:
“Mille grâces, Madame; vous êtes trop aimable, [1]" tôi lịch sự nói, và nhấc mũ ra.
Fruen quay lại và nhìn tôi chằm chặp với sự ngạc nhiên; vẻ mặt nàng thật buồn cười.
Chúng tôi được đưa vào bếp và được dọn cho một bữa ăn thịnh soạn. Fruen đi vào nhà. Khi chúng tôi ăn xong, và chuẩn bị lên đường, nàng lại xuất hiện; lúc này Falkenberg đã lấy lại được can đảm, và lợi dụng sự tử tế của nàng để đề nghị chỉnh lại cây đàn dương cầm.
“Anh còn có thể chỉnh đàn dương cầm sao,” nàng hỏi, ngạc nhiên.
“Phải, thật vậy; tôi đã chỉnh cho cây đàn của nông trại bên dưới.”
“Đàn của tôi là một cây đại dương cầm, và rất tốt. Tôi không muốn nó…”
“Phu nhân có thể an tâm về chuyện đó.”
“Anh có bất kỳ loại…”
“Tôi không có chứng chỉ, không. Yêu cầu thứ đó không phải là cách của tôi. Nhưng phu nhân có thể tới và nghe thử.”
“Ờ, có lẽ – vâng, mời đi lối này.”
Nàng đi vào nhà, và gã theo sau. Tôi nhìn qua cửa khi họ bước vào, và nhìn thấy một căn phòng với nhiều bức tranh trên tường.
Những người hầu lăng xăng ra vào bếp, ném vào tôi những tia mắt tò mò, tôi là người lạ mà; một trong các cô gái rất xinh. Tôi thầm biết ơn trời đất vì đã cạo râu sáng hôm đó.
Khoảng mười phút trôi qua; Falkenberg đã bắt đầu. Phu nhân ra khỏi nhà, lại đi vào bếp và bảo:
“Và nghĩ tới việc anh nói tiếng Pháp! Quá sức tưởng tượng của tôi.”
Tạ ơn trời đất vì điều đó. Tôi không muốn đi xa hơn. Nếu tôi nói thêm, hầu hết chỉ là những câu nói của kẻ làm thuê làm mướn.
“Bạn anh đã cho tôi xem giấy tờ của anh ta,” Fruen nói. “Có vẻ các anh là những người tao nhã. Tôi không biết… Tôi có thể đánh điện cho chồng tôi và hỏi xem ông có công việc gì cho các anh hay chăng.”
Lẽ ra tôi phải cám ơn nàng, nhưng không thể thốt được lời nào vì đang nuốt vật gì đó trong cổ họng.
Chứng suy nhược thần kinh!
Sau đó tôi bước ngang qua sân và tản bộ trong mấy cánh đồng một lúc; mọi nơi đều ngăn nắp trật tự, và vụ thu hoạch đã được đưa vào kho chứa. Cả những cọng khoai tây cũng được chở đi dù ở nhiều chỗ chúng vẫn còn sót lại cho tới khi tuyết rơi. Tôi có thể nhìn thấy chả có gì cho chúng tôi làm cả. Rõ ràng những người này rất khá giả.
Khi trời ngã về chiều, và Falkenberg vẫn còn chỉnh dây đàn, tôi nhét chút thức ăn vào túi và bước ra ngoài đi dạo, tránh xa để họ không phải mời tôi ăn tối. Trời có trăng, và những vì sao đã ló dạng, nhưng tôi thích nhất là dò dẫm tìm đường đi vào chỗ rậm rạp nhất của khu rừng và ngồi xuống trong bóng tối. Ở đó cũng kín đáo hơn. Giờ đây, mặt đất và không khí có vẻ yên tĩnh làm sao! Khí lạnh đang ùa tới, có sương muối trên mặt đất; thỉnh thoảng một cọng cỏ kêu xào xạc, một con chuột kêu ré lên, một con quạ bay vọt lên những đỉnh cây, rồi tất cả lại trở nên yên tĩnh. Có mái tóc nào vàng như tóc của nàng không? Chắc chắn là không. Nàng bẩm sinh là một sự diệu kỳ, từ đầu tới chân, đôi môi nàng là một thứ đáng yêu chín mọng, và trò chơi của những chú chuồn chuồn trong mái tóc của nàng. Giá mà người ta có thể rút ra từ trong túi xách một cái vương miện và trao nó cho nàng. Tôi sẽ tìm một cái vỏ sò hồng ở đâu đó và khắc nó thành một cái móng tay, và tặng nàng cái tẩu để nàng trao cho chồng nàng làm quà… vâng…
Falkenberg băng qua sân để gặp tôi, và vội vã thì thầm:
“Nàng đã nhận được trả lời của ông Đại úy; ông ta bảo chúng ta có thể đốn gỗ trong rừng. Anh có giỏi khoản đó không?”
“Có.”
“Tốt, vậy vào nhà bếp đi. Nàng đang hỏi về anh.”
Tôi đi vào và Fruen nói:
“Tôi đã tự hỏi anh đi đâu. Hãy ngồi xuống và ăn chút gì đi. Anh ăn tối chưa? Ở đâu?”
“Chúng tôi có thức ăn trong ba lô.”
“Chà, không cần phải làm như vậy. Vậy anh uống một cốc trà nhé? Không à?... Tôi đã nhận được câu trả lời của chồng tôi. Anh đốn cây được không? Tốt, vậy là ổn. Nhìn xem, nó đây này: ‘Cần hai người đàn ông đốn gỗ. Peter sẽ chỉ những cây đã đánh dấu.’…”
Ôi Trời, nàng đứng đó cạnh tôi, chỉ vào tờ điện tín. Và mùi thơm của một thiếu nữ trong hơi thở của nàng…

XVI

Trong rừng. Peter là một trong những người làm công ở trại; anh ta chỉ cho chúng tôi cách làm ở đây.
Khi chúng tôi nói chuyện với nhau, Falkenberg không hề tỏ ra biết ơn Fruen về công việc dành cho chúng tôi. “Chả có gì phải cúi đầu gập cổ trong chuyện đó,” gã nói. “Trong những ngày này kiếm được người làm công không phải dễ.” Nhân tiện, Falkenberg không rành mấy việc đốn hạ gỗ, trong lúc tôi đã có một số kinh nghiệm về việc này ở một vùng khác trên thế giới, vậy nên có thể giữ vai trò dẫn đầu. Và gã cũng đồng ý để tôi làm người chỉ huy.
Lúc này tôi bắt đầu suy nghĩ tới một phát minh.
Với loại cưa thông thường đang sử dụng, những người đàn ông phải đặt mặt cong lên đất và kéo nghiêng một phía. Đó là lý do vì sao không hạ được nhiều cây lắm trong một ngày, và có khá nhiều gốc cây xấu xí sót lại trong rừng. Với một thiết bị truyền động hình nón có thể áp chặt vào rễ, chúng tôi có thể cưa với chuyển động tới lui thẳng, nhưng lưỡi cưa luôn cắt theo đường ngang. Tôi bắt tay vào việc thiết kế những phần của loại máy này. Điều làm tôi nhức đầu nhất là làm cách nào để có được áp lực cần thiết trên lưỡi cưa. Có thể làm điều này nhờ một cái nhíp trong động cơ đồng hồ, hoặc có lẽ một vật nặng cũng được. Vật nặng thì dễ hơn, nhưng không thay đổi, khi lưỡi cưa vào sâu hơn, nó cũng sẽ rít hơn, và áp lực như cũ sẽ không hữu hiệu. Mặt khác, một cái nhíp thép, sẽ chùng xuống khi đường cưa sâu hơn, và luôn cho lượng áp lực đúng. Tôi quyết định chọn hệ thống nhíp. “Mình có thể xoay xở được,” tôi tự nhủ. Và uy tín đối với việc này sẽ là điều tuyệt vời nhất trong đời tôi.
Nhiều ngày trôi qua, ngày nào cũng như ngày nào; chúng tôi hạ những thân gỗ chín in-sơ, cắt rời những nhánh và ngọn cây. Chúng tôi sống thoải mái, mang theo thức ăn và cà phê khi tiến vào rừng, và có một bữa ăn tối nóng sốt khi trở về nhà. Sau đó chúng tôi tắm rửa sạch sẽ – để có cung cách lịch sự hơn những người làm công trong trại – và ngồi trong bếp, với một cái đèn dầu lớn thắp sáng và ba nàng con gái. Falkenberg đã trở thành người yêu của Emma.
Thỉnh thoảng, có một đợt sóng âm nhạc lan tới từ chiếc dương cầm trong phòng khách; đôi khi chính Fruen sẽ tới chỗ chúng tôi với vẻ trẻ trung như thiếu nữ của nàng và những thái độ tử tế. “Hôm nay các anh làm tới đâu rồi?” nàng sẽ hỏi. “Các anh có gặp một con gấu trong rừng không?” Nhưng chiều nọ nàng cám ơn Falkenberg vì đã giúp chỉnh rất tốt cây đàn của nàng. Gì chứ? Nàng nói thật sao? Gương mặt sạm nắng gió của Falkenberg trở nên đẹp hẳn lên với niềm vui; tôi thấy tự hào về gã khi gã khiêm tốn trả lời rằng gã nghĩ bây giờ nó tốt hơn một chút.
Hoặc gã đã có kinh nghiệm hơn trong việc chỉnh đàn, hoặc Fruen thấy biết ơn vì gã đã không làm hỏng cây đại dương cầm.
Chiều nào Falkenberg cũng mặc bộ đồ thị trấn của tôi. Giờ tôi có lấy lại và mặc chúng vào người cũng chẳng ích gì; mọi người sẽ tin rằng tôi mượn chúng từ gã.
“Hãy nhường Emma cho tôi, và anh có thể giữ lấy bộ quần áo,” tôi nói đùa.
“Tốt thôi, anh có thể nhận lấy nàng,” gã đáp.
Tôi bắt đầu thấy rằng Falkenberg đang trở nên lạnh nhạt hơn với cô gái của mình. Ồ, nhưng Falkenberg cũng đã yêu nàng, giống như tôi. Chúng tôi là những cu cậu đơn giản biết bao!
“Tôi tự hỏi không biết tối nay nàng có nhìn chúng ta một cái không?” Falkenberg thường nói trong lúc chúng tôi đang làm việc.
Và tôi sẽ đáp rằng tôi không quan tâm viên đại úy sẽ vắng nhà bao lâu.
“Không, anh nói đúng,” Falkenberg. “Và tôi bảo nhé, nếu tôi thấy ông ta không lịch sự với nàng, sẽ có rắc rối đấy.”
Tối nọ Falkenberg hát cho chúng tôi nghe một bài. Và tôi tự hào về gã hơn bao giờ hết. Fruen bước ra và gã phải hát lại lần nữa, sau đó là một bài khác; giọng hát ấm áp của gã phủ đầy căn phòng, và Fruen rất vui, bảo rằng nàng chưa bao giờ nghe bất cứ thứ gì giống như thế.
Và lúc ấy tôi bắt đầu nổi máu ghen.
“Anh có học hát không?” Fruen hỏi. “Anh có đọc được bản nhạc không?”
“Vâng, thật thế,” Falkenberg đáp. “Tôi từng hát trong một hộp đêm.”
Lẽ ra lúc này gã nên nói: không, thật không may, gã chưa bao giờ học, tôi nghĩ bụng như thế.
“Anh có hát cho người nào nghe chưa? Có người nào nghe anh hát chưa?”
“Thỉnh thoảng tôi hát trong các cuộc khiêu vũ và tiệc tùng. Và một lần trong một đám cưới.”
“Nhưng ý tôi là một người hiểu biết cơ: có người nào thử giọng của anh chưa?”
“Không, tôi không biết điều đó – hoặc có, tôi nghĩ thế, vâng.”
“Tốt, sao anh không hát thêm vài bài? Hát đi nào.”
Và Falkenberg hát.
Kết cục của chuyện này là gã sẽ được yêu cầu hát ngay trong phòng khách một tối nào đó, tôi thầm nghĩ, với Fruen đệm đàn cho gã. Tôi nói:
“Xin thứ lỗi, ông đại úy có trở về sớm không?”
“Vâng, sớm thôi,” Fruen đáp, “Vì sao anh hỏi thế?”
“Tôi chỉ nghĩ tới công việc.”
“Các anh đã hạ hết số cây đánh dấu chưa?”
“Chưa, chưa hết – chưa, còn lâu. Nhưng…”
“Ồ…” Fruen đột ngột nói, như thể nàng vừa nghĩ tới một điều gì đó. “Các anh phải có chút tiền. Phải, tất nhiên…”
Tôi vớ lấy câu nói đó để thoát thân, và đáp:
“Cám ơn bà nhiều lắm.”
Falkenberg chẳng nói lời nào.
“Các anh chỉ việc hỏi, các anh biết đó. Varsaagod.[1][2]” Và nàng đưa tôi số tiền tôi đã yêu cầu. “Còn anh thì sao?”
“Không gì cả, dù sao cũng cám ơn bà,” Falkenberg đáp.
 Ôi Trời, tôi lại thua cuộc nữa rồi – lại rơi xuống đất nữa rồi! Và Falkenberg, cái gã mạo danh không biết xấu hổ đó đang ngồi đóng vai trò một người giàu có không cần tạm ứng bất cứ thứ gì. Ngay đêm nay tôi sẽ lột bộ đồ của tôi khỏi người gã, mặc cho gã trần trụi.
Chỉ có điều, dĩ nhiên, tôi đã không làm chuyện đó.

XVII

Hai ngày trôi qua.
“Nếu tối nay nàng lại ra, tôi sẽ hát bài ca về hoa anh túc,”  Falkenberg nói lúc ở trong rừng. “Tôi đã quên mất bài đó.”
“Anh cũng quên luôn Emma rồi phải không?” tôi hỏi.
“Emma hả? Nghe này, tôi sẽ nói cho anh biết: anh cũng hệt như trước giờ, anh là vậy đó.”
“Chà, vậy hả?”
“Phải, ý tôi là bên trong. Anh không ngại chiếm lấy Emma ngay tại đó, trước mắt Fruen. Nhưng tôi không thể làm việc đó.”
“Đó là một lời dối trá!” Tôi giận dữ đáp. “Anh sẽ không thấy tôi dính vào bất cứ chuyện ngu xuẩn nào với các cô gái chừng nào tôi còn ở đây.”
“Ồ, và tôi sẽ không ra ngoài với bất kỳ ai sau này. Nghĩ tối nay nàng có tới không? Tôi đã quên cái bài ca về hoa anh túc đó cho tới lúc này. Nghe này.”
Falkenberg hát bài ca Hoa anh túc.
“Anh thật may, có thể hát như thế,” tôi nói. “Nhưng sẽ không ai trong hai chúng ta có được nàng, với tất cả những thứ đó.”
“Có nàng! Sao, có ai nghĩ tới… Anh đúng là đồ ngốc!”
“Ồ, nếu tôi còn trẻ, giàu có và đẹp trai, tôi sẽ chiếm được trái tim của nàng,” tôi nói.
“Nếu – và nếu… Tôi cũng có thể vậy, về vấn đề đó. Nhưng còn có ông đại úy.”
“Phải, và còn có anh. Và còn có tôi. Và còn có bản thân nàng ta và mọi người khác trên thế giới. Và chúng ta là một bộ đôi cục súc khi nói về nàng như thế,” tôi nói, lúc này nổi cơn thịnh nộ với chính mình. “Một chuyện tốt đẹp thật đấy, khi hai gã tiều phu già nói về bà chủ của họ như thế.”
Cả hai chúng tôi tái xanh cả mặt mày, và những nếp nhăn hiện trên gương mặt cau có của Falkenberg; không người nào có thể ăn. Và để cố che đậy sự khó chịu của mình, tôi đi lòng vòng, nói đủ thứ chuyện vui vui phi lý, trong lúc Falkenberg lớn tiếng khoác lác về mọi bữa ăn, rằng gần đây gã đã ăn quá nhiều, đang trở nên uể oải và béo ra.
“Sao, có vẻ như các anh không hề ăn gì cả,” Fruen nói khi chúng tôi trở về với quá nhiều thức ăn thừa. “Những người tiều phu tốt, thật sự.”
“Chính Falkenberg là người không ăn,” tôi nói.
“Chà, thật là!” Falkenberg nói; “Tôi thích thế. Anh ta đã nhịn ăn hoàn toàn.”
Thỉnh thoảng khi nàng yêu cầu chúng tôi giúp nàng một việc nho nhỏ này khác, cả hai chúng tôi sẽ vội vã thực hiện; cuối cùng chúng tôi phải tự đi lấy nước và củi. Nhưng một hôm Falkenberg chơi xỏ tôi một vố hèn hạ: gã về nhà với một bó nhánh cây phỉ để đan dụng cụ đập thảm mà Fruen đã yêu cầu tôi cắt cho nàng, một cách riêng tư.
Và lúc này đêm nào gã cũng hát.
Khi đó tôi quyết tâm làm cho Fruen nổi cơn ghen – chà, chà, anh bạn tốt của tôi, cậu điên rồi sao, hay chỉ ngu xuẩn? Như thể Fruen sẽ có khi nào thèm nghĩ tới nó, bất cứ điều gì cậu đã làm.
Nhưng việc là thế. Tôi sẽ cố làm cho nàng nổi cơn ghen.
Trong số ba cô gái ở đó, chỉ có một người có khả năng sử dụng cho thí nghiệm này, đó là Emma. Vì thế tôi bắt đầu nói chuyện vớ vẩn với Emma.
“Emma, tôi biết về một người đang thở dài vì cô.”
“Từ đâu mà anh biết điều đó vậy?”
“Từ những vì sao bên trên.”
“Tôi thích nghe về chuyện đó từ một người ở trên mặt đất này hơn.”
“Tôi cũng có thể nói với cô điều đó. Một cách trực tiếp.”
“Anh ta muốn nói là chính anh ta,” Falkenberg xen vào, nôn nóng muốn tránh xa khỏi vụ này.
“Vâng, và tôi không ngại nói đúng là thế. Paratum cor meum. [3]”
Nhưng Emma thật khiếm nhã, và không bận tâm tới việc nói chuyện với tôi, dù tôi giỏi các thứ tiếng hơn Falkenberg. Gì chứ – thậm chí tôi không thể điều khiển được Emma hay sao? Tốt… sau đó tôi tỏ ra kiêu hãnh và im lặng, và đi theo con đường riêng của mình, vẽ các phác họa cho cái cỗ máy của tôi và những mô hình nhỏ. Và khi Falkenberg đang hát về một buổi chiều và Fruen lắng nghe, tôi bỏ đi sang khu nhà của nhóm đàn ông và ở lại với họ. Dĩ nhiên, điều đó có phẩm giá hơn nhiều. Rắc rối duy nhất là Peter đang nằm ốm trên giường, và không thể chịu nổi tiếng ồn của rìu và búa, vì thế tôi phải đi ra ngoài mỗi khi có một công việc nặng cần làm.
Tuy nhiên, thi thoảng tôi lại tưởng tượng có lẽ Fruen đang hối tiếc, nói cho cùng, về việc không có mặt tôi trong bếp. Với tôi, có vẻ là vậy. Một chiều nọ, khi chúng tôi đang ăn bữa tối, nàng quay sang tôi và bảo:
“Cái máy mới mà những người đàn ông nói anh đang làm là thứ gì vậy?”
“Anh ta đang lu bu với một loại cưa mới,” Falkenberg nói. “Nhưng nó quá nặng nên không thể có dụng ích gì.”
Tôi không trả lời câu nói đó, nhưng tỏ vẻ như bị đối xử sai. Phải chăng số mệnh của mọi nhà phát minh là bị phán xét sai lầm? Chỉ còn nước chờ đợi: thời của tôi chưa đến. Có những lúc tôi hầu như không thể kềm được việc bật thốt lên một lời tiết lộ với các cô gái, về việc tôi thật sự là một người có gia thế đàng hoàng, bị nỗi tuyệt vọng vì một mối tình bất hạnh lái đi chệch hướng, và giờ bắt đầu uống rượu thường xuyên. Chao ôi, phải, những dự tính của con người, những sắp đặt của Thượng đế… Và rồi, có lẽ, bản thân Fruen có thể tới để nghe về nó…
“Tôi nghĩ tôi sẽ sang ở với nhóm đàn ông vào buổi tối, giống như anh,” Falkenberg nói.
Và tôi biết rất rõ vì sao Falkenberg đột nhiên nảy ra ý nghĩ sẽ tiêu pha những buổi chiều tối của mình ở đó; giờ đây gã không còn được yêu cầu hát thường xuyên như trước; vì lý do này khác, gần đây gã ít được yêu cầu.

XVIII

Đại úy đã trở về.
Một người đàn ông to lớn, với một bộ râu rậm, bước ra chỗ chúng tôi một hôm nọ trong lúc chúng tôi đang làm việc và nói:
“Tôi là Đại úy Falkenberg. Nào, các bạn, công chuyện ra sao?”
Chúng tôi chào ông với lòng kính trọng, và đáp: “Khá ổn.”
Sau đó là vài lời trao đổi về những thứ chúng tôi đã làm và những thứ còn lại chưa làm. Đại úy hài lòng với công việc của chúng tôi – tất cả đều được cắt gọn và sát gốc. Rồi ông hỏi chúng tôi đã cưa được bao nhiêu mỗi ngày, và bảo nó đạt được một mức trung bình khá.
“Đại úy đã quên những ngày Chủ nhật.” Tôi nói.
“Đúng vậy,” ông nói. “Vâng, thế là hơn mức trung bình. Có gặp rắc rối gì với các thứ công cụ không? Cái cưa có ổn không?”
“Hoàn toàn ổn.”
“Và không có ai bị thương?”
“Không.”
Im lặng.
“Theo lẽ thì các anh phải tự cung cấp thức ăn cho mình,” ông nói, “nhưng nếu các anh thích cách khác hơn, chúng ta có thể tính toán lại khi chúng tôi thanh toán tiền.”
“Chúng tôi rất vui được làm theo cách mà Đại úy nghĩ là tốt nhất.”
“Vâng,” Falkenberg cũng đồng ý.
Đại úy đi một vòng qua khu rừng và quay lại.
“Không thể có thời tiết tốt hơn,” ông nói. “Không có tuyết cần phải dọn.”
“Không, không có tuyết – điều đó đúng; nhưng một thêm ít sương giá sẽ không có hại gì.”
“Sao vậy? Ý anh là sẽ mát mẻ hơn khi làm việc?”
“Có lẽ cả điều đó nữa; phải. Nhưng lưỡi cưa cắt tốt hơn khi gỗ đông cứng.”
“Vậy ra anh là một tay kỳ cựu trong việc này hả?”
“Phải.”
“Và anh là người biết hát?”
“Không, thật đáng tiếc. Anh ta mới là người biết hát.”
“Ồ, vậy anh là người ca sĩ, phải không? Chúng ta trùng tên, tôi tin là vậy?”
“Sao, phải, theo một cách,” Falkenberg nói, hơi lúng túng, “tôi tên là Lars Falkenberg, và tôi có giấy chứng nhận về điều đó.”
“Anh từ miền nào tới?”
“Từ Trøndelagen.”
Đại úy trở về nhà. Ông khá thân thiện, nhưng nói năng có vẻ vắn tắt, quyết đoán, không hề có một nụ cười hay câu đùa cợt nào. Một gương mặt tốt, hơi bình thường.
Từ hôm đó trở đi, Falkenberg không bao giờ hát ngoài lúc ở khu vực đàn ông; giờ không còn việc hát hỏng trong bếp nữa khi Đại úy đã về nhà. Falkenberg có vẻ cáu kỉnh và u buồn; đôi khi gã chửi thề và bảo cuộc sống không đáng sống vào những ngày này; một người đàn ông nên đi tự treo cổ cho xong đời. Nhưng nỗi tuyệt vọng của gã sớm kết thúc. Một Chủ nhật nọ gã quay lại hai nông trại mà gã từng chỉnh dây đàn, và yêu cầu mỗi nơi một lời giới thiệu. Khi trở về, gã cho tôi xem mấy tờ giấy và bảo:
“Chúng sẽ có ích đôi chút.”
“Vậy là rốt cuộc anh sẽ không tự treo cổ nữa hả?”
“Anh có lý do tốt hơn để làm điều đó, nếu anh hỏi tôi,” Falkenberg đáp.
Nhưng cả tôi nữa, giờ cũng bớt tuyệt vọng rồi. Khi Đại úy nghe nói về ý tưởng cỗ máy của tôi, ông muốn biết nhiều về nó hơn ngay tức khắc. Ông thấy ngay từ cái liếc mắt đầu tiên rằng những bản vẽ của tôi chưa được hoàn hảo lắm, hình thành từ những mảnh giấy nhỏ và không có một cái compa để dùng. Ông cho tôi mượn một bộ dụng cụ vẽ, và đưa ra một số gợi ý hữu ích về cách thực hiện những điều như thế. Cả ông cũng e rằng cái cưa của tôi sẽ tỏ ra quá nặng nề. “Nhưng dù sao cứ tiếp tục nó đi,” ông nói. “Vẽ toàn bộ theo một tỷ lệ xác định, rồi chúng ta sẽ xem sao.”
Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng một mô hình được xây dựng một cách đúng đắn của cái máy sẽ mang tới một ý tưởng tốt hơn về nó, và ngay khi tôi thực hiện xong các bản vẽ, tôi bắt đầu khắc một mô hình bằng gỗ. Tôi không có máy tiện, và phải đẽo gọt hai cái trục, nhiều bánh xe và ốc vít bằng tay. Tôi làm việc này vào ngày Chủ nhật, và mải mê với nó tới mức không hề nghe thấy tiếng chuông báo hiệu giờ ăn. Đại úy bước ra và gọi: “Ăn tối!” Sau đó, khi nhìn thấy điều tôi đang làm, ông đề nghị sẽ tự đánh xe tới chỗ lò rèn ngay hôm sau để tìm những bộ phận mà tôi cần được cắt trên máy tiện. “Tất cả những gì anh cần là cho tôi những số đo,” ông nói. “Và chắc là anh muốn có một số dụng cụ, phải không? Cưa và máy khoan; đúng! Những con ốc vít, phải, và một cái đục tốt… hết chưa nhỉ?”
Ông ghi chú các thứ ngay tại chỗ. Một người chỉ huy hạng nhất.
Nhưng vào xế chiều, khi tôi ăn xong bữa và đang băng qua sân tới phòng của nhóm đàn ông, Fruen cất tiếng gọi tôi. Nàng đang đứng giữa hai ô cửa sổ nhà bếp, trong bóng râm, nhưng lúc này đang bước ra.
“Chồng tôi bảo… ông ấy… nói… anh không thể đủ ấm với các thứ quần áo mỏng này,” nàng nói. “Và anh… đây, nhận lấy những thứ này.”
Nàng nhét cả một bộ đồ vào tay tôi.
Tôi cám ơn nàng, nói cà lăm cà lặp một cách ngốc nghếch. Tôi sắp mua cho mình một số đồ mới, sớm thôi. Không có gì phải vội; tôi không cần…
“Dĩ nhiên, tôi biết anh có thể tự mua các thứ. Nhưng khi bạn anh thì rất… rất… ồ, nhận những thứ này đi.”
Và nàng lại chạy vào nhà, đúng kiểu cách của một thiếu nữ sợ bị bắt gặp đang làm một điều quá tốt. Tôi phải gọi với theo nàng những lời cám ơn cuối cùng.
Chiều hôm sau, khi Đại úy đi ra với những chiếc bánh xe và trục lăn, tôi nhân cơ hội cám ơn ông về bộ quần áo.
“Ồ, vâng, vâng,” ông đáp. “Chính vợ tôi đã… Chúng có vừa với anh không?”
“Vừa, cám ơn nhiều.”
“Vậy thì tốt rồi. Phải, chính vợ tôi đã… à, đây là những thứ cho cỗ máy của anh, và các dụng cụ. Chúc buổi tối tốt lành.”
Có vẻ như cả hai người bọn họ đều sẵn lòng làm một việc tử tế ngang nhau. Và khi nó đã được thực hiện, mỗi người sẽ đổ cho người kia. Chắc chắn đây phải là một đời sống hôn nhân hoàn hảo, điều mà những kẻ mộng mơ đã mơ tưởng tới, ở chốn này trên quả đất.

XIX

Khu rừng giờ đã trút hết lá, và bặt tiếng chim; chỉ có những con quạ kêu quàng quạc thất thanh lúc năm giờ sáng, khi chúng tản ra bên trên những cánh đồng. Chúng tôi nhìn thấy chúng, Falkenberg và tôi, khi chúng tôi đi tới chỗ làm việc; những con chim một năm tuổi, chưa biết sợ cõi đời, nhảy loi choi trên đường mòn trước bàn chân của chúng tôi.
Sau đó chúng tôi gặp con chim sẻ xám, loài chim của vùng đất có rừng. Nó đã vào rừng, và giờ đang quay trở lại với loài người mà nó thích sống chung và nghiên cứu từ mọi phía. Một con sẻ bé nhỏ kỳ lạ. Một loài chim di trú, thật sự, nhưng cha mẹ nó đã dạy nó rằng một con chim có thể trải qua một mùa đông ở miền bắc; và giờ nó sẽ dạy cho các con của nó miền bắc là nơi chốn duy nhất để trải qua mùa đông. Nhưng bên trong nó vẫn còn lưu lại chút máu giang hồ, và nó vẫn còn là một kẻ lang thang. Một ngày nào đó nó và bầy đàn của nó sẽ tập trung lại và lên đường tới một nơi nào đó khác, cách xa nhiều giáo xứ, để nghiên cứu một tập hợp con người mới ở đó – và trong rừng dương lá rung không còn lại bóng một con chim sẻ nào. Và có thể cả tuần sau một đàn mới của loài sinh vật có cánh này mới xuất hiện và định cư ở đó… Herregud![2][4] Biết bao lần tôi đã quan sát những con chim sẻ đang sinh hoạt, và tìm thấy niềm vui trong tất cả.
Một hôm Falkenberg tuyên bố giờ gã đã ổn thỏa trở lại. Sẽ dành dụm và cất sang một bên một trăm Kroner trong mùa đông ấy, kiếm được từ việc chỉnh dây đàn và đốn gỗ, và sau đó làm hòa với Emma. Cả tôi nữa, gã đề xuất, tốt hơn nên thôi thở dài vì những tiểu thư cao sang, và quay về với tầng lớp, địa vị của mình.
Falkenberg nói đúng.
Chiều Thứ bảy chúng tôi ngưng làm việc sớm hơn thường lệ một chút để tới cửa tiệm mua sắm một số vật dụng. Chúng tôi cần áo sơ-mi, thuốc lá và rượu vang.
Trong lúc chúng tôi đang ở trong tiệm, tôi bắt gặp một hộp đồ khâu vá nhỏ, được trang trí với những vỏ sò, loại mà hồi trước những người đi biển thường mua ở Amsterdam và mang về nhà cho người yêu của họ; hiện giờ người Đức sản xuất chúng ở mức cả ngàn. Tôi mua cái hộp đó, với ý nghĩ rằng sẽ gỡ một trong những cái vỏ sò ra để thay cho cái móng tay trên tẩu thuốc của tôi.
“Anh muốn gì với một cái hộp đựng đồ khâu vá?” Falkenberg hỏi. “Có phải cho Emma không?” Gã nổi cơn ghen với ý nghĩ đó, và không muốn bị chơi trội, gã mua một cái khăn tay lụa để tặng cô ta.
Trên đường về chúng tôi nếm thử rượu vang, và trở nên nhiều chuyện. Falkenberg  vẫn còn ghen, vì thế tôi lôi cái hộp khâu vá ra, chọn cái vỏ sò mà tôi muốn, gỡ nó ra và cho gã cái hộp. Sau đó chúng tôi lại là bằng hữu.
Lúc này trời sụp tối, và không có trăng. Đột nhiên chúng tôi nghe tiếng đàn phong cầm từ một ngôi nhà trên một sườn đồi; chúng tôi có thể nhìn thấy bên trong có khiêu vũ, từ cách ánh sáng xuất hiện và biến mất như một tia sáng hải đăng.
“Chúng ta hãy lên đó nhìn xem,” Falkenberg nói.
Khi tới chỗ ngôi nhà, chúng tôi gặp một nhóm đàn ông và phụ nữ đang ở bên ngoài hóng gió. Cả Emma cũng có mặt ở đó.
“Sao, Emma kia kìa!” Falkenberg vui vẻ kêu lên, không hề bực dọc khi phát hiện ra cô ta đã đi chơi mà không có gã. “Emma, tới đây, tôi có thứ này cho em!”
Gã muốn làm cho mọi chuyện tốt đẹp với một từ, nhưng Emma quay lưng khỏi gã và quay vào nhà. Sau đó, khi gã đi theo cô ta, những cô gái khác chặn đường gã, ngụ ý khá rõ ràng rằng không ai muốn gã vào đó.
“Nhưng Emma ở đó. Hãy gọi cô ấy ra ngoài.”
“Emma không ra đâu. Cô ta tới đây với anh thợ giày Markus.”
Falkenberg đứng đó bất lực. Gã đã lạnh nhạt với Emma lâu đến nỗi đã bị cô ta từ bỏ. Và, khi thấy gã đứng đó há hốc mồm một cách xuẩn ngốc, một số cô gái bắt đầu trêu cợt gã: phải chăng cô ta bỏ gã một mình, giờ gã sẽ làm gì, anh chàng tội nghiệp?
Falkenberg đưa chai lên môi và nốc trước mắt tất cả mọi người, rồi đưa lưng bàn tay chùi miệng và chuyền cho người đàn ông gần nhất. Giờ đã có một cảm giác tốt hơn đối với chúng tôi; chúng tôi là những gã chơi được, với những chai rượu trong túi quần, và sẵn lòng chuyền chúng vòng quanh; ngoài ra, chúng tôi là những người lạ ở chốn này, và đó luôn là một điều mới mẻ. Thêm nữa, Falkenberg đã nói nhiều điều buồn cười về tay thợ giày Markus, người mà gã khăng khăng gọi là Lukas.
Cuộc khiêu vũ vẫn đang tiếp diễn bên trong, nhưng không nàng nào để cho chúng tôi bước vào tham gia.
“Tôi sẽ cược với anh,” Falkenberg nói, với một thái độ huênh hoang, “rằng Emma sẽ chỉ quá vui mừng để ra đây với chúng ta.”
Helene, Rønnaug và Sara đứng đó; mỗi lần họ uống, họ chìa tay ra một cách dễ thương để cám ơn, theo phong tục, nhưng một số khác đã học được đôi chút những cung cách thị thành thì chỉ nói, “Tak for Skjænken,[3][5]” thế thôi. Có vẻ như Helene đã trở thành bồ của Falkenberg; gã vòng tay quanh eo cô ta và bảo cô ta là của mình trong đêm nay. Và khi họ đi ngày càng xa khỏi đám còn lại chúng tôi, không ai gọi họ quay lại; một lúc sau, chúng tôi tách thành từng đôi, tất cả chúng tôi, và đi theo con đường riêng biệt của mình vào rừng. Tôi đi với Sara.
Khi chúng tôi từ trong rừng trở ra, Rønnaug vẫn còn đứng đó hóng gió. Cô gái lạ lùng, không lẽ nàng đã đứng đó một mình suốt buổi? Tôi cầm lấy tay nàng và nói với nàng đôi câu, nhưng nàng chỉ mỉm cười với tất cả những gì tôi nói và không trả lời. Chúng tôi đi về phía rừng và Sara gọi với theo chúng tôi trong bóng tối: “Rønnaug, đến đây ngay và chúng ta trở về nhà thôi.” Nhưng Rønnaug không đáp; nàng không nói năng gì cả. Mềm, trắng như sữa, cao, và thinh lặng.

XX

Đợt tuyết đầu tiên đã tới; nó tan ngay tức thì, nhưng mùa đông không còn xa nữa, và giờ chúng tôi đã gần chấm dứt việc đốn cây ở Øvrebø – khoảng một tuần nữa, không hơn. Sau đó là gì? Có việc làm trên tuyến đường ray bên trên những ngọn đồi, hoặc có lẽ lại đốn cây ở một nơi khác mà chúng tôi có thể đến. Falkenberg muốn thử tới chỗ đường ray.
Nhưng tôi không thể hoàn thành cỗ máy của mình trong một thời gian ngắn như thế. Mỗi chúng tôi đều có những việc riêng để không có gì phải vội; ngoài cỗ máy, tôi còn muốn hoàn thành cái móng tay cho tẩu thuốc, và mọi buổi chiều tối trở nên quá ngắn. Về phần Falkenberg, gã đã lại làm hòa với Emma. Cô ta từng hẹn hò với thợ giày Markus, đúng thế, nhưng về phần mình Falkenberg cũng không thể chối bỏ việc gã đã tặng quà cho Helene – một cái khăn tay lụa và một hộp đựng đồ khâu vá gắn vỏ sò.
Falkenberg tỏ ra khốn khổ, và nói:
“Vì lý do nào đó, mọi sự đều sai lệch. Không có gì ngoài sự bực mình, lo lắng và khờ dại.”
“Sao, về chuyện đó…”
“Dù sao, đó là cách nghĩ của tôi, nếu anh muốn biết. Nàng sẽ không đi lên những ngọn đồi như chúng ta đã nói.”
“Vậy phải chăng Markus thợ giày đã ngăn cô ta lại?”
Falkenberg im lặng ủ ê. Rồi sau một phút ngập ngừng:
“Thậm chí họ còn không yêu cầu tôi hát.”
Chúng tôi chuyển sang trò chuyện về Đại úy và vợ ông. Falkenberg có một linh cảm xấu rằng giữa họ có sự bất hòa.
Gã ngốc nhiều chuyện! Tôi xen vào một câu:
“Xin thứ lỗi cho tôi, nhưng anh không biết anh đang nói gì đâu.”
“Thế à!” gã giận dữ nói. Và ngày càng trở nên kích động, gã tiếp tục: “Anh có bao giờ thấy họ quấn quýt với nhau chưa? Tôi chưa bao giờ nghe họ nói với nhau câu nào.”
Đồ ngốc! – đồ hạ đẳng!
“Không biết hôm nay có vấn đề gì với anh nữa trong cái cách anh cưa. Nhìn xem – anh nghĩ đường cắt đó là gì chứ?”
“Tôi à? Dù sao cả hai chúng ta cùng làm mà.”
“Tốt! Vậy chúng ta sẽ nói đó là do tuyết tan. Chúng ta hãy quay lại với rìu vậy.”
Chúng tôi tiếp tục làm việc một mình một hồi, cả hai đều nổi giận và khó chịu. Gã dám nói một điều dối trá như thế về họ sao, rằng họ không bao giờ nói chuyện với nhau? Nhưng, lạy Trời, gã nói đúng! Falkenberg có một khả năng đánh hơi nhanh nhạy đối với những điều như thế. Gã biết đôi điều về đàn ông và phụ nữ.
“Ở bất cứ giá nào, họ luôn nói tốt về nhau với chúng ta.”
Falkenberg tiếp tục công việc của mình.
Tôi suy ngẫm về toàn bộ sự việc một lần nữa.
“Được, có lẽ anh đúng trong chừng mực mọi chuyện xảy ra, rằng đó không phải là thứ những kẻ mơ mộng đã kết hôn mơ tưởng tới, tuy nhiên…”
Nhưng không ích gì khi nói chuyện với Falkenberg theo cách đó; gã không bao giờ hiểu được một từ.
Buổi trưa, khi chúng tôi ngưng làm việc, tôi lại nối tiếp câu chuyện.
“Phải chăng có lần anh từng nói rằng nếu ông ta không lịch sự với nàng thì sẽ có rắc rối?”
“Phải, tôi có nói.”
“Chà, nào có thấy rắc rối gì đâu.”
“Tôi có bảo rằng ông ta không lịch sự với nàng không?” Falkenberg bực dọc nói. “Không, nhưng họ không quan tâm và chán lẫn nhau – sự tình là thế. Khi người này vào nhà, người kia đi ra. Bất cứ lúc nào ông ta bắt đầu nói về bất cứ điều gì trong bếp, đôi mắt nàng trở nên chết lặng u buồn, và nàng không thèm nghe.”
Chúng tôi lại làm việc với rìu, mỗi người nghĩ một đàng.
“Tôi ngờ là tôi cần phải nện hắn ta một trận.” Falkenberg nói.
“Ai?”
“Lukas….”
Tôi hoàn thành cái ống tẩu của mình và nhờ Emma đem nó tới cho Đại úy. Lần này hóa ra cái móng lại đẹp và tự nhiên, và với những thứ dụng cụ tốt đang có, tôi có thể khoan sâu vào cái móng và ghim chặt nó ở mặt dưới, để hai cái đinh ghim nhỏ bằng đồng không bị ló ra.  Tôi khá hài lòng với tác phẩm này.
Chiều hôm đó, Đại úy bước ra trong lúc chúng tôi đang ăn tối, để cám ơn tôi về cái tẩu. Ngay lúc ấy, tôi nhận ra Falkenberg nói đúng; ngay khi Đại úy ra khỏi nhà thì Fruen đi vào nhà.
Đại úy khen ngợi cái tẩu của tôi, và hỏi tôi đã làm cách nào để cố định cái móng; ông bảo tôi là một nghệ nhân và một bậc thầy. Tất cả những người khác đang đứng gần đó và nghe thấy những lời của ông – và việc được chính Đại úy gọi là một nghệ nhân cũng khá đáng kể. Tôi tin là tôi có thể chiếm được cảm tình của Emma vào lúc ấy.
Đêm đó tôi đã học được cách rùng mình và run rẩy.
Xác của một người phụ nữ xuất hiện trước mặt tôi khi tôi nằm trong gác xép, và duỗi bàn tay trái ra để chỉ cho tôi thấy: chiếc móng cái đã mất. Tôi lắc đầu để nói rằng lúc trước tôi có một cái móng tay, nhưng tôi đã vất bỏ nó, và dùng một cái vỏ sò thay vào đó. Nhưng cái xác cứ đứng mãi ở đó, còn tôi nằm đó, rùng mình, lạnh cóng vì sợ. Rồi tôi cố nói rằng giờ tôi không thể giúp nó; nhân danh Thượng đế, hãy biến đi! Và, Cha chúng ta ngự ở trên trời… Cái xác tiến thẳng về phía tôi; tôi vung hai nắm tay ra và rú lên thất thanh – và tôi ở đó, đang đè Falkenberg sát vào tường.
“Gì thế? Falkenberg la lên. “Làm sao mà…”
Tôi choàng tỉnh, ướt đẫm mồ hôi, và nằm đó với đôi mắt mở to, quan sát cái xác khi nó từ từ biến vào bóng tối của căn phòng.
“Đó là cái xác,” tôi rên rỉ. “Tới để đòi cái móng tay của bà ta. Falkenberg ngồi thẳng trên giường, hoàn toàn tỉnh táo ngay tức khắc.
“Tôi đã nhìn thấy bà ta,” gã nói.
“Cả anh cũng nhìn thấy bà ta sao? Anh có thấy ngón cái của bà ta không? Ôi trời!”
“Giờ tôi sẽ không ở địa vị của anh vì bất cứ thứ gì.”
“Hãy để tôi nằm phía trong, sát tường,” tôi năn nỉ.
“Còn tôi thì sao?”
“Bà ta sẽ không làm hại anh; anh có thể nằm ngoài yên ổn.”
“Và để cho bà ta tới lôi tôi đi trước? Không, nếu tôi biết chuyện.”
Nói đoạn, Falkenberg lại nằm xuống và kéo tấm chăn che qua mắt.
Tôi nghĩ một hồi về việc đi xuống ngủ với Peter; giờ anh ta đã khỏe hơn, và tôi không phải sợ bị lây bệnh. Nhưng tôi sợ không dám xuống thang.
Đó là một đêm khủng khiếp.
Sáng hôm sau, tôi tìm cái móng ở khắp nơi, cuối cùng tìm thấy nó trên sàn nhà, nằm giữa những vỏ bào và mạt cưa. Tôi mang nó ra ngoài và chôn nó trên con đường đi vào rừng.
“Vấn đề là anh có nên mang nó trở lại nơi anh đã lấy nó không,” Falkenberg nói.
“Sao, chỗ đó cách nhiều dặm – cả một chuyến đi dài…”
“Họ sẽ không yêu cầu điều đó nếu anh có nghĩa vụ thực hiện nó. Có lẽ bà ta sẽ không quan tâm tới việc có ngón cái ở một nơi và móng tay ở một nơi khác.”
Nhưng giờ tôi đã có đủ can đảm; một gã liều mạng tuyệt vọng trong ánh sáng ban ngày. Tôi cười nhạo Falkenberg vì sự mê tín của gã, và bảo gã rằng khoa học đã vén mở tất cả những chuyện phi lý đó từ lâu.

XXI

Một tối nọ có những vị khách tới nông trại; vì Peter vẫn còn yếu, và người đàn ông còn lại chỉ là một cậu thiếu niên, tôi phải tới và tháo đôi ngựa khỏi xe. Một tiểu thư bước xuống xe.
“Có ai ở nhà không?” nàng hỏi.
Tiếng bánh xe đã mang những gương mặt tới các ô cửa sổ, đèn được thắp lên trong các căn phòng và các hành lang. Fruen bước ra, cất tiếng gọi:
“Phải cô đó không, Elisabeth? Tôi rất vui vì cô đã tới.”
Đó là Frøken Elisabeth ở nhà ông mục sư.
Anh ta ở đây à?” nàng hỏi với vẻ ngạc nhiên.
“Ai?”
Nàng muốn nói về chính tôi. Vậy là nàng đã nhận ra tôi…
Hôm sau hai tiểu thư vào rừng gặp chúng tôi. Thoạt tiên tôi e rằng một lời đồn nào đó về một cuộc cưỡi ngựa ban đêm hay về những con ngựa bị mượn đã lan tới nhà ông mục sư, nhưng rồi bình tĩnh lại khi không có ai nhắc tới chuyện đó.
“Cái ống nước hoạt động tốt lắm,” Frøken Elisabeth nói.
Tôi hài lòng khi nghe nói thế.
“Ống nước?” Fruen thắc mắc.
“Anh ấy đã đặt một đường cấp nước tới nhà cho chúng tôi. Cả những đường ống trong bếp và trên gác nữa. Chỉ cần mở vòi là xong. Chị nên cho làm nó ở đây.”
“Thật vậy à? Anh nghĩ có thể làm việc đó ở đây không?”
Tôi đáp: vâng; việc đó khá dễ dàng.
“Sao anh không nói với chồng tôi về nó?”
“Tôi có nói. Ông ấy bảo ông ấy sẽ xem phu nhân nghĩ thế nào đã.”
Một khoảng im lặng lúng túng. Vậy là ông ta đã không nói với nàng về một việc có liên quan rất gần tới nàng. Tôi vội vã phá vỡ sự im lặng, và nói đại:
“Dù sao, đã quá muộn để bắt đầu trong năm nay; mùa đông sẽ tới trước khi chúng tôi làm xong. Nhưng mùa xuân tới…”
Dường như Fruen đã chú ý trở lại từ một nơi nào đó thật xa.
“Ồ, phải, giờ tôi nhớ ra rồi, ông ấy có nói gì đó về nó,” nàng nói. “Chúng tôi đã bàn về nó. Nhưng năm nay quá muộn… Elisabeth, cô có muốn xem họ đốn cây không?”
Lúc này chúng tôi dùng một sợi dây thừng để dẫn dắt thân cây ngã đúng hướng. Falkenberg vừa cột sợi dây ở phía trên, và thân cây đứng lắc lư.
“Sợi dây đó để làm gì?”
“Để làm cho nó ngã đúng hướng,” tôi mở lời. Nhưng Fruen không bận tâm lắng nghe tôi nữa; nàng quay sang Falkenberg và hỏi thẳng gã:
“Việc nó ngã hướng nào có quan trọng không?”
Falkenberg phải trả lời nàng.
“Sao, không, chúng tôi cần lèo lái nó chút xíu, để nó không làm gẫy quá nhiều cây non khi ngã xuống.”
“Cô có nhận thấy không,” Fruen nói với cô bạn, “anh ta có một chất giọng thật tuyệt. Anh ta là người biết hát.”
Lúc này tôi thấy ghét mình biết bao vì đã nói quá nhiều, thay vì đọc được ý muốn của nàng! Nhưng cuối cùng tôi sẽ cho nàng thấy rằng tôi hiểu ngụ ý đó. Và, ngoài ra, chính Frøken Elisabeth chứ không phải ai khác là người tôi đang yêu; nàng không hay thay đổi thái độ, và cũng xinh đẹp không kém người kia – phải, một ngàn lần xinh hơn. Tôi sẽ tới nhận công việc ở chỗ cha nàng… Lúc này tôi quan tâm, bất cứ khi nào Fruen nói, tới việc đầu tiên nhìn Falkenberg rồi nhìn sang nàng, kềm lại câu đáp của mình như thể sợ phải nói không đúng lượt của mình. Tôi cũng nghĩ rằng nàng bắt đầu cảm thấy hơi hối lỗi khi nhận thấy điều này, vì có lần nàng nói, với một nụ cười khổ sở: “Vâng, vâng, tôi hỏi anh đó.”
Nụ cười đó và những lời của nàng… Một cơn lốc hân hoan cuộn trong quả tim tôi; tôi bắt đầu vung rìu với tất cả sức lực có được từ quá trình lao động lâu dài, và tạo nên những nhát rìu sâu, tôi chỉ nghe thấy một từ lúc này lúc khác về những điều họ nói.
“Họ muốn tối nay tôi hát cho họ nghe,” Falkenberg nói, khi họ đã ra về.
Chiều xuống.
Tôi đứng ở ngoài sân, nói chuyện với Đại úy. Chỉ còn ba bốn hôm nữa, công việc đốn gỗ của chúng tôi sẽ kết thúc.
“Sau đó các anh sẽ đi đâu?” Đại úy hỏi.
“Chúng tôi sẽ tìm việc trên tuyến đường ray.”
“Tôi có thể tìm cho các anh việc gì đó để làm ở đây,” Đại úy nói. “Tôi muốn đánh xe xuống đường cái theo một lối khác; con đường quá dốc. Hãy đến xem những gì tôi định nói.”
Ông đưa tôi đi vòng qua phía nam ngôi nhà, và chỉ trỏ đường này lối nọ, dù trời đã tối.
“Và khi việc đó xong xuôi, và một hai chuyện nhỏ khác, chúng ta sẽ ổn cho tới mùa xuân,” ông nói. “Sau đó sẽ là vụ nước, như anh đã nói. Và ngoài ra, Peter vẫn còn nằm ốm; chúng tôi không thể thu xếp như thế này. Tôi phải có một người khác giúp đỡ.”
Đột nhiên chúng tôi nghe thấy Falkenberg đang hát. Có ánh sáng trong phòng khách. Falkenberg đang ở đó, hát theo tiếng đệm dương cầm. Tiếng nhạc lan tới chỗ chúng tôi – cái gã này có một chất giọng nổi bật – và khiến tôi rùng mình ngoài ý muốn.
Đại úy giật mình, và nhìn lên cửa sổ.
“Không,” ông đột ngột nói; “Nói cho cùng, tôi nghĩ chúng ta cũng nên gác lại việc đánh xe cho tới xuân sau. Anh bảo anh sẽ đốn xong gỗ trong bao lâu?”
“Ba hoặc bốn ngày.”
“Tốt! Chúng ta sẽ nói thêm ba bốn ngày cho việc đó, rồi kết thúc cho năm nay.”
Một quyết định bất ngờ đến lạ lùng. Tôi thầm nghĩ. Và tôi nói lớn:
“Không có lý do gì để chúng tôi không làm công việc sửa đường trong mùa đông. Theo nhiều cách, nó sẽ tốt hơn. Có việc nổ mìn, và đưa đất đá lên…”
“Vâng, tôi biết… nhưng… à, tôi nghĩ giờ tôi phải vào nhà và nghe bài hát…”
Đại úy đi vào nhà.
Tôi chợt nảy ra ý tưởng rằng ông làm như thế vì phép lịch sự, muốn tự mình, như thường lệ, chịu trách nhiệm cho việc tiếp Falkenberg trong phòng khách. Nhưng tôi tưởng tượng rằng ông thích ở lại nói chuyện với tôi hơn.
Đó là ý nghĩ của một kẻ hợm hĩnh, và hoàn toàn sai lầm.

XXII

Tôi đã hoàn thành những bộ phận lớn nhất trong cỗ máy, và có thể gắn chúng vào nhau và thử nó. Có một gốc dương lá rung cũ đã bị gió thổi ngã cạnh cầu vào kho thóc; tôi gắn công cụ của mình và đó, và phát hiện ngay rằng cái cưa sẽ hoạt động ổn. Aha, giờ bạn phải nói gì đây? Có một vấn đề cần xử lý! Tôi đã mua một lưỡi cưa lớn và tất cả răng cưa nằm ở phía lưng; những răng cưa này được lắp vào một cái bánh răng để tạo ma sát và được đẩy tới trước bởi cái nhíp. Bản thân cái nhíp được tôi chế ra từ một miếng độn cooc-xê to mà Emma đã cho tôi, nhưng khi kiểm tra lại, nó tỏ ra quá yếu; vì thế tôi chế ra một cái khác từ một lưỡi cưa có bề ngang chỉ sáu li, sau khi đã giũa hết những răng cưa. Tuy nhiên, cái nhíp mới lại quá cứng; tôi phải cố hết sức xoay xở bằng cách cuộn nó lên nửa chừng, và khi nó chạy xuống, lại cuộn lên nửa chừng.
Không may là tôi biết quá ít về lý thuyết; đây là một trường hợp mò mẫm ở từng bước, và điều này khiến cho quá trình chậm lại. Ví dụ, cái bánh răng hình nón, tôi thấy nó quá nặng khi đưa nó vào thực hành, và phải nghĩ ra một hệ thống hoàn toàn khác.
Hôm tôi gắn cái cưa vào gốc cây là Chủ nhật; bộ phận bằng gỗ mới màu trắng và lưỡi cưa sáng loáng lấp lánh trong ánh mặt trời. Chẳng bao lâu những gương mặt xuất hiện ở các ô cửa sổ, và chính Đại úy tới. Ông không đáp lại lời chào của tôi, rất đỗi tập trung vào cái máy.
“Ờ, anh nghĩ nó sẽ hoạt động ra sao?”
Tôi cho nó chạy.
“Ái chà, tôi tin là nó sẽ…”
Fruen Frøken Elisabeth bước ra, tất cả các người hầu bước ra, Falkenberg bước ra, và tôi cho họ xem nó hoạt động. Aha, tôi đã nói gì nhỉ?
Ngay sau đó, Đại úy nói:
“Việc gắn cái máy vào một thân cây sau một cây khác có mất nhiều thời gian không?”
“Một phần thời gian sẽ được bù đắp lại nhờ hoạt động dễ dàng hơn. Không cần phải dừng lại nghỉ xả hơi.”
“Vì sao không?”
“Vì áp lực bên chịu tác động của cái nhíp. Chính cái áp lực đó khiến cho công việc nhọc nhằn nhất.”
“Còn phần thời gian còn lại thì sao?”
“Tôi sẽ bỏ cách bố trí cuộn này và thay bằng một bàn kẹp, có thể dùng chân để ấn lên. Một cái bàn kẹp có răng để kẹp chặt hơn, và có thể điều chỉnh theo bất cứ kích thước cây nào.”
Tôi cho ông xem bản vẽ về cách bố trí bàn kẹp này; tôi chưa có thời gian để chế ra nó.
Đại úy tự tay thử qua cái cưa một lượt, cẩn thận lưu ý tới lượng lực cần thiết. Ông nói:
“Vấn đề là có quá nặng không khi kéo một cái cưa có chiều rộng gấp đôi một cái cưa bình thường.”
“Phải,” Falkenberg đồng ý; “Trông có vẻ như thế.”
Mọi người nhìn Falkenberg, rồi nhìn tôi. Giờ đã tới lượt tôi.
“Một người đơn độc có để đẩy một chiếc xe tải chở đầy hàng trên đường ray,” tôi nói. “Và ở đây sẽ có hai người đàn ông cưa với lưỡi cưa chạy trên hai cái trục lăn qua những rãnh có tra dầu. Nó dễ hoạt động hơn cách cưa cũ – một người đơn độc có thể làm việc với nó, nếu tình thế bắt buộc.”
“Nghe có vẻ như chuyện này không thể xảy ra.”
“Được, chúng ta sẽ xem.”
Frøken Elisabeth hỏi nửa đùa nửa thật:
“Nhưng xin nói cho tôi biết – tôi không hiểu chút gì mấy thứ này, anh biết đó – vì sao cách cưa một thân cây theo lối cũ lại không tốt hơn?”
“Anh ta đang cố loại bỏ áp lực bên; đó là một lực cản đối với những thợ cưa,” Đại úy giải thích. “Với một cái cưa như thế này, cô có thể, như anh ta nói, cưa theo chiều ngang với cùng một áp lực cô sẽ dùng tới để cưa bình thường theo chiều thẳng đứng. Nó đơn giản thế này: cô ấn xuống, nhưng áp lực lại chuyển sang hai bên. Nhân tiện,” ông tiếp tục, quay sang tôi, “anh có nghĩ sẽ có một nguy cơ khi ấn xuống hai đầu của lưỡi cưa và tạo ra một đường cắt lồi không?”
“Điều đó đã bị loại trừ ngay từ đầu nhờ hai cái trục lăn bên dưới lưỡi cưa.”
“Đúng, thứ đó có tác dụng đấy. Còn kế đến là gì?”
“Kế đến, không thể tạo một đường cắt lồi với cái máy này ngay cả khi ông muốn. Ông thấy đó, lưỡi cưa có lưng hình chữ T; điều đó khiến cho trên thực tế không thể uốn cong nó.”
Tôi hình dung Đại úy đã tự đưa ra một số phản đối chống lại sự kết án của chính mình. Là người biết mọi thứ, ông có thể tự trả lời chúng tốt hơn tôi. Mặt khác, có những điểm ông không chú ý tới, nhưng chúng khiến tôi lo lắng. Một cái máy được mang vác tới lui trong rừng không nên được chế tạo với những cơ cấu mỏng manh. Chẳng hạn, tôi e rằng hai cái rãnh thép có thể dễ dàng bị trầy xước, hoặc bị gẫy, hoặc cong đến nỗi các bánh xe có thể bị kẹt. Không, các rãnh sẽ phải bị loại bỏ, và các bánh xe lắp vào lưng của cái cưa. Nói chung, cái máy của tôi không hoàn hảo mấy…
Đại úy bước tới gần Falkenberg và nói:
“Tôi muốn anh đánh xe giúp các quý cô vào ngày mai; họ sẽ đi đây đó, và hình như Peter chưa khỏe hẳn. Anh nghĩ anh làm được không?”
“Chắc chắn, và sẵn lòng,” Falkenberg đáp.
Frøkenen sẽ trở về nhà,” Đại úy nói, khi ông quay bước. “Anh sẽ phải có mặt lúc sáu giờ.”
Falkenberg rất phấn chấn với dấu hiệu tin tưởng đó, và vui vẻ ngụ ý rằng tôi đang ghen với gã. Nói thật lòng, tôi không hề ghen ghét gã vì chuyện đó. Có lẽ tôi hơi tổn thương chút xíu khi thấy bạn tôi được ưa chuộng hơn tôi, nhưng chắc chắn tôi thích ở đây một mình trong sự yên tĩnh của khu rừng hơn là ngồi trên một cỗ xe và đánh xe trong cái lạnh.
Falkenberg rất hài lòng với bản thân.
“Giờ trông anh tái xanh đi vì ghen,” gã nói. “Tốt hơn anh nên làm chuyện gì đó. Thử dùng chút dầu thầu dầu xem.”
Gã bận rộn suốt buổi sáng để chuẩn bị cho chuyến đi, cọ rửa cỗ xe, tra mỡ vào bánh xe, và sau đó giặt bộ dây cương. Tôi giúp gã mấy việc đó.
“Tôi không tin là anh có thể đánh một cặp ngựa, thật đó,” tôi nói, cốt chỉ để chọc tức gã. “Nhưng tôi sẽ dạy cho anh một bài học nhỏ trước khi xuất phát, nếu anh thích.”
“Anh đón nhận nó quá tệ,” gã đáp. “Thật tội nghiệp khi thấy một người đàn ông có vẻ mặt như thế, khi một liều dầu thầu dầu sẽ giúp anh ta ổn lại.”
Lúc nào cũng như thế – trêu cợt và vui đùa với nhau.
Chiều hôm đó Đại úy đi ra chỗ tôi.
“Tôi không muốn cử anh đi với các quý cô,” ông nói, “vì công việc của anh. Nhưng giờ Frøken Elisabeth bảo cô ta muốn anh đánh xe chứ không phải người kia.”
“Tôi à?”
“Phải. Vì cô ta biết anh.”
“Sao, về chuyện đó, cứ làm như cũ cũng đủ an toàn rồi.”
“Anh có phiền khi đi không?”
“Không.”
“Tốt! Vậy việc đó coi như xong nhé.”
Tôi chợt nảy ngay ra ý nghĩ này: “Aha, rốt cuộc các quý cô đã mơ tưởng tới mình, vì mình là một nhà phát minh và chủ nhân của một cái cưa tinh xảo, và ngoại hình không tệ khi mình ăn mặc đàng hoàng – không hề tệ ở bất cứ giá nào.”
Nhưng Đại úy giải thích mọi sự với Falkenberg theo một cách hoàn toàn khác hẳn, điều đó khiến tôi thấy chạm tự ái cực kỳ: Frøken Elisabeth muốn tôi đi xuống nhà ông mục sư một lần nữa, để cha nàng có thể cố đưa ra một đề nghị khác về việc nhận tôi làm công ở đó. Nàng đã hứa với ông sẽ làm như thế.
Tôi suy nghĩ mãi về lời giải thích này.
“Nhưng nếu anh nhận làm ở nhà ông mục sư thì vụ làm ở đường ray của chúng ta kể như xong,” Falkenberg nói.
“Tôi sẽ không nhận.” tôi đáp.

XXIII

Tôi khởi hành vào buổi sớm mai với hai quý cô trong một cỗ xe có mui kín. Thoạt tiên trời khá lạnh, và tấm chăn len của tôi trở nên có ích; tôi dùng nó để đắp, khi thì trên gối, khi thì quấn quanh vai.
Chúng tôi đi theo con đường mà tôi đã đi lên với Falkenberg, và tôi nhận ra hết nơi này đến nơi khác khi đi ngang qua. Ở đó và ở đó gã đã chỉnh những cây dương cầm; ở đó chúng tôi đã nghe thấy con ngỗng xám bay ngang… Mặt trời ló dạng, và trời trở nên ấm áp hơn; nhiều giờ trôi qua; sau đó, khi tới một ngã tư, các quý cô gõ vào cửa sổ và bảo đã tới giờ ăn.
Theo mặt trời, tôi có thể thấy còn quá sớm để các quý cô ăn trưa, dù đã khá đủ đối với tôi, xét tới việc tôi thường ăn với Falkenberg vào buổi trưa. Vì thế tôi đánh xe đi tiếp.
“Anh không thể dừng sao? Họ la lên.
“Tôi nghĩ… nhìn chung các cô sẽ không ăn cho tới ba giờ…”
“Nhưng chúng tôi đói.”
Tôi tấp xe vào một bên đường, tháo hai con ngựa ra, cho chúng ăn uống. Phải chăng những kẻ lạ lùng này bố trí giờ ăn của họ theo giờ ăn của tôi? “Værsaagod!” (Không có chi!/ Được thôi!)
Nhưng tôi cảm thấy không thể ngồi ăn với họ, vì thế tôi vẫn đứng cạnh hai con ngựa.
“Sao?” Fruen nói.
“Cám ơn lòng tốt của bà,” tôi nói, và chờ được phục vụ. Họ giúp tôi, cả hai người, như thể họ không bao giờ có thể cho tôi đủ. Tôi khui mấy chai bia, và nhận được một phần chia hào phóng; đây là một cuộc picnic cạnh lề đường – một chuyến du lịch mạo hiểm nho nhỏ trong đời tôi. Và tôi không hề dám nhìn Fruen, vì sợ nàng bị tổn thương.
Họ trò chuyện và nói đùa với nhau, thi thoảng với tôi, do lòng tốt, để tôi có thể cảm thấy dễ chịu. Frøken Elisabeth nói:
“Ồ, tôi nghĩ ăn ngoài trời thật thú vị. Anh có nghĩ vậy không?”
Và ở đây nàng nói De (họ) thay vì Du (anh), như nàng đã nói trước đó.
“Cô biết đó, chuyện này không có gì mới đối với anh ta,” Fruen nói; “anh ta ăn trưa ngoài rừng hàng ngày.”
Chà, nhưng giọng nói đó của nàng, và đôi mắt của nàng, và vẻ dịu dàng của bàn tay đưa cái cốc về phía tôi… Lẽ ra tới lượt mình tôi cũng có thể nói gì đó – kể cho họ nghe chuyện này chuyện nọ về những điều lạ lùng của thế giới rộng lớn bên ngoài, để giúp vui cho họ; lẽ ra tôi có thể chỉnh lại họ khi họ chuyện gẫu, hoàn toàn không biết gì về cách cưỡi lạc đà hay cách thu hoạch quả trong những vườn nho…
Tôi vội vã kết thúc bữa ăn, và đi ra xa. Tôi xách hai cái xô và đi xuống lấy thêm nước cho lũ ngựa, dù không cần thiết. Tôi ngồi xuống cạnh dòng suối và ở lại đó.
Một lúc sau Fruen gọi:
“Anh phải lên đứng cạnh hai con ngựa; chúng tôi sẽ đi ra xem có thể tìm được vài cây hoa bia dại hay thứ gì đó xinh xắn hay không.”
Nhưng khi tôi lên tới họ quyết định rằng mùa hoa bia dại đã qua, và giờ không còn sót lại quả thanh lương trà hoặc những chiếc lá giàu màu sắc nào.
“Giờ trong rừng chẳng có gì,” Frøkenen nói, và nàng nói thẳng với tôi một lần nữa: “Chà, ở đây không có nghĩa trang cho anh đi lang thang nhỉ.”
“Không có.”
“Tôi cho rằng hẳn anh nhớ nó.” Và khi nàng tiếp tục giải thích với Fruen rằng tôi là một con người kỳ lạ, đi lang thang trong những khu nghĩa trang vào ban đêm và gặp gỡ những người chết. Và chính ở đó tôi đã phát minh ra các thứ máy móc.
Để có gì đó nói, tôi hỏi thăm về anh chàng Erik trẻ tuổi. Cậu ta đã bị một con ngựa lồng lên quăng xuống đất và bị thương nặng…
“Giờ anh ta khá hơn rồi,” Frøkenen nói ngắn gọn – Chị có sẵn sàng để đi tiếp chưa, Lovise?”
“Vâng. Chúng ta có thể xuất phát chưa?”
“Bất cứ khi nào các cô muốn,” tôi đáp.
Và chúng tôi lại đi tiếp.
Nhiều giờ trôi qua, mặt trời hạ xuống thấp trên bầu trời, và khí trời lạnh hơn – một đợt giá lạnh trong không khí; sau đó là gió và ướt át, nửa mưa, nửa tuyết. Chúng tôi đi ngang qua nhà thờ phụ, vài cửa tiệm ven đường, và hết nông trại này tới nông trại khác.
Rồi có một tiếng gõ trên cửa sổ của cỗ xe.
“Có phải đây là chỗ anh đã cưỡi những ngựa mượn đêm nọ không?” Frøkenen nói, cười to. “Ồ, tất cả chúng tôi đều biết chuyện đó, đừng lo!”
Và cả hai quý cô rất hưng phấn.
Tôi trả lời với một ý nghĩ bất chợt:
“Thế mà cha cô vẫn nhận tôi giúp việc cho ông ấy – hay không phải vậy?”
“Vâng.”
“Trong lúc tôi nghĩ tới việc này, Frøken, làm sao cha cô biết tôi đang làm việc cho Đại úy Falkenberg? Chính cô đã ngạc nhiên khi thấy tôi ở đó.”
Nàng suy nghĩ nhanh, liếc sang Fruen và nói:
“Tôi đã viết thư về nhà và nói cho họ biết.”
Fruen hạ thấp đôi mắt.
Với tôi giờ đây, dường như nàng thiếu nữ này đang bịa đặt. Nhưng nàng đưa ra những câu trả lời rất khéo khiến tôi phải ngậm miệng. Tất cả nghe có vẻ khá tự nhiên; nàng viết một lá thư bình thường cho người nhà, và ghi thế này: “Và cha mẹ nghĩ có ai ở đây? Người đã làm những đường ống nước cho chúng ta; giờ anh ta đang đốn gỗ cho Đại úy Falkenberg….”
Nhưng khi chúng tôi tới nhà ông mục sư, đã có sẵn một tay giúp việc mới, và đang làm việc – đã có ba tuần trôi qua. Anh ta bước ra để lo cho lũ ngựa.
Sau đó, tôi cứ suy nghĩ mãi – vì sao họ chọn tôi đánh xe đưa họ xuống? Có lẽ họ định đối đãi tốt với tôi một chút, để bù đắp lại việc Falkenberg được mời vào phòng khách để hát. Nhưng chắc chắn – họ không hiểu sao, những người này – rằng tôi là một người sắp hoàn thành một thứ máy móc mới, và sẽ không cần tới những điều nhỏ nhặt như thế!
Tôi đi quanh quẩn, bực dọc, tức tối và bất mãn với chính mình, dùng bữa trong nhà bếp, nơi Oline chúc phúc tôi vì những đường ống nước, và đi ra chăm sóc cho lũ ngựa của tôi. Tôi lấy tấm chăn và đi tới kho thóc trong bóng tối…
Tôi choàng tỉnh khi phát hiện có ai đó đang chạm vào tôi.
“Anh không nên nằm ở đây, anh biết đó; trời đang lạnh cóng,” Prestefruen (Phu nhân của ông mục sư) nói. “Đi với tôi, và tôi sẽ chỉ cho anh…”
Chúng tôi nói về chuyện đó một lát; tôi không muốn di chuyển, và cuối cùng bà ngồi xuống. Bà là một ngọn lửa – không, một nàng con gái của Tự nhiên. Bên trong người bà đang trỗi lên tiếng nhạc của một điệu vũ mê ly.

XXIV

Sáng hôm sau tôi hài lòng hơn với mọi thứ. Tôi đã bình thản lại và trở nên biết điều – tôi cam chịu. Giá mà nhìn thấy trước được điều gì tốt nhất cho tôi, hẳn tôi đã làm việc ở nhà ông mục sư, và là người đứng đầu trong số tất cả những người giúp việc. Phải, định cư và bén rễ với một cuộc sống thôn quê lặng lẽ.
Fru Falkenberg đang đứng ngoài sân. Thân hình xinh đẹp của nàng trông như một cây cột, đứng đó tự do và thẳng tắp trong sân, và nàng để đầu trần.
Tôi chào nàng buổi sáng.
“Godmorgen!” nàng đáp lại, và sải bước về phía tôi. Rồi nàng hỏi rất lặng lẽ: “Đêm qua tôi muốn xem họ thu xếp cho anh thế nào, chỉ có điều tôi không thể ra ngoài. Nghĩa là, dĩ nhiên, tôi đã ra ngoài, nhưng… anh không ở trong kho thóc, phải không?”
Những từ cuối tới với tôi như thể trong một giấc mơ, và tôi không trả lời.
“Này, sao anh không trả lời?”
“Vâng… trong kho thóc? Vâng.”
“Thế ư? Và mọi thứ hoàn toàn ổn cả?”
“Vâng.”
“Ồ, tốt, vậy… vâng – vâng. Chúng ta sẽ quay về trong ngày hôm nay.”
Nàng quay lưng và bước đi, mặt nàng đỏ bừng…  
* * * *
Harald tới và yêu cầu tôi làm một con diều.
“Một con diều?” Tôi lúng túng đáp. “Phải, tôi sẽ làm cho cậu một con diều thật to, nó sẽ bay tới tận những đám mây. Tôi sẽ làm.”
Chúng tôi làm diều trong khoảng hai giờ, Harald và tôi. Cậu ta tốt và nhanh nhẹn, và rất ngây thơ trong sự nôn nóng của mình; về phần mình, tôi nghĩ tới bất cứ thứ gì ngoài những con diều. Chúng tôi làm một cái đuôi dài nhiều mét, và lúi húi dán, vỗ và cột; Frøken Elisabeth bước ra hai lần để xem. Có lẽ nàng vẫn rạng rỡ và ngọt ngào như trước, nhưng tôi không quan tâm tới việc nàng như thế nào và không hề nghĩ tới nàng.
Sau đó có lệnh thắng ngựa để chuẩn bị lên đường. Lẽ ra tôi nên tuân lệnh ngay tức khắc, vì chúng tôi còn cả một chặng đường dài trước mặt, nhưng thay vì vậy, tôi cử Harald vào để hỏi xem chúng tôi có thể chờ thêm nửa giờ nữa không. Và chúng tôi làm tiếp cho tới khi hoàn thành con diều. Ngày hôm sau, khi giấy dán đã khô, Harald có thể thả diều và ngắm nó bay lên, và cảm nhận một cảm xúc chưa từng biết trong lòng, như tôi đang cảm thấy lúc này.
Sẵn sàng xuất phát.
Fruen bước ra; cả nhà đang ở đó để tiễn chân nàng. Cả ông mục sư lẫn bà vợ biết tôi lần nữa, đáp lại lời chào của tôi, và nói vài lời – nhưng lúc này tôi không nghe nói gì về việc phục vụ cho họ. Ông mục sư biết lại tôi – phải; và bà vợ mắt xanh của ông liếc trộm tôi như thể vừa biết lại tôi, dù bà đã biết tôi từ đêm trước.
Frøken Elisabeth mang ra một ít thức ăn cho chuyến đi, và trùm thêm áo choàng cho bạn của mình.
“Có chắc là chị đủ ấm chưa?” nàng hỏi lần cuối.
“Hoàn toàn chắc chắn, cám ơn; với tất cả những thứ này thì quá ấm rồi. Farvel, Farvel.”
“Hãy đánh xe tốt như anh đã làm hôm qua nhé, Frøken nói, và gật đầu với tôi.
Chúng tôi lên đường.
Ngày ẩm và lạnh buốt, và tôi thấy ngay rằng Fruen không đủ ấm với tấm chăn của nàng.
Chúng tôi đi hết giờ này sang giờ khác; hai con ngựa biết chúng đang trên đường về nhà, và phi nước kiệu mà không đợi lệnh. Hai bàn tay trần của tôi cứng lại quanh những sợi dây cương. Khi chúng tôi tới gần một ngôi nhà cách con đường một quãng ngắn, Fruen gõ vào cửa sổ để báo hiệu đã tới giờ ăn trưa. Nàng bước ra, và mặt nàng tái xanh vì lạnh.
“Chúng ta sẽ đi lên đó để ăn trưa,” nàng nói. “Hãy lên ngay khi anh đã sẵn sàng và mang theo cái giỏ.”
Và nàng đi lên đồi.
Hẳn là vì lạnh nên nàng chọn việc ăn trong nhà của một người xa lạ, tôi nghĩ bụng; không lý nào nàng lại e sợ tôi… Tôi cột hai con ngựa và cho chúng ăn cỏ khô. Có vẻ như trời mưa, vì thế tôi trùm vải dầu lên người chúng, vỗ về chúng, rồi đi lên ngôi nhà với cái giỏ.
Chỉ có một bà cụ ở nhà. “Værsaagod!” bà ta nói và “Mời vào.” Rồi bà ta tiếp tục trông nồi cà phê. Fruen mở giỏ ra và nói mà không nhìn tôi:
“Tôi cho là hôm nay tôi lại giúp cho anh?”
“Cám ơn nếu cô sẵn lòng.”
Chúng tôi ăn trong im lặng, tôi ngồi trên một cái ghế dài cạnh cửa, đĩa đặt trên ghế bên cạnh tôi, Fruen ngồi ở bàn, suốt buổi nhìn ra cửa sổ, và hầu như không ăn gì cả. Thỉnh thoảng nàng trao đổi một lời với bà cụ, hoặc liếc nhìn cái đĩa của tôi xem nó đã hết chưa. Căn nhà nhỏ này khá chật hẹp, từ cửa sổ tới chỗ tôi ngồi chỉ có hai bước chân; vì thế, nói cho cùng, cả bọn chúng tôi đều ngồi cạnh nhau.
Khi cà phê đã sẵn sàng, tôi không còn chổ để đặt cốc của mình, nên ngồi cầm nó trên tay. Thế rồi Fruen quay thẳng về phía tôi một cách bình thản và nói với đôi mắt nhìn xuống:
“Ở đây có chỗ.”
Tôi có thể nghe thấy tiếng tim mình đập, và tôi lẩm bẩm:
“Cám ơn, cũng ổn thôi. Tôi muốn…”
Không còn ngờ gì rằng nàng thấy khó chịu; nàng sợ tôi sẽ nói điều gì đó. Nàng lại ngồi nhìn đi chỗ khác, nhưng tôi có thể thấy nàng đang thở một cách nặng nhọc. Chà, nàng không cần phải sợ, tôi sẽ không nói lời nào để quấy rầy nàng.
Lúc này tôi phải mang cái đĩa và cốc trống đặt lại trên bàn, nhưng tôi sợ làm nàng giật mình khi tới gần, vì nàng vẫn đang ngồi, đầu ngoảnh sang bên. Tôi tạo ra một tiếng động khẽ với cốc đĩa để thu hút sự chú ý của nàng, đặt chúng xuống và cám ơn nàng.
Nàng cố lấy giọng của một bà nội trợ:
“Anh không ăn thêm chút nữa sao? Tôi chắc là anh không thể…”
“Không, cám ơn nhiều… Tôi gói ghém lại các thứ nhé? Nhưng tôi ngờ là tôi không thể.”
Tôi tình cờ liếc xuống hai bàn tay của mình; chúng đã sưng phồng một cách kinh khủng trong căn phòng ấm, và lúc này trở nên nặng nề, không hình dáng. Tôi không tài nào gói ghém các thứ với hai bàn tay như thế này. Nàng đoán ra ý nghĩ của tôi, đầu tiên nhìn vào tay tôi, rồi quanh căn phòng, và nói, với một nụ cười mỉm chi:
“Anh không có găng tay à?”
“Không, tôi chưa bao giờ đeo chúng.”
Tôi đi trở lại chỗ của mình, chờ cho tới khi nàng gói ghém xong các thứ để tôi có thể mang cái giỏ xuống. Đột nhiên nàng quay đầu về phía tôi, vẫn không nhìn lên, và hỏi lại:
“Anh từ đâu đến?”
“Từ Nordland.”
Im lặng.
Tôi đánh bạo hỏi lại rằng Fruen có từng tới đó chưa.
“Có, khi tôi còn bé.”
Rồi nàng nhìn đồng hồ đeo tay, như thể để ngăn tôi hỏi thêm bất cứ câu nào, đồng thời ngụ ý rằng đã muộn rồi.
Tôi đứng lên ngay lập tức và đi ra chỗ cặp ngựa.
Trời đã sụp tối; bầu trời tối hơn, và một trận mưa tuyết nhỏ, ẩm ướt, bắt đầu rơi. Tôi ngấm ngầm lấy tấm chăn từ thùng xe xuống, và giấu nó bên dưới ghế trước bên trong xe; khi làm xong, tôi cho ngựa uống nước và thắng chúng vào xe. Một lúc sau, Fruen xuống đồi. Tôi đi lên để cầm cái giỏ, và gặp nàng ở giữa đường.
“Anh đi đâu vậy?”
“Để lấy cái giỏ.”
“Anh không phải bận tâm, cám ơn; không có gì để mang về cả.”
Chúng tôi đi xuống chỗ cỗ xe; nàng bước vào và tôi giúp nàng trùm tấm chăn nàng có lên người. Sau đó tôi lôi tấm của tôi từ bên dưới ghế trước, cẩn thận để viền chăn ngoài tầm mắt kẻo không nàng sẽ nhận ra nó.
“Ồ, thật may quá! Fruen kêu lên. “Sao, nó từ đâu ra vậy?”
“Dưới ghế ở đây.”
“Chà… dĩ nhiên tôi có thể mượn vài tấm chăn ở nhà ông mục sư, nhưng những người đó sẽ không bao giờ nhận chúng lại… Cám ơn; tôi có thể lo liệu… không, cám ơn anh; tôi có thể tự xoay xở. Anh có thể đánh xe rồi.”
Tôi đóng cửa xe lại và trèo lên chỗ ngồi của mình.
“Bây giờ, nếu nàng lại gõ vào cửa sổ, đó là vì tấm chăn đó,” tôi thầm nghĩ. “Được, mình sẽ không dừng lại…”
Nhiều giờ trôi qua; lúc này trời tối như mực, mưa và tuyết to hơn trước, và con đường ngày càng tệ hại. Thỉnh thoảng tôi phải nhảy xuống xe, chạy bên cạnh cặp ngựa để giữ ấm; nước chảy ra từ bộ quần áo của tôi.
Lúc này chúng tôi đã tới gần nhà.
Tôi hy vọng sẽ không có quá nhiều ánh sáng khi chúng tôi đi lên, kẻo nàng nhận ra tấm chăn. Thật không may, mọi cửa sổ đều sáng đèn, chờ nàng tới.
Trong niềm tuyệt vọng, tôi ghìm cặp ngựa lại một quãng ngắn trước khi chúng tôi tới thềm, và nhảy xuống để mở cửa xe.
“Nhưng vì sao… anh lại dừng xe ở đây?”
“Tôi chỉ nghĩ có lẽ Fruen không ngại xuống xe ở đây. Ở phía trước toàn là bùn… Những cái bánh xe…”
Hẳn nàng nghĩ tôi đang cố quyến rũ nàng làm gì đó, có Trời mới biết!...
“Đánh xe tiếp đi, anh bạn, làm đi!” nàng nói.
Cặp ngựa đi tới, và cỗ xe dừng lại đúng ngay chỗ đèn sáng nhất.
Emma bước ra để đón bà chủ. Fruen trao cho cô ta bó chăn, vì nàng đã quấn chúng lại trước khi bước khỏi xe.
“Cám ơn!” nàng nói với tôi, đưa mắt liếc quanh khi bước vào nhà. “Ôi Trời, anh ướt sũng cả người!”

XXV

Một tin tức lạ lùng đang chờ tôi: Falkenberg đã chấp nhận làm người giúp việc trong trại cho Đại úy.
Điều này phá hỏng kế hoạch mà chúng tôi đã nhất trí, và một lần nữa tôi lại bị bỏ mặc một mình. Tôi không thể hiểu được một từ nào trong tất cả chuyện này. Dù sao, tôi có thể suy nghĩ cặn kẻ về nó vào ngay mai… Tới hai giờ sáng tôi vẫn còn nằm thao thức, rùng mình và suy nghĩ. Trong suốt mấy giờ đó tôi không thể nào ấm người lại; rồi cuối cùng nó chuyển sang nóng, và tôi nằm đó, sốt cao… Hôm qua nàng đã sợ hãi biết bao – không dám ngồi xuống ăn với tôi bên vệ đường, và không bao giờ mở mắt nhìn tôi một lần trong suốt chuyến đi…
Tôi sực nghĩ ra trong một thoáng giây tỉnh táo rằng tôi có thể đánh thức Falkenberg với sự trăn trở của mình, và có lẽ sẽ nói gì đó trong cơn mê sảng. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Tôi nghiến chặt răng, và nhảy lên, mặc lại quần áo, lò dò xuống thang, và chạy khắp những cánh động. Một lúc sau, quần áo bắt đầu giúp tôi ấm lại; tôi tiến vào rừng, tới chỗ mà chúng tôi từng làm việc; mồ hôi và nước mưa chảy xuống mặt tôi. Giá tôi có thể tìm thấy cái cưa và làm việc để xua cơn sốt ra khỏi người tôi – đây là một cách chữa bệnh cũ và đã thử nghiệm của tôi. Không thấy cái cưa đâu cả, nhưng tôi bắt gặp cái rìu mà tôi đã bỏ lại đó hôm chiều Thứ bảy, và bắt đầu làm việc với nó. Trời tối đến nỗi hầu như không nhìn thấy gì, nhưng thỉnh thoảng tôi dùng hai tay sờ soạng vết rìu và hạ gục nhiều cây. Lúc này mồ hôi ứa ra khắp người tôi.
Sau đó, thấy khá kiệt sức, tôi giấu cái rìu vào chỗ cũ; lúc này trời rạng sáng, và tôi cất bước chạy về nhà.
“Anh đã đi đâu vậy?” Falkenberg hỏi.
Tôi không muốn gã biết việc tôi đã bị cảm hôm trước và có lẽ sẽ đi tán chuyện về nó trong nhà bếp; tôi chỉ lẩm bẩm đôi điều về việc không hoàn toàn biết rõ nơi tôi đã tới.
“Anh đã đi tìm gặp Rønnaug, tôi đánh cược," gã nói.
Tôi trả lời: phải, tôi đã ở với Rønnaug, vì gã đã đoán như thế.
“Chuyện đó không có gì khó đoán,” gã nói. “Dù sao, giờ anh sẽ không thấy tôi chạy theo bất kỳ người nào trong số họ.”
“Vậy sẽ có Emma hả?”
“Sao, có vẻ là thế. Thật tiếc khi anh không thể kiếm được ở đây. Vậy anh có thể kiếm một trong số các người khác, có lẽ.”
Và gã tiếp tục nó về việc có lẽ tôi đã chọn các cô gái khác, nhưng Đại úy chẳng có ích gì cho tôi. Thậm chí ngày mai tôi sẽ không ra rừng… Những từ nghe thật xa xăm, tới tai tôi qua một biển cả của giấc ngủ mê đang cuộn về phía tôi.
Sáng hôm sau cơn sốt hạ; tôi vẫn còn hơi yếu, nhưng cũng chuẩn bị đi ra rừng.
“Anh không cần mặc đồ lao động vào nữa,” Falkenberg nói. “Tôi đã nói với anh điều đó từ trước.”
Đúng! Dù sao đi nữa, tôi vẫn mặc bộ đồ lao động vào, vì những bộ khác đã ướt. Lúc này Falkenberg khá lúng túng với tôi, vì đã phá vỡ kế hoạch của chúng tôi; để viện cớ, gã nói gã tưởng tôi đã nhận công việc ở nhà ông mục sư.
“Vậy ra anh sẽ không đi lên những ngọn đồi hả?” tôi hỏi.
“Ừm! Không, tôi không nghĩ thế - không. Và chính anh cũng biết, tôi muốn bệnh với việc đi lang thang rồi. Tôi sẽ không kiếm được một cơ hội tốt hơn cơ hội này.”
Tôi làm ra vẻ điều đó với tôi không có gì quan trọng, rồi đặt một sự chú ý bất ngờ vào Peter; anh ta thật xui xẻo, anh chàng tội nghiệp, bị từ chối và không có nơi nào để đi.
“Không có chỗ nào để đi?” Falkenberg lặp lại. “Khi anh ta đã nằm ở đây suốt ba tuần anh ta được phép nghỉ bệnh theo luật, anh ta sẽ quay về nhà. Cha anh ta là một nông dân.”
Sau đó Falkenberg tuyên bố việc để tôi đi là một mất mát về phần gã. Nếu không phải vì Emma, nói chung gã sẽ hủy lời hứa với Đại úy.
“Đây,” gã nói, “tôi sẽ cho anh mấy thứ này.”
“Đó là gì vậy?”
“Đó là những giấy chứng nhận, giờ tôi không cần tới chúng, nhưng chúng có thể có ích cho anh lúc ngặt nghèo. Nếu anh muốn chỉnh một cây đàn dương cầm, chẳng hạn.”
Và gã trao cho tôi những tờ giấy và cái chìa khóa.
Nhưng, xét tới việc tôi không có lỗ tai âm nhạc, những thứ này chả có ích gì cho tôi, và tôi nói với gã như thế. Tôi có thể xử lý một hòn đá mài tốt hơn là một cây đàn dương cầm.
Nghe thấy thế Falkenberg bật cười, nhẹ nhõm khi thấy tôi sẵn sàng nói đùa cho tới cùng…
Falkenberg đi ra. Tôi có thì giờ để ở không một chút, và cứ để quần áo trên người, tôi nằm xuống giường, nghỉ ngơi và suy nghĩ. Phải, công việc của chúng tôi đã hết; dù sao chúng tôi phải ra đi. Tôi không thể tính tới việc ở lại đây mãi được. Điều duy nhất nằm ngoài mọi tính toán là việc Falkenberg ở lại. Giá mà họ đề nghị công việc đó với tôi, tôi sẽ làm việc đủ cho cả hai! Giờ có bất kỳ cơ may nào để mua chuộc gã không, tôi tự hỏi. Nói thật lòng, tôi tưởng tượng tôi đã lưu ý tới một điều gì trước đó; như thể Đại úy không hoàn toàn hài lòng khi có gã người làm mang tên của chính ông quanh quẩn ở nhà này. Chà, có lẽ tôi đã sai lầm.
Tôi nghĩ tới nghĩ lui mãi. Nói cho cùng, tôi đã là một người làm công giỏi, trong chừng mực tôi biết, và tôi chưa hề ăn cắp một phút giây nào trong giờ của Đại úy cho phát minh của riêng tôi.
Tôi lại ngủ thiếp đi, và thức giấc vì tiếng bước chân trên thang gác. Trước khi tôi có thì giờ đứng lên đàng hoàng, chính bản thân Đại úy đã xuất hiện ở lối đi.
“Đừng ngồi dậy,” ông nói với vẻ tử tế, và quay đi như định sẽ tới sau. “Tuy nhiên, vì anh đã thức, chúng ta có thể thanh toán tiền. Anh nói sao?”
Tôi nói cứ làm theo ý của ông, và cám ơn nhiều.
“Tuy vậy, tôi phải nói với anh, cả bạn anh và tôi đều nghĩ anh sẽ làm việc ở nhà ông mục sư, và vì thế… Giờ thì thời tiết đang xấu, không còn việc gì để làm trong rừng nữa. Ngoài ra, chúng ta đã hạ tất cả những cây cần hạ. Ờ, bây giờ tôi đã thanh toán với người kia. Tôi không biết anh có…”
Tôi bảo tôi sẽ hoàn toàn hài lòng với giá tiền tương tự.
“Ừm! Bạn của anh và tôi đã đồng ý anh nên được trả thêm mỗi ngày.”
Falkenberg không hề nói lời nào với tôi về việc này; nghe có vẻ như đây là ý tưởng riêng của Đại úy.
“Tôi đã đồng ý với anh ta chúng tôi sẽ chia đều nhau.”
“Nhưng anh là đốc công; tất nhiên anh nên có thêm năm mươi øre mỗi ngày.”
Tôi thấy sự do dự của mình khiến ông không hài lòng, và để mặc cho ông tính toán theo ý thích. Khi ông đưa tiền cho tôi, tôi bảo nó nhiều hơn mức tôi đã tính. Đại úy trả lời:
“Rất vui khi nghe thấy thế. Và tôi đã viết vài dòng ở đây, có thể nó sẽ hữu ích, rằng anh đã làm việc tốt trong thời gian ở đây.”
Ông trao cho tôi tờ giấy.
Một người công bằng và tử tế, ông Đại úy này. Ông không nói gì về ý tưởng dẫn nước vào nhà vào mùa xuân tới. Tôi cho là ông có những lý do riêng cho chuyện đó, và không muốn làm khó ông.
Sau đó ông hỏi:
“Vậy là anh sẽ lên đường bây giờ để làm việc ở tuyến đường ray?”
Tôi đáp tôi không hoàn toàn chắc chắn về chuyện đó.
“Ờ, ờ… dù sao, cám ơn về thời gian anh làm với chúng tôi.”
Ông tiến về phía cửa. Và tôi, yếu ớt khốn khổ như thế, vẫn không thể kềm lòng mà phải hỏi:
“Ông không có bất cứ công việc nào cho tôi sau này, có lẽ vào mùa xuân, hay sao?”
“Tôi không biết; chúng tôi sẽ xem. Tôi… ờ, tất cả còn tùy. Nếu anh tình cờ ở bất kỳ nơi nào gần, sao… Còn về cái máy của anh thì sao?”
Tôi đánh bạo hỏi xem tôi có thể để lại nó ở đây không.
“Tất nhiên,” Đại úy đáp.
Khi ông đã đi, tôi ngồi dậy trên giường. Vâng, giờ tất cả đã kết thúc. Vâng, như thế đấy – và Thượng đế thương xót tất cả chúng ta! Chín giờ; nàng đã thức – nàng ở đó trong ngôi nhà mà tôi có thể nhìn thấy từ ngay ô cửa sổ này. Vâng, tôi sẽ đi ra và kết thúc chuyện này.
Tôi lấy cái ba lô ra và sắp xếp các thứ vào, mặc cái áo khoác ướt bên ngoài cái áo blu, và sẵn sàng lên đường. Nhưng tôi lại ngồi xuống.
Emma đi vào: “Værsaagod”; có một thứ đã sẵn sàng cho anh trong bếp.”
Tôi hoảng hồn khi thấy cô ta ôm trên tay tấm chăn của tôi.
“Và Fruen bảo tôi hỏi đây có phải là chăn của anh không.”
“Của tôi? Không; tôi đã có chăn của tôi ở đây cùng các thứ đồ khác.”
Emma lại đi ra với tấm chăn.
Chà, làm sao tôi có thể nói đó là của tôi? Quỷ sứ hãy lấy tấm chăn đó đi!... Tôi có nên đi xuống bếp không? Tôi có thể nói lời tạm biệt và cám ơn cùng một lúc – không có gì lạ thường trong việc đó.
Emma lại đi vào với tấm chăn đã được xếp gọn ghẽ và đặt nó lên một cái ghế đẩu.
“Nếu anh không vội lên, cà phê sẽ bị nguội,” cô ta nói.
“Cô đặt tấm chăn ở đó chi vậy?”
“Fruen bảo tôi làm thế.”
“Ồ, tốt, có lẽ nó là của Falkenberg”, tôi lẩm bẩm.
Emma hỏi:
“Giờ anh sẽ đi xa hẳn sao?”
“Phải, khi xét tới việc cô sẽ không dính dáng gì tới tôi.”
“Anh!” Emma nói, với một cái hất đầu.
Tôi cùng đi tới nhà bếp với Emma; khi đang ngồi ở bàn, tôi thấy Đại úy đi ra rừng. Thật tốt khi ông đi khỏi – có lẽ giờ đây Fruen có thể ra khỏi nhà.
Tôi kết thúc bữa ăn và đứng lên. Tôi có nên xuất phát ngay bây giờ không? Tất nhiên, còn gì khác nữa? Tôi chào từ giã những người hầu, với một câu nói đùa lần lượt với từng người.
“Tôi cũng muốn chào từ giã Fruen, nhưng…”
Fruen đang ở trong nhà, tôi sẽ…”
Emma đi vào nhà, và quay lại trong giây lát.
Fruen đang nằm vì bị nhức đầu. Bà ấy gửi lời chúc tốt lành.”
“Hãy quay lại nhé!” các cô gái nói khi tôi cất bước.
Tôi đi ra khỏi nơi đó, với cái ba lô ôm dưới cánh tay. Rồi đột nhiên tôi nhớ tới cái rìu; có thể Falkenberg sẽ không tìm thấy nó ở nơi tôi đã cất. Tôi quay lại, gõ cửa nhà bếp, và để lại một tin nhắn cho gã về địa điểm của nó.
Trong lúc xuôi xuống đường cái, tôi quay lại một hai lần và nhìn về phía những ô cửa sổ của ngôi nhà. Rồi tất cả khuất khỏi tầm mắt.

XXVI
         
Tôi đi lòng vòng cả ngày hôm đó, luôn giữ cho gần với Øvrebø; ghé vào một hai nông trại để tìm việc làm, và lại đi lang thang tiếp như một gã vô gia cư, một cách vô mục đích. Hôm đó là một ngày lạnh giá, xấu trời, và tôi cần phải đi để giữ ấm.
Lúc xế chiều tôi quay lại chỗ làm việc cũ trong khu rừng của Đại úy. Tôi không nghe thấy tiếng rìu nào; Falkenberg đã về nhà. Tôi tìm thấy những thân cây mà tôi đã đốn đêm hôm trước, và bật cười với những gốc cây nham nhở mà tôi đã bỏ lại. Chắc chắn Falkenberg đã nhìn thấy sự tàn phá này, và tự hỏi ai là người đã thực hiện nó. Có lẽ gã đã gán nó cho một trò phù thủy, và chuồn về nhà sau đó, trước khi trời tối. Falkenberg!… Hahaha!
Nhưng tôi ngờ rằng đây không phải là một niềm vui lành mạnh – một điều phát sinh từ cơn sốt và sự yếu đuối theo sau nó. Và chẳng bao lâu sau tôi lại trở nên buồn bã. Ở đây, tại chỗ này, hôm nọ nàng đã đứng với người bạn gái của nàng; họ đã đi ra và nói chuyện với chúng tôi trong rừng…
Khi trời đủ tối, tôi bắt đầu đi về phía ngôi nhà. Có lẽ đêm nay tôi sẽ ngủ trong cái gác xép lần nữa; rồi ngày mai, khi cơn nhức đầu của nàng đã qua, nàng có thể ra ngoài. Tôi đi xuống đủ gần để nhìn thấy những ánh đèn của ngôi nhà, rồi quay lại. Không, có lẽ giờ còn quá sớm.
Sau đó là một quãng thời gian – tôi cho là khoảng hai giờ – tôi  đi lang thang một vòng và ngồi xuống một lát, rồi lại đi lang thang và ngồi xuống một lát; sau đó tôi lại đi về phía ngôi nhà. Lúc này tôi có thể đi lên chỗ căn gác xép và nằm xuống đó. Còn về phần Falkenberg – đồ sâu bọ khốn khổ! – để xem gã dám nói một lời nào! Giờ tôi biết tôi sẽ làm gì. Tôi sẽ giấu cái ba lô trong từng trước khi đi lên, để trông như thể tôi chỉ quay lại vì một thứ nhỏ nhặt đã để quên.
Và tôi quay trở vào rừng.
Ngay lúc giấu cái ba lô xong tôi nhận ra tôi không quan tâm chút nào tới Falkenberg và việc ngủ trong căn gác xép. Tôi là một tên ngốc, một kẻ điên khùng, vì điều tôi muốn không phải là chỗ trú ngụ trong đêm, mà là để nhìn một con người ở đó trước khi tôi rời khỏi chốn này. Và tôi tự nhủ: “Anh bạn tốt của tôi, không phải cậu đã định sống một cuộc đời lặng lẽ giữa những người dân lành mạnh, để có lại sự an bình tâm trí hay sao?”
Tôi lôi cái ba lô khỏi nơi đã giấu nó, quẳng nó lên vai, và đi về phía ngôi nhà lần thứ ba, tránh xa khỏi khu nhà của những người giúp việc, và đi vòng qua phía nam của tòa nhà chính. Có ánh đèn trong phòng khách.
Và lúc này, dù trời tối, tôi hạ cái ba lô trên vai xuống, để trông không giống như một gã ăn xin, và dúi nó vào dưới cánh tay như thể nó là một cái gói. Cứ thế tôi thận trọng rón rén đi về phía ngôi nhà. Khi đã tới đủ gần, tôi dừng lại, đứng ở đó, thẳng và mạnh mẽ trước những ô cửa sổ, tháo mũ ra và đứng yên ở đó. Không có ai ở bên trong, không một bóng người. Phòng khách hoàn toàn tối đen; họ đã dùng xong bữa tối. Hẳn là đã muộn rồi, tôi tự nhủ.
Đột ngột cây đèn dầu trong phòng khách tắt phụt, và toàn bộ ngôi nhà dường như đã chết và bị bỏ hoang. Tôi chờ một lát, rồi có một ánh sáng lẻ loi tỏa ra từ tầng trên. Hẳn đó là phòng nàng. Ánh đèn sáng trong nửa giờ, có lẽ, rồi lại tắt phụt. nàng đã đi nghỉ. Giã từ!
Giã từ mãi mãi!
Và, dĩ nhiên, tôi sẽ không trở lại chốn này vào mùa xuân. Một ý nghĩ ngớ ngẩn!
* * * *

Khi trở xuống tới đường cái, tôi lại đeo cái ba lô lên vai và cất bước lãng du…
Vào buổi sáng tôi lại tiếp tục đi, sau khi ngủ trong một kho thóc lạnh khủng khiếp, không có gì để quấn quanh người; ngoài ra, tôi phải cất bước ngay vào giờ lạnh nhất, ngay lúc rạng đông, để người ta không tìm thấy tôi ở đó.
Tôi đi, đi mãi. Khu rừng thay đổi từ thông sang bạch dương rồi trở lại thứ tự cũ. Khi gặp một khoảnh rừng cây bách xù đẹp, nhánh thẳng, tôi cắt cho mình một nhánh để làm gậy, rồi ngồi bên bìa rừng để tỉa gọn nó. Đó đây giữa những cây cối, vẫn còn treo một hai chiếc lá vàng, nhưng trên những cây bạch dương mọc đầy hoa đuôi sóc với những chùm rũ xuống trông như những giọt ngọc trai. Thi thoảng, năm mười con chim nhỏ hạ cánh xuống một trong những cây bạch dương này để mổ hoa đuôi sóc, sau đó nhìn quanh để tìm một tảng đá hay một thân cây thô ráp để chà sạch chất nhựa dính khỏi mỏ của chúng. Mỗi con đều ganh nhau với những con còn lại; chúng quan sát, xua đuổi con khác đi, dù có tới hàng triệu bông hoa đuôi sóc để chúng ăn tùy thích. Và con chim đang bị săn đuổi không hề làm gì khác ngoài việc bay đi. Nếu một con chim nhỏ lao tới một con lớn hơn, con này sẽ bỏ đi; ngay cả một con chim hét to hết cỡ cũng không hề chống cự lại một con chim sẻ, mà chỉ cất cánh bay. Tôi tưởng tượng hẳn là tốc độ của cuộc tấn công đã làm được điều này.
Cái lạnh và sự khó chịu của buổi sớm mai dần biến mất; tôi thấy vui vui khi quan sát những thứ đa dạng mà tôi bắt gặp trên đường, và suy nghĩ đôi chút, khá lười lĩnh, về mỗi thứ đó. Lũ chim là vui nhộn nhất; ngoài ra, cũng thật là vui khi nhớ rằng tôi có một túi đầy tiền.
Sáng hôm đó Falkenberg có đề cập tới địa điểm nhà của Peter, và lúc này tôi tìm tới đó. Khó mà có công việc cho tôi ở một nơi nhỏ bé như thế; nhưng giờ tôi giàu có, công việc không phải là thứ tôi tìm kiếm đầu tiên. Peter sẽ sớm trở về nhà, không ngờ gì nữa, và có lẽ sẽ có vài tin tức để nói với tôi.
Tôi cố xoay xở để tới nông trại vào chiều tối. Tôi bảo rằng tôi mang tin tức về con trai của họ, rằng giờ anh ta đã khá hơn nhiều, và sẽ sớm về nhà. Và họ có thể thu xếp cho tôi ngủ lại trong đêm không?


 

[2] Đây này.
[4] Ôi Trời.
[5] Cám ơn về món rượu vang Skjænken.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét