Under høstjernen
Knut Hamsun
Nguyễn Thành Nhân dịch
(từ bản
tiếng Anh Under the Autumn Star
của W. W. Worster)
I.
Hôm qua mặt nước phẳng lặng như gương, và hôm nay cũng vậy. Đợt khí hậu
nóng mùa thu trên đảo mới dịu và ấm làm sao! Nhưng không có ánh mặt trời.
Đã nhiều năm nay tôi mới biết một sự an bình như vậy. Hai mươi hoặc ba
mươi năm, có lẽ; hay có lẽ đó là một cuộc đời khác. Nhưng đôi khi tôi cảm nhận
được nó, chắc vậy rồi, vì lúc này tôi đang đi rong khắp chốn, ngâm nga nho nhỏ
một giai điệu nhạc; lang thang trong niềm hoan lạc, yêu từng sợi rơm, hòn đá,
và thấy như thể chúng cũng quan tâm đáp trả lại tôi.
Trong lúc đi trên lối mòn hoang ngập cỏ, băng qua cánh rừng, tim tôi run
rẩy vì một niềm vui thoát tục. Tôi hồi nhớ lại một địa điểm ở vùng bờ phía đông
biển Caspian, nơi có lần tôi đã đứng. Mọi thứ ở đây đều giống hệt vậy, với mặt
nước tĩnh lặng, trầm trọng và xám màu thép như lúc này. Tôi bước qua cánh rừng,
xúc động tận tâm can, và rưng rưng nước mắt chỉ vì niềm vui tuyệt đối, và luôn
tự nhủ với mình: Thượng đế ở trên cao. Xin có mặt ở đây lần nữa…
Như thể tôi đã có mặt ở đó trước kia.
Cũng có lẽ tôi từng có mặt ở đó, đến từ một thời gian và vùng đất khác,
nơi rừng cây và những con đường mòn cũng y hệt thế này. Có lẽ tôi lúc đó tôi là
một cụm hoa, ở giữa khu rừng, hay có lẽ là một con bọ cánh cứng, ngụ cư trong
một cây keo nào đó.
Và giờ đây tôi đã tới chốn này. Có lẽ tôi từng là một con chim và đã bay
suốt chặng đường xa ấy. Hoặc là phần thịt của một thứ quả cây được một thương
nhân Ba Tư gửi tới.
Nhìn xem, giờ tôi đã cách xa sự hối hả chen chúc của đô thành, cách xa
mọi người và những tờ nhật báo; tôi đã chuồn khỏi những thứ đó, vì tiếng gọi đã
cất lên với tôi lần nữa từ những con đường cô quạnh, im lìm, nơi tôi thuộc về.
“Lần này mọi thứ sẽ đi đúng chỗ,” tôi tự nhủ, và lòng ngập tràn hy vọng. Chao
ôi, trước kia tôi đã từng bỏ trốn khỏi thành phố như lần này, rồi sau đó lại
quay về. Và lại bỏ trốn lần nữa.
Nhưng lần này tôi đã quyết. Tôi sẽ tìm được an bình, với bất cứ giá nào.
Và hiện tại tôi đã có một căn phòng trong một ngôi nhà thôn dã tại đây, với cụ
Gunhild chăm sóc cho tôi.
Đó đây, giữa những hàng thông là những cây thanh lương trà, với những
chùm quả chín mọng màu san hô; lúc này những chùm quả đang rơi, chạm mạnh vào
mặt đất. Chúng tự gặt hái bản thân và gieo hạt thêm lần nữa, một sự thừa thãi
phi thường bị lãng phí hàng năm. Tôi có thể đếm được tới hơn ba trăm chùm quả
trên một cây duy nhất. Và rải rác đó đây là những cây hoa vẫn còn đang nở rộ,
những sự vật ngoan cố, sẽ không chịu chết, dù thời của chúng đã thật sự trôi
qua.
Nhưng cả thời của cụ Gunhild cũng đã qua rồi – và bạn có nghĩ rằng bà sẽ
chết? Bà tới lui khắp chốn như thể cái chết là một thứ không hề khiến cho bà
phải quan tâm. Khi những ngư dân đặt chân lên bãi biển, để sơn lại thuyền hay
mạng lại lưới, cụ Gunhild tới đó với đôi mắt đờ đẫn, nhưng với một trí óc sắc
sảo không kém một ai để trả giá.
“Hôm nay giá cá thu thế nào?” bà hỏi.
“Cũng như hôm qua.”
“Vậy theo tôi các người cứ giữ lấy nó.”
Và cụ Gunhild trở về nhà.
Nhưng đám ngư dân biết rằng cụ Gunhild không phải là một trong số những
kẻ chỉ vờ vịt bỏ đi; bà từng bỏ về như thế trước kia, quay lên ngôi nhà của
mình, không một lần ngoảnh lại. Vì thế, họ gọi bà, “Nè,” và nói rằng hôm nay họ
sẽ bán với giá bảy đồng nửa chục, xem bà là một khách hàng kỳ cựu.
Và cụ Gunhild mua cá.
Những áo quần giặt xong đang phơi trên dây; váy lót đỏ và sơmi xanh
dương, và những quần áo lót dày cộm đến phi lý, mọi thứ được kéo sợi và dệt
trên đảo bởi những bà cụ già vẫn còn sống sót. Nhưng cũng có những loại quần áo
giặt xong khác: những chiếc áo sơmi loại tốt không tay áo, chính cái điều khiến
một cơ thể xanh tái đi vì lạnh, và những chiếc áo lót bằng len màu hoa cà có độ
dày của một sợi dây đàn. Và những thứ đáng tởm này có mặt ở đó bằng cách nào?
Sao nữa, đó là mấy cô con gái, chắc vậy rồi, những nàng thiếu nữ thời hiện đại,
đang giúp việc trong thị trấn, và kiếm được những thứ quần áo lòe loẹt này theo
cách đó. Phải giặt chúng thật cẩn thận, không thường xuyên quá, và chúng chỉ
tồn tại được một tháng. Và sẽ là một cảm giác trần trụi đáng yêu khi những cái
lỗ bắt đầu giãn rộng.
Nhưng không có kiểu phi lý đó, chẳng hạn, ở đôi giày của cụ Gunhild. Vào
những quãng thời gian rỗi rãnh thích hợp, bà tới gặp một trong số các ngư dân,
giống bà về tuổi tác và đầu óc, và phần phía trên và đế giày được kỹ lưỡng khâu
lại, thêm một lớp mỡ bôi da thuộc hữu hiệu khiến cho nước trở nên bất lực. Tôi
từng thấy thứ mỡ đó được đun sôi trên bãi biển; trong đó có mỡ động vật, cũng
có cả hắc ín và nhựa thông.
Hôm qua, khi đang lười nhát lang thang dọc bãi biển, nhìn những mảnh gỗ
trôi dạt, những đống vảy cá và những hòn đá, tôi bắt gặp một mẩu nhỏ của một
chiếc đĩa thủy tinh. Tôi không tài nào đoán được nó tới đó bằng cách nào; nhưng
vật này dường như là một điều lầm lạc, một sự dối lừa, khi nhìn vào nó. Lẽ nào
một ngư dân bất kỳ nào đó đã chèo thuyền tới đây cùng với nó, bỏ nó lại đó và
chèo đi? Tôi bỏ mặc nó tại nơi nó nằm, nó dày, bình thường và thô thiển; có lẽ
là một mảnh của một cửa sổ xe điện. Thời xưa thủy tinh còn hiếm và có màu lục
sẫm. Thượng đế phù hộ cho những ngày xưa cũ, khi một vật gì đó có thể hiếm hoi!
Lúc này khói tỏa lên từ những túp lều ngư phủ ở đầu phía nam của đảo.
Chiều xuống, và người ta nấu cháo đặc cho buổi tối. Khi xong bữa tối, những
người dân tử tế lên giường ngủ, để mai lại thức giấc cùng ánh bình minh. Chỉ có
bọn trẻ tuổi và ngốc nghếch là vẫn thơ thẩn từ nhà này sang nhà khác, trì hoãn
giờ ngủ nghỉ của chúng, không hề biết đâu là điều tốt nhất cho bản thân chúng.
II
Sáng nay có một người đàn ông đặt chân lên đảo – tới để sơn ngôi nhà.
Nhưng cụ Gunhild, thật đã quá già, và phần lớn thời gian đang chết dần mòn vì
bệnh gout, bảo anh ta chẻ củi để nấu nướng trong vài hôm trước khi khởi sự.
Nhiều lần tôi đã đề nghị được tự tay chẻ số củi đó, nhưng bà nghĩ quần áo của
tôi quá tốt, và không cho tôi sờ tới cái rìu vì bất cứ lý do gì.
Tay thợ sơn này là một anh chàng thấp
bé, dày cơm, với mái tóc đỏ hoe và mày râu nhẵn nhụi. Tôi quan sát anh ta từ
sau một ô cửa sổ trong lúc anh ta làm việc, để xem anh ta xử lý cái rìu như thế
nào. Thế rồi, khi nhận thấy anh ta đang nói chuyện với chính mình, tôi lẻn ra
khỏi nhà để lắng nghe. Nếu anh ta hạ chệch một nhát rìu, anh ta nhẫn nại chấp
nhận nó, và không tự làm khó mình; nhưng bất cứ lúc nào anh ta bị va phải đốt
ngón tay, anh ta trở nên cáu kỉnh và thốt lên: “Fan! Fansmagt!”[1] – và rồi đột
ngột nhìn quanh và bắt đầu ư ử ngâm nga một giai điệu nhạc để che lấp đi những
lời nói của mình.
Vâng, tôi nhận ra người thợ sơn đó. Chỉ có điều, cái gã ma bùn này chả
phải là thợ sơn gì hết, mà là Grindhusen, một trong những gã đàn ông mà tôi
từng làm việc chung khi đang làm đường ở Skreia.
Tôi bước tới cạnh anh ta, hỏi anh ta có nhớ tôi không, và chúng tôi trò
chuyện một lúc.
Đã rất nhiều năm từ lúc chúng tôi là thợ sửa chữa đường, Grindhusen và
tôi; khi ấy chúng tôi còn là những thanh niên, nhảy múa dọc theo những con
đường với những đôi giày thê thảm nhất, và ăn những gì chúng tôi có thể tìm ra
miễn là có đủ tiền để trả. Nhưng khi chúng tôi có thừa tiền, sẽ là dịp để khiêu
vũ với các cô nàng suốt đêm Thứ bảy, và một đám đông bọn công nhân chúng tôi
tới nhập bọn, và cụ già trong nhà bán cà phê cho chúng tôi cho tới lúc hẳn bà
đã kiếm được chút tiền còm. Sau đó chúng tôi làm việc cật lực suốt tuần kế
tiếp, mong đợi ngày Thứ bảy lại đến. Nhưng Gridhusen, anh ta là một con sói đầu
đỏ săn đuổi những nàng con gái.
Anh ta có nhớ những ngày xưa ở Skreia chăng?
Anh ta nhìn tôi, cẩn thận kiểm tra tôi với vẻ dè dặt, phải mất một hồi
tôi mới có thể làm cho anh ta nhớ lại.
Vâng, anh ta nhớ khá rõ Skreia.
“Còn Anders Fila và ‘Spiralen’ và Petra?”
“Người nào?”
“Petra – cô gái của anh.”
“Phải, tôi nhớ cô ta. Rốt cuộc tôi đã bị cột chặt vào cô ta.” Grindhusen
lại xoay sang chẻ củi.
“Anh đã bị cột chặt vào cô ta sao?”
“Phải, đó là kết thúc của câu chuyện. Phải thế thôi, tôi cho là vậy. Giờ
tôi sẽ nói gì nhỉ? Anh đã trở nên khấm khá, qua vẻ ngoài của các thứ.”
“Sao chứ? Có phải anh đang nghĩ về bộ quần áo? Chính anh cũng đang mặc
bộ quần áo ngày Chủ nhật mà, đúng không?”
“Anh đã đổi gì để lấy mấy thứ đang mặc?”
“Tôi không nhớ nổi, nhưng chả có gì nhiều. Không thể nói chính xác đó là
gì.”
Grindhusen nhìn tôi ngạc nhiên và bật cười to.
“Gì chứ? Không thể nhớ anh đã trả thứ gì cho họ sao?”
Rồi anh ta trở nên nghiêm túc, lắc đầu và bảo: “Không, tôi dám nói là
anh không nhớ. Không. Đó là cung cách của anh khi anh có đủ hay thừa tiền.”
Cụ Gunhild bước ra khỏi nhà, trông thấy chúng tôi đứng đó cạnh đống củi,
đang lãng phí thời gian với cuộc trò chuyện dông dài, bà bảo với Grindhusen tốt
hơn anh ta nên bắt đầu sơn.
“Vậy ra giờ anh đổi sang nghề thợ sơn à?”
Grindhusen không đáp, và tôi thấy rằng tôi đã nói một điều không nên nói
trước mặt những người khác.
____________________________________________________________
[1] Đồ quỷ sứ! Quyền năng của quỷ!
(Từ đây trở đi, những từ in nghiêng là chữ Na Uy hoặc chữ Pháp, theo bản tiếng
Anh.)
III
Grindhusen làm việc đôi ba giờ với vữa và sơn. Và chẳng bao lâu một mé
của ngôi nhà nhỏ, phía bắc, nhìn ra biển, đã sáng một màu đỏ vui tươi. Vào lúc
nghỉ trưa, tôi bước ra và tới gần anh, với chút gì để uống, và chúng tôi nằm
lăn ra đất một lúc, chuyện gẫu và hút thuốc.
“Thợ sơn? Không hẳn vậy, và đó là sự thật,” anh nói. “Nhưng nếu bất cứ
một ai đi tới và hỏi tôi có thể sơn một bức tường không, sao chứ, dĩ nhiên là
tôi có thể. Anh đã kiếm được thứ rượu Brændevin1 loại nhất
đấy."
Vợ và hai đứa con của anh sống cách đó chừng bốn dặm, và anh về thăm họ
mỗi Thứ bảy. Ngoài ra còn có hai cô con gái, cả hai đã trưởng thành, và một cô
đã lấy chồng. Grindhusen đã lên chức ông ngoại. Ngay sau khi sơn xong ngôi nhà
của cụ Gunhild – nó đã được sơn hai lớp – anh sẽ tới nhà của ông mục sư để đào
một cái giếng. Luôn luôn có loại công việc nào đó phải thực hiện ở những ngôi
làng. Khi đông tới, và sương giá bắt đầu dày lên, anh sẽ đi đốn gỗ trong rừng
hoặc nằm lười nhát một thời gian ngắn, cho tới khi có việc gì khác xuất hiện.
Giờ đây anh không phải chăm sóc một gia đình lớn, và ngày mai, không còn ngờ gì
nữa, sẽ tự chăm sóc cho nó hệt như hôm nay.
“Giá tôi có thể xoay xở được,” Grindhusen nói, “tôi biết tôi nên làm gì.
Tôi sẽ kiếm cho mình một số dụng cụ thợ nề.”
“Vậy ra anh còn là một thợ nề nữa hả?”
“Ờ, không hẳn thế, và đó là sự thật. Nhưng khi đào xong cái giếng đó,
sao chứ, nó sẽ cần có cái thành giếng, điều đó rất rõ ràng…”
Tôi thả bộ quanh đảo như thường lệ, nghĩ tới việc này việc khác. Bình
an, bình an, một sự an bình siêu việt đến với tôi bằng một giọng nói thinh lặng
từ mỗi cây cối trong rừng. Và giờ đây, bạn hãy nhìn xem, chỉ còn sót lại vài
con chim nhỏ; chỉ có vài con quạ lặng lẽ bay từ nơi này sang nơi khác rồi đậu
lại. Và những chùm quả thanh lương trà rụng xuống với một tiếng rơi thịch dỗi hờn
rồi tự chôn mình vào đám rêu.
Có lẽ Grindhusen nghĩ đúng: chắc chắn ngày mai sẽ tự chăm nom cho nó,
hệt như hôm nay. Suốt hai tuần qua tôi không nhìn thấy một tờ báo nào, và với
tất cả những điều đó, tôi vẫn ở đây, còn sống và khỏe mạnh, đang có một bước tiến
triển lớn lao về thanh tĩnh nội tâm; tôi ca hát, ưỡn ngực và đứng quan sát
những vì sao ban đêm với mái đầu trần.
Suốt mười tám năm qua tôi đã ngồi trong những quán cà phê, cất tiếng gọi
người phục vụ nếu một chiếc nĩa không được sạch: tôi chưa bao giờ gọi Gunhild
về việc những cái nĩa có sạch hay không! Giờ đã có Grindhusen, tôi tự nhủ; cậu
có chú ý không khi anh ta đốt cái tẩu của mình lên, hay cách anh ta dùng que
diêm cho tới đoạn cuối cùng nhưng chả bao giờ bị phỏng tay ra sao? Tôi trông
thấy một con ruồi bò trên bàn tay của anh, nhưng anh cứ mặc cho nó bò; có lẽ
anh chẳng bao giờ chú ý tới việc nó đang ở đó. Đó là cách mà một gã đàn ông nên
cảm thấy đối với những con ruồi…
Vào lúc xế chiều, Grindhusen lấy thuyền và chèo đi. Tôi đi dọc bãi biển,
hát cho mình nghe một chút, ném mấy hòn đá xuống nước, và lôi những mảnh gỗ
trôi dạt lên bờ. Những vì sao đã hiện ra, và có cả vầng trăng. Sau vài giờ
Grindhusen quay lại, với một bộ đồ nghề thợ nề xôm tụ đặt trong thuyền. Đã lấy
trộm ở đâu đó, tôi nghĩ bụng. Chúng tôi vác phần của mỗi người, và giấu mấy thứ
đồ nghề giữa những thân cây.
Sau đó đêm buông xuống, và mỗi người chúng tôi đi theo con đường riêng
biệt của mình.
Grindhusen hoàn tất công việc sơn nhà vào xế trưa hôm sau, nhưng đồng ý
tiếp tục chẻ củi cho tới sáu giờ để đủ một ngày công. Tôi đi ra chỗ chiếc
thuyền của Gunhild và chèo ra biển câu cá, để không có mặt ở đó khi anh ra đi.
Tôi không câu được con cá nào, và ngồi trên thuyền thì khá lạnh; tôi cứ nhìn
đồng hồ đeo tay hết lần này sang lần khác. Cuối cùng,vào khoảng bảy giờ: hẳn
giờ này anh ta đã đi rồi, tôi tự nhủ, và chèo trở về nhà. Grindhusen đã đặt
chân lên đất liền, và gọi với sang tôi từ chỗ đó: “Farvel!”[2]
Từ đó khiến tôi run lên vì ấm áp; như thể nó là một tiếng gọi từ tuổi
trẻ của tôi, từ những ngày của một thế hệ đã trôi qua.
Tôi chèo qua chỗ anh và hỏi:
“Anh có thể đào cái giếng đó một mình không?”
“Không, tôi sẽ phải tìm thêm một người nữa.”
“Nhận tôi đi,” tôi nói. “Hãy chờ tôi ở đây trong lúc tôi lên đó và giải
quyết công chuyện ở ngôi nhà.”
Khi đi được nửa đường, tôi lại nghe tiếng Grindhusen gọi:
“Tôi không đợi suốt đêm ở đây được. Và dù sao thì tôi cũng không tin anh
định làm điều đó.”
“Chỉ chờ một phút thôi mà. Tôi sẽ quay xuống ngay.”
Và Grindhusen ngồi xuống bãi biển chờ tôi. Anh biết tôi vẫn còn sót lại
một ít thứ rượu Brændevin loại nhất đó.
----------------------------------------------
1 Rượu mạnh.
2 Tạm biệt.
IV
Chúng tôi tới nhà ông mục sư vào một ngày Thứ bảy. Sau nhiều ngờ vực,
cuối cùng Grindhusen đã đồng ý nhận tôi làm bạn đồng hành. Tôi đã mua các thứ
cần dùng và vài bộ đồ lao động, và hiện đang đứng đó, trong chiếc áo blu và đôi
ủng cao cổ, sẵn sàng bắt tay vào việc. Tôi tự do và vô danh; tôi đã học được
cách đi với những bước sải dài, nặng nề, còn về vẻ ngoài của một người làm
công, tôi đã có sẵn điều đó ở cả gương mặt và hai bàn tay. Chúng tôi ngụ ngay
trong nhà ông mục sư, và nấu ăn trong nhà ủ bia ở ngoài sân.
Và chúng tôi khởi sự đào.
Tôi thực hiện phần việc của mình, và Grindhusen không hề lầm lẫn khi
nhận tôi làm chung. “Nói cho cùng, anh sẽ trở thành một tay thợ loại nhất ở
công việc này,” anh nói.
Sau khi chúng tôi đã làm việc một lúc, ông mục sư bước ra nhìn, và chúng
tôi nhấc mũ chào. Ông là một người trọng tuổi, lặng lẽ và lịch sự trong thái độ
và lời lẽ; những nếp nhăn li ti tỏa thành hình rẽ quạt từ hai đuôi mắt, giống
như những dấu vết của một ngàn nụ cười tử tế. Ông xin lỗi vì đã cắt ngang, và
hy vọng chúng tôi không phiền – nhưng họ gặp rất nhiều rắc rối hàng năm khi lũ
gà chui vào vườn. Chúng tôi có thể gác cái giếng lại một lúc, đi vòng quanh để
xem xét hàng rào của khu vườn không? Cụ thể có một chỗ…
Grindhusen đáp: tất nhiên; chúng tôi sẽ lo liệu ổn thỏa việc ấy cho ông.
Thế là chúng tôi tới đó và dựng lại bức rào đổ. Trong lúc chúng tôi đang
bận rộn, một tiểu thư bước ra và đứng nhìn. Chúng tôi nhã nhặn chào nàng, và
tôi nghĩ trông nàng thật là xinh xắn. Sau đó một cậu trai đang lớn bước ra
nhìn, và đưa ra mọi loại câu hỏi. Hai người này là chị em, không còn ngờ gì
nữa. Và công việc tiếp tục khá dễ dàng với hai người trẻ tuổi đứng đó nhìn.
Rồi chiều xuống. Grindhusen đi về nhà, bỏ tôi ở lại. Đêm đó tôi ngủ
trong vựa cỏ khô.
Ngày hôm sau là Chủ nhật. Tôi không dám mặc bộ quần áo thành thị vì
trông chúng có vẻ vượt khỏi địa vị của tôi, nhưng cũng cố sức làm cho bộ quần
áo lao động của tôi được tươm tất, rồi lười lĩnh dạo quanh khu vực trong sự
tĩnh lặng của buổi sáng Chủ nhật. Tôi tán gẫu với những tay nông dân và nhập
bọn với họ để chuyện trò vu vơ với mấy nàng thiếu nữ; khi chuông bắt đầu đổ báo
hiệu giờ tới nhà thờ, tôi vào nhà để hỏi xem tôi có thể mượn một cuốn kinh cầu
nguyện hay không, và con trai của ông mục sư tự tay mang tới cho tôi một cuốn.
Một trong số mấy người đàn ông cho tôi mượn một cái áo khoác; thật sự, nó không
đủ to, nhưng khi cởi cái áo blu và áo gi-lê ra, tôi cũng mặc vào được. Và thế
là tôi tới nhà thờ.
Sự thanh tĩnh nội tâm tôi từng đạt được trước những nỗi đau để lập thân
trên đảo chứng tỏ vẫn còn quá bé nhỏ; với âm thanh run rẩy đầu tiên của chiếc
đàn organ, tôi đã bị xé rời khỏi tâm trạng của mình và suýt bật khóc to. “Im
lặng nào, đồ ngốc,” tôi tự nhủ, “đây chỉ là chứng suy nhược thần kinh.” Tôi đã
chọn một chỗ ngồi tách rời khỏi số còn lại và cố hết sức che đậy cảm xúc của
mình. Tôi rất mừng khi buổi lễ kết thúc.
Sau khi đã luộc xong thịt và ăn bữa tối, tôi được mời vào bếp để uống
một cốc cà phê. Và trong lúc tôi ngồi đó, Frøkenen1, người
thiếu nữ mà tôi đã nhìn thấy hôm trước, bước vào; tôi đứng lên cúi đầu chào
nàng và nàng gật đầu đáp lễ. Nàng thật quyến rũ, với tuổi trẻ và đôi bàn tay
xinh xắn. Khi đứng lên đi ra, tôi quên mất bản thân và nói:
“Cô là người tử tế nhất, tôi chắc vậy, tiểu thư thân mến của tôi!”
Nàng ngạc nhiên nhìn tôi, cau mày, và màu hồng lan ra trên đôi má của
nàng cho tới khi chúng đỏ ửng lên. Sau đó với một cái hất đầu, nàng quay lưng
rời khỏi phòng. Nàng rất trẻ.
Chà, tôi đã làm một việc thật hay ho!
Khốn khổ tận tâm can, tôi len lén chuồn vào rừng để nấp. Đồ ngốc xấc
xược, tại sao tôi không giữ mồm giữ miệng vậy nhỉ! Trong số tất cả những điều
lố bịch để nói ra…
Nhà của ông mục sư nằm trên sườn một ngọn đồi nhỏ; từ đỉnh đồi, mảnh đất
trải ra, bằng phẳng, với những khoảng cây rừng và khoảng trống xen nhau. Tôi
chợt nhận ra đây mới là nơi thích hợp để đào cái giếng, rồi sau đó bắc một
đường ống xuôi con dốc tới ngôi nhà. Khi tôi cố phán đoán tốt nhất độ cao, có
vẻ như nó thừa sức tạo nên áp lực cần thiết; trên đường trở về, tôi ước chừng
độ dài bằng cách đếm bước: hai trăm năm mươi bộ.
Nhưng nói cho cùng, phải chăng đó là công việc của tôi? Ôi chao, xin
đừng để cho tôi lặp lại sai lầm lần nữa, và xúc phạm những người dân này bằng
cách nói năng vượt quá địa vị của tôi.
------------------------------------------------
[1] Thiếu nữ, tiểu thư.
V
Grindhusen lại tới vào sáng Thứ hai, và chúng tôi lao vào đào bới như
trước. Ông mục sư già bước ra nhìn, và hỏi chúng tôi có thể giúp ông dựng một
cây cột trên con đường tới nhà thờ hay chăng. Ông rất cần tới cây cột đó; trước
đây nó từng đứng đó, nhưng đã bị gió xô ngã; ông dùng nó để đóng lên những tấm
bảng ghi chú và thông báo.
Chúng tôi dựng lên một cây cột mới, và gắng sức làm cho nó đứng thẳng
như một cây nến trên giá nến. Tiện tay, chúng tôi cũng trùm kẽm lên đầu cột.
Trong lúc đang làm cái mũ trùm, tôi bảo Grindhusen đề nghị nên sơn đỏ
cây cột; anh vẫn còn lại chút ít sơn đỏ từ công việc ở nhà cụ Gunhild. Nhưng
ông mục sư muốn sơn nó màu trắng, và Grindhusen ngại việc cự cãi nên thận trọng
đồng ý với tất cả những gì ông nói, cho tới khi rốt cuộc tôi xen vào một lời,
bảo rằng những bảng thông báo bằng giấy trắng sẽ nổi bật hơn trên màu đỏ. Khi
nghe nói thế, ông mục sư mỉm cười, với những nếp nhăn vô tận quanh đôi mắt, và
bảo: “Phải, phải, dĩ nhiên, anh hoàn toàn đúng.”
Và thế là đủ; chỉ cần nụ cười và câu nói rằng tôi đúng đã khiến lòng tôi
rất đỗi mừng rỡ, tự hào.
Sau đó Frøkenen xuất hiện, nói vài lời với Grindhusen; thậm chí
còn nói đùa với anh, hỏi cái cột đỏ thắm dựng trên đường đó để làm gì. Nhưng
nàng không nói gì với tôi hết, thậm chí không thèm nhìn tới tôi khi tôi nhấc
mũ.
Ngày hôm đó, bữa ăn là một thử thách đau đớn đối với tôi, không phải vì
thức ăn tệ, mà vì Grindhusen, anh ăn món xúp với một cung cách đáng tởm, và mồm
anh bóng nhờn mỡ.
“Anh ta sẽ như thế nào khi ăn cháo đặc nhỉ?” Tôi nghĩ thầm, bực bội.
Sau đó, khi anh ta ngã lưng vào chiếc ghế dài để nghỉ ngơi sau bữa ăn
với cùng tình trạng mồm bóng mỡ đó, tôi nói thẳng với anh ta:
"Trời ơi, anh bạn, anh có chịu lau sạch miệng của anh không
vậy?"
Anh ta nhìn tôi chằm chặp, đưa một bàn tay lên lau miệng. “Miệng
hả?” anh ta nói.
Khi đó tôi cố biến nó thành một câu nói đùa và nói: “Haha, đúng đó!”
Nhưng tôi bất mãn với chính mình, vì tất cả những điều đó, và rời khỏi nhà ủ
bia ngay sau đó.
Rồi tôi chợt nghĩ tới Frøkenen. “Mình sẽ làm cho nàng phải trả
lời khi mình chào nàng.” Tôi tự nhủ. “Mình sẽ để cho nàng sớm nhận ra mình
không hề là một tên ngu ngốc.” Còn có công việc về cái giếng và đường ống nước;
nếu tôi lập ra một kế hoạch để hoàn thành toàn bộ công trình thì sao nhỉ! Tôi
không có dụng cụ để đo độ cao thấp của ngọn đồi… được thôi, tôi có thể tạo ra
một thứ hữu dụng. Và tôi bắt tay vào việc. Một cái ống bằng gỗ, với hai cái
chụp đèn gắn vào bằng mát tít, và tất cả chứa đầy nước.
Chẳng bao lâu tôi phát hiện ra có nhiều việc nho nhỏ cần để mắt tới ở
nhà ông mục sư – những công việc vặt vãnh ở chỗ này chỗ khác. Một bậc thềm đá
cần chỉnh cho thẳng lại, một bức tường cần được sửa; cái cầu thang bắc tới kho
chứa thóc cần được kéo dài trước khi có thể đưa thóc vào. Ông mục sư thích mọi
thứ trong nhà đều ngăn nắp và trật tự – và với chúng tôi tất cả cũng như nhau,
khi xét tới việc chúng tôi được trả công theo ngày. Nhưng theo thời gian, tôi
ngày càng trở nên mất kiên nhẫn với sự có mặt của người bạn làm chung. Ví
dụ, việc nhìn thấy anh nhặt một ổ bánh từ bàn lên, kê nó sát vào ngực, rồi cắt
ra một lát với một con dao bỏ túi bóng mỡ mà anh luôn luôn đưa vào miệng,
thật là một cực hình đối với tôi. Và thêm nữa, anh thường không tắm rửa suốt cả
tuần, từ Chủ nhật này sang Chủ nhật khác. Vào buổi sáng, trước khi mặt trời ló
dạng, và vào buổi chiều tối, sau khi nó đã lặn, luôn luôn có một giọt lấp lánh
treo lủng lẳng ở chóp mũi của anh. Rồi tới những cái móng tay của anh! Còn về
đôi lỗ tai của anh, đơn giản là chúng đã biến dạng.
Ôi chao! Tôi là một gã nhà giàu mới phất đã học được những cung cách tốt
đẹp trong những quán cà phê thị trấn. Và do tôi không thể kềm chế được việc
thỉnh thoảng nói với người bạn của tôi những gì tôi nghĩ về cung cách bẩn thỉu
của anh, giữa chúng tôi đã nảy sinh một cảm giác khó chịu nhất định, và tôi sợ
rằng chúng tôi sẽ sớm phải tách rời nhau. Do vậy, hầu như giờ đây chúng tôi
không nói năng gì ngoài những điều cần thiết.
Và cái giếng còn đó, vẫn chưa đào xong như trước. Chủ nhật đến, và
Grindhusen đã trở về nhà.
Hiện giờ tôi đã làm xong cái dụng cụ thí nghiệm của mình. Vào buổi xế
trưa, tôi trèo lên mái nhà chính và đặt nó ở đó. Tôi nhìn thấy ngay rằng tầm
nhìn cắt với sườn đồi nhiều mét bên trên đỉnh mái nhà. Tốt. Ngay cả khi hạ mực nước
xuống một mét, vẫn còn đủ và thừa áp lực.
Trong lúc tôi bận bịu trên đó, con trai của ông mục sư nhìn thấy tôi.
Cậu ta tên là Harald Meltzer. Và tôi đang làm gì trên đó? Đang đo ngọn đồi; để
làm gì? Tôi muốn biết độ cao để làm gì? Tôi có thể cho cậu ta thử không?
Sau đó tôi tìm ra một khúc dây dài mười mét, và đo ngọn đồi từ chân tới
đỉnh, với sự giúp đỡ của Harald Meltzer. Khi chúng tôi trở xuống nhà, tôi đề
nghị được gặp ông mục sư, và nói với ông về kế hoạch của tôi.
VI
Ông mục sư nhẫn nại lắng nghe, và không phản đối ý tưởng đó ngay.
“Thật thế!” ông nói với một nụ cười. “Sao, có lẽ anh nói đúng. Nhưng
việc nầy sẽ tốn bộn tiền. Vì sao chúng ta phải chuốc lấy phiền toái vì nó chứ?”
“Từ nhà tới cái giếng mà chúng tôi đã đào là bảy mươi bước. Các cô gái
phải đi bảy mươi bước qua bùn lầy và tuyết các thứ trong mùa hè và mùa đông.”
“Điều đó đúng, vâng. Nhưng cái cách kia sẽ tiêu tốn một món tiền kinh
khủng.”
“Không kể tới cái giếng – trong bất cứ trường hợp nào ông cũng phải có nó;
toàn bộ việc lắp đặt, công làm và vật liệu, sẽ không hơn hai trăm Kroner,” tôi
nói.
Ông mục sư có vẻ ngạc nhiên.
“Tất cả chỉ thế thôi sao?”
“Vâng.”
Tôi chờ một lát mỗi lần trước khi trả lời, như thể tôi có bản tính chậm
chạp bẩm sinh. Nhưng thật ra tôi đã nghĩ tới mọi việc trước đó rồi.
“Nó sẽ rất thuận tiện, điều đó đúng,” ông mục sư trầm ngâm nói. “Và cái
chậu nước trong bếp khá choán chỗ.”
“Và nó còn đưa nước tới các phòng ngủ nữa.”
“Tất cả các phòng ngủ đều ở tầng trên. Tôi e là nó sẽ không có tác dụng
ở đó.
“Chúng ta có thể đưa các đường ống lên tầng một.”
“Anh nghĩ là có thể sao? Lên tới các phòng ngủ? Anh nghĩ là có đủ áp lực
cho việc đó hả?”
Tới đây tôi chờ lâu hơn bình thường trước khi trả lời, như một gã lừ đừ
chậm nghĩ, không thực hiện mọi việc một cách khinh suất.
“Tôi nghĩ tôi có thể trả lời với chiều cao của mái nhà,” tôi nói.
“Thật thế!” ông mục sư cảm thán. Và lại nói: “Đi và chỉ cho chúng tôi
xem nơi anh nghĩ sẽ đào cái giếng.”
Chúng tôi đi lên đồi, ông mục sư, tôi, Harald, và tôi cho ông xem dụng
cụ của tôi, chỉ cho ông thấy rằng sẽ có thừa áp lực.
“Tôi phải bàn với cậu kia về việc này,” ông nói.
Nhưng tôi gạt Grindhusen ra ngay lập tức, và bảo: “Grindhusen hả? Anh ta
không biết gì về công việc này cả.”
Ông mục sư nhìn tôi.
“Thật thế ư?”
Sau đó chúng tôi đi xuống, ông mục sư như tự nói với mình:
“Hoàn toàn đúng, phải. Lấy nước vào mùa đông là một công việc vô tận. Và
cả mùa hè nữa, về vấn đề đó. Tôi phải xem mấy người phụ nữ nghĩ thế nào về việc
này.”
Và ông đi vào nhà.
Sau khoảng mười phút, tôi được gọi đi vòng ra mấy bậc thềm trước nhà;
lúc này toàn bộ gia đình đang ở đó.
“Vậy ra anh là người sắp đưa nước vào nhà?” Fruen1 nhã
nhặn nói.
Tôi nhấc mũ ra và cúi chào với một cung cách lừ đừ, nặng nề, và ông mục
sư thay tôi đáp: phải, chính là người này.
Frøkenen liếc nhìn tôi với vẻ tò mò, rồi bắt đầu nói thì thầm với cậu em trai. Fruen
tiếp tục với nhiều câu hỏi – nó có thật sự là một nguồn cung cấp nước như người
ta có trong thị trấn, chỉ cần mở vòi nước và đã có sẵn nước? Cả cho các tầng
trên? Hai trăm Kroner? “Thật sự, tôi nghĩ ông nên đồng ý,” bà nói với ông
chồng.
“Bà nghĩ thế à? Được, chúng ta hãy đi lên đỉnh đồi, bàn tính mọi điều
xem sao.”
Chúng tôi đi lên đồi, tôi dựng cái máy đo lên và để cho họ nhìn qua.
“Tuyệt diệu!” Fruen nói.
Nhưng Frøkenen không hề nói lời nào.
Ông mục sư hỏi:
“Nhưng anh có chắc là ở đây có nước không?”
Tôi thận trọng trả lời, như một người có phán xét tỉnh táo, rằng đó
không phải là một điều có thể đoan chắc trước, nhưng có mọi dấu hiệu của nước.
“Những dấu hiệu nào vậy?” Fruen hỏi.
“Bản chất của đất. Và bà sẽ nhận ra rằng có liễu và liễu gai mọc quanh
đây. Và chúng thích đất ẩm.”
Ông mục sư gật đầu và bảo:
“Anh ta biết công việc của mình, Marie, bà có thể thấy.”
Trên đường trở về, Fruen đi xa tới mức đưa ra một lý luận hoàn
toàn không có gì bảo đảm rằng bà có thể xoay xở để giảm bớt một người hầu khi
nước đã được dẫn vào nhà. Để không làm bà thất vọng, tôi xen vào:
“Ít nhất bà có thể vào mùa hè. Bà có thể tưới cả khu vườn với một cái
ống gắn vào vòi và đưa ra ngoài qua cửa sổ tầng hầm.”
“Tuyệt diệu!” bà cảm thán.
Nhưng tôi không mạo hiểm tới mức nói về việc đưa một đường ống vào
chuồng bò. Tôi đã nhận ra rằng với một cái giếng có kích thước gấp đôi, một
đường ống phụ băng ngang qua sân, có thể tiết kiệm số người giúp việc vắt sữa
ngang với số người giúp việc bếp núc trong nhà. Nhưng điều đó sẽ cũng sẽ
tăng gần gấp đôi chi phí. Không, việc đưa ra một dự án lớn như thế không khôn
ngoan tí nào.
Dù sao đi nữa, tôi phải đồng ý chờ cho tới khi Grindhusen trở lại. Ông
mục sư bảo ông muốn cân nhắc kỹ.
--------------------------------------------------
[1] Phu nhân.
VII
Thế nên giờ đây tôi phải tự mình nói với Grindhusen, và chuẩn bị tinh
thần cho anh trước sự sắp xếp mới. Và để anh không hướng sự ngờ vực vào mình,
tôi đổ mọi thứ cho ông mục sư, bảo rằng đó là ý tưởng của ông, nhưng tôi cũng
ủng hộ ông. Grindhusen không phản đối; anh nhận ra ngay điều đó có nghĩa là
chúng tôi có thêm việc làm, vì trong bất cứ trường hợp nào chúng tôi cũng phải
đào giếng, ngoài ra còn những mương đặt đường ống nữa.
May làm sao, vào sáng Thứ hai ông mục sư bước ra và nói nửa đùa nửa thật
với Grindhusen:
“Người bạn của anh đây và tôi đã quyết định sẽ đào giếng trên đồi, và
đưa một đường ống tới nhà. Anh nghĩ sao về việc đó? Một ý tưởng điên rồ?”
Grindhusen nghĩ đó là một ý tưởng loại nhất.
Nhưng khi chúng tôi bàn bạc và cả ba người cùng đi lên để xem vị
trí đào giếng, Grindhusen bắt đầu nghi ngờ tôi dính dáng tới việc này nhiều hơn
mức tôi nói. Chúng tôi nên hạ thấp đường ống, anh nói, khi xét tới sương giá…
“Một mét ba mươi là khá rồi,” tôi nói.
…. và điều đó sẽ tốn một món tiền to.
“Bạn anh đây đã nói tất cả chỉ tốn hai trăm Kroner,” ông mục sư
trả lời.
Grindhusen không biết gì về việc ước đoán, và chỉ có thể nói:
“Tốt, tốt, dù sao thì hai trăm Kroner là một khoản tiền lớn.”
Tôi nói:
“Ở Aabot sẽ ít hơn nhiều khi ông dời đi.”
Ông mục sư kinh ngạc nhìn tôi.
“Aabot? Nhưng tôi đâu có nghĩ tới việc rời khỏi nơi này,” ông nói.
“Sao, vậy thì ông sẽ sử dụng nó hết công suất. Và có thể ông sẽ tận
hưởng nó trong suốt nhiều năm,” tôi nói.
Tới đây ông mục sư nhìn tôi chằm chặp, rồi hỏi:
“Anh tên gì vậy?”
"Knut Pedersen."
“Anh từ đâu đến?”
“Từ Nordland.”
Nhưng tôi hiểu vì sao ông hỏi, và quyết không nói theo cung cách sách vở
đó thêm nữa.
Dù sao, cái giếng và đường ống đã được quyết định, và chúng tôi bắt tay
vào việc…
Những ngày kế tiếp khá vui vẻ. Thoạt tiên tôi hơi lo âu về việc chúng
tôi có thể tìm ra nước ở trên đồi hay không, và tôi ngủ không ngon giấc trong
vài đêm. Nhưng khi nỗi e sợ đó qua đi, tất cả những gì còn lại là công việc
giản đơn, minh bạch. Có đủ nước; sau vài hôm chúng tôi phải dùng xô múc nước ra
mỗi buổi sáng. Ở dưới thấp hơn là đất sét, và chẳng bao lâu quần áo của chúng
tôi đã trở nên thảm hại vì công việc.
Chúng tôi đào một tuần, và tuần kế tiếp thu lượm đá để xây thành giếng.
Đây là công việc mà cả hai chúng tôi đã quen thuộc từ những ngày trước ở
Skreia. Sau đó, chúng tôi đào tiếp một tuần nữa, tới lúc này chúng tôi đã đào
được đủ sâu. Đáy giếng sớm mềm đi đến nỗi chúng tôi phải bắt đầu xây thành
ngay, không thì những bức tường đất sét sẽ đổ ập lên đầu chúng tôi.
Tuần lại tuần cứ thế trôi qua, với công việc đào và xây. Đó là một cái
giếng lớn, và là một công trình đẹp đẽ; ông mục sư rất hài lòng về nó.
Grindhusen và tôi bắt đầu hòa hợp với nhau hơn; và khi anh nhận ra tôi không
đòi hỏi gì hơn là một khoản tiền công công bằng, dù phần lớn công việc được
thực hiện dưới sự hướng dẫn của tôi, anh mong muốn làm một điều gì đó để đền
đáp cho tôi, và lưu tâm hơn tới cách xử sự ở bàn ăn của mình. Tôi hoàn toàn
không thể ước ao có được một khoảng thời gian hạnh phúc hơn; và chẳng có thứ gì
trên đời có thể thuyết phục tôi quay lại cuộc sống thị trấn thêm lần nữa!
Vào những chiều tối, tôi đi lang thang trong rừng, hay trong khu nghĩa
trang, đọc những câu khắc trên các mộ bia, suy nghĩ tới chuyện này chuyện khác.
Tôi cũng tìm kiếm một cái móng tay từ một cái xác nào đó. Tôi muốn có một cái
móng tay; đó là một ham thích của tôi, một ý thích bất chợt nhỏ nhoi. Tôi đã
tìm được một mẩu rễ bạch dương xinh xắn mà tôi muốn chạm thành một cái tẩu với
hình dáng một nắm tay nắm chặt; ngón cái sẽ là cái nắp, và tôi muốn có một cái
móng tay để dán vào, làm cho nó đặc biệt giống như thật. Ngón đeo nhẫn sẽ có
một chiếc nhẫn nhỏ xíu vòng quanh.
Việc suy nghĩ về những chuyện vặt vãnh như thế khiến tâm trí tôi bình
thản và thoải mái. Giờ đây tôi không còn vội vã với bất kỳ điều gì trong cuộc
sống. Tôi có thể mộng mơ tùy thích, không có gì khác để làm; những chiều tối là
của riêng tôi. Nếu có thể, tôi cũng sẽ tới xem và bày tỏ một cảm giác tôn kính
nào đó đối với sự thiêng liêng của nhà thờ và sự kinh khủng của cái chết; tôi
vẫn còn một ký ức về sự thần bí từ những ngày mà giờ đây đã tụt lại sau lưng
rất xa, và ước gì tôi có thể có chút phần chia sẻ nào trong đó thêm lần nữa. Có
lẽ khi tôi tìm được cái móng tay đó, từ những ngôi mộ sẽ phát ra một giọng nói:
“Đó là của tôi!” và tôi sẽ buông rơi cái móng tay trong niềm khiếp hãi, rồi co
giò bỏ chạy.
“Tôi ước gì cái chong chóng trên kia đừng có kêu cọt kẹt như thế,” thỉnh
thoảng Gridnhusen lại nói.
“Anh sợ à?”
“Ồ, không hẳn là sợ; không. Nhưng đôi khi nó mang tới cho anh một cảm
giác ghê ghê khi nghĩ tới tất cả những cái xác đang nằm đó rất gần.”
Con người hạnh phúc!
Một hôm Harald chỉ tôi cách trồng quả thông và những bụi cây nhỏ. Trước
kia tôi không biết tới loại công việc này; hồi còn đi học chúng tôi không học
thứ này. Nhưng giờ khi đã thấy cách làm, tôi bận bịu trồng cây vào những ngày
Chủ nhật; và để đáp lại, tôi dạy cho Harald một hai thứ nho nhỏ mới mẻ đối với
lứa tuổi của cậu ta, và chúng tôi trở thành bạn bè.
VIII
Mọi thứ hẳn sẽ tốt đẹp nếu không vì Frøkenen, cô con gái trong
nhà. Càng ngày tôi càng ưa thích nàng hơn. Tên của nàng là Elischeba,
Elisabeth. Có lẽ không đẹp sắc sảo; nhưng nàng có đôi môi đỏ thắm, và một ánh
mắt thiếu nữ biếc xanh buộc người ta phải nhìn thấy vẻ đẹp của nàng. Elischeba,
Elisabeth – con của bình minh đầu tiên của cuộc đời, với đôi mắt nhìn xuống cõi
trần. Một chiều nọ nàng nói chuyện với chàng trai Erik đến từ Gaard (khu
vườn) lân cận, và đôi mắt nàng tràn ngập sự ngọt ngào và một thứ gì đó chín
muồi.
Với Grindhusen thì mọi việc đều tốt đẹp. Anh đã săn lùng các cô gái hồi
còn trẻ, và vẫn còn lượn lờ với cái mũ kéo lệch sang một bên, do thói quen.
Nhưng giờ đây anh khá lặng lẽ và thuần tính, có thể nói thế – đó là cung cách
của tự nhiên. Nhưng có một số người không theo cung cách tự nhiên và trở nên
thuần tính; và rốt cuộc làm sao nó thích hợp với họ? Rồi còn có Elisabeth bé
bỏng; và nàng không hề bé nhỏ chút nào, mà cao như mẹ nàng. Và nàng giống mẹ
nàng như đúc.
Từ hôm Chủ nhật đầu tiên đó, họ không còn mời tôi vào bếp uống cà phê,
và tôi tự lo cho mình nếu họ không quan tâm, nhưng tránh xa họ. Tôi vẫn còn xấu
hổ khi nhớ lại. Nhưng rồi, cuối cùng, vào giữa tuần, một trong các cô hầu tới
với một tin nhắn rằng tôi đừng bỏ vào rừng mỗi chiều Chủ nhật nữa, mà hãy tới
uống cà phê với những người còn lại. Chính Fruen đã nói thế.
Tốt!
Bây giờ tôi có nên mặc bộ đồ đẹp nhất hay không? Không có hại gì, có lẽ,
trong việc để cho nàng thiếu nữ đó nhận ra rằng tôi là một kẻ đã chọn cách quay
lưng khỏi cuộc sống thành đô, khoác lớp áo ngụy trang của một người giúp việc,
vì tôi là một người trong số họ, có thể đưa nước vào một ngôi nhà. Nhưng khi đã
mặc đồ xong, tôi cảm thấy bộ quần áo lao động của tôi giờ thích hợp với tôi
hơn; tôi lại cởi bộ đồ đẹp nhất ra, và cẩn thận giấu chúng trong giỏ xách.
Nhưng, như chuyện đã xảy ra, Frøkenen không phải là người tiếp
đón tôi vào chiều Chủ nhật đó, mà là Fruen. Bà trò chuyện với tôi một
lúc, và đã trải một mảnh vải trắng bên dưới cốc của tôi.
“Cái kiểu ăn trứng của anh có khả năng khiến chúng tôi phải tiêu tốn
thêm trước khi chúng tôi ăn xong,” Fruen nói với tiếng cười nhân hậu.
“Thằng bé đã ăn hết nửa chục trứng rồi.”
Tôi đã dạy Harald cách tuồn một quả trứng đã luộc chín còn vỏ qua cổ một
cái bình thon cổ, bằng cách rút bớt không khí bên trong. Đó là thí nghiệm vật
lý duy nhất mà tôi biết.
“Nhưng cái cách bẻ gãy chiếc que trong hai thòng lọng giấy thì thật sự
thú vị,” Fruen nói tiếp. “Bản thân tôi không hiểu loại đó… Nhưng khi nào
thì cái giếng hoàn thành?”
“Cái giếng đã xong. Mai chúng tôi bắt đầu đào mương.”
“Việc đó mất bao lâu?”
“Khoảng một tuần. Rồi người thợ có thể tới và đặt các đường ống.”
“Không! Thật thế sao?”
Tôi nói lời cám ơn rồi bước ra. Fruen có một cách thức mà bà đã
duy trì từ nhiều năm trước, không còn ngờ gì nữa; thi thoảng bà lại liếc mắt
sang một phía, dù không có chút ranh mãnh nào trong những gì bà nói…
Lúc này cánh rừng phô bày một lớp lá vàng ở nơi này nơi khác, mặt đất và
không khí bắt đầu tỏa mùi của mùa thu. Hiện chỉ có những cây nấm đang phát
triển tối đa, lú lên ở khắp nơi, và nảy nở dày đặc xum xuê trên những nhánh gỗ
– nấm sữa, và loại nấm thường, và nấm nâu. Đó đây, một cây nấm độc vươn cao cái
mũ nấm lốm đốm, khoe màu đỏ rực một cách không xấu hổ. Một sự vật kỳ diệu! Ở
đây nó mọc trên cùng một chỗ với các loại nấm không độc, được bồi bổ bởi cùng
loại đất, ánh mặt trời và mưa xuống từ trời như chúng; nó bổ dưỡng và đậm đà,
ăn ngon, chỉ trừ việc nó đầy chất muscarin độc hại. Có lần tôi đã nghĩ tới việc
bịa ra một câu chuyện cổ hay ho về loài nấm độc, và bảo rằng tôi đã đọc được
trong một cuốn sách.
Với tôi, luôn là một lạc thú khi ngắm nhìn những loài hoa và côn trùng
trong cuộc đấu tranh sinh tồn của chúng. Khi mặt trời nóng lên chúng sẽ quay
lại với sự sống, và tận hưởng trong khoảng một giờ niềm hân hoan cũ; những con
ruồi to, mạnh mẽ cũng linh hoạt không kém gì lúc giữa mùa hạ. Ở đây có một loại
rệp đất mà tôi chưa từng thấy trước đó – những con vật nhỏ bé màu vàng, không to
hơn một dấu phẩy cỡ nhỏ, thế nhưng chúng có thể nhảy một khoảng cách gấp nhiều
ngàn lần chiều dài của chúng. Hãy nghĩ tới sức mạnh của một cơ thể trong tỷ lệ
kích thước của nó! Có một loài nhện tí hon với bộ phận cản trở giống như một
chiếc giáo màu vàng nhạt. Và chiếc giáo nặng tới mức con vật phải trèo ngược
đầu lên một cọng cỏ. Và khi gặp một vật chướng ngại mà chiếc giáo không thể
vượt qua, nó chỉ đơn giản buông mình thẳng xuống và bắt đầu một cuộc leo trèo
khác. Một con nhện-giáo như thế không chỉ là một con nhện mà thôi đâu. Nếu tôi
chìa một chiếc lá về phía nó để giúp nó đặt chân lên một cái nền, nó dọ dẫm một
lúc trên chiếc lá, và tự nhủ: “Hừm, có gì đó không ổn ở việc này!” và lui trở
lại, từ chối bị mắc bẫy trên một cái nền với bất cứ giá nào…
Từ mé dưới khu rừng có ai đó gọi tên tôi. Đó là Harald; cậu ta đã bắt
đầu một buổi dạy học ngày Chủ nhật với tôi. Cậu ta cho tôi học một bài học
trích từ Pontoppidan[1], và lúc này cậu ta đang nghe tôi đọc. Thật xúc động khi
giờ đây được dạy về tôn giáo khi lẽ ra tôi phải tự học hồi còn bé.
--------------------------------------------------
IX
Cái giếng đã hoàn thành, mương đã đào xong, và người thợ đã tới để đặt
những đường ống. Anh ta chọn Grindhusen giúp mình làm việc, và tôi được cắt cử
mở một con đường cho những đường ống chạy lên từ tầng hầm qua hai tầng của ngôi
nhà.
Một hôm Fruen đi xuống khi tôi đang bận rộn trong tầng hầm. Tôi
cất tiếng gọi bà để nhắc bà để ý tới cái hố trên sàn nhà, nhưng bà tỏ ra rất
bình thản.
“Giờ thì chưa có cái hố nào ở đó, phải không?” bà hỏi, chỉ sang một
phía. ‘Hay ở đó?” Nhưng rốt cuộc bà vẫn bị vấp, và trượt vào cái hố tôi đang
đứng. Và chúng tôi đứng đó. Dù sao thì ở đó không được sáng; và với bà, vừa đi
vào từ ánh sáng phía ngoài, hẳn nó phải tối đen. Bà sờ soạng cạnh hố và bảo:
“Làm sao tôi trở lên lại đây?”
Tôi nhấc bà lên. Chuyện này không có gì đáng nói; bà có một thân hình
mảnh khảnh, dù đã có một cô con gái lớn.
“Chà, tôi phải nói là…” Bà đứng lên, phủi đất ra khỏi chiếc váy. “Một,
hai, ba, và lên – gọn gàng hết sức…. Nghe này, tôi muốn anh giúp tôi vài việc
trên gác hôm nào đó, được không? Tôi muốn dời một số đồ đạc. Chỉ có điều chúng
ta phải đợi tới hôm chồng tôi làm xong phần chái; ông ấy không thích việc tôi
di chuyển các thứ. Bao lâu nữa anh mới làm xong mọi thứ ở đó để làm tại đây?”
Tôi nói ra một thời gian, một tuần hay khoảng đó.
“Rồi anh sẽ đi đâu?”
“Tới nông trại gần đây. Grindhusen đã xác định chúng tôi sẽ tới đào
khoai ở đó…”
Sau đó là công việc trong bếp; tôi phải cưa xuyên qua sàn nhà ở đó. Tiểu
thư Elisabeth vào bếp một hai lần trong lúc tôi đang ở đó; hầu như không thể
làm khác được khi xét tới việc đây là nhà bếp. Và dù không ưa tôi, nàng cố nói
một đôi từ, và đứng nhìn tôi làm việc một lúc.
“Cứ tưởng tượng, Oline ạ,” nàng nói với người giúp việc, “khi mọi thứ
xong xuôi, và bà chỉ cần mở một cái vòi nước.”
Nhưng Oline, đã già, trông không có gì vui vẻ. Việc đưa nước qua một cái
ống thẳng vào nhà giống như chống lại Đấng Toàn năng, bà nói. Bà đã xách tất cả
số nước bà cần trong suốt hai mươi năm qua, giờ bà sẽ làm gì?
“Nghỉ ngơi,” tôi nói.
“Nghỉ ngơi, đúng thật là! Chúng ta được tạo ra để làm việc. Tôi chọn
công việc chứ không phải nghỉ ngơi.”
“Và may vá các thứ để chống lại thời gian bà có chồng,” Frøken
Elisabeth nói, với một nụ cười.
Đó chỉ là cách nói của con gái, nhưng tôi biết ơn nàng về việc tham gia
một phần nhỏ trong cuộc chuyện trò và ở đó một lúc. Và lạy Trời, tôi đã cố cư
xử nói năng một cách thông minh và hợp lý, cố thu hút sự chú ý như một cậu con
trai. Tôi vẫn còn nhớ. Rồi đột nhiên dường như Frøken Elisabeth nhớ ra
việc ở đây với chúng tôi lâu hơn là không thích hợp, vì thế nàng đi.
Chiều hôm đó tôi ra nghĩa trang, như từng làm trước đó nhiều lần, nhưng
khi nhìn thấy Frøkenen đã có mặt ở đó, tôi quay đi, bước vào rừng. Sau
đó tôi nghĩ: chắc chắn giờ đây nàng sẽ cảm động vì sự khiêm tốn của tôi, và
nghĩ: anh chàng tội nghiệp, anh ta tỏ ra thật sự thanh lịch trong việc đó. Và
điều kế tiếp, tất nhiên, là tưởng tượng rằng nàng đi theo tôi. Tôi sẽ đứng lên
từ tảng đá đang ngồi và cất tiếng chào hỏi. Khi đó nàng sẽ bối rối chút đỉnh và
nói: “Tôi chỉ đi tản bộ một chút – chiều hôm nay thật đẹp – anh đang làm gì ở
đây vậy?” “Chỉ ngồi đây thôi,” tôi đáp, với đôi mắt thơ ngây, như thể những ý
nghĩ của tôi đã biến đi đâu hết. Và khi nghe nói tôi chỉ ngồi đó trong chiều
muộn, nàng phải nhận ra rằng tôi là một gã mơ mộng và một tâm hồn có chiều sâu
tiềm ẩn, và rồi nàng sẽ yêu tôi…
Chiều hôm sau nàng lại có mặt ở nghĩa trang, và một ý nghĩ rất tự cao tự
đại đột ngột bay vào tâm trí của tôi: nàng đến là để gặp tôi! Nhưng, khi quan
sát nàng kỹ hơn, tôi thấy rằng nàng đang bận rộn làm gì đó cạnh một ngôi mộ,
vậy là nàng tới không phải vì tôi. Tôi len lén đi tới chỗ gò mối trong rừng và
quan sát những con côn trùng một lúc lâu; sau đó, tôi ngồi lắng nghe tiếng rơi
của những quả thông và những chùm quả thanh lương trà. Tôi ngâm nga một giai
điệu, huýt sáo cho mình nghe và suy nghĩ; thỉnh thoảng tôi phải đứng lên đi một
chút để làm ấm người. Nhiều giờ trôi qua, đêm buông xuống, và tôi yêu nàng đến
nỗi tôi bước đi ở đó với mái đầu trần, để lộ mọi vẻ mặt ra trước ánh nhìn đăm
đăm của những vì sao.
“Mấy giờ rồi?” Grindhusen có thể sẽ hỏi khi tôi quay về cái kho thóc.
“Vừa hết mười một giờ,” tôi sẽ đáp, dù có thể đã là hai ba giờ sáng.
“Chà! Và là một giờ hay ho để lên giường. Fansmagt! Đánh thức
người ta khi họ đang say giấc!”
Và Grindhusen trở người để rơi lại vào giấc ngủ trong khoảnh khắc. Với
Grindhusen thì không có gì rắc rối.
Phải, đúng là một gã đàn ông sẽ trở nên ngốc nghếch quá mức khi yêu
trong lứa tuổi chớm tàn. Và ai là người có thể chỉ ra một phương cách để tìm
được sự yên tĩnh thanh bình trong tâm trí?
X
Một người đàn ông tới vì mấy thứ đồ nghề thợ nề của mình; anh ta muốn
lấy lại chúng. Gì chứ? Vậy ra Grindhusen không lấy cắp chúng! Nhưng Grindhusen
luôn là thế: tầm thường, tối dạ, không hề xuất chúng trong bất cứ việc gì, chưa
bao giờ là một tâm hồn cao thượng.
Tôi nói:
“Anh đó, Grindhusen, ở anh chả có gì khác ngoài ăn, ngủ và làm việc. Giờ
thì một gã tới để lấy mấy thứ đồ nghề đó. Vậy là anh chỉ mượn chúng; anh chỉ
giỏi những việc đó. Tôi sẽ không trở thành anh vì bất cứ thứ gì.”
“Đừng có ngốc thế,” Grindhusen nói.
Anh ta bị xúc phạm, nhưng tôi lại xoa dịu anh ta, như từng làm nhiều lần
trước đó, bằng cách vờ rằng tôi chỉ nói đùa.
“Giờ chúng ta sẽ làm gì?” anh ta hỏi.
“Anh sẽ xoay xở tốt thôi,” tôi đáp.
“Xoay xở, được sao?
“Phải, không thì tôi sai lầm nhiều lắm.”
Và một lần nữa Grindhusen dịu xuống.
Nhưng vào lúc nghỉ giữa trưa, khi đang cắt tóc cho anh, tôi lại chọc
giận anh khi đề nghị anh nên gội đầu.
“Một người ở tuổi của anh nên hiểu biết hơn để đừng nói những câu như
thế,” anh nói.
Và có Trời biết, nhưng có thể anh nói đúng. Mái tóc đỏ của anh vẫn dày
như cũ, dù anh đã có cháu ngoại rồi…
Chuyện gì sắp xảy đến với cái kho thóc của chúng tôi? Có những hồn ma
quanh quất hay không? Ai đã đột ngột tới đó một ngày kia và quét dọn sạch sẽ
nơi đó, biến mọi thứ trở nên dễ chịu và ngăn nắp? Grindhusen và tôi, mỗi người
có chỗ ngủ của mình; tôi có mua hai tấm chăn, nhưng hàng đêm anh đi ngủ với đầy
đủ quần áo, anh khoác mọi thứ đó lên mình, rồi cuộn người vào đống cỏ
khô. Và lúc này hai tấm chăn của tôi nằm gọn gàng, chờ đợi toàn thế gian như
một cái giường. Tôi không phản đối việc này; chắc chắn là một trong số những
người giúp việc đã sắp xếp để dạy tôi những cách thức ngăn nắp và trật tự. Với
tôi thì không có gì khác biệt.
Giờ tôi đã sẵn sàng để bắt đầu cắt qua sàn nhà ở tầng trên, nhưng Fruen
năn nỉ tôi hãy dời việc đó qua hôm sau; chồng bà sẽ hoàn tất cái chái, và tôi
không nên làm phiền ông. Nhưng sáng hôm sau, chúng tôi lại phải hoãn nó lần
nữa; Frøken Elisabeth sẽ tới cửa tiệm để mua vô số thứ, và tôi cùng đi
với nàng để mang chúng.
“Tốt,” tôi nói, “tôi sẽ tiếp tục làm sau vậy.”
Cô gái lạ lùng! Phải chăng nàng đã nghĩ tới việc thôi đi chung với tôi
trên đường? nàng nói:
“Nhưng anh nghĩ anh có thể một mình tìm ra đường đi không?”
“Chắc chắn, tôi từng tới đó trước đây. Đó là nơi chúng tôi mua sắm đồ
cho mình.”
Tôi không thể băng qua cả ngôi làng trong bộ quần áo lao động lấm lem
đất sét: tôi mặc cái quần tốt nhất, nhưng khoác lên người cái áo blu. Cứ thế
tôi đi ở phía sau. Chặng đường dài khoảng hai dặm; ở phần cuối chặng đường
thỉnh thoảng tôi nhìn thấy Frøken Elisabeth ở phía trước, nhưng tôi cẩn
thận không tới gần. Có lần nàng nhìn quanh, lúc ấy tôi thu người bé lại hết
mức, và nép vào bìa rừng.
Sau khi mua sắm xong, Frøken Elisabeth ở lại sau với vài cô bạn
gái; tôi mang các thứ trở về nhà vị cha xứ, tới nơi vào khoảng giữa trưa, và
được mời vào ăn trong bếp. Ngôi nhà có vẻ vắng người. Harald đi vắng, những
người hầu đang vắt quần áo, chỉ có Oline bận rộn trong bếp.
Sau bữa ăn, tôi lên gác, và bắt đầu cưa trong hành lang.
“Anh tới đây giúp tôi một tay được không?” Fruen nói, bước tới
trước mặt tôi.
Chúng tôi đi qua thư phòng của chồng bà và vào phòng ngủ.
“Tôi muốn dời cái giường của tôi,” Fruen nói. “Nó quá gần lò sưởi
vào mùa đông, và tôi không chịu nóng được.”
Chúng tôi dời cái giường tới cửa sổ.
“Anh có nghĩ nó ở đây thì tốt hơn không? Mát hơn,” bà nói.
Và, tình cờ liếc sang bà, tôi thấy bà đang quan sát tôi với cái nhìn
nghiêng kỳ quặc đó… Phải… Trong khoảnh khắc cả người tôi tươi tỉnh, tràn máu
nóng và sự xuẩn ngốc. Tôi nghe bà nói:
“Anh điên à? – Ồ không, xin anh đấy… cánh cửa…”
Rồi tôi nghe tên tôi được thì thầm lặp đi lặp lại…
Tôi cưa qua sàn nhà trong hành lang, và hoàn tất mọi thứ. Fruen ở
đó suốt buổi. Suốt buổi, bà nôn nao nói, giải thích, cười và khóc.
Tôi nói:
“Cái bức tranh treo trên giường bà đó, có dời cả nó đi hay không?”
“Vâ-âng, có lẽ nên dời,” Fruen nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét