Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Tới ngọn hải đăng - Chương I - V





KHUNG CỬA SỔ


1

“Ừ, dĩ nhiên, nếu ngày mai trời đẹp,” bà Ramsay bảo. “Nhưng con phải dậy thật sớm,” bà nói thêm.
Những lời này mang lại cho con trai bà một niềm vui to lớn, như thể sự việc đã được ấn định, chuyến du hành sắp diễn ra, và điều tuyệt diệu mà nó từng mong mỏi, dường như đã suốt nhiều năm, sau một đêm ngon giấc và một ngày đi thuyền, sẽ nằm trong tầm tay với. Dù chỉ mới lên sáu, nó thuộc về một gia tộc lớn, nơi những người trong đó không thể kềm giữ được cảm giác này, mà phải để cho viễn cảnh tương lai với những vui buồn che khuất đi những gì thật sự diễn ra trước mắt, vì đối với họ, thậm chí khi đang còn thơ ấu, bất kỳ một biến chuyển nào trong cảm giác đều có khả năng kết tinh lại và xuyên thấu qua cái khoảnh khắc chứa đựng sự rực rỡ hay u ám đó. Trong khi mẹ nó nói, James Ramsay đang ngồi trên sàn, vừa cắt các bức tranh từ trong cuốn danh mục hàng hóa có minh họa của cửa hàng Quân đội và Hải quân vừa thả hồn vào bức ảnh một cái tủ lạnh với niềm hạnh phúc tuyệt trần. Bức ảnh được viền quanh với sự hân hoan. Chiếc xe cút kít, cái máy xén cỏ, tiếng reo của hàng cây dương, những chiếc lá trắng trước cơn mưa, những con quạ kêu quàng quạc, những cây chổi lê quèn quẹt, những bộ váy sột soạt – tất cả những thứ này quá rực rỡ sắc màu và hiển hiện rõ ràng trong tâm trí nó. Như thể nó đã tạo ra thứ mật mã, ngôn ngữ bí mật riêng của nó. Nó có một vẻ ngoài nghiêm nghị và kiên quyết, với bộ trán cao và đôi mắt xanh lơ dữ dội, trong sáng và hoàn toàn thẳng thắn, lúc này hơi cau lại như đang nhìn thấy tình cảnh yếu đuối mong manh của con người, khiến cho mẹ nó, khi nhìn nó hướng mũi kéo một cách khéo léo quanh bức ảnh cái tủ lạnh, tưởng tượng rằng nó đang ngồi trên ghế quan tòa trong chiếc áo đỏ hay đang chỉ đạo một công việc nghiêm túc và quan trọng trong một cuộc khủng hoảng về các vấn đề công chúng của công ty.
“Nhưng trời sẽ không đẹp.” Cha nó nói, ông đang ngồi trước cửa sổ phòng khách.
Giá mà có một cái rìu gần đó, một cái que cời than, hay bất kỳ thứ vũ khí nào có thể khoét một cái lỗ trên ngực của cha nó và giết chết ông ngay tại chỗ, hẳn là James sẽ vớ lấy ngay. Đó là những cảm xúc cực đoan mà ông Ramsay gây ra trong lòng những đứa con, chỉ đơn thuần do sự hiện diện của ông; lúc này ông đang đứng, gầy còm mỏng dính như một lưỡi dao, cười nhạt một cách mỉa mai, không chỉ với niềm vui đã phá tan ảo tưởng của thằng con và chế giễu vợ mình, người tốt hơn ông gấp hàng ngàn lần về mọi mặt (theo James nghĩ), mà còn với một niềm tự phụ kín đáo về sự xét đoán chính xác của chính ông. Những gì ông nói đều đúng. Luôn luôn đúng. Ông không có khả năng nói dối; không bao giờ bẻ cong sự thật; không bao giờ chữa lại một từ khó nghe để chiều lòng bất kỳ một người nào, nhất là đối với lũ trẻ của ông. Những đứa con cật ruột của ông phải ý thức được ngay từ thuở ấu thơ rằng cuộc sống thì khó khăn; những thực tế không hề nhân nhượng; và con đường đi tới mảnh đất hoang đường, nơi những hy vọng chói ngời nhất của chúng ta tiêu tan, những con thuyền mong manh của chúng ta chìm vào bóng tối, (nghĩ tới đây ông Ramsay ưỡn thẳng lưng lên và nheo đôi mắt nhỏ xanh lơ nhìn về phía chân trời) cần có, trên hết thảy mọi thứ, lòng dũng cảm, chân lý và sức mạnh để tồn tại.
“Nhưng trời có thể đẹp, tôi mong là trời sẽ đẹp.” Bà Ramsay nói với vẻ nhẫn nhịn, quấn vài vòng chỉ trên chiếc tất màu nâu đỏ mà bà đang đan. Nếu bà hoàn tất nó trong tối nay, nếu họ ra ngọn hải đăng, bà sẽ trao nó cho người gác hải đăng để cho đứa bé trai con ông ta dùng, thằng bé đang bị đe dọa bởi bệnh lao; và thêm một chồng tạp chí cũ, một ít thuốc lá, thật ra là bất cứ thứ gì mà bà có thể tìm thấy nằm quanh quất đâu đó, không thật sự cần dùng mà chỉ làm căn phòng thêm bừa bãi, để mang lại cho những con người tội nghiệp đó chút ít niềm vui. Hẳn họ phải chán đến chết được khi cứ ngồi suốt cả ngày mà chẳng có gì để làm ngoài việc lau chùi cái đèn, khêu bấc đèn và cào xới quanh mảnh vườn nhỏ của họ. Bởi bạn làm sao thích được việc phải ngậm miệng suốt cả tháng trời, có thể còn lâu hơn, vào mùa mưa bão, trên một tảng đá chỉ to bằng cái sân tennis? bà hỏi; và chẳng có thư từ hay báo chí gì hết, chẳng nhìn thấy một người nào hết; nếu bạn đã lấy vợ thì bạn sẽ không thể gặp vợ, không biết lũ con bạn ra sao… chúng có bị đau ốm không, chúng có bị té ngã và gãy chân gãy tay gì không; bạn chỉ nhìn thấy những lượn sóng ảm đạm vỡ tung hết tuần này sang tuần khác, rồi một cơn bão kinh khủng kéo tới, và những cánh cửa sổ phủ đầy bụi nước, những con chim lao vào chiếc đèn, toàn thể ngọn hải đăng rung chuyển, và bạn không thể ló đầu ra khỏi cửa vì sợ sẽ bị cuốn vào lòng biển. Làm sao các con thích được điều đó? bà hỏi, hướng về phía các đứa con gái. Vì thế – bà nói thêm, giọng hơi khác lạ – người ta phải mang tới cho họ bất kỳ sự an ủi nào có thể.
“Đúng ngay hướng tây,” cái gã vô thần Tansley bảo, mấy ngón tay gầy trơ xương của anh ta xòe rộng ra để cho cơn gió thổi qua chúng, vì anh ta đang chia sẻ cuộc đi bộ buổi tối cùng ông Ramsay, qua qua lại lại trước hiên nhà. Nói thế có nghĩa là gió thổi từ hướng bất lợi nhất cho việc đi ra ngọn hải đăng. Phải, anh ta đã nói những điều khó nghe, bà Ramsay thừa nhận; anh ta thật đáng ghét khi lặp lại chuyện này và khiến cho James thêm thất vọng; nhưng đồng thời, bà sẽ không để cho chúng cười nhạo anh ta. “Gã vô thần,” chúng gọi anh ta như thế, “gã vô thần bé nhỏ”. Rose chế nhạo anh ta; Prue chế nhạo anh ta; Andrew, Jasper, Roger chế nhạo anh ta; thậm chí cả con chó già Badger không còn cái răng nào cũng đã đớp anh ta vì (theo lời của Nancy) anh ta là gã trai trẻ thứ một trăm mười cứ bám theo chúng trong suốt quãng đường tới quần đảo Hebrides khi mà mọi thứ sẽ tuyệt diệu hơn nhiều nếu được yên thân.
“Vô lý,” bà Ramsay nói, với vẻ rất nghiêm khắc. Ngoài thói quen hay phóng đại mà chúng đã thừa hưởng từ bà, và ngoài hàm ý rằng (điều này đúng) bà đã mời quá nhiều người tới ở, và đã phải thu xếp để một số người có chỗ ngụ trong thị trấn, bà không thể chịu được thái độ bất lịch sự đối với những vị khách của bà, nhất là những người trẻ tuổi, nghèo như ăn mày, “có tài năng đặc biệt” này, theo lời của chồng bà, họ là những người rất ngưỡng mộ ông, và tới đó để hưởng một kỳ nghỉ lễ. Thật sự, bà đặt toàn bộ nam giới dưới sự bảo vệ của mình; vì những lý do mà bà không thể lý giải, vì phong cách hào hoa và dũng cảm của họ, vì thực tế rằng họ đã đàm phán những bản hiệp ước, đã thống trị Ấn Độ, đã kiểm soát nền tài chính; cuối cùng là vì một thái độ cư xử mà không người phụ nữ nào lại không cảm thấy dễ chịu, một cái gì đó chân thật, ngây thơ, tôn kính, đối với chính bản thân bà; một thái độ mà một người phụ nữ lớn tuổi có thể tiếp nhận từ một chàng trai trẻ nhưng vẫn không đánh mất đi phẩm giá, và có thể gây ra đau khổ cho một cô gái – tạ ơn trời đất, đó không phải là một trong những đứa con gái của bà! – kẻ không cảm nhận được giá trị của nó, và tất cả những gì mà nó bao hàm, cho tới tận cùng xương tủy của cô ta!
Bà quay sang nghiêm khắc nhìn Nancy. Anh ta không bám theo chúng, bà nói. Anh ta đã được yêu cầu.
Họ phải tìm một cách để thoát ra khỏi tất cả những chuyện này. Có thể có một phương cách nào đó đơn giản hơn, ít nặng nề hơn, bà thở dài. Khi bà nhìn vào gương và trông thấy mái tóc điểm bạc, đôi má đã hơi phị của mình, ở tuổi năm mươi, bà nghĩ, có lẽ bà có thể điều hành mọi sự tốt hơn – chồng bà; tiền bạc; những quyển sách của ông ấy. Nhưng về phần của chính bà, bà không bao giờ hối tiếc dù chỉ một giây về sự quyết định của mình, không bao giờ lẩn trốn những khó khăn, hay bỏ qua các bổn phận. Lúc này trông bà thật kinh khủng. Chỉ sau khi bà đã nói với vẻ rất nghiêm khắc về Charles Tansley, đám con gái của bà, Prue, Nancy, Rose, vẫn đang im lặng ngước nhìn lên từ dĩa thức ăn của chúng, mới có thể thả hồn theo những ý tưởng phi tín ngưỡng mà chúng đã ấp ủ cho chính chúng về một cuộc sống khác hẳn với cuộc sống của bà; ở Paris, có lẽ thế; một cuộc sống hoang đàng phóng túng hơn, không phải luôn luôn chăm sóc cho người đàn ông này hay người đàn ông nọ; vì trong tâm trí của tất cả bọn chúng có một câu hỏi không thốt thành lời về sự tôn kính và tác phong lịch thiệp, về ngân hàng nước Anh và vương quốc Ấn Độ, về những ngón tay đeo nhẫn và những dải ren, dù đối với cả bọn trong câu hỏi này có một cái gì đó về bản chất của cái đẹp đã gợi lên nam tính trong trái tim thiếu nữ của chúng, và khiến cho chúng, trong lúc đang ngồi quanh bàn dưới đôi mắt của mẹ chúng, phải tôn vinh sự nghiêm trang kỳ lạ của bà, vẻ lịch sự tột cùng của bà, bà giống như một bà hoàng đứng lên từ một bãi bùn để rửa bàn chân dơ bẩn của một gã ăn mày khi nghiêm khắc khiển trách chúng vì cái gã vô thần xấu xa đã nhũng nhẵng bám theo chúng – hay, nói một cách chính xác – đã được mời ở lại với chúng, trên đảo Skye. 
“Sẽ không có chuyến đi ra ngọn hải đăng nào cả vào ngày mai,” Charles Tansley nói, vỗ hai bàn tay vào nhau khi anh ta đứng bên cửa sổ cùng chồng bà. Chắc chắn là anh ta đã nói quá đủ. Bà ước gì cả hai người bọn họ để cho bà và James yên thân và cứ tiếp tục chuyện trò. Bà nhìn anh ta. Anh ta là một mẫu người khốn khổ, lũ trẻ nói, chỉ toàn xương với da. Anh ta không thể chơi môn crikê; anh ta soi mói; anh ta hay dao động. Anh ta là một tên lỗ mãng hay châm chọc, Andrew nói. Chúng biết điều mà anh ta thích nhất: cứ đi mải miết, qua lại, lại qua, cùng với ông Ramsay, và bảo rằng ai đã thắng cuộc này, ai đã thắng cuộc nọ, ai là “đệ nhất tài tử” về thơ tiếng Latin, ai là người “thông minh nhưng tôi nghĩ về cơ bản có khiếm khuyết”, ai mà không còn ngờ gì nữa là “người tài ba nhất ở Balliot,” kẻ đã tạm thời vùi chôn ánh sáng của anh ta ở Bristol hay Belford, nhưng sẽ được biết tới về sau này khi Lời tựa sách của anh ta, nói về một phân ngành toán học hay triết học gì đó, được công bố – Tansley có vài trang đầu của nó để làm chứng cứ nếu ông Ramsay muốn xem qua. Đó là những điều mà họ nói với nhau.
Đôi khi bà không khỏi bật cười một mình. Một hôm, bà nói đôi điều gì đó về “những lượn sóng cao như núi”. Vâng, Charles Tansley nói, nó khá là dữ dội. “Anh không bị ướt như chuột lột đấy chứ?” bà hỏi. “Hơi bị ướt chút ít thôi,” Tansley vừa nói vừa vén tay áo lên và sờ sờ vào đôi vớ.
Nhưng đó không phải là điều mà chúng quan tâm tới, lũ trẻ bảo. Không phải ở gương mặt của anh ta; không phải ở những cung cách của anh ta. Mà ở chính anh ta – quan điểm của anh ta. Khi chúng nói về một điều thú vị, mọi người, âm nhạc, lịch sử các thứ, thậm chí nói là buổi tối khá đẹp trời thế nên vì sao lại không ra ngoài ngồi hóng mát, thế rồi điều mà chúng phàn nàn về con người của Charles Tansley là lúc anh ta xoay chuyển hoàn toàn tình thế và bằng cách nào đó biến câu chuyện thành ra một sự phản ánh về chính anh ta và làm ra vẻ khác biệt với chúng – anh ta không hài lòng. Và khi anh ta tới những phòng trưng bày tranh, chúng bảo, anh ta sẽ hỏi một ai đó rằng người đó có thích cái cà vạt của anh ta không. Có Chúa biết, Rose bảo, người đó chẳng thích chút nào.    
Lén lút biến khỏi bàn ăn ngay sau khi bữa ăn kết thúc, tám đứa con trai và con gái của ông bà Ramsay chuồn về phòng ngủ, thành trì của chúng trong một ngôi nhà nơi chẳng có một chút riêng tư nào để tranh cãi về bất cứ điều gì hay về mọi thứ: cái cà vạt của Tansley; việc thông qua đạo luật Cải cách; những con chim biển và bươm bướm; mọi người; trong khi đó mặt trời rọi nắng xuống những căn gác mái giống như một mảng ván tách rời khỏi các mảnh khác khiến cho người ta có thể nghe thấy mơ hồ tiếng mỗi bước chân và tiếng khóc của cô gái Thụy Sĩ nhớ thương người cha đang hấp hối vì bệnh ung thư trong một thung lũng ở Grisons và soi sáng những con dơi, những bộ quần áo bằng vải fla-nen, những chiếc nón rơm, những bình mực, những lon sơn, những con ong, và sọ của những con chim nhỏ, trong lúc nó cuốn lên từ những dải rong biển dính vào tường mùi của muối và cỏ dại, cái mùi có cả trong những chiếc khăn tắm còn lợn cợn những cát sau khi tắm.
Sự gây gỗ, các phe phái, những khác biệt về ý kiến, những thành kiến bện vào từng thớ sợi của cuộc sống, ôi, chúng bắt đầu mấy thứ đó quá sớm, bà Ramsay xót xa. Chúng có đầu óc phê phán, lũ nhóc của bà. Nhưng chúng nói toàn những điều vớ vẩn. Bà rời khỏi phòng ăn, tay kéo theo James, vì nó không đi cùng với mấy đứa kia. Với bà, dường như đó là những điều vớ vẩn – khám phá ra những khác biệt, khi mọi người, có trời đất biết, đã quá khác biệt với nhau rồi. Những khác biệt thật sự là đã quá đủ, bà nghĩ khi đứng ở cửa sổ phòng khách, quá xá đủ. Vào khoảnh khắc đó, bà chìm vào suy ngẫm, về giàu và nghèo, về cao và thấp; về sự vĩ đại bẩm sinh thừa hưởng từ bà, với nửa phần là ác cảm, và nửa phần là lòng tôn kính, vì hẳn là trong huyết quản của bà đã không có dòng máu cao quý đó, nếu không có ngôi nhà Ý hơi nhuốm vẻ hoang đường, nơi các cô con gái tản mác trong những căn phòng khách kiểu Anh vào thế kỷ mười chín đã rù rì rủ rỉ một cách đáng yêu, đã nổi cơn thịnh nộ một cách điên rồ, và toàn bộ trí thông minh, ngoại hình và tính nết của bà xuất phát từ đó chứ không phải từ người Anh uể oải hay người Tô Cách Lan lạnh lùng; nhưng bà còn suy ngẫm tới một vấn đề khác, sâu sắc hơn, về sự khác biệt giàu nghèo, và những điều mà bà tận mắt chứng kiến hàng tuần, hàng ngày, ở đây hay ở London, khi bà ghé thăm người quả phụ này hoặc người vợ đang chật vật kia với một cái giỏ trên tay, và một cuốn sổ với cây bút mà với chúng bà viết vào các cột được kẻ một cách cẩn thận những khoản tiền công và chi tiêu, khi có việc làm và khi thất nghiệp, với niềm hy vọng rằng nhờ đó bà có thể thôi là một phụ nữ mà trong lòng từ thiện của người đó có nửa phần là nhằm xoa dịu lòng căm phẫn, còn nửa phần là để giảm bớt tính hiếu kỳ, để trở thành cái mà bà vô cùng ngưỡng mộ với bộ óc không được trui rèn của mình, một nhà nghiên cứu điều tra có thể lý giải các nan đề xã hội.
Đối với bà, dường như chúng là những vấn đề vô phương giải quyết, khi bà đứng đó, giữ James lại bằng một tay. Anh ta đã đi theo bà tới phòng khách, cái gã trẻ tuổi mà lũ trẻ đã chế nhạo; anh ta đang đứng kế cái bàn, bồn chồn lúng túng vì một điều gì đó, cảm thấy bản thân anh ta trở nên lạc lõng với mọi thứ, như bà biết mà không cần nhìn lại. Tất cả bọn họ đã đi khỏi – lũ trẻ; Minta Doyle và Paul Rapley; Augustus Carmichael; chồng bà – tất cả bọn họ đã đi khỏi. Thế là bà quay sang với một tiếng thở dài và bảo, “Anh có thấy chán khi đi với tôi không, anh Tansley?”
Bà có đôi việc vặt tẻ nhạt trong thị trấn; bà có một hai lá thư cần viết; có lẽ bà cần khoảng mười phút; bà sẽ đội mũ vào. Rồi, với cái giỏ và cái dù, bà quay trở lại đó, mười phút sau, tỏ ra đã sẵn sàng, đã được trang bị cho một cuộc đi dạo. Tuy vậy, bà phải dừng lại một lúc, khi họ đi ngang sân tennis, để hỏi ông Carmichael – người đang nằm tắm nắng với đôi mắt vàng như mắt mèo mở hé, và cũng như đôi mắt của một con mèo, dường như chúng đang phản chiếu những nhánh cây lay động hay những đám mây lướt ngang qua, nhưng không hề gợi lên bất kỳ ý nghĩ hay tình cảm nào bên trong nội tâm –  xem ông ta có cần một thứ gì đó hay không.
Vì họ đang thực hiện một chuyến thám hiểm lớn, bà bảo, cười to. Họ sẽ đi vào thị trấn. “Có cần tem, giấy viết, thuốc lá gì không? bà đề nghị, dừng lại bên cạnh ông ta. Nhưng không, ông ta không cần gì cả. Đôi bàn tay của ông ta đan vào nhau trên cái bụng phệ to tướng, đôi mắt ông ta nhấp nháy, như thể muốn thân ái đáp lại những lời tán tỉnh này (bà khá quyến rũ nhưng hơi nóng nảy chút ít) nhưng không thể, rồi lại chìm đắm, như lúc nãy, vào một trạng thái lơ mơ xanh-xám đang trùm lên tất cả bọn họ, không cần đến ngôn từ, trong một cơn mơ màng mênh mông khoáng đãng; toàn bộ ngôi nhà, toàn bộ thế giới; toàn bộ mọi người trong đó, vì trong bữa ăn trưa ông ta đã nhỏ vào ly của mình một vài giọt gì đó. Chúng lý giải cho, bọn trẻ nghĩ, cái vệt sáng màu vàng hoàng yến trên bộ ria mép và râu cằm bình thường trắng đục màu sữa. Không, không gì cả, ông ta lẩm bẩm.
Lẽ ra ông ta phải là một triết gia vĩ đại, bà Ramsay nói, khi họ đi xuôi xuống con đường dẫn tới làng chài, nhưng ông ta đã có một cuộc hôn nhân bất hạnh. Giữ rất thẳng cây dù, và di chuyển với một vẻ nôn nao mong chờ không thể tả, như thể bà sắp gặp một ai đó ở góc đường, bà kể lại câu chuyện; một mối tình ở Oxford với một cô gái nào đó; một cuộc hôn nhân sớm; sự nghèo khổ; sang Ấn Độ; dịch một ít thơ “rất diễm lệ, tôi tin là vậy,” sẵn lòng dạy cho bọn trẻ tiếng Ba Tư hay tiếng Ấn, nhưng những thứ đó có ích gì? – và rồi nằm đó, như họ thấy, trên sân tennis.
Câu chuyện làm cho anh ta thỏa dạ; một kẻ từng bị hắt hủi như anh ta, anh ta thấy an ủi vì bà Ramsay đã kể cho anh ta nghe chuyện này. Charles Tansley đã hồi sinh. Khi nói bóng gió xa xôi về trí tuệ vĩ đại của con người, ngay cả trong sự suy tàn của nó, về sự khuất phục của tất cả những bà vợ – không phải bà đổ lỗi cho cô gái đó, và cuộc hôn nhân cũng từng rất hạnh phúc, bà tin là thế – đối với công việc của các đấng phu quân của họ, bà khiến cho anh ta cảm thấy hài lòng hơn với bản thân, điều chưa từng xảy ra đối với anh ta, và anh ta muốn, nếu như họ bắt một cuốc taxi, chẳng hạn, anh ta sẽ trả tiền. Còn về phần cái giỏ nhỏ của bà, anh ta có thể xách hộ không? Không, không, bà bảo, bà luôn tự mình mang cái giỏ. Bà cũng đã làm như vậy. Vâng, anh ta cảm thấy điều đó ở bà. Anh ta cảm nhận được nhiều điều, đặc biệt là một điều khiến anh ta trở nên kích động và bất an vì những nguyên nhân mà anh ta không thể đưa ra. Anh ta thích được bà nhìn thấy mình đang khoác áo choàng và đội mũ giáo sư, bước đi trong một đám diễu hành. Một nghiên cứu sinh, một giáo sư, anh ta cảm thấy thừa khả năng về bất cứ điều gì và nhìn thấy chính mình. Nhưng bà đang nhìn ai thế? Nhìn một người đàn ông đang dán một tờ quảng cáo. Tờ giấy rộng tung bay phần phật, tự bung ra, và mỗi nhát cọ lại làm hé lộ ra những đôi chân mơn mởn, những vòng váy, những con ngựa, những màu đỏ chóe và xanh dương lấp lánh, mượt mà diễm lệ, cho tới khi phân nửa bức tường đã được che phủ bởi tấm tranh quảng cáo về một gánh xiếc; một trăm kỵ sĩ, hai mươi con hải cẩu, sư tử và cọp đang biểu diễn… Nghểnh cổ về phía trước, vì bà bị cận thị, bà đọc thành tiếng… “sẽ ghé thăm thị trấn này,” bà đọc. Đây là một công việc nguy hiểm kinh khủng đối với một người chỉ có một cánh tay, bà phàn nàn, khi đứng trên đầu một cái thang như thế – cánh tay trái của ông ta đã bị cắt lìa trong một cái máy gặt lúa hai năm trước.
“Chúng ta đi thôi!” bà kêu lên, tiếp tục bước, như thể tất cả những kỵ sĩ và những con ngựa đó đã trút đầy vào lòng bà niềm vui sướng trẻ con và khiến cho bà quên đi sự trắc ẩn của mình.
“Chúng ta đi thôi,” anh ta lắp bắp lặp lại lời bà, tuy nhiên, với một vẻ e dè khiến cho bà nhăn mặt. “Chúng ta hãy đi tới chỗ gánh xiếc.” Không. Anh ta đã không thể nói đúng về việc đó. Anh ta đã không thể cảm nhận đúng về nó. Nhưng tại sao không? bà tự hỏi. Có gì trục trặc ở anh ta vậy? Ngay lúc này, bà thấy mến anh ta một cách ấm áp chân thành. Không phải họ đã từng được dắt tới những gánh xiếc khi còn bé hay sao? Không bao giờ, anh ta trả lời, như thể bà hỏi đúng ngay điều mà anh ta đã mong muốn, đã khao khát được nói ra trong suốt những ngày này, rằng vì sao anh ta đã không tới chỗ những gánh xiếc.
Đó là một gia đình đông con, chín anh chị em tất cả, và cha của anh ta là một người lao động. “Cha tôi là một người bán dược phẩm. Ông coi sóc một cửa hàng.”Bản thân anh ta phải tự bươn chải từ năm lên mười ba tuổi. Thông thường anh ta ra khỏi nhà vào mùa đông mà chẳng có một cái áo khoác nào trên người. Anh ta không bao giờ có thể “phóng khoáng đáp lại” (đó là những lời nghẹn ngào khô khốc của anh ta) hồi ở trường đại học. Anh ta phải làm những việc kéo dài gấp đôi thời gian so với người khác; anh ta hút loại thuốc lá rẻ tiền nhất; thuốc rê; giống như loại thuốc mà những ông già hút trong các bến cảng. Anh ta làm việc vất vả – bảy giờ đồng hồ một ngày; đề tài của anh ta lúc này là ảnh hưởng của một điều gì đó lên một ai đó – họ đang tiếp tục đi và bà Ramsay không hoàn toàn hiểu ý nghĩa của những từ ở đoạn này đoạn khác… bài luận văn… nghiên cứu sinh… phó giáo sư… giảng viên. Bà không thể hiểu kịp những thuật ngữ hàn lâm đang liếng thoắng tuôn ra đó, nhưng tự nhủ rằng bây giờ bà đã hiểu vì sao việc tới chỗ gánh xiếc đã lột lưỡi anh ta, anh chàng tội nghiệp, và vì sao lúc này anh ta đang dốc bầu tâm sự về tất cả những chuyện đó, về cha mẹ, anh chị em của anh ta, và bà thấy rằng các con bà không nên chế nhạo anh ta nữa; bà sẽ bảo với Prue về chuyện này. Chắc hẳn điều mà anh ta muốn, bà nghĩ, là nói ra lý do vì sao anh ta đã tìm tới không phải là gánh xiếc mà là Ibsen[1] cùng với gia đình Ramsay. Anh ta là một gã hợm mình… ồ, phải, một gã đáng chán không chịu nổi. Bởi lẽ, dù lúc này họ đã tới thị trấn và đang đi trên con lộ chính, với những cỗ xe ngựa lăn bánh trên mặt đường rải đá, anh ta vẫn tiếp tục nói, về những cuộc thỏa thuận, việc dạy học và những người lao động, về việc giúp đỡ giai cấp của chúng ta, và những bài giảng, cho tới khi bà đoán rằng anh ta đã hoàn toàn lấy lại được sự tự tin, đã hồi phục lại từ chuyện gánh xiếc, và sắp sửa (bây giờ bà lại cảm thấy yêu mến anh ta nồng nhiệt) kể cho bà nghe… nhưng tại đây, nơi những ngôi nhà khuất xa ở cả hai bên đường, họ đi ra phía bến cảng. Toàn cảnh cái vịnh trải ra trước mặt họ. Bà Ramsay kêu lên, “Ôi, đẹp quá!” Mặt nước xanh lơ mênh mông nằm trước mặt bà; xa xa, ngay chính giữa, là ngọn hải đăng cổ kính mộc mạc; và ở phía tay phải, trong chừng mực có thể nhìn thấy, những cồn cát xanh mềm mại phủ đầy cỏ dại, dường như luôn luôn chạy về phía một miền đất xa lạ không dân cư nào đó.
Đó là quang cảnh – bà nói, dừng lại, đôi mắt xám sẫm tối hơn – mà chồng bà yêu thích.
Bà ngưng một lúc. Nhưng bây giờ, bà nói, các họa sĩ đã tới đây. Thật sự, cách họ chừng vài bước, một người trong số họ đang đứng, đội một cái mũ Panama và mang một đôi ủng vàng, nghiêm trang, dịu dàng, tập trung, với một vẻ hài lòng sâu sắc trên gương mặt nâu đỏ chăm chú, và vì thế có khoảng mười đứa nhóc đang quan sát ông ta. Sau khi nhìn, ông ta nhúng đầu cọ vào lớp sơn mềm màu xanh lá hoặc màu hồng gì đó. Từ khi ông Paunceforte tới đây, ba năm trước, tất cả những bức tranh đều như thế cả, bà nói, xanh lá và xám, với những con thuyền buồm màu vàng chanh và những phụ nữ màu hồng trên bãi biển.
Nhưng những người bạn của bà nội bà, bà nói, kín đáo liếc mắt khi họ bước qua, đã phải vất vả hết sức; trước tiên họ phải tự trộn màu cho mình, rồi nghiền chúng ra, rồi phủ vải ướt lên trên để giữ ẩm.
Vì thế Tansley cho rằng bà có ý nói với anh rằng tranh của người đàn ông đó chưa đủ sắc độ, có phải người ta nói như thế không nhỉ? Màu sắc không đậm đà? Có phải người ta nói thế không? Dưới tác động của cảm xúc khác thường trong suốt cuộc đi bộ, bắt đầu từ trong khu vườn nơi anh muốn xách giùm cái giỏ của bà và đã gia tăng trong thị trấn nơi anh muốn kể cho bà nghe mọi chuyện về mình, anh đã nhìn thấy chính bản thân mình, và mọi điều mà anh từng biết đã hơi biến đổi. Đó là một điều rất đỗi lạ lùng.
Anh đứng đó chờ bà, trong phòng khách của gian nhà nhỏ hẹp mà bà đã đưa anh tới. Trong lúc đó bà đi lên gác trên một lát để gặp một người phụ nữ. Anh nghe thấy tiếng bước chân nhanh nhẹn của bà bên trên, nghe giọng nói của bà cất cao vui vẻ rồi thấp xuống lại; nhìn những tấm thảm, những cái hộp đựng trà, những bóng phản chiếu trong tấm gương; nôn nao chờ đợi; nóng lòng mong chóng đến lúc trở về; quyết định sẽ mang giúp bà cái giỏ; rồi nghe thấy tiếng bà bước ra; đóng một cánh cửa; bảo rằng họ nên mở những cánh cửa sổ ra và đóng cửa ra vào lại, hỏi với vào nhà xem họ có cần gì hay không (hẳn là bà đang nói với một đứa bé), rồi, đột ngột, bà bước ra, đứng lặng im một lúc (như thể bà đã giả vờ đi lên đó, và bây giờ lại xuất hiện). Bà đứng bất động trong giây lát trước một bức tranh vẽ Nữ hoàng Victoria đeo dải ruy băng tước hiệu Garter; ngay lập tức anh nhận ra một điều: chính thế – bà là người đẹp nhất mà anh từng nhìn thấy.
Với những vì sao trong đôi mắt và tấm khăn choàng trên mái tóc, với những đóa hoa anh thảo và cúc tím dại… Có phải anh đang nghĩ tới một điều phi lý hay không? Ít nhất bà cũng đã năm mươi tuổi; bà đã có tám đứa con. Bước qua những cánh đồng hoa dại và cài lên ngực bà những nụ hoa đã rữa và ngây thơ đã mất; với những vì sao trong đôi mắt và ngọn gió trên mái tóc của bà… Anh đã xách giùm cái giỏ cho bà.
“Tạm biệt, Elsie,” bà nói, và họ bước dọc theo con đường. Bà giữ thẳng cây dù và bước đi như thể đang mong gặp ai đó ở một góc quanh, trong lúc lần đầu tiên trong đời mình Charles Tansley cảm thấy rất đỗi tự hào. Một người đàn ông đang đào đất trong một rãnh nước ngưng lại và nhìn bà, buông thỏng cánh tay xuống và nhìn bà; lần đầu tiên trong đời mình Charles Tanley cảm thấy tự hào đến lạ; anh cảm nhận được ngọn gió, những đóa hoa anh thảo và hoa cúc tím vì anh đang đi bên cạnh một người đàn bà đẹp. Anh đã xách giùm cái giỏ cho bà.
  
2

“Không ra ngọn hải đăng được, James ạ,” anh nói, với lòng kính trọng bà Ramsay, cố làm mềm đi giọng nói để ít ra nó có chút vẻ ân cần.
Cái gã bé nhỏ đáng ghét này, bà Ramsay nghĩ, vì sao cứ nói như thế chứ?


3

“Có lẽ con sẽ thức giấc và thấy rằng mặt trời đang tỏa nắng và lũ chim đang hót líu lo,” bà nói với vẻ trắc ẩn, vuốt ve mái tóc cậu bé. Vì bà hiểu rằng chồng bà, với lời lẽ cay độc rằng trời sẽ không đẹp, đã làm cho nó tan nát cõi lòng. Việc đi ra ngọn hải đăng là niềm đam mê của nó, bà hiểu, và như thể chồng bà còn chưa nói đủ, với lời lẽ cay độc của ông, rằng ngày mai trời sẽ không đẹp, cái gã bé nhỏ đáng ghét này đi tới và xát muối lên nỗi đau của nó thêm lần nữa.
“Có lẽ ngày mai trời sẽ đẹp,” bà nói, vuốt nhẹ tóc nó.
Tất cả những gì bà có thể làm lúc này là ca ngợi cái tủ lạnh và lật những trang danh mục hàng hóa với hy vọng rằng bà có thể tìm ra một bức hình nào đó, một cái cào cỏ hay một cái máy cắt cỏ mà để cắt được những cái răng cào và tay cầm của nó cần phải có một kỹ năng điêu luyện. Tất cả những gã thanh niên này đều lặp lại như vẹt lời của chồng bà, bà ngẫm nghĩ; ông ấy nói trời sẽ mưa; thế là họ nói không chừng còn có bão nữa ấy chứ.
Nhưng trong khi bà lật trang giấy, việc tìm kiếm một bức hình đột ngột bị cắt ngang. Tiếng thì thầm cộc lốc thỉnh thoảng bị phá vỡ bởi tiếng ống tẩu phì phèo khiến cho bà yên tâm rằng những người đàn ông đang trò chuyện vui vẻ, dù bà không nghe thấy họ nói gì (vì bà ngồi phía trong cửa sổ mở ra mái hiên), cái âm thanh kéo dài suốt nửa giờ qua và diễn ra êm ả trong những tiếng ồn ào phía trên đầu bà, như tiếng bóng chạm vào vợt, tiếng hét chói tai thỉnh thoảng nổi lên, “Cú đó thế nào? Cú đó thế nào” của lũ trẻ đang chơi crikê, đã tắt hẳn; tiếng sóng vỗ đều đều ngoài bãi biển thường khi vẫn điểm nhịp cho những ý nghĩ của bà và hình như lặp đi lặp lại một cách đầy an ủi khi bà đang ngồi với lũ trẻ những lời an ủi thì thầm của thiên nhiên như một bài hát ru xa xưa nào đó, “Mẹ trông nom con.. mẹ che chở cho con,” nhưng có đôi lúc, đột ngột và bất ngờ, chúng lại không có ý nghĩa tốt lành như thế mà giống như một hồi trống ma quái dằn nhịp cho cuộc sống một cách không thương xót, khiến cho người ta nghĩ tới sự hủy diệt của hòn đảo và việc nó bị nhấn chìm vào lòng biển, và cảnh báo với bà, kẻ mà tuổi thanh xuân đã trôi về thời quá vãng, rằng tất cả đều phù du như một dải cầu vồng. Âm thanh vốn đã bị nhòa đi và bị che lấp dưới những âm thanh khác này đột nhiên lại vang rền trong tai bà và khiến cho bà ngẩng lên nhìn với niềm kinh hãi.
Họ đã ngừng trò chuyện; đó là lời giải thích. Trong một giây, bà rơi từ sự căng thẳng đã nén chặt mình sang một cực đoan khác, điềm tĩnh trở lại, thích thú và thậm chí hơi thâm hiểm, như thể để bù đắp lại cho sự tiêu pha cảm xúc không cần thiết của bà, bà kết luận rằng cái gã Charles Tansley khốn khổ đó đã bị bỏ rơi. Nếu chồng bà đòi hỏi vật hiến tế (và thật sự ông ta đã làm thế) bà sẽ hân hoan giao cho ông ấy Charles Tansley, kẻ đã làm cho đứa con trai bé bỏng của bà buồn bã.
Một lần nữa, với mái đầu ngẩng cao, bà lắng nghe, như thể chờ đợi một âm thanh quen thuộc nào đó, một âm thanh có tính chất máy móc thông thường nào đó; và một lần nữa bà thấy an ủi, yên lòng rằng mọi thứ đều ổn thỏa, khi nghe thấy một âm thanh gì đó khá du dương, nửa phần tiếng nói, nửa phần ngâm nga, bắt đầu nổi lên trong vườn khi chồng bà bước qua lại hàng hiên. Khi nhìn xuống cuốn sách trên đầu gối, bà tìm thấy hình một con dao bỏ túi có sáu lưỡi mà James phải rất cẩn thận mới có thể cắt nó ra.
Đột nhiên một tiếng hét to, như của một người mộng du nửa mê nửa tỉnh, vang dội hết cỡ trong tai bà một điều gì đó về việc “Xông pha trong đạn pháo”[2]      khiến bà lo lắng quay nhìn xem có ai nghe thấy tiếng đọc thơ của chồng mình hay không. Bà vui mừng khi nhận thấy chỉ có Lily Briscoe; và điều đó không đáng ngại. Nhưng cảnh tượng cô gái đứng vẽ tranh ở rìa thảm cỏ đã nhắc cho bà nhớ; rằng bà phải giữ yên vị trí đầu mình cho bức tranh của Lily. Bức tranh của Lily! Bà Ramsay mỉm cười. Với đôi mắt Trung Quốc nhỏ xíu và gương mặt nhăn nheo đó, cô ta sẽ chẳng bao giờ lấy chồng; anh ta sẽ không xem trọng tranh của cô ta cho lắm; cô ta là một sinh vật độc lập bé nhỏ, và bà Ramsay thích cô ta vì điều đó; thế là, nhớ tới lời hứa của mình, bà cúi đầu xuống.      


4

Thật sự, suýt chút nữa ông ta đã xô đổ giá vẽ của cô. Ông ta đi thẳng về phía cô, hai bàn tay vung vẫy và hét lớn, “Chúng ta can trường cưỡi ngựa xông lên,”[3] nhưng nhờ trời đất thương tình, ông ta quay ngoắt lại và đi xa dần, để chết một cách vinh quang trên những ngọn đồi Balaclava, cô cho là vậy. Chưa hề có người nào cùng một lúc vừa buồn cười vừa đáng ngại đến thế. Nhưng miễn là ông ta cứ hành động theo kiểu đó, vẫy tay, la hét, cô vẫn an toàn; miễn là ông ta đừng đứng yên nhìn vào tranh của cô. Đó là điều mà Lily Briscoe không thể chịu đựng được. Thậm chí trong lúc cô nhìn vào khối hình, vào nét vẽ, vào màu sắc, vào bà Ramsay đang ngồi bên cửa sổ với James, cô vẫn theo dõi xung quanh kẻo có ai đó len lén tới gần và cô đột ngột phát hiện ra rằng có kẻ nào đó đang nhìn vào tranh của mình. Nhưng giờ đây, với mọi giác quan nhạy bén như thường lệ, nhìn ngắm, căng lên, cho tới khi màu sắc của bức tường và bụi hoa jacmanna[4] ở phía ngoài bùng cháy trong mắt cô, cô nhận thức được có ai đó đang bước ra khỏi ngôi nhà, tiến về phía cô; nhưng qua linh cảm, từ tiếng bước chân, đó là William Bankes, vì thế dù cọ của cô hơi run, cô vẫn không úp tấm tranh của mình lên mặt cỏ, như trong trường hợp đó là Tansley, Paul Rayley, Minta Doyle, mà vẫn để nó đứng yên. William Bankes đã đứng bên cạnh cô.  
Họ có phòng trong làng. Và cứ thế, đi vào, đi ra, chia tay nhau muộn màng trên lớp thảm trải ở cửa ra vào, nói vu vơ về món xúp, về lũ trẻ, về chuyện nọ chuyện kia, những chuyện giúp cho họ trở thành đồng minh với nhau; thế nên lúc này, khi ông đứng bên cạnh cô theo cái kiểu cách quan tòa (ông lớn tuổi đủ để làm cha cô, một nhà thực vật học góa vợ, bốc mùi xà phòng, rất tỉ mỉ và sạch sẽ), cô chỉ đứng đó. Ông cũng chỉ đứng đó. Đôi giày của cô thật tuyệt, ông quan sát. Chúng cho phép những ngón chân cô duỗi ra một cách tự nhiên.
Cùng ở chung một nhà với cô, ông cũng đã nhận ra rằng cô sống rất ngăn nắp, thức giấc trước giờ điểm tâm và ra ngoài để vẽ tranh, một mình, ông tin là thế. Nghèo, có thể đoán thế, và không có nước da hay sức quyến rũ của cô Doyle, tất nhiên, nhưng có một thứ tri thức khiến cho đôi mắt cô vượt trội hơn hẳn mắt của cô gái trẻ kia. Chẳng hạn vào lúc này, khi Ramsay đang tiến tới gần chỗ họ, hét to, khoa tay múa chân, cô hiểu, ông cảm thấy chắc chắn điều đó.
Ai đó đã sai lầm[5].
Ông Ramsay nhìn họ chòng chọc. Ông ta nhìn họ mà dường như không thấy họ. Điều đó khiến cho cả hai thấy hơi khó chịu. Họ vừa cùng nhìn thấy một điều mà họ không có ý định nhìn thấy, họ đã xâm phạm tới một cõi riêng tư. Có lẽ đó là lý do khiến ông Bankes muốn di chuyển ra khỏi tầm nghe, Lily nghĩ, vì gần như ngay lúc ấy ông nói gì đó về việc trời lạnh và đề nghị họ cùng đi tản bộ. Cô sẽ đi, vâng. Nhưng khó khăn lắm cô mới rời mắt được khỏi bức tranh.
Hoa jacmanna màu tím nhạt; còn bức tường thì trắng toát. Cô cảm thấy không trung thực lắm khi trộn lẫn màu tím nhạt và trắng toát để thấy mọi thứ đều nhợt nhạt, thanh lịch và có phần trong suốt chỉ vì trông thấy chúng như thế, dù chúng có vẻ đúng mốt kể từ khi ông Paunceforte ghé đến. Rồi phía sau lớp màu sắc là hình dáng. Cô có thể nhìn thấy rõ ràng mọi thứ. Chính lúc cô cầm chiếc cọ trên tay toàn bộ mọi sự vật chợt đổi thay. Ngay trong cái khoảnh khắc phiêu diêu giữa cảnh quan và khung vẽ này lũ quỷ đã ám vào cô. Chúng thường khiến cho cô muốn rơi nước mắt và biến quá trình chuyển từ ý niệm sang thực hiện trở nên đáng sợ như việc đi xuống một hành lang tăm tối đối với một đứa trẻ con. Cô thường có cảm giác như thế – khi đang đấu tranh chống lại những điều lạ lùng kinh khủng và duy trì lòng can đảm – và cô thốt lên: “Nhưng đây là những gì tôi thấy; đây là những gì tôi thấy,” và cố níu kéo lại một ít tàn dư khốn khổ nào đó trong viễn tượng của mình, có tới cả ngàn trở lực cố hết sức giật chúng ra khỏi cô. Và cũng chính lúc đó, trên con đường lạnh lẽo lắm phong ba này, khi cô bắt đầu vẽ, những trở lực đó tác động lên những thứ khác của cô, tài năng chưa chín tới của cô, sự tầm thường của cô, và cô cố gắng kềm nén cảm giác thôi thúc muốn sụp xuống dưới chân của bà Ramsay (Tạ ơn trời đất vì cho tới lúc này cô vẫn luôn cưỡng lại được việc đó) để nói với bà – nhưng người ta có thể nói gì với bà ấy nhỉ? – rằng “Tôi yêu bà?” Không, điều đó không đúng. “Tôi yêu tất cả những thứ này,” và vẫy tay hướng tới bờ giậu, tới ngôi nhà, tới lũ trẻ con. Việc đó thật ngớ ngẩn, việc đó là điều không thể có. Vì thế, lúc này cô đặt ngay ngắn những chiếc cọ vào trong hộp, cạnh bên nhau, rồi nói với William Bankes:
“Trời đột ngột trở lạnh. Hình như mặt trời đã giảm nhiệt độ,” cô nói và nhìn quanh quẩn. Trời còn khá sáng, thảm cỏ vẫn xanh ngăn ngắt, ngôi nhà nổi lên trên những cây cỏ điểm những bông hoa tím đỏ nồng nàn, và những con quạ đang thả xuống những tiếng kêu lạnh lùng từ bầu trời xanh cao vời vợi. Nhưng có một cái gì đó đang di động, lóe sáng, xoay tròn cái cánh bạc trong không trung. Đã là tháng Chín, giữa tháng Chín, và đã qua sáu giờ chiều. Thế rồi họ đi chậm rãi xuống khu vườn theo hướng thường lệ, băng qua sân quần vợt, băng qua bãi cỏ bông bạc, hướng tới quãng không gian trống giữa hàng giậu dày, được canh giữ bởi những khóm hoa loa kèn đuốc như những hòn than đang cháy sáng, mà ở giữa là mặt nước xanh lơ trông càng xanh hơn bao giờ hết của cái vịnh.  
Họ thường tới đó mỗi chiều, bị thôi thúc bởi một nhu cầu nào đó. Như thể mặt nước sẽ đẩy đưa và căng buồm cho những ý tưởng èo uột đã đâm chồi trên đất cạn, và mang lại cho thân thể họ một dạng nâng đỡ nào đó về vật chất. Thoạt tiên, màu xanh lơ tràn ngập cái vịnh, và con tim mở rộng cùng với nó, tiếp ngay sau đó là thân thể bơi trong nước, để cho những lượn sóng đen lăn tăn kiểm tra và làm cho nó lạnh tái tê. Thế rồi từ phía sau tảng đá to màu đen, một vòi nước trắng chợt phun vọt lên. Vòi nước này xuất hiện hầu như khá thất thường vào mỗi buổi chiều khiến cho người ta phải ngắm nhìn nó với niềm vui thích; và trong khi chờ đợi nó, người ta ngắm nhìn về phía bãi biển hình bán nguyệt xanh mờ nơi những lượn sóng êm ả nối tiếp nhau như một màng xà cừ mỏng.  
Cả hai đứng đó, mỉm cười. Cả hai cùng cảm nhận một niềm hân hoan chung do những lượn sóng nhấp nhô gây ra, và do tốc độ nhanh như tên bắn của một chiếc thuyền buồm. Nó lượn một vòng trong vịnh, dừng lại; rùng mình; hạ những cánh buồm xuống; và rồi, với một bản năng nhằm hoàn tất bức tranh, sau chuyển động nhanh này, cả hai người nhìn ra những đụn cát phía xa, và thay vì niềm vui, họ thấy lòng tràn ngập một nỗi buồn – phần vì cảnh vật quá hoàn hảo, phần vì quang cảnh xa xa đó dường như đã tồn tại suốt một triệu năm rồi (Lily nghĩ). Dường như suốt một triệu năm qua kẻ ngắm nhìn vẫn đang chuyện trò với một bầu trời trải rộng trên một trái đất hoàn toàn ngơi nghỉ. 
Vừa nhìn ra những đồi cát xa, William Bankes vừa suy nghĩ về Ramsay: nghĩ về một con đường ở Westmorland, nghĩ về Ramsay đang một mình sải bước trên đường, vây quanh bởi sự cô độc lẻ loi mà dường như là cũng là vẻ ngoài tự nhiên của ông ấy. Nhưng điều này bị cắt ngang do một con gà mái, William Bankes nhớ (và chuyện này phải được xem là một sự cố thật sự). Nó đang dang rộng đôi cánh để che chở cho một đàn gà con. Ramsay dừng lại, chìa cây gậy ra và nói “Xinh xắn quá… xinh xắn quá,” một ánh sáng lạ lùng đã soi rọi con tim ông ấy, Bankes đã từng nghĩ thế, nó cho thấy sự chất phác của ông ấy, sự cảm thông của ông ấy đối với những sự vật bé mọn; nhưng dường như đối với ông tình bạn của họ cũng đã chấm dứt ở đó, trên con đường đó. Sau đó, Ramsay lấy vợ. Sau đó, do chuyện này chuyện nọ, tình bạn của họ đã nhạt nhẽo đi. Ông không thể nói đó là do lỗi của ai, chỉ có thể nói là sau một thời gian, sự lặp lại đã thay chỗ cho điều mới mẻ. Họ gặp nhau chỉ để lặp lại một thói quen. Nhưng trong cuộc chuyện trò câm lặng này với những đụn cát, ông xác nhận rằng lòng yêu mến Ramsay trong ông không hề suy giảm; tình bạn của ông vẫn còn đó, trong sự sâu sắc và thực tế của nó, như thân thể một chàng trai trẻ nằm trong lớp than bùn suốt một thế kỷ, với đôi môi đỏ thắm, nằm vắt người qua cái vịnh giữa những ngọn đồi cát trắng. 
Ông rất băn khoăn vì tình bạn hữu này và có lẽ cũng vì để xóa sạch khỏi tâm trí mình ý nghĩ đổ lỗi cho việc ông đã trở nên già nua cằn cỗi. Ramsay sống giữa một bầy con, trong khi Bankes không có con và góa vợ… Ông băn khoăn vì lẽ ra Lily không nên miệt thị Ramsay (một con người vĩ đại theo cung cách của ông ấy) mà nên thấu hiểu mọi điều nằm chắn ngang giữa họ. Bắt đầu từ trước đó rất nhiều năm, tình bạn của họ đã vơi cạn đi, trên một con đường ở Westmorland, nơi con gà mái dang đôi cánh che cho lũ gà con; sau đó Ramsay đã lấy vợ, và họ đã bước theo những con đường khác nhau. Hẳn là có một khuynh hướng nào đó, dĩ nhiên không phải do lỗi của ai, khi họ gặp lại, để lặp lại một thói quen.
Phải. Chuyện là như thế. Ông kết thúc. Ông quay lưng lại cảnh quang. Và bước trở về theo một con đường khác lên chỗ đậu xe, ông Bankes vẫn trầm ngâm với những điều mà lẽ ra ông sẽ chẳng bận tâm tới nếu như những ngọn đồi cát kia không hé lộ cho ông thấy thân thể của tình bằng hữu của mình đang nằm đó trong lớp than bùn với màu đỏ thắm trên môi. Chẳng hạn như bé Cam, con gái út của Ramsay. Nó đang hái hoa Sweet Alice trên bờ biển. Nó hoang dã và hung dữ. Nó sẽ không “tặng một bông hoa cho quý ông này” như lời người bảo mẫu bảo nó. Không! Không! Không! Nó sẽ không làm thế! Nó nắm chặt nắm tay lại. Nó giậm chân. Ông Bankes cảm thấy già nua, buồn rầu và thấy bằng cách nào đó ông đã bị con bé làm cho nghĩ sai lầm về tình bạn của mình. Ông hẳn đã già nua cằn cỗi thật rồi. 
Gia đình Ramsays không giàu, và thật kỳ diệu khi họ đã tìm được cách xoay xở mọi thứ. Tám đứa con! Nuôi tám đứa con bằng triết học! Lại một đứa khác trong số chúng xuất hiện, lần này là Jasper. Nó lững thững đi qua, để bắn một con chim, nó nói, lúc lắc bàn tay của Lily trong một cái bắt tay thân tình khi đi ngang qua cô. Điều này khiến ông Bankes cay đắng thốt lên, Cô ấy mới được ưa chuộng làm sao. Bây giờ phải xét tới vấn đề giáo dục (đúng thế, có lẽ bà Ramsay cũng có chút gì đó của chính bà) bỏ qua những thứ ăn mặc hàng ngày, những đôi giày rách vớ rách mà những đứa nhóc “tuyệt vời” này đòi hỏi, cả bọn đều là các đứa bé đang tuổi lớn, gầy nhom, đầy yêu sách. Còn việc chắc chắn rằng đứa nào là đứa nào, hay thứ tự trong nhà của chúng, là nằm ngoài khả năng của Bankes. Ông gọi tên chúng một cách thân mật theo biệt danh của những vị vua và hoàng hậu nước Anh. Cam xấu tính, James hay đòi hỏi, Andrew công minh, Prue xinh xắn – vì hẳn là Prue sẽ rất xinh, ông nghĩ, làm sao bà ấy có thể giúp nó nhỉ? Và Andrews là đứa có đầu óc. Trong lúc đi lên chỗ chiếc xe, với Lily nói vâng hoặc không đáp lại những lời nhận xét của ông (vì cô ấy yêu tất cả bọn chúng, yêu cả thế gian này) ông cân nhắc trường hợp của Ramsay, thương hại cho ông ấy, đố kỵ với ông ấy, như thể ông đã nhìn thấy ông ấy tự tước bỏ khỏi mình mọi vinh quang của sự lẻ loi và khổ hạnh đã đưa ông ấy lên ngôi báu hồi còn trẻ để tự ngăn trở mình một cách dứt khoát với những đôi cánh rung rung và những công việc gia đình bát nháo. Chúng đã cho ông ấy một thứ gì đó – William Bankes biết điều đó; hẳn ông sẽ rất vui nếu như Cam cài một bông hoa lên áo ông hay đu lên vai ông, như đu lên vai cha nó, để nhìn bức tranh ngọn Vesuvius[6] đang phun lửa; nhưng chúng cũng đã hủy diệt đi một thứ gì đó, người bạn già của ông không thể không cảm thấy điều này. Lúc này đây, một người xa lạ sẽ nghĩ gì? Đây có phải là điều mà Lily Briscoe nghĩ hay không? Người ta có thể không nhận thấy những thói quen đã hình thành ở ông ấy hay không? Những kiểu cách lập dị, có lẽ là những sự yếu đuối nữa? Thật đáng kinh ngạc khi một người tài trí như ông ấy lại có thể khom xuống thấp đến thế – nhưng đó là một cụm từ quá khắc nghiệt – lại có thể phụ thuộc đến như thế vào lời ngợi khen tâng bốc của mọi người.
“Ồ, nhưng hãy nghĩ tới tác phẩm của ông ta!” Lily nói.
Bất kỳ lúc nào “nghĩ tới tác phẩm của ông ta” cô luôn luôn nhìn thấy rõ ràng phía trước cô một cái bàn nhà bếp lớn. Đó là cách nói của Andrew. Cô đã hỏi nó những cuốn sách của cha nó viết về điều gì. “Chủ thể và khách thể và bản chất của thực tại,” Andrew đáp. Và khi cô nói ôi Trời, cô không có chút ý niệm nào rằng những thứ đó có nghĩa là gì. “Hãy nghĩ tới một cái bàn nhà bếp,” nó bảo với cô, “khi chị không ở đó”.
Vì vậy, bây giờ mỗi khi nghĩ tới tác phẩm của ông Ramsay, cô luôn luôn nhìn thấy một cái bàn nhà bếp vô giá trị. Bây giờ nó đang nằm trên chạc hai của một cây lê, vì họ đã đi tới vườn cây ăn quả. Với một nỗ lực tập trung đau đớn, cô hướng tâm trí mình, không phải vào lớp vỏ óng bạc của cây lê, hay những chiếc lá giống hình con cá của nó, mà vào một cái bàn hư ảo, một trong những cái bàn nhà bếp vô giá trị, đầy những thớ và mấu gỗ. Một cái bàn nhà bếp mà ưu điểm của nó dường như đã bị bóc trần bởi nhiều năm tháng. Nó nằm kẹt ở đó, bốn cái chân lơ lửng trong không khí. Theo lẽ tự nhiên, nếu những ngày tháng của người ta trôi qua trong việc nhìn thấy những bản chất đầy góc cạnh này, nhìn thấy những buổi chiều tà đáng yêu này – với tất cả những vầng mây màu hồng hạc, và xanh lơ và bạc của chúng – bỗng biến thành một cái bàn gỗ trắng bốn chân (và đó là một mục tiêu thực hiện của những bộ óc tốt đẹp nhất), tất nhiên người ta không thể bị xét đoán như một con người bình thường được.
Ông Bankes thấy thích cô vì đã đề nghị ông “nghĩ tới tác phẩm của ông ta”. Ông  thường nghĩ về điều đó, rất thường. Vô số lần ông đã nói: “Ramsay là một trong những người thực hiện được tác phẩm hay nhất của mình trước tuổi bốn mươi.”  Ông ta đã có một đóng góp nhất định cho triết học trong một cuốn sách nhỏ khi chỉ mới hai mươi lăm tuổi; những cuốn ra đời sau này ít hay nhiều chỉ là sự mở rộng hay lặp lại. Nhưng con số những người có một đóng góp nhất định cho bất kể cái gì thì rất nhỏ, ông nói, dừng lại bên cạnh cây lê. Đột nhiên, như thể cử động của bàn tay ông đã giải thoát cho nó, cái gánh nặng những ấn tượng về ông đã tích lũy từ lâu chợt dựng đứng lên rồi đổ ào xuống trong một trận tuyết lở long trời tất cả những gì cô cảm thấy về ông. Đó là một cảm giác. Rồi như một luồng khói bốc lên cao là cảm giác về bản chất sự tồn tại của ông. Đó là một cảm giác khác. Cô cảm thấy sững sờ trước sự mãnh liệt của nhận thức đó; chính là sự mộc mạc của ông, lòng tốt của ông. Tôi kính trọng ông hết mực (cô thầm lặng nói với ông trong lòng); ông không phù phiếm; ông hoàn toàn khách quan; ông tốt hơn ông Ramsay; ông là người tốt nhất mà tôi biết; ông không vợ không con (không hề có chút cảm giác nào về tính dục, cô mong mỏi được mến yêu sự cô đơn đó), ông sống vì khoa học (tình cờ mấy luống khoai hiện ra trước mắt cô); sự ca tụng với ông là một sự sỉ nhục; một con người phóng khoáng, thuần khiết, quả cảm! Nhưng đồng thời, cô cũng nhớ rằng ông đã mang theo một người hầu suốt con đường tới đây như thế nào; phản đối việc cho mấy con chó nằm trên ghế như thế nào; lải nhải suốt hàng giờ (cho tới khi ông Ramsay đùng đùng bỏ ra khỏi phòng) về muối trong rau củ và sự sai lầm của cách nấu ăn theo kiểu Anh như thế nào.
Vậy làm thế nào mà tất cả những thứ này lại xảy ra? Người ta phán xét mọi người, suy nghĩ về họ như thế nào đây? Làm thế nào người ta có thể cộng lại tất cả điều này chuyện nọ và rồi kết luận rằng người ta cảm thấy thích hay không thích? Và nói cho cùng, ý nghĩa nào gắn liền với những từ đó? Bây giờ đứng đó, cạnh cây lê, rõ ràng là đang rất sững sờ, đến nỗi dường như ngay cả những vết nứt và những cái bướu trên lớp vỏ của cây lê dường như cũng nằm cố định ở đó mãi mãi, những ấn tượng về hai người đàn ông đó ập vào đầu óc cô, và đuổi theo ý nghĩ của cô là một giọng nói nhanh đến mức khó mà ghi chép lại, và đó chính là giọng nói của cô, đang nói không ngừng những điều không thể bác bỏ, lặp đi lặp lại và đầy mâu thuẫn. Ông có lòng cao thượng, cô tiếp tục, nhưng ông Ramsay thì không hề có. Ông ta nhỏ mọn, ích kỷ, phù phiếm, tự cao tự đại; ông ta đã hỏng; ông ta là một bạo chúa; ông ta đày ải bà Ramsay cho tới chết; nhưng ông ta có cái mà ông không có (cô nói với ông Bankes); một sự nồng nhiệt siêu phàm; ông ta không biết tí gì về những điều vặt vãnh; ông ta yêu lũ chó và lũ con của mình. Ông ta có tám đứa con.
Ông Bankes chẳng có đứa con nào. Có phải đêm hôm nọ ông đã đi xuống đây, mặc cả hai chiếc áo bành tô trên người và để cho bà Ramsay cắt tỉa tóc ông vào một cái chậu đựng bánh pu-đinh? Tất cả những ý nghĩ này nhảy múa lăn tăn lên xuống, như một đàn muỗi mắt, mỗi ý nghĩ đều tách rời nhau nhưng tất cả đều được kiểm soát một cách kỳ diệu trong một tấm lưới đàn hồi vô hình – nhảy múa lên xuống lăn tăn trong tâm trí của Lily, giữa những nhánh lê, cái bàn nhà bếp vô giá trị, biểu tượng của lòng kính trọng sâu sắc của cô đối với ông Ramsay vẫn còn treo lơ lửng, cho tới khi ý nghĩ đang đảo lộn ngày càng nhanh hơn của cô nổ tung ra trong cường độ mãnh liệt của chính nó; cô cảm thấy nhẹ nhõm. Một phát đạn vút qua gần bên, và một đàn chim sáo bay túa ra, hoảng hốt, ồn ào, nháo nhác.
“Jasper!” ông Bankes nói. Họ quay về hướng đàn chim sáo bay ở bên trên sân hiên. Họ bước qua khoảng trống giữa hàng giậu cao theo hướng những con chim đang bay tan tác trên bầu trời thẳng về phía ông Ramsay, người đang gầm lên một cách bi thảm, “Ai đó đã sai lầm!”
Đôi mắt ông ta, long lanh trong cơn cảm xúc, đầy thách thức, chạm phải mắt họ trong một giây; nhưng rồi ông ta đưa tay lên giữa mặt, như thể để ngăn chận, để quét đi, trong một nỗi thống khổ tràn đầy hổ thẹn, cái nhìn bình thường của họ, như thể ông cầu xin họ hãy ngăn lại trong một khoảnh khắc điều mà ông biết là không thể tránh khỏi, như thể ông muốn gán lên họ sự oán giận như trẻ con của ông khi bị cắt ngang, thế nhưng ngay trong cái khoảnh khắc khám phá rằng không phải là ông ta bị quấy rầy mà là do ông ta đã quyết định nắm bắt nhanh lấy một điều gì đó trong cái cảm xúc ngọt ngào này, cái khúc cuồng ca không trong sáng này, điều mà ông thấy xấu hổ nhưng lại ham mê, ông quay ngoắt đi và đóng sầm cánh cửa riêng của mình trước mặt họ; và Lily Briscoe cùng ông Bankes, khi bứt rứt nhìn lên bầu trời, nhận thấy rằng đàn chim sáo mà Jasper đã đuổi tan tác với khẩu súng của nó vừa đậu xuống mấy ngọn cây du.   


5.

“Thậm chí nếu ngày mai không tốt trời,” bà Ramsay nói, đưa mắt nhìn William Bankes và Lily Briscoe khi họ bước qua, “trời sẽ đẹp vào một ngày khác. Còn bây giờ,” bà nói, nghĩ rằng sự đáng yêu của Lily là ở đôi mắt của cô, ở đường nét nghiêng trên gương mặt nhỏ trắng bệch, nhăn nheo của cô, nhưng để nhìn thấy điều đó phải là một người đàn ông thông minh, “còn bây giờ thì hãy đứng lên để mẹ đo chân của con,” bởi lẽ rốt cuộc họ cũng sẽ đi ra ngọn hải đăng, bà phải xem thử coi đôi tất có cần nối dài thêm hai ba phân nữa hay không.
Miệng mỉm cười, vì đó là một ý tưởng hay ho vừa lóe lên trong đầu bà ngay giây phút này – William và Lily nên lấy nhau – bà cầm lấy chiếc tất, với những chiếc kim đan bằng thép xuyên chéo qua ở phía miệng tất, và áp vào chân James để đo.
“Bé cưng, đứng yên nào,” bà nói, vì trong cơn ghen tị của nó, không muốn làm một phương tiện đo lường cho thằng nhóc con trai của người gác hải đăng, James cứ cố tình ngọ nguậy không chịu đứng yên; và nếu nó cứ như thế, thì làm sao bà có thể nhìn thấy chiếc tất là quá dài hay quá ngắn? bà hỏi.
Bà nhìn lên – con quỷ nào đã ám vào nó, thằng út cưng của bà vậy? – và nhìn thấy căn phòng, nhìn thấy những chiếc ghế, nghĩ chúng đã xơ xác hao mòn đến phát sợ. Ruột của chúng, như Andrew nói hôm trước, rải rác khắp sàn nhà; nhưng có lý do gì để mua những cái ghế tốt, bà hỏi, rồi để cho chúng hư hao ở đây trong suốt mùa đông khi mà ngôi nhà, với chỉ một người phụ nữ già coi sóc nó, đã hoàn toàn dột nát. Không sao, chính xác thì giá thuê chỉ có hai xu rưỡi; lũ trẻ yêu nó; nó giúp chồng bà cách xa những thư viện, những bài giảng và lũ học trò của ông ba ngàn, hoặc nếu bà phải nói chính xác hơn, ba trăm dặm; và có chỗ cho khách đến thăm. Những tấm thảm, những cái giường đơn sơ, những bóng ma xộc xệch của những bàn ghế mà cuộc đời phục vụ ở London của chúng đã trôi qua – chúng cũng khá tốt ở đây; và một hai bức ảnh, những cuốn sách. Những cuốn sách tự trở nên già cỗi. Bà chẳng bao giờ có thời giờ đọc chúng. Ái chà! Ngay cả những cuốn sách bà được tặng với lời đề tặng do nhà thơ tự tay viết: “Tặng người mà mong ước của nàng phải được tuân theo” hay “Helen hạnh phúc của những ngày tháng của chúng ta”… thật xấu hổ khi phải nói rằng bà không bao giờ đọc chúng. Và cuốn Xứ Croom trong tâm trí, cuốn Những cơn thịnh nộ vì các phong tục dã man ở Polynesia (“Con cưng, đứng yên nào,” bà nói) – người ta không thể gửi cuốn nào trong số này tới ngọn hải đăng. Ở một thời khắc nhất định, bà nghĩ, ngôi nhà sẽ trở nên tồi tàn tới mức phải làm một điều gì đó. Phải chi chúng học được cách chùi sạch chân của chúng và không mang theo cát biển vào nhà. Những con cua, bà phải cho phép, nếu Andrew thật sự muốn khảo sát chúng thật kỹ lưỡng, hoặc nếu Jasper tin rằng có thể nấu canh từ rong biển, người ta không thể cản ngăn điều đó được; hoặc những thứ của Rose – những cái vỏ sò, những cây sậy, những viên đá; vì chúng có tài năng, lũ trẻ của bà, nhưng tất cả đều theo những cách thức hoàn toàn khác hẳn nhau. Và kết quả của điều này, bà thở dài khi áp chiếc vớ vào chân James, đang chiếm lĩnh toàn bộ căn phòng, từ sàn nhà cho tới trần nhà, và mọi thứ ngày càng bệ rạc hơn từ mùa hạ này sang mùa hạ khác. Tấm thảm bạc phếch đi, giấy dán tường tróc ra bay phần phật. Bạn không thể nói rằng trên đó có những bông hồng được nữa. Còn nữa, nếu mọi cánh cửa ra vào trong một ngôi nhà đều để mở liên tục, và không có người làm chốt cửa nào trên toàn cõi Tô Cách Lan có thể chữa lại một cái then, mọi thứ phải hư hao. Có ích gì việc treo một tấm khăn choàng Cashemere xanh lá cây lên rìa của một khung tranh? Trong hai tuần nó sẽ có màu xúp đậu. Nhưng chính những cái cửa ra vào khiến bà phiền lòng nhất; mọi cánh cửa đều để mở. Bà lắng nghe. Cửa phòng khách để mở; và chắc chắn là cửa sổ ở đầu cầu thang cũng để mở, vì chính bà đã mở nó. Chả lẽ không đứa nào trong số chúng có thể nhớ được rằng nên mở những cánh cửa sổ và đóng những cửa ra vào – một việc đơn giản là thế? Bà thường vào phòng của đám con gái vào buổi tối và thấy chúng đóng kín như một cái lò, ngoại trừ phòng của Marie, cô gái Thụy Sĩ, người thà là không tắm còn hơn không có không khí trong lành, nhưng hồi còn ở quê nhà, cô ta bảo, “những ngọn núi rất đẹp.” Cô ta đã nói thế đêm qua khi nhìn ra cửa sổ với đôi mắt rưng rưng. “Những ngọn núi rất đẹp.” Cha cô ta đang hấp hối ở đó, bà Ramsay biết. Ông ấy đang sắp bỏ lại họ mồ côi mồ cút. Vừa rầy la vừa giải thích (làm sao để dọn một cái giường, làm sao để mở một cánh cửa sổ, với những bàn tay khép lại xòe ra như tay của một phụ nữ Pháp), nhưng mọi thứ đã lặng lẽ khép lại quanh bà, khi cô ta nói, như sau một chuyến bay qua ánh mặt trời, đôi cánh của một con chim lặng lẽ khép lại và màu xanh trên bộ lông của nó chuyển từ màu thép sáng sang tím dịu. Bà đã đứng đó lặng im vì không có gì để nói. Ông ta bị ung thư cổ họng. Với hồi ức đó – bà đã đứng đó như thế nào, cô gái đã nói như thế nào, “Ở quê nhà những ngọn núi rất đẹp,” và không có chút hy vọng nào, không có hy vọng về bất cứ điều gì, bà chợt nổi cáu lên, và gắt gỏng nói với James:
“Đứng yên. Đừng loay hoay nữa,” khiến nó biết ngay lập tức rằng bà thật sự nghiêm khắc, và duỗi thẳng chân ra để cho bà đo.  
Chiếc tất quá ngắn, ít nhất là ngắn hơn một phân rưỡi, thừa nhận cho thực tế rằng thằng bé nhà Sorley còi cọc hơn James.
“Nó ngắn quá,” bà nói, “ngắn hơn rất nhiều.”
Không bao giờ có ai trông quá đỗi buồn rầu. Đắng và đen, trong bóng tối, ở giữa chặng đường chạy từ ánh sáng tới những độ sâu, có lẽ một giọt lệ đã thành hình; một giọt lệ rơi; mặt nước xao động, đón nhận nó, rồi thinh lặng lại. Không bao giờ có ai trông quá đỗi buồn rầu.  
Nhưng có phải như người ta nói, đó chỉ là vẻ ngoài, chẳng có gì hơn? Cái gì nằm ở phía sau nó  – vẻ đẹp và sự lộng lẫy của bà? Có phải ông ta đã mất trí, họ hỏi, có phải ông ta đã chết vào cái tuần trước khi họ cưới nhau – một người khác, người tình trước đó, kẻ mà những lời đồn đã tới tai? Hay chẳng có gì hết? Chẳng có gì ngoài một vẻ đẹp vô song mà bà sống ở phía sau, và không thể nào tác động tới nó? Vì dù có thể ở một khoảnh khắc thân tình nào đó khi những câu chuyện về nỗi đam mê vĩ đại, về tình yêu sâu đậm, về tham vọng bị trở ngăn dễ dàng khiến cho bà thốt lên rằng cả bà cũng đã biết hay cảm nhận hay chính mình từng trải qua điều đó, bà không bao giờ nói. Bà luôn luôn im lặng. Bà biết vậy – bà biết mà không cần học hỏi. Sự giản dị của bà đo lường được điều mà những người thông minh xuyên tạc. Đầu óc mộc mạc của bà khiến bà rơi thẳng như một hòn đá, chao liệng chính xác như một con chim, trao cho bà, một cách tự nhiên, trạng thái tinh thần trực cảm về sự thật mà có lẽ là vui tươi, dễ chịu và lâu bền một cách giả tạo này.
(“Tự nhiên có khá ít loại đất sét,” có lần ông Bankes đã nói, rất xúc động khi nghe giọng bà trong điện thoại, dù bà chỉ kể cho ông ta nghe một thực tế về một con tàu, “như thứ mà nó đã nặn ra chị.” Ông ta nhìn thấy bà ở đầu kia đường dây, đẹp theo kiểu người Hy Lạp, mắt xanh trời, mũi thẳng. Dường như không thích hợp lắm khi gọi điện cho một người phụ nữ như thế. Những Nữ thần Duyên dáng[7] dường như đã cùng nhau tạo tác ra gương mặt ấy trên những đồng hoa lan nhật quang. Phải, ông ta sẽ bắt chuyến tàu 10:30 ở Euston.
“Nhưng bà không hề ý thức về vẻ đẹp của mình hơn một đứa bé con chút nào,” ông Bankes nói, đặt cái ống nghe xuống chỗ cũ rồi băng qua gian phòng để xem những người thợ đang làm gì với cái khách sạn mà họ xây dựng ở sau nhà ông. Và ông nghĩ tới bà Ramsays khi nhìn vào sự chuyển động giữa những bức tường dang dở đó. Vì luôn luôn, ông nghĩ, có một cái gì đó phi lý đã xen vào sự hòa hợp trên gương mặt của bà. Bà ấn một cái mũ thợ săn lên đầu mình; bà chạy ngang qua bãi cỏ trên đôi giày cao su để ngăn một đứa con đang nghịch phá. Thế nên nếu người ta chỉ nghĩ tới vẻ đẹp của bà, người ta phải nhớ tới một sự vật đang run rẩy, một sự vật đang sống động (những người thợ đang mang gạch lên một tấm ván nhỏ trong lúc ông đứng quan sát họ), và đưa nó vào trong bức tranh; hoặc nếu chỉ đơn giản nghĩ về bà như là một người đàn bà, người ta phải phú cho bà một khí chất khá lạ thường – bà không thích sự ngưỡng mộ – hay cứ cho là một khao khát ngấm ngầm được rủ bỏ sự trung thành về hình thức của bà, như thể vẻ đẹp của bà khiến cho bà và tất cả những người đàn ông nói về vẻ đẹp đều ngán ngẩm, và bà chỉ muốn giống như mọi người tầm thường khác. Ông không biết. Ông không biết. Ông phải lo làm công việc của mình.
Ngồi đan chiếc tất màu nâu đỏ, mái đầu nổi lên một cách phi lý bởi chiếc khung mạ vàng, chiếc khăn choàng xanh lá mà bà đã tung lên rìa khung tranh, và tuyệt phẩm thứ thiệt của Michael Angelo, bà Ramsay xoa dịu thái độ hơi gay gắt vừa mới nãy bằng cách ngẩng lên, hôn vào trán đứa con trai bé bỏng của mình. “Chúng ta tìm một hình khác để cắt ra đi nào,” bà nói.


[1] Henrik Johan Ibsen (1828 - 1906):  kịch tác gia Na Uy, được xem là cha đẻ của kịch nói hiện đại.


[2] Trích từ bài thơ Cuộc đột kích của Lữ đoàn Khinh kỵ binh (The Charge of the Light Brigade) của nhà thơ Anh Alfred Tennyson viết năm 1854 về trận chiến ở Balaclava trong cuộc chiến tranh Crimean (1853-1856) giữa Nga và quân đồng minh gồm Pháp, Anh, Ottaman và Sardinia. Trong các chương sau (chủ yếu là Chương 6), dòng ý thức của ông Ramsay hướng tới những suy ngẫm bắt nguồn từ bài thơ này, nhất là ở khổ cuối của nó, nói về sự vinh quang bất tử của những người lính, mở rộng ra là của những người làm khoa học.
[3] Trích từ bài thơ Cuộc đột kích của Lữ đoàn Khinh kỵ binh.
[4] Theo một ý kiến trên internet thì từ này đồng nghĩa với jasmine (hoa lài).
[5] Trích từ bài thơ Cuộc đột kích của Lữ đoàn Khinh kỵ binh.
[6] (tiếng Ý Monte Vesuvio, tiếng Latin Mons Vesuvius) một ngọn núi lửa ở phía đông tỉnh Naples, nước Ý.

[7] The Graces: Ba cô con gái của Vương thần Zeus và nữ thần Eurynome gồm: Agaia, Euphrosyne và Thalia (Thần thoại Hy Lạp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét