Under
høstjernen
Knut Hamsun
Nguyễn Thành Nhân dịch
(từ
bản tiếng Anh Under the Autumn Star
của
W. W. Worster)
XXVII
Tôi đã ở đây hai ngày. Peter đã trở về nhà, nhưng không có gì để nói.
“Ở Øvrebø vẫn ổn cả hả?”
“Phải, theo tôi biết thì không có gì không ổn.”
“Anh có gặp tất cả bọn họ trước khi đi không? Đại úy, Fruen?”
“Có.”
“Không ai bị ốm chứ?”
“Không, sao, ai có thể bị?”
‘Ờ, Falkenberg đã nói gì đó về việc tay anh ta bị thương. Nhưng tôi cho
là giờ nó đã ổn.”
Trong ngôi nhà này không thoải mái chút nào, dù dường như họ hoàn toàn
khấm khá. Cha của Peter là nghị viên, và đã quen ngồi đọc những tờ báo vào buổi
tối. Chà, cứ đọc, đọc mãi – cả nhà khổ sở vì chuyện đó, và các cô con gái chán
chết được. Khi Peter về nhà, toàn thể gia đình bắt đầu tính toán xem anh ta có
nhận đủ tiền công hay chăng, và có nằm nghỉ ốm ở Øvrebø đủ thời gian được phép
theo luật định, hoặc “được cung cấp bởi quy chế” theo cách nói của ông nghị
viên, cha anh ta, hay chăng. Hôm qua, khi tôi vô tình làm vỡ một cái cửa sổ –
một tấm kính nhỏ không đáng giá mấy – đã có những lời thì thầm vô tận về việc
đó và những cái liếc mắt không thân thiện vào tôi từ mọi phía; vì thế hôm nay
tôi đi lên cửa hàng và mua một tấm kính mới, gắn nó lại đàng hoàng với mát tít.
Sau đó ông nghị viên bảo: “Anh không cần bận tâm như thế về một tấm kính.”
Nói thật lòng, tôi tới cửa tiệm không chỉ vì chuyện đó; tôi còn mua ba
chai rượu vang, để chứng tỏ tôi không quan tâm mấy tới giá của một tấm kính.
Tôi cũng mua thêm một cái máy may, để tặng cho các cô gái khi lên đường. Chúng
tôi có thể uống rượu vang vào tối nay; ngày mai sẽ là Chủ nhật, và cả bọn chúng
tôi đều có thời gian để nằm nướng một chút. Nhưng tôi sẽ lên đường vào sáng Thứ
hai.
Tuy nhiên, mọi chuyện hóa ra khác hẳn. Hai cô gái đã lẻn lên gác xép,
lục lọi ba lô của tôi; cả rượu vang lẫn cái máy may đã đưa vào đầu họ những
tưởng tượng; họ hình dung ra đủ chuyện, và bắt đầu tung ra những lời gợi ý. Hãy
chờ một chút, tôi nghĩ bụng; thời của mình sẽ đến!
Khi chiều xuống tôi ngồi trò chuyện với cả nhà trong phòng khách. Chúng
tôi vừa ăn tối xong, và ông chủ nhà đã đeo cặp kính lên để đọc báo. Sau đó có
tiếng ai đó ho ở bên ngoài. “Có ai đó đang đi vào,” tôi nói. Các cô gái liếc
nhìn nhau và đi ra. Một lát sau họ mở cửa và đưa vào hai cậu thanh niên. “Mời vào
và ngồi xuống,” bà vợ nói.
Tôi sực nghĩ ra rằng hai cậu nông dân đó đã được mời tới để nếm rượu
vang của tôi, và họ là người yêu của hai cô gái. Những cô bé trẻ trung thông
minh – mười tám, mười chín tuổi, và đã sẵn sàng làm bất cứ thứ gì. Tốt, nếu họ
lăm le nhắm tới món rượu vang này, họ đã lầm to! Không một giọt…
Có đôi chuyện dông dài về thời tiết, về cách thức nó không tốt hơn mức
người ta mong đợi vào thời điểm này của năm, nhưng thật tiếc là mưa tuyết đã
ngăn trở việc cày bừa. Không có chút sự sống nào trong câu chuyện này, và một
trong hai cô gái quay sang tôi, bảo rằng tối nay tôi quá lặng lẽ. Sao thế được?
“Có lẽ là vì tôi sắp đi,” tôi đáp. “Tôi còn một chặng đường khá xa để đi
từ giờ cho tới sáng Thứ hai.”
“Vậy có lẽ đêm nay chúng ta nên có một ly chia tay?”
Có vài tiếng cười khúc khích với câu này, giống như một cú tấn công xứng
đáng vào tôi vì đã giữ lại món rượu vang theo cung cách bủn xỉn đó. Nhưng tôi
không quen biết hai cô gái này, và không quan tâm chút nào tới họ, không thì
tôi đã hành động khác hẳn.
“Ý của cô là gì?” tôi hỏi. “Tôi mua mấy chai rượu này là để mang theo
tới một nơi nhất định.”
“Và anh sẽ mang nó đi suốt quãng đường đó à?” cô gái hỏi giữa một tràng
cười. “Như thể không bao giờ có một cửa tiệm trên đường.”
“Tiểu thư quên rằng ngày mai là Chủ nhật, và các cửa tiệm trên đường sẽ
đóng cửa,” tôi đáp.
Tiếng cười tắt lịm, nhưng tôi có thể thấy cô nàng không còn tỏ vẻ tử tế
với tôi vì câu nói thẳng tuột đó. Tôi quay sang bà vợ, và lạnh nhạt hỏi tôi nợ
bà ta bao nhiêu tiền cho thời gian tôi ở trọ.
Nhưng chắc chắn là không có gì phải vội – sao không thanh toán nó vào
ngày mai?
Tôi đang vội – cám ơn. Tôi đã ở đây hai ngày – giá tiền là bao nhiêu
vậy?
Bà ta ngẫm nghĩ hồi lâu; cuối cùng bà ta bước ra ngoài, kéo theo ông
chồng để cùng tính toán với nhau.
Thấy rằng họ còn ở ngoài khá lâu, tôi đi lên gác xép, thu xếp ba lô sẵn
sàng, và mang nó xuống hành lang. Tôi cho là sẽ còn bị bực mình nhiều hơn nữa,
nên sẽ lên đường ngay đêm nay. Đây sẽ là một cách ra đi tốt, theo diễn tiến mọi
chuyện.
Khi tôi quay lại phòng, Peter nói:
“Anh không định nói là anh lên đường ngay đêm nay chứ?”
“Vâng, tôi sẽ đi.”
“Dù sao thì anh không việc gì phải bận tâm tới những lời ngớ ngẩn của
các cô gái.”
“Herregud, cứ để anh chàng già háp đó đi nếu anh ta muốn,” em gái
của anh ta nói.
Cuối cùng ông nghị viên và bà vợ quay vào, im lìm một cách cứng cỏi và
ngoan cố.
Tốt! Và tôi nợ bao nhiêu?
Ừm! Họ để cho tôi tự tính lấy.
Họ giống hệt nhau – một đám bần tiện và đầy thủ đoạn; tôi cảm thấy ngột
ngạt, và lựa ra tờ giấy bạc đầu tiên lọt vào tay, quẳng nó cho người phụ nữ.
Thế đã đủ chưa?
Ừm! Chắc chắn là kha khá, nhưng vẫn… Và người ta có thể nói là đủ,
nhưng…
Tôi đã đưa cho bà ta bao nhiêu?
Một tờ năm Kroner.
Ờ, có lẽ nó chưa đủ. Tôi đưa tay vào túi lần nữa.
“Không, mẹ à, đó là một tờ mười Kroner,” Peter nói. “Và thế là quá nhiều
rồi; mẹ phải cho lại cho anh ta thứ gì đó.”
Người đàn bà lớn tuổi xòe tay ra, nhìn tờ giấy bạc, và tỏ vẻ rất ngạc
nhiên.
“Sao, đúng thế, mười Kroner, phải… Tôi đã nhìn lầm. Sao, vậy thì nó vừa
đủ, và cám ơn nhiều…”
Chồng bà ta, trong cơn bối rối, bắt đầu nói với hai cậu trai về điều ông
ta đang đọc trong báo; sự cố không hay; bàn tay bị nghiền trong một cái máy đập
lúa. Hai cô gái vờ vĩnh không chú ý tới tôi, nhưng suốt buổi ngồi như hai con
mèo, với cái cần cổ rụt lại và đôi mắt nheo hẹp như hai lưỡi dao. Không còn gì
để ở lại đây nữa – tạm biệt tất cả bọn họ.
Người đàn bà lớn tuổi bước ra hành lang và cố lấy lòng tôi.
“Giá mà bây giờ anh có thể cho chúng tôi mượn chỉ một chai rượu,” bà ta
nói, “đó thật là một sự tốt bụng. Với hai cậu con trai đang ngồi đó các thứ.”
“Farvel,” tôi nói cộc lốc, và không muốn nghe thêm gì nữa.
Tôi hất ba lô lên vai, một tay xách cái máy may; nó là một vật nặng, và
con đường bùn lầy không giúp cho mọi thứ dễ dàng hơn. Nhưng bất chấp tất cả
những điều đó, tôi bước đi với một trái tim nhẹ nhõm. Đây là một công việc hoàn
toàn khốn khổ, nhưng tôi cũng phải thừa nhận rằng tôi đã hành động hơi đê tiện.
Đê tiện ư? Không hề! Tôi tự thành lập một
ủy ban nho nhỏ trong đầu, và chỉ ra rằng mấy cô gái quái quỷ đó đã toan tính
giúp vui cho người yêu của họ bằng rượu vang của tôi. Được và tốt; nhưng về
phần mình, phải chăng ác ý của tôi đối với ý tưởng đó là sự ích kỷ của giống
đực? Nếu hai cô gái lạ được mời tới thay vì hai cậu con trai, lẽ nào tôi không
khui rượu mà không hề lẩm bẩm một lời? Chắc vậy rồi! Và còn vụ họ gọi tôi là
anh chàng già háp; nói cho cùng, điều đó hoàn toàn đúng. Thật sự là tôi già, vì
tôi thấy bực mình khi bị cho ra rìa trước hai cu cậu nông dân lạc bước…
Nhưng cảm giác tổn thương của tôi dịu lại trong cuộc đi bộ vất vả đó.
Cuộc họp của ủy ban được hoãn lại, và tôi lê bước hết giờ này sang giờ khác với
gánh nặng ngớ ngẩn của mình – ba chai rượu và cái máy may. Trời êm và có sương
mù nhẹ; tôi không thể trông thấy những ánh đèn của một nông trại cho tới khi đã
đến thật gần, và sau đó lũ chó nhảy xổ vào tôi, ngăn cản tôi lẻn vào một kho
thóc. Đêm ngày càng khuya hơn, tôi mệt mỏi và nản chí, và còn tự làm khổ mình
vì lo lắng tới tương lai. Không phải tôi đã lãng phí một đống tiền cho cái thứ
vô giá trị nhất hay sao? Tôi phải bán lại cái máy may đó ngay, để gỡ lại chút
vốn.
Cuối cùng tôi cũng tới một nơi không có chó. Vẫn còn một ánh đèn trong
cửa sổ, và không vội vã hơn chút nào, tôi bước tới và hỏi xin ở trọ đêm.
XXVIII
Một cô bé đang ngồi may ở bàn; không có ai khác trong phòng. Khi tôi hỏi
xin ở trọ, nó trả lời với vẻ đáng tin cậy và rạng rỡ rằng nó sẽ xem sao, và đi
vào một căn phòng nhỏ bên cạnh. Khi nó đi, tôi gọi với theo rằng chỉ cần được
ngồi đây cạnh lò sưởi cho tới sáng là tôi đã rất mừng.
Giây lát sau cô bé quay vào với bà mẹ. Bà ta vẫn còn đang cài cúc áo. Godkvæld!
(Chào buổi tối!) Ở
trọ à? Được, được, không có phòng nào để tôi có thể hoàn toàn thoải mái, nhưng
rất hân hạnh mời tôi tới phòng ngủ.”
Thế còn bản thân họ sẽ ngủ ở đâu?
Sao, giờ đã gần sáng rồi, và dù sao cô gái cũng ngồi may ở đó.
Cô ta may gì mà phải ngồi suốt đêm thế? Một cái áo mới?
Không, chỉ là cái váy ngắn thôi. Cô ta sẽ mặc nó đi lễ nhà thờ vào buổi
sáng, nhưng không chịu để cho mẹ mình giúp.
Tôi lôi cái máy may ra, và nói đùa rằng một cái váy ít nhiều gì chỉ là
một chuyện vặt đối với một vật như thế này. Chờ đó, và tôi sẽ chỉ cho họ thấy.
Vậy ra tôi là một người thợ may?
Không. Nhưng tôi bán máy may.
Tôi lôi mấy tờ hướng dẫn ra, nghiên cứu chúng để xem nó hoạt động thế
nào. Cô bé chăm chú lắng nghe; nó còn là một đứa trẻ con, những ngón tay gầy
guộc của nó dính đầy thuốc nhuộm xanh lơ trên vải. Có cái gì đó trông thật tội
nghiệp ở những ngón tay xanh đó; tôi lôi một chai rượu ra và rót cho tất cả
chúng tôi. Sau đó chúng tôi tiếp tục may – tôi với những tờ hướng dẫn và cô bé
làm việc với cái máy. Nó rất vui khi thấy cái máy may hoạt động dễ dàng như thế
nào, và mắt nó sáng lấp lánh.
Nó bao nhiêu tuổi?
Mười sáu. Vừa làm lễ thêm sức hồi năm ngoái.
Và tên của nó là gì?
Olga.
Mẹ nó đứng quan sát chúng tôi, và cũng muốn tự tay thử cái máy, nhưng
mỗi lần bà tới gần, Olga lại nói: “Cẩn thận mẹ ạ, mẹ sẽ khinh khi nó đấy.” Và
khi ống chỉ cần quấn thêm chỉ, và mẹ nó cầm lấy cái suốt một lúc, người con lại
một lần nữa sợ rằng nó sẽ bị “khinh khi”. [1]
Người đàn bà đặt nồi cà phê lên bếp, và trông chừng ngọn lửa; chẳng bao
lâu căn phòng trở nên ấm cúng. Những người dân lẻ loi này hết sức đáng tin cậy
và tử tế. Olga cất tiếng cười rộ mỗi khi tôi nói đùa về cái máy. Tôi nhận thấy
cả hai người bọn họ không hề hỏi giá của cái máy là bao nhiêu, dù tôi đã bảo là
đang đi bán nó. Họ xem nó nằm ngoài tầm tay với của mình. Nhưng họ vẫn có thể
tìm được niềm vui khi nhìn nó hoạt động.
Tôi gợi ý rằng Olga nên có một cái máy may như thế, xét theo việc cô bé
nắm bắt được cách hoạt động của nó ngay tức khắc.
Mẹ nó đáp rằng phải chờ cho tới khi nó ra ngoài giúp việc được ít lâu
đã.
Nó sẽ ra ngoài giúp việc à?
Sao, phải, dù sao thì bà ta cũng hy vọng thế. Cả hai cô con gái khác của
bà cũng đang giúp việc, và kiếm được kha khá – tạ ơn Trời. Sáng ra, Olga sẽ gặp
họ ở nhà thờ.
Có một tấm gương nhỏ bị rạn treo trên một trong số các bức tường, trên
bức tường khác là một vài bức tranh in rẻ tiền – những bức tranh vẽ những người
lính ngồi trên lưng ngựa và những nhân vật hoàng gia với thật nhiều châu báu.
Một trong số các bức tranh này đã cũ và sờn. Nó là chân dung của Nữ hoàng
Eugenie, và rõ ràng không phải mới mua gần đây. Tôi hỏi nó từ đâu đến.
Người phụ nữ tốt bụng không biết. Hẳn là chồng bà đã mua hồi thời còn
trẻ.
“Ông ta mua nó tại đây hả?”
Có khả năng ở Hersæt hơn, nơi ông ta phục vụ khi còn trẻ. Tới nay cũng
đến ba mươi năm rồi.
Tôi đã có sẵn một kế hoạch nhỏ trong đầu; tôi nói:
“Bức tranh đó đáng giá nhiều tiền đấy.”
Người phụ nữ nghĩ tôi đang nói đùa với bà, vì thế tôi kiểm tra bức tranh
cẩn thận và tuyên bố một cách nhấn mạnh rằng nó không phải là một bức tranh in
rẻ tiền – không.
Nhưng bà ta hoàn toàn chậm hiểu, và chỉ nói: ờ, tôi đã nghĩ vậy à? Vật
này đã được treo ở đó từ khi ngôi nhà được xây dựng. Nhân tiện, nó là của Olga,
con bé đã gọi bức tranh là của nó từ lúc nó còn bé xíu.
Tôi khoác lên một vẻ mặt hiểu biết, bí ẩn, và hỏi thêm các chi tiết –
Hersæt có thể ở đâu?
Hersæt nằm ở giáo xứ bên cạnh, cách khoảng tám dặm. Ngài Lendsman [2]
sống ở đó…
Cà phê đã sẵn sàng, tôi và Olga tạm nghỉ tay. Giờ chỉ còn phải đơm nút
nữa thôi. Tôi đề nghị được xem cái áo choàng nó sẽ mặc với cái váy, hóa ra đó
chả phải là một cái áo choàng thật sự, mà chỉ là một cái khăn đan trùm đầu. Nhưng
nó có một cái áo khoác bỏ đi của một bà chị cho, và cái áo đó sẽ được khoác
phía ngoài và che đậy tất cả phần còn lại.
Bà mẹ bảo với tôi rằng Olga đang lớn rất nhanh, không việc gì phải mua
cho nó một cái áo choàng trong mười hai tháng sắp tới.
Olga ngồi may khuy áo và móc áo, và chẳng bao lâu làm xong việc. Sau đó
nó có vẻ buồn ngủ, vì thế tôi lên giọng của người có thẩm quyền và ra lệnh cho
nó đi ngủ. Mẹ nó cảm thấy cần ngồi đó làm bạn với tôi, dù tôi nói bà nên quay
lại giường ngủ.
“Mẹ chắc là con nên cám ơn thật đàng hoàng người đàn ông lạ này vì mọi
thứ ông ấy đã giúp con, ” bà mẹ nói.
Olga tới gần tôi và đưa bàn tay ra để cám ơn tôi, và tôi xoay nó lại,
kéo nó băng qua phòng tới cửa phòng ngủ.
“Bà cũng nên đi ngủ đi,” tôi nói với mẹ nó. “Tôi không ngồi nói chuyện
nữa đâu, vì chính tôi cũng mệt rồi.”
Và khi nhìn thấy tôi nằm xuống cạnh lò sưởi, kê cái ba lô bên dưới đầu,
bà lắc đầu với một nụ cười và cũng rời khỏi phòng.
XXIX
Ở đây tôi thấy hạnh phúc và thoải mái; đang là buổi sáng; mặt trời rọi vào
qua cửa sổ, và cả Olga lẫn mẹ nó là một sự diệu kỳ, với mái tóc đã chảy ốp mượt
mà.
Sau bữa điểm tâm cùng hai mẹ con, và khá nhiều cốc cà phê, Olga khoác
lên người cái váy mới, tấm khăn trùm đầu và cái áo khoác. Chà, thật là một cái
áo khoác tuyệt diệu, vẫn còn đủ mép viền, và hai hàng cúc áo, cổ và ống tay áo
có đường viền. Nhưng Olga bé nhỏ không vừa với nó chút nào. Không hề! Cô bé chỉ
toàn những xương với xẩu, như một chú bê non.
“Chúng ta không thể thu hẹp các bên một chút sao?” tôi hỏi. “Còn nhiều
thời gian mà.”
Nhưng hai mẹ con nhìn nhau và chỉ đáp, hôm nay là Chủ nhật, và không
được sử dụng kim hay dao trong ngày đó. Tôi hiểu họ khá rõ, vì hồi còn bé tôi
cũng đã nghĩ đúng hệt như thế. Vì vậy tôi thử tìm một cách khác, với một suy
nghĩ hơi phóng túng: “Vấn đề sẽ khác khi một cái máy làm việc đó; không có gì
nhiều hơn một cỗ xe vô tội chạy ầm ầm trên phố, như có thể xẩy ra trong bất kỳ
Chủ nhật nào.
Nhưng không; việc này ngoài khả năng của họ. Và dù sao đi nữa, cái áo
khoác phải chừa chỗ cho cô bé lớn thêm; trong đôi ba năm nữa nó sẽ trở nên vừa
vặn.
Tôi suy nghĩ tìm một vật gì đó để dúi vào tay Olga khi nó đi; nhưng tôi
không có gì, vì thế tôi cho nó một đồng Kroner bạc, và nó giơ ngay lập tức hai
tay ra để cám ơn, và khoe đồng bạc với mẹ, thì thầm rằng nó sẽ đưa đồng tiền
cho chị nó khi tới nhà thờ. Đôi mắt nó sáng rực niềm vui khi nghĩ như thế. Và
mẹ nó, gần như không ít cảm động hơn chút nào, trả lời rằng phải, có lẽ nó nên…
Olga lên đường tới nhà thờ trong cái áo khoác dài, đi xuống đồi với đôi
bàn chân lóng nga lóng ngóng. Một cảnh tượng thật dễ thương và phấn khích…
Còn bây giờ là Hersæt; nó có
phải là một địa điểm lớn?
Vâng, một địa điểm lớn xinh đẹp.
Tôi ngồi một hồi, mắt hấp háy vì buồn ngủ và tiến hành những cuộc phiêu
du trong lĩnh vực từ nguyên học. Hersæt
có thể là Herresæte (Thái ấp). Hay có khả năng là một herse (tù
trưởng địa phương vào thời cổ) đã từng cai trị tại đây. Và con gái của tù
trưởng là thiếu nữ tự hào nhất trong vùng, và chính bản thân Phó vương đã tới
cầu hôn nàng. Và năm sau nàng sinh cho ông ta một đứa con trai, người đã trở
thành vua…
Nói tóm lại, tôi sẽ tới Hersæt.
Xét tới việc đi đâu thì cũng như nhau, tôi sẽ tới đó. Có thể tôi sẽ tìm được
việc làm ở nhà ngài Lensmand, hoặc luôn có cơ may một điều gì đó xuất hiện; ở
bất cứ giá nào, tôi sẽ gặp những người mới. Và sau khi quyết định về Hersæt như
vậy rồi, tôi cảm thấy có một mục đích trước mặt tôi.
Người phụ nữ tốt bụng đưa tôi vào nằm nghỉ ở giường của bà, vì tôi ngủ
gà gật và khờ câm vì thiếu ngủ. Một con nhện xanh xinh đẹp chầm chậm bò trên
tường, và tôi nằm quan sát nó cho tới khi ngủ thiếp đi.
Vài giờ sau, tôi đột ngột thức giấc, cảm thấy tỉnh táo và khỏe khoắn.
Người phụ nữ đang nấu ăn. Tôi thu xếp ba lô, trả tiền trọ, và bảo tôi muốn làm
một cuộc trao đổi: cái máy may của tôi cho bức tranh của Olga.
Người phụ nữ không tài nào tin nổi như từ đầu tới giờ.
Không sao đâu, tôi nói; nếu bà hài lòng thì tôi cũng thế. Bức tranh có
giá trị; tôi biết mình đang làm gì.
Tôi tháo bức tranh khỏi tường, phủi sạch bụi bặm, và thận trọng cuộn nó
lại; bức tường lộ ra một khoảnh trống sáng hơn ở chỗ từng treo nó. Rồi tôi lên
đường.
Người phụ nữ theo tôi ra ngoài: tôi có thể đợi được không, cho tới khi
Olga trở về, để cô bé có thể cám ơn tôi? Ồ, tôi chỉ ước gì được vậy!
Tôi không thể. Không có thì giờ. Nhắn với cô ấy, nếu có bất cứ điều gì
cô ấy không hiểu thì cứ xem những tờ hướng dẫn…
Người phụ nữ đứng nhìn theo khi tôi đi. Tôi hiên ngang đi xuống đường,
huýt sáo và hài lòng với những gì tôi đã làm. Giờ chỉ phải vác cái ba lô; tôi
đã nghỉ ngơi, mặt trời đang chiếu sáng, và con đường đã hơi khô ráo. Tôi cất
tiếng hát với sự thỏa mãn về những gì tôi đã làm.
Chứng suy nhược thần kinh…
Ngày hôm sau tôi tới Hersæt.
Thoạt tiên khi đi ngang qua, tôi cảm thấy nó là một địa điểm rất lớn và đẹp; nhưng
sau đó khi trò chuyện đôi chút với một trong những nông dân, tôi quyết định thử
tìm tới nhà ngài Lensmand. Trước đó tôi từng làm cho những người giàu có – để
tôi xem, có Đại úy Falkenberg ở Øvrebø…
Ngài Lensmand là một người đàn ông nhỏ bé, vai rộng, với một chòm râu
bạc dài và đôi mắt thẫm màu. Ông nói năng cộc cằn, nhưng có đôi mắt nhân hậu;
sau đó, tôi nhận ra ông có một tâm hồn vui vẻ, có thể cười to và nói đùa một
cách phấn khởi trong mọi lúc. Thỉnh thoảng, ông thường tỏ ra kiêu hãnh về địa
vị và sự giàu có của mình, và thích người ta thừa nhận điều đó.
“Không, tôi không có việc cho anh. Anh từ đâu tới?”
Tôi kể ra vài nơi tôi đã ghé qua gần đây.
“Không tiền, tôi cho là vậy, và đi quanh để xin ăn?”
Không, tôi không xin ăn; tôi có đủ tiền.
“Chà, anh phải đi xa hơn. Tôi chẳng có gì để cho anh làm ở đây; việc cày
bừa đã xong. Anh có thể cắt ván để dựng hàng rào không?”
“Có thể.”
“Ừm. Tốt, tôi không còn sử dụng hàng rào gỗ nữa. Tôi đã rào dây thép.
Làm thợ nề được chứ?”
“Được.”
“Thật đáng tiếc. Ở đây tôi đã có mấy tay thợ nề làm từ nhiều tuần qua;
lẽ ra anh có thể có một công việc. Nhưng giờ tất cả đã xong xuôi.”
Ông đứng, chọc cây gậy xuống đất.
“Vì sao anh tìm tới tôi?”
“Mọi người bảo hãy tới nhà ngài Lensmand nếu muốn có việc làm.”
“Ồ, vậy hả? Tốt, tôi luôn có một đám đông làm việc này việc khác tại đây
– giờ là mấy tay thợ nề. Anh dựng được một cái hàng rào để ngăn chặn lũ gà
không? Về chuyện đó, chưa có ma nào trên đời làm nổi, haha!... Anh bảo đã làm
cho Đại úy Falkenberg ở Øvrebø hả?"
“Phải.”
“Anh làm gì ở đó?”
“Đốn cây.”
“Tôi không biết ông ta – ông ta sống cách xa quá. Nhưng tôi có nghe nói
về ông ta. Có giấy tờ gì từ ông ta không?”
Tôi cho ông xem những gì Đại úy đã viết.
“Đi theo tôi,” ngài Lensmand đột ngột nói. Ông dẫn tôi đi vòng quanh nhà
và vào bếp.
“Hãy cho người này một bữa ăn ngon lành – anh ta đã đến từ rất xa, và…”
Tôi ngồi xuống trong cái nhà bếp rộng lớn, sáng sủa để dùng bữa ăn ngon
nhất từng có sau một thời gian dài. Tôi vừa ăn xong thì ngài Lensmand lại bước
vào.
“Nghe này, anh…” ông nói.
Tôi đứng lên ngay tức khắc và đứng thẳng như một cây tên – một chút phép
lịch sự mà tôi hình dung chưa hề mất đối với ông.
“Không, không, ăn cho xong bữa đi, tiếp tục đi. Xong rồi hả? Chắc chắn?
Ờ, tôi đã nghĩ… Đi theo tôi.”
Ông đưa tôi ra lều chứa củi.
“Anh có thể làm công việc đốn củi; anh nói sao? Tôi có hai người ở đây,
nhưng tôi muốn cử một trong hai người đi làm công việc gửi thư mời, vì thế anh
phải đi đốn củi với người kia. Anh có thể thấy ở đây có nhiều gỗ, nhưng nằm ở
đây không hại gì, không hề có hại. Anh bảo anh có tiền, cho tôi xem nào.”
Tôi cho ông xem những tờ giấy bạc mà tôi có.
“Tốt. Tôi là một quan chức, anh thấy đó, và phải biết người làm công cho
mình. Tôi không cho là anh có bất cứ điều gì không ổn về lương tâm, khi xét tới
việc anh đã tìm tới ngài Lensmand, haha! Ờ, như tôi đã nói, hôm nay anh có thể
nghỉ ngơi, và bắt đầu đốn củi vào ngày mai.”
Tôi bắt tay vào việc chuẩn bị cho công việc ngày hôm sau, sắp xếp quần
áo, giũa cưa và mài lại cái rìu. Tôi không có găng tay, nhưng thời tiết này
chưa cần tới găng tay, và tôi không còn thiếu thứ gì.
Ngài Lensmand ra gặp tôi nhiều lần, và nói chuyện vu vơ; có lẽ việc trò
chuyện với một gã lang thang xa lạ khiến ông thích thú. “Tới đây, Margrethe!”
ông gọi bà vợ, khi bà ta đi ngang qua sân; “đây là người làm mới; tôi sẽ cử anh
ta đi cưa gỗ.”
XXX
Chúng tôi không nhận được chỉ thị nào đặc biệt, mà chỉ làm theo cách
chúng tôi nghĩ là tốt nhất, cưa những cây khô ngọn, và vào chiều tối ngài
Lensmand bảo việc đó rất đúng. Nhưng ông sẽ đích thân chỉ cho chúng tôi vào hôm
sau.
Tôi sớm nhận ra rằng công việc ở đây sẽ không kéo dài tới lễ Giáng sinh.
Với thời tiết hiện tại và mặt đất như thế này, sương giá về đêm và không có
tuyết, chúng tôi cưa được khá nhiều mỗi ngày, và không có gì cản trở công việc;
bản thân ngài Lensmand nghĩ rằng chúng tôi thông minh như quỷ sứ trong việc đốn
cây, haha! Làm việc với ông cụ này khá dễ chịu; ông thường tới chỗ chúng tôi
trong rừng, chuyện gẫu và nói đùa, và vì tôi không bao giờ đùa lại, ông xem tôi
là một gã khờ khạo, không ngờ gì nữa, nhưng là một tay làm được việc. Lúc này
ông bắt đầu cử tôi chạy công việc vặt, với những lá thư gửi tới và lấy từ bưu
điện.
Ở chỗ này không có trẻ con, không cả thanh niên trừ những cô hầu và một
trong những người làm công, vì thế buổi tối qua khá chậm. Để giết thì giờ, tôi
tìm một ít thiếc và a-xít và hàn lại một số nồi ấm cũ trong bếp. Nhưng việc đó
sớm xong xuôi. Thế nên một tối nọ tôi bắt tay viết lá thư sau:
“Giá
như tôi ở nơi cô đang ở, tôi sẽ làm việc cho cả hai.”
Hôm sau tôi phải tới bưu điện gửi thư cho ngài Lensmand; tôi mang theo
lá thư và gửi nó đi. Tôi thấy rất khó chịu. Ngoài ra, trông lá thư thật vụng
về, vì tôi đã lấy giấy của ngài Lensmand, và phải dán cả một dải tem dọc theo
bì thư để che lại chỗ in tên của ông. Tôi tự hỏi nàng sẽ nói gì khi nhận được
nó. Không có tên hay bất cứ địa chỉ nào trên lá thư.
Cứ thế, chúng tôi làm việc trong rừng, tôi và người kia, trò chuyện về
công việc nhỏ nhặt của chúng tôi, làm với cả quả tim và tâm hồn, và rất hòa hợp
với nhau. Nhiều ngày trôi qua; thật xui xẻo, tôi đã có thể nhìn thấy điểm kết
thúc công việc của chúng tôi ngay trước mặt, nhưng tôi hơi hy vọng ngài
Lensmand có thể tìm ra một việc khác cho tôi làm khi việc đốn gỗ đã xong. Tôi
không muốn cất bước lang lang tiếp trước lễ Giáng sinh.
Thế rồi một hôm tôi lại tới bưu điện, và có một lá thư gửi cho tôi. Tôi
không thể hiểu vì sao lá thư đó gửi cho tôi, và tôi đứng, bối rối lật đi lật
lại nó; nhưng người ở bưu điện giờ đã biết tôi, ông ta xem lại phong bì và bảo
phải, đúng là tên của tôi, và nhờ ngài Lensmand chuyển giúp.
Đột nhiên tôi nảy ra một ý, và tôi tóm lấy lá thư. Phải, nó gửi cho tôi,
tôi quên mất… phải, dĩ nhiên…
Và tôi vội vã đi ra đường, lỗ tai lùng bùng suốt thời gian đó, mở lá thư
ra và đọc:
“Skriv ikke til mig – ” (Đừng viết cho tôi.)
Không tên, không địa chỉ, nhưng rất rõ ràng và đáng yêu. Từ đầu tiên
được gạch dưới.
Tôi không biết đã về nhà bằng cách nào. Tôi nhớ tôi đã ngồi trên một
tảng đá ven đường, đọc lá thư và cất nó vào túi, và bước đi cho tới khi gặp một
hòn đá khác và lặp lại việc đó lần nữa. Skriv ikke. Nhưng – có phải câu
đó có nghĩa là tôi có thể tới và có lẽ sẽ nói chuyện với nàng? Lá thư nhỏ nhắn,
xinh xắn ấy, và những ký tự thanh tú, uyển chuyển. Hai tay nàng đã cầm giữ nó,
đôi mắt nàng đã đặt lên nó, hơi thở nàng đã chạm vào nó. Và cuối câu là một dấu
gạch ngang. Có cả một trời ý nghĩa trong cái dấu đó.
Tôi về nhà, giao lại thư từ của ngài Lensmand, và đi vào rừng. Tôi mơ
màng cả buổi. Người bạn của tôi, không ngờ gì nữa, hẳn phải thấy rằng tôi là
một con người không thể hiểu nổi, khi thấy tôi cứ đọc đi đọc lại lá thư, rồi
cất nó vào cùng với số tiền.
Nàng thật tuyệt vời khi tìm ra tôi! Hẳn nàng đã giơ cái phong bì lên
trước ánh đèn, không ngờ gì nữa, và đọc được tên của ngài Lensmand dưới những
con tem; sau đó nghiêng mái đầu xinh đẹp sang một bên, hơi khép mắt và nghĩ
trong một thoáng: hiện giờ anh ấy đang làm việc cho ngài Lensmand ở Hersæt.
Chiều hôm đó, khi chúng tôi trở về nhà, ngài Lensmand bước ra và nói này
nói nọ với chúng tôi, rồi hỏi:
“Có phải anh đã nói anh từng làm việc cho Đại úy Falkenberg ở Øvrebø
không?
“Phải.”
“Tôi thấy ông ta đã phát minh được một cái máy.”
“Một cái máy?”
“Một cái cưa tinh xảo để cưa cây. Nó có trong báo.”
Tôi giật mình khi nghe thấy thế. Chắc không phải ông ta đã phát minh ra
cái cưa tinh xảo của tôi đấy chứ?
“Hẳn đã có sự hiểu lầm,” tôi nói. “Đại úy không phải là người phát minh
ra nó.”
“Ồ, không phải sao?”
“Không phải. Nhưng tôi đã để lại cái cưa ở chỗ ông ta.”
Và tôi kể cho ngài nghe Lensmand mọi chuyện. Ông đi vào để lấy tờ báo,
và cả hai chúng tôi đọc những gì nó ghi: “Phát minh mới… Phóng viên tại chỗ của
chúng tôi… Có tầm quan trọng to lớn đối với những ông chủ đất rừng… Nguyên tắc
cấu tạo như sau:…”
“Anh không định nói đó là phát minh của anh đấy chứ?”
“Có, nó là của tôi.”
“Và ông đại úy đang cố đánh cắp nó? Sao, đây là một vụ hay ho, một vụ
khá hay ho. Cứ giao nó cho tôi. Có ai trông thấy anh đang chế tạo vật đó
không?”
“Có, tất cả mọi người làm của ông ấy ở đó đều thấy.”
“Thượng đế cứu giúp tôi nếu đây không phải là vụ việc khó nhai nhất mà
tôi nghe được trong một thời gian dài. Ăn cắp phát minh của một người khác! Và
còn số tiền nữa… sao, nó có thể mang tới cho anh một triệu đồng!”
Tôi buộc phải thú nhận tôi không thể hiểu được ông đại úy.
“Vậy hả? Haha, nhưng tôi hiểu! Tôi không làm Lensmand suốt từ bấy tới
nay mà không vì việc gì. Không, tôi ngờ rằng ông ta không giàu như ông ta vờ
vĩnh. Tốt, tôi sẽ gửi cho ông ta một lá thư, chỉ khoảng một dòng – anh nói sao
về việc đó? Hahaha! Cứ để đó cho tôi.”
Nhưng tới đây tôi bắt đầu thấy khó chịu. Ngài Lensmand quá thô bạo ngay
tức khắc, rất có thể Đại úy không có lỗi gì trong chuyện này, có thể tự thân gã
phóng viên đã phạm sai lầm. Tôi cầu xin ngài Lensmand để cho tôi tự tay viết lá
thư.
“Và đồng ý chia lợi với cái tên lưu manh đó? Không bao giờ! Anh cứ giao
mọi việc cho tôi. Và, dù sao đi nữa, nếu anh tự viết, anh không thể đặt vấn đề
một cách đúng đắn như cách của tôi.”
Nhưng tôi cố thuyết phục cho tới khi cuối cùng ông đồng ý rằng tôi nên
viết lá thư đầu tiên, và sau đó ông sẽ xử lý việc đó. Tôi lại lấy một ít giấy
của ngài Lensmand.
Tối hôm đó tôi không viết trọn lá thư; đó là một ngày kích động, và tâm
trí tôi rối bời. Tôi suy nghĩ và tính toán; vì Fruen, tôi sẽ không viết thẳng
cho Đại úy và gây nên nỗi buồn cho nàng; không, tôi sẽ gửi một dòng cho anh bạn
của tôi, Lars Falkenberg, bảo gã để mắt tới cái máy giùm.
Đêm đó cái xác lại tới tìm tôi – cái bà cụ bất hạnh đó, trong bộ đồ liệm
của mình, đã không chịu để cho tôi yên ổn về việc cái móng tay cái của bà ta.
Tôi đã trải qua một quá trình xúc động dài trong cả ngày hôm đó, vì thế đêm nay
bà ta lại tới. Tê cóng vì khủng khiếp, tôi nhìn thấy bà ta lướt tới, dừng lại ở
giữa phòng và chìa thẳng bàn tay ra. Người bạn đốn gỗ của tôi nằm trên cái
giường sát tường, và tôi thấy nhẹ nhõm lạ lùng khi nghe anh ta cũng nằm rên rỉ
và trở trăn; với bất cứ giá nào, hai chúng tôi cùng chia mối nguy hiểm. Tôi lắc
đầu để nói rằng tôi đã chôn cái móng ở một chốn yên bình, và không thể làm gì
hơn nữa. Nhưng cái xác vẫn đứng yên ở đó. Tôi xin lỗi bà ta; nhưng rồi, đột
ngột, tôi bị xâm chiếm bởi một cảm giác bực mình; tôi nổi cơn thịnh nộ, và nói
thẳng với bà ta rằng tôi không dính dáng gì tới chuyện vớ vẩn của bà ta nữa. Tôi
đã mượn cái móng đó trong tình thế bắt buộc, nhưng tôi đã làm tất cả những gì
có thể từ nhiều tháng trước, và đã chôn lại nó… Khi nghe thấy thế, bà ta lướt
ngang qua gối tôi, cố lẻn ra phía sau tôi. Tôi bật dậy và hét lên.
“Gì vậy?” người đàn ông nằm ở giường bên hỏi.
Tôi dụi mắt và đáp rằng tôi đã nằm mơ, chỉ thế thôi.
“Người vừa mới vào là ai vậy?” anh ta hỏi.
“Tôi không biết. Bộ có ai ở đây sao?”
“Tôi đã nhìn thấy có ai đó đi vào…”
XXXI
Vài ngày sau, tôi ngồi xuống một cách bình tĩnh và kiêu hãnh, viết thư
cho Falkenberg. Tôi có để lại một cái
cưa ở Øvrebø, tôi viết; một ngày nào đó, nó có thể là một vật hữu ích cho những
người chủ đất rừng, và tôi đề nghị sẽ tới lấy nó đi trong một thời gian ngắn.
Xin để mắt tới nó và trông chừng để nó không bị hư hỏng.
Vâng, tôi viết như thế với một văn phong lịch sự. Đó là cách thức có
phẩm giá nhất. Và vì Falkenberg, dĩ nhiên, sẽ nhắc tới nó trong nhà bếp, và có
lẽ còn khoe lá thư với mọi người, nó phải có tính chất tế nhị. Nhưng nó không
chỉ tế nhị mà thôi; tôi ấn định một ngày cụ thể, để làm cho nó có tính chất
nghiêm túc: tôi sẽ tới lấy cái máy vào hôm Thứ hai, 11 tháng 12.
Tôi nghĩ bụng: đấy, thế mới rõ ràng và dễ nghe; nếu cái máy không có ở
đó vào hôm Thứ hai, sao chứ, vậy thì đã xảy ra chuyện gì đó.
Tôi tự tay mang lá thư tới bưu điện, và dán một loạt tem ngang qua phong
bì giống lần trước…
Trạng thái mê ly đẹp đẽ vẫn còn đọng lại trong tôi. Tôi đã nhận được lá
thư dễ thương nhất trần đời; nó nằm đây, trong túi áo của tôi; nó được gửi tới
cho tôi. Skriv ikke. Không, thật sự, nhưng tôi có thể tới. Và còn một
dấu gạch ngang ở cuối thư nữa.
Ở bất cứ giá nào cũng không hề có một sự nhầm lẫn về cái từ gạch dưới
đó: nó nhằm dụng ý nhấn mạnh toàn bộ lá thư như một mệnh lệnh chẳng hạn? Các
quý cô luôn luôn thích gạch dưới mọi loại từ, đặt những dấu gạch ngang ở nơi
này, nơi khác, mọi nơi. Nhưng nàng thì không; không, nàng thì không!
Chỉ vài hôm nữa công việc ở nhà ngài Lensmand sẽ kết thúc; nó rất phù
hợp, mọi thứ hoạt động tốt đẹp; tôi sẽ có mặt ở
Øvrebø vào ngày 11. Và có lẽ thời điểm đó không hề quá sớm một phút nào.
Nếu Đại úy thật sự có bất kỳ ý định nào về cái máy của tôi, cần thiết phải hành
động ngay lập tức. Phải chăng một kẻ xa lạ muốn đánh cắp một triệu kiếm được vô
cùng khó nhọc của tôi? Không phải tôi đã vất vả vì nó hay sao? Tôi gần như bắt
đầu hối tiếc về lá thư lịch sự gửi cho Falkenberg; lẽ ra tôi nên viết gay gắt
hơn; giờ có lẽ ông ta sẽ tưởng là tôi quá nhu nhược, không thể vùng lên phản
kháng. Sao, thậm chí ông ta còn có thể nảy ra ý định tìm nhân chứng chống lại
tôi, và bảo rằng tôi không hề phát minh ra cái máy! Hoho, ông chủ Falkenberg,
cứ thử coi! Trước hết, chuyện đó sẽ khiến ông trả giá bằng sự cứu chuộc vĩnh
viễn; và nếu như thế chưa đủ, tôi sẽ kiện ông về tội khai man trước bạn và
người bảo trợ của tôi, ngài Lensmand. Và ông biết điều đó có nghĩa là gì.
“Dĩ nhiên là anh phải đi,” ngài Lensmand bảo khi tôi nói với ông về việc
đó. “Và hãy về đây cùng với cái máy của anh. Anh phải quan tâm tới lợi ích của
mình, tất nhiên; nó có thể là một vấn đề đáng kể.”
Chuyến tới bưu điện ngày hôm sau mang tới một tin tức làm tình huống
thay đổi trong khoảnh khắc; có một lá thư từ chính Đại úy Falkenberg đăng trên
báo, nói rằng do một sự hiểu lầm nên phóng viên đã phát biểu rằng cái máy cưa
mới là phát minh của ông. Thiết bị này được thiết kế bởi một người đàn ông từng
làm việc ở trang trại của ông vào thời gian trước. Còn về giá trị của nó, ông
không bày tỏ bất kỳ ý kiến nào. – Đại úy Captain Falkenberg.
Ngài Lensmand và tôi nhìn nhau.
“Này, giờ anh sẽ nói gì?” ông hỏi.
“Với bất cứ giá nào, ông Đại úy vô tội.”
“Thế à! Anh biết tôi nghĩ sao không?”
Im lặng. Ngài Lensmand thủ vai Lensmand từ đầu tới cuối, dò tìm manh mối
của những kế hoạch và mưu đồ. “Ông ta không vô tội,” ông nói.
“Thật thế ư?”
“À, tôi đã thấy kiểu này trước đó. Đang co mình thủ thế, chỉ có vậy
thôi. Lá thư của anh khiến cho ông ta cảnh giác. Haha!”
Tới lúc này, tôi phải thú nhận với ngài Lensmand rằng tôi không hề viết
thư cho Đại úy mà chỉ đơn giản gửi một tin nhắn cho một trong những người làm
công ở Øvrebø; và thậm chí lá thư vẫn chưa thể tới đó, vâng, khi xét tới việc
nó mới vừa được gửi đi đêm hôm trước.
Câu này khiến ngài Lensmand tịt ngòi, và ông ta thôi dò tìm manh mối các
thứ. Mặt khác, dường như giờ đây ông ta hướng tới việc ngờ vực rằng cỗ máy đó
thật ra có chút giá trị nào không.
“Hoàn toàn có khả năng cái máy không tốt chút nào,” ông nói. Nhưng rồi
ông tử tế nói thêm: “Ý tôi là, có thể cần kiểm tra lại và cải tiến nó. Chính
anh cũng từng thấy người ta luôn thay đổi những thứ như tàu chiến và máy bay ra
sao. Anh vẫn quyết định đi đấy chứ?”
Không có thêm lời nào về việc tôi quay trở lại đây và mang theo cỗ máy.
Nhưng ngài Lensmand đã viết cho tôi một thư giới thiệu rất tốt. Ông sẽ vui mừng
được giữ tôi lại lâu hơn, nó ghi, nhưng công việc đã bị cắt ngang vì những lý
do cá nhân của riêng tôi ở một nơi khác…
Vào buổi sáng, khi tôi chuẩn bị lên đường, một thiếu nữ đứng trong sân
để chờ tôi bước ra. Đó là Olga. Đã bao giờ có một đứa trẻ như thế chưa nhỉ? Hẳn
cô bé đã đi bộ từ nửa đêm để tới đây sớm thế. Và nó đứng đó, trong cái váy ngắn
màu xanh trời và cái áo khoác.
“Cháu đấy hả, Olga? Cháu đi đâu vậy?”
Nó đã đến để gặp tôi.
Làm sao nó biết tôi ở đây?
Nó đã hỏi thăm về tôi và tìm ra nơi tôi ở. Và xin phép hỏi có thật là nó
có quyền giữ cái máy may không? Nhưng dĩ nhiên không thể có điều đó…
Phải, cái may may đúng là của nó; không phải tôi đã đổi lấy bức tranh
của nó đấy sao? Cái máy may hoạt động tốt không?
Vâng, nó hoạt động tốt.
Chúng tôi không nói chuyện với nhau nhiều; tôi muốn nó đi trước khi ngài
Lensmand bước ra và bắt đầu đặt câu hỏi.
“Nào, chạy về nhà đi, cô bé; cháu còn phải đi cả một chặng đường dài
đó.”
Olga đưa bàn tay cho tôi – nó hoàn toàn lọt thỏm trong bàn tay của tôi,
và cô bé để nó nằm đó bao lâu tùy ý của tôi. Sau đó nó cám ơn tôi và vui vẻ lê
bước trở về. Đôi bàn chân của nó cứ lóng nga lóng ngóng trông thật ngộ.
XXXII
Tôi đã đi gần tới đích.
Chiều Chủ nhật, tôi nằm trong một cái lều gác rừng cách không xa Øvrebø,
để có mặt ở đó vào sáng sớm Thứ hai. Mọi người sẽ thức giấc lúc chín giờ, sau
đó chắc chắn là tôi có đủ may mắn để gặp người tôi tìm kiếm.
Tôi ngày càng nóng ruột kinh khủng và cứ hình dung ra những điều xấu.
Tôi đã viết một lá thư mềm mỏng cho Falkenberg, không dùng từ nào gay gắt,
nhưng nói cho cùng có thể Đại úy bị xúc phạm do cách tôi xác định ngày như thế;
cho ông ta bấy nhiêu đó thời gian… Giá mà tôi chưa từng viết gì hết!
Trong lúc đi về phía ngôi nhà, tôi ngày càng khom xuống thấp, thu người
bé lại, dù thật sự tôi không làm điều gì sai trái. Tôi quẹo khỏi đường cái và
đi vòng để tới những tòa nhà phụ trước – và tôi bắt gặp Falkenberg ở đó. Gã
đang cọ rửa cỗ xe ngựa. Chúng tôi chào hỏi nhau, và lại là bằng hữu tốt như
trước.
Có phải gã sắp ra ngoài với cỗ xe không?
Không, vừa mới trở về đêm trước. Đã đi ra nhà ga.
Vậy ai là người đi xa?
Fruen.
Fruen sao?
Phải, Fruen.
Im lặng.
Thật thế ư? Fruen đi đâu?
Đến thị trấn ở một thời gian.
Im lặng.
Cái gã người lạ đó đã tới đây viết bài cho báo về cái máy của anh,”
Falkenberg nói.
“Cả Đại úy cũng đi vắng hả?”
“Không, Đại úy ở nhà. Anh nên nhìn thấy nét mặt ông ta khi thư của anh
tới.”
Tôi bảo Falkenberg đi lên căn gác xép cũ. Tôi vẫn còn hai chai rượu vang
trong ba lô. Tôi lôi chúng ra và chúng tôi cùng bắt đầu chén chú chén anh; chà,
hai chai rượu này tôi đã mang tới mang lui, dặm này sang dặm khác, và phải rất
cẩn thận với chúng, giờ chúng rất có ích cho tôi. Nếu không có chúng Falkenberg
sẽ không bao giờ nói quá nhiều.
“Câu chuyện về Đại úy và lá thư của tôi là sao? Ông ta có nhìn thấy nó
không?”
“Ờ, chuyện bắt đầu thế này,” Falkenberg nói. “Fruen đang ở trong bếp khi tôi bước vào với lá thư. Nàng hỏi, “Lá
thư với đầy tem trên đó là gì thế?” Tôi mở nó ra, và bảo anh đã gửi tới để báo
rằng anh sẽ đến vào ngày 11.”
“Nàng đã nói gì?”
“Nàng không nói thêm câu nào. À có, nàng hỏi lần nữa, ‘Anh ta đến vào
ngày 11 hả?’ Và tôi đáp phải, đúng thế.”
“Và vài hôm sau anh được lệnh đánh xe đưa nàng tới nhà ga?”
“Sao, vâng, hẳn phải vài ngày. Ờ, khi đó tôi nghĩ, nếu Fruen biết về vụ
lá thư, chắc chắn là Đại úy cũng biết. Anh có biết ông ta đã nói gì khi tôi
mang nó vào không?”
Tôi không trả lời câu hỏi này, nhưng suy nghĩ mãi. Hẳn phải có chuyện gì
đó sau tất cả những điều này. Phải chăng nàng đang trốn tránh tôi? Điên khùng!
Đại úy Phu nhân ở Øvrebø không thể nào trốn tránh một trong những người làm
công của mình. Nhưng toàn bộ vụ này có vẻ lạ lùng. Tôi đã luôn mong mỏi rằng
nàng muốn tôi tới đây để nói chuyện với nàng, vì tôi đã bị cấm không được viết.
Falkenberg nói tiếp, hơi bối rối:
“Ờ, tôi đưa lá thư của anh cho Đại úy, dù anh không bảo tôi làm chuyện
đó. Có tai hại gì không?”
“Không có gì quan trọng. Ông ta nói gì?”
“‘Phải, hãy trông chừng cái máy đi,’ ông ta nói và nhăn mặt. “Phòng khi
có người tới đánh cắp nó,’ ông ta nói.”
“Vậy là giờ Đại úy đang giận tôi sao?”
“Không, tôi không nghĩ vậy. Từ hôm đó tôi không nghe gì thêm về chuyện
này.”
Nói cho cùng, về Đại úy thì không có gì quan trọng mấy. Khi Falkenberg
đã nốc khá nhiều rượu, tôi hỏi gã có biết Fruen
ở nơi nào trong thị trấn không. Không, nhưng có lẽ Emma biết. Chúng tôi kéo
Emma tới, mời cô ta uống, nói nhiều chuyện vớ vẩn, và dần dà đi vòng tới trọng
tâm; cuối cùng hỏi một cách tế nhị. Không, Emma không biết địa chỉ, nhưng Fruen đã đi để mua sắm cho lễ Giáng
sinh, và nàng đi với Frøken Elisabeth
ở nhà ông mục sư, thế nên ở đó hẳn là họ biết địa chỉ. Nhân tiện, tôi muốn có
nó để làm gì?
Ờ, chỉ là vì tôi đang có một cây trâm nạm vàng, và muốn hỏi xem bà ta có
định mua nó hay không.
“Cho tôi xem nào.”
May là tôi có thể cho cô ta xem cây trâm; nó là một món đồ cũ xinh xắn;
tôi đã mua nó từ một trong số các cô hầu ở Hersæt.
“Fruen sẽ không mua đâu,” Emma
nói. “Chính tôi cũng không mua.”
“Không nếu cô chịu trả giá với tôi, Emma ạ, sao nhỉ?” Và tôi lại gượng
gạo pha trò một câu.
Emma đi khỏi. Tôi cố khai thác Falkenberg lần nữa. Đôi khi Falkenberg
khá nhạy bén trong việc thấu hiểu mọi người.
Gã có còn hát cho Fruen nghe
không?
Ôi Trời, không; chuyện đó đã kết thúc. Falkenberg ước gì gã không hề làm
việc ở đây; chốn này không có gì khác ngoài rắc rối và khốn khổ.
Rắc rối và khốn khổ ư? Họ không phải là bạn của nhau sao, Đại úy và phu
nhân của ông ta?
Ồ, phải, họ là bạn. Vẫn hệt như cách cũ. Thứ bảy trước nàng đã khóc lóc
cả ngày.
“Nếu thế thì thật buồn cười,” tôi nói, “khi họ rất chính trực và quan
tâm tới nhau.” Và tôi quan sát để xem Falkenberg nói gì về chuyện đó.
“Ờ, nhưng họ luôn mệt mỏi,” Falkenberg nói với giọng miền Valdres. “Và
nàng cũng xuống sắc nhiều. Trong thời gian anh đi, nàng xanh xao gầy guộc hẳn.”
Tôi ngồi trong căn gác xép vài giờ, để mắt trông chừng tòa nhà chính từ
cửa sổ, nhưng Đại úy không xuất hiện. Vì sao ông không ra ngoài? Chờ thêm nữa
chỉ là việc vô vọng; tôi sẽ phải đi mà không nói lời xin lỗi với Đại úy. Tôi có
thể tìm ra đủ lý lẽ tốt; tôi có thể đỗ lỗi cho bài báo đầu tiên và bảo rằng nó
đã khiến tôi rối trí trong một khoảnh khắc – và trong đó có chút sự thật. Phải,
tất cả những gì tôi phải làm bây giờ là cột ràng cái máy thành một bó, cố sức
nhét nó vào cái ba lô, và lại lên đường cho những chuyến lang thang.
Emma lấy trộm một ít thức ăn cho tôi trước khi tôi đi.
Lần này là một chặng đường dài khác; đầu tiên là tới nhà ông mục sư – dù
chặng đó hơi chệch đường chút ít – sau đó là tới nhà ga. Một đợt tuyết nhỏ đang
rơi, khiến việc đi bộ khá nặng nề; và còn hơn thế nữa, tôi không thể thư thả,
mà phải cố gắng đi nhanh hết sức. Các quý cô chỉ ở thị trấn để mua đồ cho lễ
Giáng sinh, và họ đã đi trước tôi khá lâu.
Chiều hôm sau tôi tới nhà ông mục sư. Tôi đã tính rằng tốt nhất là nói
chuyện với Fruen.
“Tôi đang trên đường vào thị trấn,” tôi nói với bà. “Và tôi đã mang theo
cái máy này; tôi có thể để lại đây món nặng nhất trong thời gian đó không?”
“Anh đang vào thị trấn à?” Fruen
nói. “Nhưng chắc anh sẽ ở đây tới mai chứ, phải không?”
“Không, rất cám ơn. Mai tôi phải có mặt ở thị trấn.”
Fruen suy nghĩ giây lát rồi nói.
“Elisabeth đang ở thị trấn. Anh có thể mang cho nó một gói đồ - một món
mà nó quên mang theo.”
Việc đó sẽ mang tới cho tôi cái địa chỉ, tôi nghĩ thầm.
“Nhưng tôi phải chuẩn bị nó trước đã.”
“Vậy nếu Frøken Elisabeth đã
đi trước khi tôi tới thì sao?”
“Ồ, không, nó đi với Fru Falkenberg,
và họ sẽ ở đó suốt tuần.”
Đây đúng là một tin lớn, tin vui. Giờ tôi đã có cả địa chỉ lẫn thời
gian.
Fruen đứng liếc mắt nhìn tôi, rồi nói:
“Tốt, vậy anh sẽ ở lại đêm phải không? Anh thấy đó, tôi phải chuẩn bị
một thứ trước đã…”
Tôi được bố trí cho một phòng trong tòa nhà chính, vì trời quá lạnh để
có thể ngủ trong kho thóc. Và đêm đó, khi tất cả người nhà đã đi ngủ, mọi thứ
đã lắng yên, Fruen tới phòng tôi với
gói đồ và bảo:
“Xin thứ lỗi vì tôi tới quá muộn. Nhưng tôi nghĩ anh có thể đi vào sớm
ngày mai trước khi tôi thức dậy.”
XXXIII
Vậy là một lần nữa tôi lại ở đây, trong sự chen chúc và ồn ào của một
thành phố, với những tờ nhật trình và những thị dân. Tôi đã cách xa tất cả mọi
thứ này nhiều tháng, và thấy nó không có gì vui thú. Tôi dành ra một buổi sáng
để thu xếp mọi thứ; mua sắm ít quần áo, rồi bắt tay vào việc tìm kiếm Frøken Elisabeth theo địa chỉ của nàng.
Nàng đang ở với vài người bà con.
Và giờ đây tôi có đủ may mắn để gặp người kia hay chăng? Tôi bồn chồn
như một cậu con trai. Hai bàn tay tôi quá thô thiển đối với những chiếc găng
tay, và tôi tháo chúng ra; rồi khi bước lên thềm tôi nhận thấy hai bàn tay của
tôi không hợp lắm với bộ đồ đang mặc, nên lại đeo găng tay vào. Rồi tôi nhấn
chuông.
“Frøken Elisabeth? Vâng, xin
ông vui lòng chờ một chút.”
Frøken Elisabeth bước ra. “Goddag (Chào buổi sáng). Anh muốn nói chuyện
với… Ồ, anh đấy à?
Tôi đã mang tới một gói đồ từ mẹ nàng. Værsaagod. (Xin mời đi
trước.)
Nàng xé cái gói và nhìn vào trong. “Ổ, không ngờ Mama lại nghĩ tới thứ
đó. Cặp kính để xem opera. Chúng tôi đã tới nhà hát rồi… Lúc đầu tôi không nhận
ra anh.”
“Thật thế sao! Đâu có lâu mấy từ khi…”
“Không, nhưng… nói cho tôi biết xem anh có muốn hỏi thăm về ai khác
không? Haha.”
“Có,” tôi đáp.
“Chà, chị ấy không ở đây. Tôi chỉ ở đây với mấy người bà con. Không, chị
ấy ở Victoria.”
“Tốt, cái gói là cho cô,” tôi nói, cố che giấu nỗi thất vọng.
“Chờ chút đã. Tôi sắp đi ra ngoài; chúng ta có thể cùng đi.”
Frøken Elisabeth mặc thêm áo ngoài, cất
tiếng gọi qua một cánh cửa để nói rằng nàng sẽ không đi lâu và sẽ đi với tôi.
Chúng tôi đón một cỗ xe ngựa và tới một quán cà phê yên tĩnh. Frøken Elisabeth nói rằng phải, nàng thích
tới những quán cà phê. Nhưng quán này thì không thú vị cho lắm.
Nàng thích tới chỗ khác chăng?
“Vâng, tới khách sạn Grand."
Tôi ngần ngừ; việc này không an toàn mấy. Tôi đã đi xa khá lâu, và nếu
chúng tôi gặp bất kỳ người quen biết nào, có thể tôi phải nói chuyện với họ.
Nhưng Frøkenen nhất quyết tới Grand.
Nàng đã có vài hôm thực hành ở thủ đô, và đã có được khá nhiều tự tin. Nhưng
trước đây tôi đã rất thích nàng.
Chúng tôi lại ngồi xe tới Grand. Trời đang ngã về chiều. Frøkenen chọn chỗ ngồi ở bàn sáng nhất,
cả người tỏa ra niềm vui rạng rỡ. Tôi gọi ít rượu vang.
“Hiện giờ anh mặc đồ thật là đẹp,” nàng nói, với một tràng cười.
“Tôi không thể bước vào đây đàng hoàng trong bộ đồ lao động.”
“Không, dĩ nhiên không. Nhưng, nói thật tình, cái áo blu đó… tôi nói với
anh những gì tôi nghĩ có được không?”
“Vâng, cứ nói.”
“Cái áo blu hợp với anh hơn.”
Đấy! Quỷ sứ tới mà lấy đi những bộ đồ thành thị! Tôi ngồi đó, đầu óc
tràn ngập những điều khác, và không quan tâm tới kiểu trò chuyện này.
“Cô ở lại thị trấn lâu không?”
“Tới chừng nào Lovise còn ở. Chúng tôi đã mua sắm xong. Không, tôi xin
lỗi; tất cả đều quá ngắn.”
Sau đó nàng lại trở nên vui vẻ và vừa cười vừa hỏi: “Anh có thích sống
với chúng tôi ở vùng nông thôn không?”
“Thích. Đó là một thời gian vui thú.”
“Và anh sẽ sớm trở lại chứ? Haha.”
Có vẻ như nàng đang trêu cợt tôi. Đang cố, dĩ nhiên, tỏ ra nàng nhìn
thấu qua tôi: rằng tôi đã không chơi đùa – đã đóng khá tốt vai trò của một
người làm công miền thôn dã. Nàng thật quá sức trẻ con! Tôi có thể dạy cho
nhiều người làm công biết việc của họ, và có không chỉ một công việc làm ăn ở
mấy đầu ngón tay. Dù trong tiếng gọi thật sự của mình, tôi cố xoay xở để đạt
tới giấc mơ kế tiếp đẹp nhất trong mọi giấc mơ…
“Tôi sẽ đề nghị Papa đóng lên cột một tấm thông báo vào mùa xuân tới,
ghi rằng anh sẵn lòng đặt ống nước các thứ nhé?”
Nàng nhắm mắt lại và bật cười – nàng cười thật vui vẻ.
Tôi bị giằng xé vì phấn khích, và sự vui vẻ của nàng khiến tôi đau đớn,
dù tất cả mọi thứ khá vui. Tôi đưa mắt liếc quanh, cố thu người lại; đây đó có
một người quen gật đầu chào tôi, và tôi đáp lại; mọi thứ dường như rất xa xăm
đối với tôi. Tôi đang ngồi với một cô gái đáng yêu và điều đó khiến mọi người
chú ý chúng tôi.
“Hình như anh biết những người này?”
“Phải, một hai người trong số đó. Cô có đi chơi chỗ nào trong thị trấn
không?”
“Ồ, có, rất nhiều. Tôi có hai người em trai họ hàng ở đây, và còn có bạn
của họ nữa.”
“Anh chàng Erik tội nghiệp, ở chốn thôn quê ngoài kia,” tôi nói đùa.
“Ồ, anh với chàng Erik trẻ tuổi của anh. Không, có một người ở thị trấn
này; anh ta tên Bewer. Nhưng hiện giờ tôi không chơi với anh ta.”
“Ồ, việc đó sẽ không kéo dài.”
“Anh nghĩ thế à? Thật sự tôi khá nghiêm túc về việc này. Tôi nghĩ có thể
tối nay anh ta sẽ tới đây.”
“Cô phải chỉ anh ta cho tôi nếu anh ta tới.”
“Tôi đã nghĩ, khi chúng ta ngồi xe tới đây, rằng anh và tôi có thể ngồi
đây với nhau, anh biết đó, và chọc cho anh ta nổi máu ghen.”
“Đúng, vậy chúng ta sẽ làm thế.”
“Vâng, nhưng… Không, anh phải trẻ hơn một chút mới được. Ý tôi là…”
Tôi miễn cưỡng cười to. Ồ, chúng tôi sẽ xoay xở ổn thôi. Đừng coi thường
những gã già chúng tôi, những gã quá lứa lỡ thì chúng tôi, đôi khi chúng tôi có
thể cực kỳ hữu ích. “Chỉ có điều tốt hơn cô nên để tôi ngồi trên cái trường kỷ
bên cạnh cô, để anh ta không thể thấy tôi bị hói ở sau gáy.”
Chà, nhưng khó mà tiến hành cuộc chuyển hóa nguy hiểm tới tuổi già theo
bất kỳ cách thức lặng lẽ và đẹp mắt nào. Có một sự miễn cưỡng, một vở kịch đầy
nỗ lực ngớ ngẩn và những điệu bộ nhăn nhó, trận đấu chống lại những ai trẻ tuổi
hơn chúng ta, và sự ghen tị.
“Frøken….” Lúc này tôi
hỏi nàng với trọn vẹn trái tim của mình.
“Frøken, cô có thể gọi cho Fru Falkenberg và mời cô ta tới đây được
không?”
Nàng suy nghĩ một lúc.
“Vâng, chúng ta sẽ đi,” nàng nói với vẻ rộng lượng.
Chúng tôi đi tới buồng điện thoại, gọi tới khách sạn Victoria: Fruen ở đó.
“Chị đấy phải không, Lovise? Chị không bao giờ đoán nổi em đang đi với
ai đâu? Chị có tới được không? Ồ, tốt. Bọn em ở Grand. Không, giờ em không thể
nói với chị được. Vâng, dĩ nhiên là một người đàn ông – chỉ có điều hiện giờ
anh ta là một quý ông – em sẽ không nói đó là ai đâu. Chị có tới không? Sao,
chị vừa mới bảo sẽ tới mà! Có ai đó hả? Vâng, được, cứ làm theo ý chị, dĩ
nhiên, nhưng em nghĩ… Vâng, anh ta đang đứng đây. Chị đang vội hả…”
Frøken Elisabeth gác máy và nói ngắn gọn:
“Chị ấy phải tới gặp vài người bạn.”
Chúng tôi quay lại bàn và gọi thêm rượu vang; tôi cố tỏ ra vui vẻ, và đề
nghị gọi sâm-panh. Vâng, cám ơn. Và sau đó, khi chúng tôi đang ngồi đó, Frøkenen đột ngột nói:
“Ồ, Bewer kia rồi! Tôi rất mừng vì chúng ta đang uống sâm-panh.”
Nhưng tôi chỉ có một ý tưởng trong đầu, và lúc này đang được yêu cầu
trình diễn những gì tôi có thể, vờ quyến rũ tiểu thư trẻ tuổi này vì lợi ích
cuối cùng của một kẻ khác, tôi thấy mình đang nghĩ một đàng nói một nẻo. Dĩ
nhiên điều này sẽ dẫn tới tai họa. Tôi không thể gạt cuộc nói chuyện điện thoại
đó ra khỏi đầu; hẳn nàng đã có một ý nghĩ nào đó – đã nhận ra kẻ đang đợi nàng
ở đây chính là tôi. Nhưng tôi đã làm gì chứ? Vì sao tôi bị đột ngột tống cổ
khỏi Øvrebø, và Falkenberg chiếm chỗ của tôi? Hoàn toàn có khả năng Đại úy và
vợ ông không luôn luôn là những người bạn tốt của nhau, nhưng Đại úy đã đánh
hơi thấy sự nguy hiểm khi tôi có mặt ở đó, và muốn giúp cho vợ mình ít nhất
không rơi vào nỗi nhục như thế. Và hiện giờ, nàng ở đây, cảm thấy hổ thẹn vì
tôi đã làm việc ở chỗ của nàng, vì nàng đã dùng tôi làm người đánh xe, và đã
hai lần chia sẻ thức ăn với tôi trên đường. Và nàng còn xấu hổ vì tôi không còn
trẻ nữa…
“Thế này không được đâu,” Frøken
Elisabeth nói.
Vì thế tôi cố trấn tĩnh lại, và bắt đầu nói đủ loại chuyện ngốc nghếch
để làm cho nàng cười. Tôi uống khá nhiều và việc đó có ích; cuối cùng, có vẻ
như nàng thật sự tưởng rằng tôi đang thỏa hiệp với nàng là vì chính nàng. Nàng
tò mò nhìn tôi.
“Không, thật sự, anh có nghĩ là tôi đẹp không?”
“Ồ, xin cô đấy – cô không hiểu sao? – Tôi đang nói về Fru Falkenberg.”
“Suỵt!” Frøken Elisabeth nói.
“Dĩ nhiên đó là Fru Falkenberg; tôi
biết rất rõ điều đó, nhưng anh không cần phải nói vậy… Tôi thật sự nghĩ rằng
chúng ta đang bắt đầu gây được ấn tượng với anh ta ở đằng kia. Chúng ta cứ tiếp
tục như đang làm, và tỏ ra quan tâm.”
Vậy là nói cho cùng nàng không nghĩ rằng tôi đang cố vì chính mình. Dù
sao, tôi đã quá già đối với loại cung cách này. Quỷ sứ bắt nó đi, vâng, dĩ
nhiên.
“Nhưng anh không thể có đựợc Fru
Falkenberg,” nàng nói, bắt đầu lần nữa. “Đó chỉ là chuyện vô vọng.”
“Không, tôi không thể có được nàng. Cả với cô cũng vậy.”
“Anh lại nói về Fru Falkenberg
nữa đấy à?”
“Không lần này là với cô.”
Im lặng.
“Anh có biết tôi đã yêu anh không? Phải, khi tôi còn ở nhà.”
“Việc này thật là thú vị,” tôi nói, rời khỏi chiếc trường kỷ. “Ồ, chúng
ta sẽ nắm được Bewer, đừng lo.”
“Vâng, chỉ là tưởng tượng, tôi từng tới nghĩa trang để gặp anh vào những
buổi tối. Nhưng anh, con người ngốc nghếch, anh chẳng nhìn thấy gì hết.”
“Hiện giờ cô đang nói về Bewer, dĩ nhiên,” tôi nói.
“Không, hoàn toàn là sự thật đấy. Và hôm nọ khi anh đang đào khoai trên
đồng tôi đã tới. Tôi không tới để gặp anh chàng Eric, không hề.”
“Chỉ nghĩ rằng lẽ ra đó là tôi,” tôi đáp, tỏ vẻ u buồn.
“Vâng, dĩ nhiên anh nghĩ điều đó thật lạ lùng. Nhưng thật sự, anh biết
đó, những người sống ở thôn quê cũng phải có ai đó để ưa thích.”
“Fru Falkenberg có nói giống vậy
không?”
“Fru Falkenberg? Không, chị ấy
bảo chị ấy không ưa thích bất cứ người nào, chỉ chơi đàn dương cầm và các thứ
đại loại. Nhưng tôi đang nói về chính mình. Anh có biết tôi có lần tôi đã làm
gì không? Không, thật sự, tôi không thể nói với anh chuyện đó. Anh có muốn biết
hay không?”
“Vâng, nói cho tôi nghe đi.”
“Tốt… vì, nói cho cùng, tôi chỉ là một đứa trẻ con khi so với anh, vì
thế việc này không quan trọng. Đó là khi anh đang ngủ ở kho thóc; một hôm tôi
tới đó và xếp đặt ngay ngắn mấy tấm chăn của anh, và dọn một cái giường đàng
hoàng.”
“Cô đã làm chuyện đó sao,” tôi bật thốt, hoàn toàn chân thật, quên hẳn
vai diễn của mình.
“Anh nên nhìn thấy tôi lẻn vào. Hahaha!”
Nhưng nàng thiếu nữ này chưa đủ tài đóng kịch, nàng thay đổi sắc mặt với
thú nhận nho nhỏ của mình, và bật cười gượng gạo để che đậy sự bối rối.
Tôi cố giúp nàng bình thản lại, và nói:
“Cô biết đó, cô đúng là một người nhân hậu. Fru Falkenberg sẽ không bao giờ làm một điều như thế.”
“Không; nhưng vì chị ấy lớn tuổi hơn. Anh nghĩ chúng tôi cùng tuổi à?”
“Fru Falkenberg có nói là cô
ta không muốn ưa thích bất cứ người
nào không?”
“Có. Ồ, không… phiền quá, tôi không biết. Fru Falkenberg đã kết hôn, dĩ nhiên; chị ấy không nói bất cứ điều
gì. Giờ hãy nói chuyện về tôi trở lại chút đi… Vâng, và anh có nhớ cái lần
chúng ta tới cửa tiệm mua đồ, anh biết đó? Tôi đã đi càng lúc càng chậm để cho
anh đuổi kịp…”
“Phải, cô thật tốt bụng. Và giờ tôi sẽ làm một điều để đáp trả lại cô.”
Tôi đứng lên, bước qua chỗ anh chàng Bewer trẻ tuổi đang ngồi, và hỏi
cậu ta có phiền không khi tới ngồi cùng bàn với chúng tôi. Tôi đưa cậu ta về; Frøken Elisabeth đỏ bừng mặt khi cậu ta
tới. Sau đó tôi nói với hai người trẻ tuổi đó, chúc họ gắn bó với nhau, khi
xong việc, tôi sực nhớ ra còn có một việc phải làm, và phải đi ngay lập tức.
“Tôi rất tiếc phải đi ngay bây giờ. Frøken
Elisabeth, tôi e là cô đã khiến cho tôi choáng váng, khiến tôi hoàn toàn bị
chuốc bùa mê; nhưng tôi nhận ra rằng việc đó chỉ là chuyện vô vọng. Nhân tiện,
đây là một điều tuyệt vời đối với tôi…”
XXXIV
Tôi lê bước tới đường Raadhusgaten, và đứng một hồi cạnh trạm xe ngựa,
quan sát lối vào khách sạn Victoria.
Nhưng dĩ nhiên nàng đã ra ngoài thăm mấy người bạn. Tôi nhắm mắt đưa chân vào
khách sạn, nói chuyện với người gác cửa.
Phải, Fruen đang ở trong phòng
số 12, tầng một.
Vậy bà ta không ra ngoài thăm bạn sao?
Không.
Có phải bà ta chỉ ra ngoài chốc lát không?
Fruen không hề nói thế.
Tôi lại bước ra đường; những người đánh xe vung vẫy những tấm da phủ
chân, mời mọc tôi hạ cố. Tôi chọn một cỗ xe và trèo vào.
“Tới đâu ạ?”
“Cứ ở yên tại chỗ. Tôi thuê anh theo giờ.”
Những gã đánh xe đi quanh xì xào, kẻ bàn thế này, người tán thế kia: ông
ta đang theo dõi khách sạn; ra ngoài để bắt ghen vợ ông ta đang hẹn hò với một
thương gia đi du lịch nào đó.
Phải, tôi đang theo dõi chỗ này. Có ánh đèn trong một hai căn phòng, và
đột nhiên tôi chợt nghĩ ra rằng có thể nàng đang đứng ở một ô cửa sổ và trông
thấy tôi. “Chờ chút,” tôi nói với người đánh xe, và lại đi vào khách sạn.
“Phòng số 12 ở đâu?”
“Tầng một.”
“Nhìn ra đường Raadhusgaten phải không?”
“Vâng.”
“Vậy đó phải là em gái của tôi,” tôi nói, bịa đặt đôi điều để chuồn qua
người gác cửa.
Tôi đi lên cầu thang, và để không cho mình có cơ hội quay lại, tôi gõ
cửa ngay khoảnh khắc tôi nhìn thấy con số. Không trả lời. Tôi gõ lần nữa.
“Có phải hầu phòng không?” từ trong phát ra một giọng nói.
Tôi không thể đáp phải; giọng tôi sẽ phản bội tôi. Tôi thử xoay nắm cửa
– cửa đã bị khóa. Có lẽ nàng e rằng tôi có thể tới; có thể nàng đã nhìn thấy tôi
ở bên ngoài.
“Không, đây không phải là người hầu phòng,” tôi nói, và tôi có thể nghe
những từ run rẩy một cách lạ lùng ra sao.
Sau đó tôi đứng lắng nghe hồi lâu; tôi có thể nghe tiếng ai đó di chuyển
bên trong, nhưng cửa vẫn đóng. Rồi có hai hồi chuông ngắn từ một trong những
căn phòng dưới sảnh. Hẳn đó là nàng, tôi tự nhủ; nàng đang cảm thấy khó chịu,
và đã ấn chuông gọi người hầu phòng. Tôi bước xa khỏi cửa, để tránh bất kỳ sự
lúng túng nào cho nàng, và, khi người hầu phòng tới, tôi bước ngang qua như thể
đang đi xuống thang. Lúc ấy người hầu phòng nói, “Phải, hầu phòng đây,” và cửa
mở.
“Không, không,” người hầu phòng nói; “chỉ có một quý ông đang xuống
thang.”
Tôi nghĩ tới việc lấy một phòng ở khách sạn, nhưng ý tưởng này khiến tôi
khó chịu; nàng không phải là một bà vợ bỏ trốn để hẹn hò với những thương gia
đi du lịch. Khi xuống tới dưới, tôi nhận xét với người gác cửa rằng hình như Fruen đang nằm nghỉ.
Sau đó tôi bước ra ngoài và lại chui vào xe. Thời gian trôi qua, cả một
giờ; người đánh xe muốn biết tôi có thấy lạnh không? Ờ, có, chút xíu. Tôi đang
chờ ai đó hay sao? Phải… Anh ta đưa cho tôi tấm chăn cất trong thùng xe, và tôi
boa cho anh ta tiền đủ để mua một ly rượu vì sự chu đáo đó.
Thời gian tiếp tục trôi; giờ này sang giờ khác. Lúc này những người đánh
xe trò chuyện không chút úp mở, nói thẳng với nhau rằng tôi đang khiến cho lũ
ngựa lạnh cóng cho tới chết.
Không, việc này không hay ho chút nào. Tôi trả tiền cho người đánh xe,
trở về nhà, và viết lá thư sau:
“Cô không cho phép tôi viết cho cô;
cô có cho phép tôi được gặp cô lần nữa hay không? Tôi sẽ ghé thăm cô ở khách
sạn lúc năm giờ chiều mai.”
Tôi có nên xác định một thời điểm sớm hơn? Nhưng ánh sáng buổi sáng quá
tỏ; nếu tôi xúc động và miệng tôi bị co giật, có thể trông tôi sẽ rất đáng sợ.
Tôi mang lá thư tới khách sạn rồi lại trở về nhà.
Một đêm dài – ôi, những giờ đó mới dài làm sao! Khi tôi nên ngủ, thả
lỏng thân người và nghỉ ngơi thư giãn, tôi lại không thể. Ngày lên, và tôi ngồi
dậy. Sau một hồi lang thang qua những con phố, tôi lại trở về nhà, và ngủ.
Nhiều giờ trôi qua. Khi thức giấc và tỉnh táo trở lại, tôi vội vàng nôn
nóng tới buồng điện thoại để hỏi xem Fruen
có đi chưa.
Chưa, Fruen chưa đi.
Tạ ơn Trời, hình như nàng không muốn lẫn tránh tôi; hẳn nàng đã nhận
được thư của tôi từ lâu. Không; tôi đã ghé vào một giờ gây lúng túng vào chiều
hôm trước, chỉ thế thôi.
Tôi ăn một chút gì đó, nằm xuống, và lại ngủ. Khi tôi thức trời đã xế.
Tôi lại lảo đảo bước vào buồng điện thoại và gọi như lần trước.
Không, Fruen chưa đi. Nhưng
hành lý của bà ấy đã sắp xếp xong. Bà ấy sẽ ra ngoài ngay bây giờ.
Tôi chuẩn bị ngay tức khắc, và vội vã vòng qua đường Raadhusgaten để
đứng canh chừng. Trong khoảng nửa giờ tôi nhìn thấy một số người vào ra, nhưng
không có người tôi tìm kiếm. Giờ đã là năm giờ, tôi đi vào và nói với người gác
cửa.
Fruen đã đi.
Đã đi rồi?
“Có phải ông đã gọi không? Bà ấy ra đúng lúc đó và lấy các thứ hành lý.
Nhưng ở đây tôi có một lá thư.”
Tôi nhận lá thư, không mở nó ra, mà chỉ hỏi giờ tàu chạy.
“Tàu chạy lúc 4 giờ 45,” người gác cửa nói, nhìn vào đồng hồ đeo tay.
“Giờ là năm giờ.”
Tôi đã vất đi nửa giờ khi đứng canh ở bên ngoài.
Tôi ngồi xuống một bậc thềm, nhìn chòng chọc vào sàn nhà.
Người gác cửa tiếp tục nói. Hẳn anh ta đã biết rõ đó không phải là em
gái của tôi.
“Tôi đã nói với Fruen có một
quý ông vừa gọi tới. Nhưng bà ta chỉ nói bà ta không có thì giờ, và nhờ tôi đưa
cho ông lá thư này.”
“Khi cô ấy đi có một tiểu thư khác đi cùng hay không?”
“Không.”
Tôi đứng dậy và bước ra ngoài. Trên phố, tôi mở thư ra và đọc:
“Anh đừng theo đuổi tôi nữa—”
Tôi thờ ơ cất lá thư vào túi. Nó không làm cho tôi ngạc nhiên, không tạo
ra ấn tượng gì mới mẻ. Hoàn toàn mang tính chất đàn bà, những từ vội vã, viết
trong cơn bốc đồng, với đường gạch dưới và một dấu gạch ngang…
Rồi tôi chợt nghĩ ra việc đi sang địa chỉ của Frøken Elisabeth; vẫn còn một tia hy vọng. Tôi nghe tiếng chuông
cửa reo bên trong nhà khi ấn chuông, và đứng lắng nghe như thể đang ở trong một
sa mạc hoang vu.
Frøken Elisabeth đã đi trước đó một giờ.
Sau đó là rượu vang, và rồi whisly. Và rồi whisky vô tận. Và suốt hai
mươi mốt ngày rượu chè be bét, trong thời gian đó một tấm màn buông xuống và
giấu đi ý thức trần gian của tôi. Trong tình trạng này, một ngày nọ tôi chợt
nảy ra ý nghĩ gửi một vật tới một ngôi nhà nhỏ ở miền quê. Nó là một cái gương
soi, có khung mạ vàng rực rỡ. Và nó được gửi tới một bé gái, tên là Olga, một
tạo vật ngọt ngào, gợi niềm thương cảm, như một chú bê non.
Phải, vì tôi vẫn chưa hồi phục khỏi cơn suy nhược thần kinh.
Cái cưa đang nằm trong phòng tôi. Nhưng tôi không thể lắp nó lại, vì các
bộ phận bằng gỗ to nặng nhất tôi đã bỏ lại tại nhà ông mục sư ở vùng quê. Giờ
nó không quan trọng gì mấy, tình yêu của tôi đối với vật đó đã lụi tàn. Những
người bạn mắc chứng suy nhược thần kinh của tôi, hãy tin tôi, loại người như
chúng ta thật vô dụng với tư cách là những con người, và thậm chí chúng ta
không có ích gì cho bất cứ loài thú vật nào.
Tôi cho là một ngày nào đó tôi sẽ chán ngán tình trạng vô tri vô giác
này, lại lên đường ra đi và sống trên một hòn đảo thêm lần nữa.
HẾT
[1] Forakte, nghĩa đen là khinh khi. Rõ ràng từ này bị cô gái sử
dụng sai, thật ra cô ta định nói là “làm hỏng”, mục đích của tác giả là tạo ấn
tượng về sự “tội nghiệp” đầy cảm động, giống như chi tiết những ngón tay dính
thuốc nhuộm cũng như những điệu bộ và thái độ bối rối của cô ta sẽ được đề cập
sau đây.
[2] Viên
chức hành chánh cấp xã thời bấy giờ ở Na Uy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét