Đêm
mưa, đọc "Sài Gòn giữa cơn mưa"
Là
một ngẫu nhiên, hay có một cơ duyên gì đó, mà đêm nay, khi tôi ngồi bên cửa sổ
đọc bản thảo tập truyện ngắn Sài Gòn giữa cơn mưa (*) của nữ văn sĩ Quách Y
Lành (**), ngoài hiên mưa cũng đang rơi tầm tã. Trong nhà ấm cúng. Nhưng ngoài
kia mưa thu lạnh và buồn thê thiết. Miền Trung yêu dấu vừa trải qua cơn bão lớn
Xangsane. Và tôi, với những tâm tư được dẫn dắt bởi ngoại cảnh u tịch đó, dần
dần chìm vào những mẫu chuyện, những cảnh đời, những vui buồn, hạnh phúc, đắng cay
của bao phận đời đơn lẻ…
Lòng
rưng rưng xúc động, tôi đọc đi đọc lại Dòng nước lũ. Huế trong truyện sao giống
quá Huế ngoài đời trong mấy ngày qua: “…Ngồi trên ghe, nhìn mặt nước hung hăng
đục ngầu, cuồn cuộn chảy như thác đổ. Mưa gió hoà cùng nước gào thét. Dòng nước
lũ dữ dằn như muốn nuốt cả thành phố Huế ra khơi…” Cảnh tang thương vì thiên
tai của Huế, và cảnh một người "con gái” luống tuổi lỡ thì, ngồi chết ngạt
trong một cái tủ thờ, với những nỗi niềm sâu kín đã mãi mãi vùi chôn, là một hình
ảnh ẩn dụ lung linh về cuộc đời và thân phận con người trước những thảm trạng
của xã hội, thiên nhiên, lịch sử. Có thể nói đây là truyện ngắn xuất sắc nhất
trong tập truyện.
Những
hình ảnh thân thương gắn liền với Huế, với miền Trung ruột thịt trong tâm tư tác
giả còn thể hiện qua nhiều truyện khác (Nụ hồng trắng giữa ngày xuân, Nhánh
sông của biển, Nụ hoa tường vi…) Ngay cả trong Sài Gòn giữa cơn mưa -truyện
ngắn được lấy làm tên chung cho tập truyện, hình ảnh của Huế vẫn hiện lên, vừa
mông lung, mơ hồ, bàng bạc, lại vừa gần gũi, sâu lắng, u trầm qua tấm lòng nhớ
thương của một người con xứ Huế xa quê.
Đa
số những nhân vật trong tập truyện đều là những người phụ nữ. Có lẽ vì cũng là
phụ nữ, nhà văn Quách Y Lành thấu hiểu, cảm thông và hướng phần lớn tình yêu
thương của mình cho những thân phận “hồng nhan đa truân” đó hay chăng?… Những
câu chuyện như những bức tranh phác ra trước mắt tôi những khuôn mặt, dáng
người, những mảnh đời phụ nữ nhiều gian lao khốn khó, với những mối tình dang
dở không thành, với hoàn cảnh quá khắc nghiệt tang thương vì thực tế cuộc đời
phũ phàng đắng chát. Thân phận của những người phụ nữ đó qua cảm xúc mãnh liệt,
qua cái nhìn sâu vào bản chất từng chi tiết, sâu vào tâm trạng từng nhân vật
của tác giả như những tiếng kêu thầm lặng đầy ray rứt, gợi lên sự đồng cảm xót
xa. Tôi nghĩ, ở những truyện này, có lẽ nhiều khi những giọt nước mắt của chị
đã rơi nhòa trên từng trang bản thảo. Một Ngự, một Khánh (Ngậm ngùi), một Nhung
(Một cõi đi về), một Trân (Trơ trọi), một o Nhung (Dòng nước lũ)… như những
bóng ma sống động, lặng buồn chợt hiện ra trước mắt tôi – lúc bấy giờ cũng đã
nhạt nhòa đi qua đôi mắt bỗng dưng ẩm ướt.
Tình
yêu trong tập truyện này của nữ văn sĩ Quách Y Lành thường là buồn nhiều hơn
vui, đau đớn, trăn trở, xót xa, ngập ngừng, âu lo nhiều hơn là hồn nhiên say
đắm. Nhưng dường như đó chính là sự thật, là chân lý, vì rõ ràng trong một kiếp
người, trong những kiếp người, hạnh phúc tình yêu thường ngắn ngủi chóng qua,
mà đau buồn thì kéo dài miên viễn… May mắn thay, giữa những bi kịch đắng lòng,
chị vẫn còn nhận ra và làm sống lại những mối tình thật êm đềm, dịu nhẹ và hứa
hẹn một ngày mai tươi sáng (Nụ hoa tường vi, Mưa hạ, Lối nắng, Thoáng qua đời,
Vạt nắng còn lại…)
Và
còn những mẩu truyện khác về tình người, tình đời, về mối quan hệ giữa cha mẹ
và con cái (Dòng nhật ký trong ngày tháng tù đày, Nó…) mà người đọc có thể rút
ra cho mình được một đôi điều gì đó để cảm thông, suy ngẫm.
Mười
chín câu chuyện, từ cảm xúc thật nhẹ nhàng tươi sáng cho đến đau lòng thắt
ruột, đã làm tôi tạm thời quên đi ngoại cảnh trong mấy tiếng đồng hồ. Đọc xong
tập truyện, nhìn ra cửa sổ, mưa vẫn còn rơi. Nhưng tôi hy vọng rồi ngày mai,
thu lại ấm áp vàng trong nắng.
Sài Gòn, đêm
mưa thu, 10/2006
(*) NXB Lao động và NXB Hội nhà văn liên kết xuất bản tháng 10/2006
(**) Nữ văn sĩ Quách Y Lành hiện sống ở Oklahoma, Hoa Kỳ, tổng thư ký tòa soạn báo Dân quyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét