Góc phố nhỏ - Tranh của Thái Thị Thu Hằng
Tháng
Chạp, gió mùa đông bắc hiu hiu chớm lạnh. Cây lê ki ma già ở quãng giữa khu phố
nhỏ của tôi thỉnh thoảng rùng mình, buông rơi vài chiếc lá úa vàng. Có lẽ cội
cây già ấy cũng là nhân chứng duy nhất còn sót lại từ hơn nửa thế kỷ qua, là di
tích chứng minh cho một thời quá khứ vàng son của khu phố nhỏ. Khu phố ngắn,
rộng ở phần đầu, ngày càng hẹp lại, và là một con phố cụt. Nó chạy ngoằn ngoèo
qua khoảng mười mấy cây cột điện, qua ba cây ngọc lan, hai cây sứ trắng, cây lê
ki ma vừa nói (còn sót lại trong tường rào một số căn nhà) và khoảng tám mươi
căn nhà thấp cao đủ kiểu ở mỗi bên đường, rồi đâm sầm vào một cánh cổng sắt to
đùng trước một ngôi biệt thự lầu kiểu mới, kết thúc một cách ngoạn mục đường
đua đơn lẻ. Ở Sài Gòn có đến dăm chục ngàn con phố cụt na ná như thế. Những con
phố nhỏ ở Sài Gòn rất giống nhau, nhưng chúng cũng có những nét lịch sử dễ
thương là lạ của riêng mình. Chẳng hạn như khu phố thân thương mà tôi
đang sống.
Phố
nhỏ và tôi đã quen biết nhau từ gần bốn mươi năm trước. Thuở đó tôi là một
thằng nhóc năm, sáu tuổi, hay ở trần mặc quần tà lỏn lê la khắp chốn. Còn phố
lúc ấy chỉ là một con đường đất, hai bên là những căn nhà trệt mái ngói hoặc
mái tôn thấp lè tè nằm giữa nhiều khoảng trống hàng cây, có cả một khu nghĩa
địa vây quanh bởi lũy tầm vông xanh lướt. Bọn nhóc chúng tôi thường chơi đủ thứ
trò bịt mắt bắt dê, tạt lon hay đá cá xiêm, đá dế… trong khu nghĩa địa râm mát
ấy. Có một dạo đi xa, tôi nhớ nhất là gia đình, rồi tới bè bạn, và con phố nhỏ.
Ở chừng mực nào đó, nó cũng là một người bạn thâm giao của tôi từ thời thơ ấu.
Hơn
chục năm nay tôi hầu như quên khuấy đi sự hiện diện của người bạn cũ, dù vẫn
sống trong lòng của nó, vẫn sáng trưa chiều tối đi về trên từng phần thân thể
nó. Phố đã thay đổi quá nhiều. Tôi cũng đã đổi thay không ít. Dù sao, giữa nó
và tôi vẫn còn lưu giữ một hiệp ước âm thầm, ngấm ngầm vô ý thức. Nó vẫn đón
chờ tôi mỗi sáng, vẫy chào tôi bằng những nhánh lá gầy nhom của mấy thân cây
già nua sót lại, hay lặng thầm ngân vọng lại tiếng máy xe của tôi những canh
khuya. Còn tôi, mỗi lúc đi về, trong những sớm mai hay giữa đêm sâu, tôi hay
huýt sáo vang lòng phố những điệu nhạc xa xưa như để chuyện trò, bày tỏ cùng nó
từng tâm trạng vui buồn.
Sáng
nay, tôi giật mình thức giấc thật sớm. Nhìn đồng hồ trên tường mới chỉ ba giờ
sáng. Tôi không muốn ngủ tiếp vì thấy mình bỗng dưng tỉnh táo và khoẻ khoắn, và
chợt thấy hơi bâng khuâng nhớ tiếc một điều gì đó xa xôi bảng lảng. Tôi mở cửa
căn gác nhỏ, nhìn ra. Con phố mờ xanh dưới ánh trăng nhợt nhạt. Không khí trong
veo, thoảng mùi hương dịu nhẹ của một loài hoa cỏ nào đó từ đâu theo gió đưa
về. Gió cuối đông mát lạnh thênh thang cuốn nhẹ trong lòng phố nhỏ. Phố vẫn còn
vắng tênh, không có ai ngoài quán cà phê của chú Bảy vừa mở cửa. Và tôi quyết
định xuống thức cùng với phố.
…Thường
ngày, từ ba giờ rưỡi sáng, lúc các vì sao vẫn còn say sưa nhảy múa những vũ
điệu huyền ảo trên bầu trời xa thẳm, không khí còn trong veo và đẫm ướt hơi
sương, xe cộ qua lại còn thưa thớt, quán cà phê của chú Bảy đã bắt đầu
có những người khách đầu tiên. Đó là chú Tám, đại úy thương binh, là chú Ba
Tôn, chạy xe ba gác chở mối hàng ngày cho mấy chị em buôn bán nhỏ ở chợ Bà
Chiểu, là chú Tư, một nhà văn lão thành nổi tiếng… Họ ngồi quanh chiếc bàn gỗ
nhỏ giữa quán, úp hai bàn tay vào hai bên tách cà phê bốc khói như để tìm chút
hơi ấm và chuyện trò lan man về nhân tình thế thái hay kể nhau nghe mấy câu
chuyện cổ kim. Lâu lâu, cũng có những người khách lạ ghé uống cà phê ở quán chú
Bảy vào giờ đó. Họ tranh thủ vừa ngồi uống cà phê, vừa chờ đón xe ôm hay xích
lô để ra các bến xe về thăm quê quán. Khoảng bốn giờ, chiếc xe hủ tiếu mì của chị
Thắm lọc cọc xuất hiện. Chị đẩy xe tới gần cửa quán chú Bảy, bày biện vài bộ
bàn ghế rồi bắt đầu nổi lửa nồi nước lèo. Năm giờ sáng, từ những căn nhà còn
ngáy ngủ dưới ánh đèn vàng mờ tỏ và trên con lộ lớn cắt ngang phố cũng đã lác
đác xuất hiện thêm nhiều người nữa. Đó là những ông bà lão dậy sớm đi bộ, tập
thể dục dưỡng sinh, những phụ nữ trung niên đã hơi xuống dốc hoặc những cô bé
chân dài xinh xẻo dậy chạy bộ chút chút để giữ eo và giảm béo…
…Sáu
giờ sáng, phố xá đã hoàn toàn thức giấc, thở những hơi thở đầy sức sống của một
ngày mới mẻ. Quán cà phê chú Bảy chật cứng những khách lạ quen. Mấy cô công
nhân dệt may, mấy anh công nhân khu chế xuất Tân Thuận hay khu công nghiệp Biên
Hòa xúm quanh chiếc xe hủ tiếu của chị Thắm, xì xụp một cách ngon lành tô hủ
tiếu mì bốc khói. Những âm thanh, tiếng động quen thuộc hàng ngày chợt nổi lên,
hòa trộn vào nhau thành một bản giao hưởng cực kỳ lộn xộn nhưng cũng vô
cùng ấm áp và gần gũi. Xung quanh con phố nhỏ, xe cộ và người đã chảy thành một
dòng đông đúc, ngược xuôi tới mọi nơi.
…Càng
về trưa, phố càng vắng lặng đi dần. Ở con đường lớn ngoài kia, xe cộ vẫn tấp
nập ngược xuôi, nhưng trong lòng con phố nhỏ, nhịp thở bắt đầu chậm lại, như
thể nó đang nghỉ giải lao để chờ một hiệp đấu mới lúc chiều lên.
…Và
chiều lên. Chị Ba Lành bày dọc theo vỉa hè đầu phố dăm bộ bàn ghế, căng một tấm
bạt che cái bàn nhỏ đặt vài bình bia tươi, bia Sài Gòn, Bến Thành và vài chai
xá xị. Trên cái khung gỗ đóng dã chiến treo lủng lẳng mấy con khô mực, khô cá
đuối…Vài cái rổ đựng những con chem chép, sò huyết, sò lông.. nằm xếp lớp như
mái ngói. Dạo trước còn có mấy trứng gà lộn, vịt lộn sống được sắp trong một
cái rổ đặt trên bàn để “giới thiệu sản phẩm” nữa. Nhưng từ sau khi phát sinh
dịch cúm gia cầm, chị Ba đã loại bỏ khoản mồi nhậu này khỏi bản thực đơn. Thân
chủ của chị Ba thường là mấy anh xe ôm, ba gác, hay mấy anh em thợ hồ, thợ mộc.
Nhưng nhiều khi cũng có vài cặp trai gái ăn mặc lịch sự mô đen hết cỡ, đi xe @
bóng lộn ghé vào lai rai ủng hộ cái quán cóc bên đường của chị. Dạo gần đây lại
có một “cô em Bắc kỳ nho nhỏ” (cô bé cho tôi biết cô quê ở Thanh Hóa, vừa vào
Nam mấy tháng) chiều nào cũng ghé qua trên một chiếc xe đạp thồ cải tiến, kéo
theo phía sau một cái khung gỗ cột ràng cái bếp than, nồi nước sôi và treo lủng
lẳng những chùm bắp non tươi rói. Mùi bắp luộc ngọt ngào theo gió ngan ngát lan
tỏa khắp không gian nhỏ bé trong lòng con phố.
Và
cứ thế, phố tiếp tục cái không khí lao xao vui nhộn, đủ mùi vị âm thanh của nó
cho đến gần giữa đêm khuya…
Thường
thường, tôi ghé quán cà phê chú Bảy hơi muộn vì dậy sớm không quen, nhưng thỉnh
thoảng, như sáng hôm nay, tôi cũng thức dậy cùng với phố, với quán cà phê và
những ông bạn láng giềng cao tuổi, để tận hưởng trọn vẹn một sớm mai trong lành
tươi mát. Chú Bảy đã nhanh tay “tậu” được một chậu mai vàng xinh xắn đặt ở một
bên cửa quán. Những nụ mai be bé xum xuê đang nghiêng mình run rẩy trước làn
gió hây hây man mác. Chú Bảy khoe với tôi năm nay làm ăn phát đạt, chắc qua năm
mới có thể trang bị cho quán thêm một giàn nhạc hifi để buổi trưa thu hút những
khách thanh niên nam nữ trẻ trung, sôi nổi. Tôi cười và đáp rằng tôi thích cái
thứ âm nhạc tự nhiên của phố xá hơn - cái bản nhạc tổng hợp của những tiếng còi,
tiếng máy xe nổ êm êm hay chát chúa, tiếng bước chân rộn rịp và những giọng
cười trong vắt của mấy cô công nhân trẻ măng xinh xắn, tiếng ca vọng cổ từ một
chiếc radio xa xa vẳng lại, hay tiếng con nít từ nhà ai đó lâu lâu oe oe khóc
ré lên… Nhưng không sao, cái giàn nhạc hifi tương lai của chú chắc chắn sẽ xập
xình phát ra những bản nhạc boléro, country, jazz, R&B hay hiphop gì đó, và
dĩ nhiên là nó cũng sẽ góp thêm nhiều màu sắc cho giàn nhạc giao hưởng
cực kỳ nhộn nhịp sống động của phố xá lao xao…
Mấy vị bô lão gật gật đầu mỉm cười đồng ý với tôi. Ngoài kia nắng đã lên. Con
phố nhỏ thân yêu của tôi bừng lên màu mật ngọt.
Saigon, 2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét