PHẦN BA
Sài Gòn,
tháng 9 - 2002
Hôm nay, Dũng lại tặng cho tôi một cú leo cây ngoạn mục.
Buổi sáng, anh gọi đến hẹn hò, nói những lời ngọt như ướp mật. Buổi chiều, tôi
ngồi một mình trong quán chờ anh đúng nửa tiếng. Rồi tôi xách xe chạy lang
thang, không buồn, không vui, chỉ thấy chán chường. Buổi tối, anh gọi đến xin lỗi
rối ra rối rít, hứa hẹn thề thốt đây sẽ là lần cuối. Anh đổ lỗi cho trận đấu
bóng đá quá hấp dẫn, cho vụ cá độ với mấy người bạn cùng cơ quan... Và cuối
cùng là một cái hẹn mới cho ngày hôm sau. Tôi bảo anh tôi mệt mỏi quá, tôi muốn
yên tĩnh khoảng vài ba tháng, xin anh làm ơn đừng quấy rầy tôi, rồi cúp máy.
Bóng đá là một trong những “đam mê” của Dũng. Đã mấy lần
anh thất hẹn, cho tôi leo cây chỉ vì những trận đá bóng trực tiếp qua truyền
hình. Tôi cũng thích xem đá bóng, nhưng ở một góc độ nào đó, không như Dũng, và
nhiều người khác, tôi xem bóng đá chỉ vì chính bản thân nó. Bóng đá, cũng như
bất kỳ môn thể thao nào khác, có một sức hấp dẫn, lôi cuốn, một vẻ đẹp như bản
tráng ca ca ngợi tinh thần quyết thắng, tinh thần vượt thác giành lấy vinh
quang của con người. Nhưng với tôi, nó cũng không có gì đặc biệt hơn bóng rổ,
bóng chuyền hay thậm chí trò chơi u của trẻ con. Bởi vì, nói cho cùng, trong
bất cứ trò chơi nào, con người cũng luôn luôn muốn thắng.
Vậy thì mấu chốt của vấn đề là ở chỗ nào, khi trên khắp
trái đất bé nhỏ này, người ta cứ mãi thổi
phồng mọi chuyện về bóng đá như vậy? Cứ làm như nó không còn là một trò chơi
nữa, mà đã trở thành một cái gì đó ghê
gớm hơn rất nhiều, gắn liền với những danh từ chung to tát, lớn lao như danh dự quốc gia, như tự hào dân tộc... Tôi
không dám chối rằng chính bản thân tôi cũng cảm thấy xôn xao, hưng phấn và xúc
động lạ thường khi đội tuyển Việt Nam chiến thắng trong một trận cầu
quốc tế. Nhưng ngoài ra, tôi cũng còn cảm nhận được một điều, là lẽ nào chúng
ta cảm thấy vinh hạnh, tự hào chỉ nhờ vào những trận cầu đầy may rủi; lẽ nào
chúng ta có thể đánh giá danh dự một quốc gia chỉ qua quả bóng tròn?
Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều, cố tìm ra lời lý giải cho
chính bản thân mình. Tôi vốn ít khi chịu để cho một thắc mắc làm eo làm sách,
vờ vĩnh ta đây là đại phức tạp, là bất khả truy cứu, vô phương cảm nhận. Và tôi
đã tìm ra nó.
Điều trước tiên, căn bản nhất, là bóng đá, ở chính bản
thân nó từ mấy mươi năm trở lại đây, không
còn là cứu cánh nữa, mà đã trở thành phương tiện.
Đối với cầu thủ, nó trở thành bát cơm manh áo, trở thành
cái mà người ta gọi là tiền đồ sự nghiệp.
Điều này không có gì là xấu. Điều tệ hại là khi bóng đá không còn là một
trò chơi mã thượng, mà là phương tiện để phục vụ cho những nhu cầu khác, nó đã
biến đổi nhiều về chất. Có lẽ thuở ban đầu của thể thao, và bóng đá nói riêng,
thắng hay bại không là vấn đề quan trọng. Điều quan trọng là người ta đã thật
sự chơi hết mình, dốc hết sức để giành chiến thắng, đồng thời vẫn giữ được vẻ đẹp
và sự trong sáng của một môn thể thao biểu diễn. Ngày nay, vấn đề đổi khác, vì
chiến thắng, hay nói đúng hơn, vì những mối lợi phía sau chiến thắng, người ta
sẵn sàng vứt đi phẩm giá con người và lòng trung thực. Dẫn chứng cho hiện tượng
này là quá nhiều, tôi xin miễn liệt kê dài dòng, làm mất thì giờ của các bạn.
Bên cạnh đó, đối với giới báo chí, truyền thông, cùng một
giuộc một bè những công ty đa quốc gia này, tập đoàn đại quốc tế kia, bóng đá
trở thành một công cụ quảng cáo vô cùng đắc lực, mang lại mối lợi nhuận khổng
lồ. Đơn cử một ví dụ về cái sự quảng
cáo, chỉ ở sân vận động thôi, cũng đã có ít nhất dăm ba ngàn cho đến vài vạn,
hơn chục vạn khán giả ngồi tại chỗ, rồi hàng
trăm, hàng ngàn triệu người khác ngồi trước màn ảnh nhỏ. Quả là không có
môn thể thao nào khác so sánh được với nó về cái vai trò “sơn đông mãi võ” của
mình. Các nhà báo thể thao nhờ nó mà tha hồ múa gậy vườn hoang, tán hươu tán
vượn từ diễn biến trên sân bóng cho tới chuyện đời tư cầu thủ. Rồi các tờ báo
từ đẳng cấp quốc tế, quốc gia đến địa phương cũng nhờ vào những trận túc cầu hệ
trọng mà tăng vọt số lượng phát hành. Đối với chính trị, nó là một cầu nối linh hoạt mềm dẻo, một cái van an toàn tuyệt hảo cả trong đối nội và
đối ngoại...
(Ở đây, tôi xin được mở ngoặc đơn một cách đầy thiện chí
để đính chính những ý tưởng hơi có khả năng đụng chạm, làm mích lòng những vị
khả kính trong giới truyền thông. Vì một sự ngẫu nhiên, xếp đặt siêu hình nào đó,
mà tôi được vinh hạnh tiếp xúc, quen biết thân sơ lộn xộn với nhiều người trong
số họ. Ai cũng biết là ở trong bất cứ một ngành nghề nào cũng có những người
tốt thế này, người xấu thế kia. Cái sự mà ngạn ngữ đã phát biểu một cách đoan
quyết không phương chối cãi là “Bàn tay có ngón dài ngón ngắn”. Thêm nữa, xin
nhấn mạnh là toàn bộ các nhận xét của tôi hướng tới một phạm vi vượt khỏi giới
hạn của một quốc gia, dân tộc bất kỳ nào.)
Thứ hai, chính vì
cái chỗ nó có thể đến với số lượng cặp mắt của một con số khổng lồ những người
hâm mộ như đã nói trên, bóng đá trở thành một sự giao cảm chung, một sự liên
kết có tính nhất thời thôi, nhưng cũng đã là quí hiếm ở cái thời đại này – một
thời đại ngày càng đẩy người ta đến chỗ hoang mang trống rỗng, cô liêu tịch
mịch không ngờ về mặt tâm linh.
Trước một trận cầu sôi động, mọi người đều bình đẳng như
nhau: anh phụ hồ, anh đạp xích lô ăn sóng nói gió, vị tiến sĩ luật khoa lý
thuyết sách vở đầy một bụng, tay thương gia coi trái đất như một cái túi trong
đó những đồng xu xủng xoẻng lẫn lộn với sỏi tròn, đá cuội mà thiên chức của
mình là sàng lọc, chắt mót để gom thu càng nhiều càng tốt, những tay làm văn nghệ
chuyên nghiệp hoặc nửa mùa, đầu óc đầy những viễn tượng mê ly, phác thảo cao kỳ
có một không hai... Tất tất đều trong một lúc trở thành một khối thống nhất như
mẩu cao su tổng hợp của một trong hai phe, hoặc ủng hộ hoặc đối đầu với một
phía, một bên sân cỏ... Người ta cùng reo hò khoái trá khi có một bàn thắng
đẹp, cùng rên lên tiếc rẻ, thất vọng não nề khi một cơ hội làm bàn chắc ăn như
bắp lại chả được cái tích sự gì... Và người ta nhận thức được, là cùng với
mình, có hàng bao nhiêu, bao nhiêu con người khác cũng mang tâm trạng, tâm thế như mình, cũng la cuồng rối rít như mình, nên
chi họ lấy làm an ủi lắm.
Điều này cũng tương tự như trong một show nhạc trẻ, mọi
người như cuồng như bốc, múa may nhảy cởn theo tay ca sĩ, theo tiếng nhạc rậm
rật rú lên trên sân khấu, và nếu ai có mặt ở đó mà không bị cái sức thôi miên
tập thể, cái sự bắt chước bản năng mang tính bầy đàn có từ ngàn xưa ấy cuốn vào trong cuộc, thì chỉ có thể là người điên thật sự, hoặc là người có khuyết tật ở
mắt ở tai.
Vì hai lẽ nói trên, cộng thêm với sức mạnh của giới báo
chí truyền hình – cái sự vụ không ai dám đôi co chối cãi – thì hẳn nhiên, bóng
đá thực sự đã thoát thai, lột xác.
Tôi còn một lẽ giải thích thứ ba, đó là đối với những
người thật ra cũng không yêu thích bóng đá một cách tự thân. Nếu bắt họ xem một
trận túc cầu mà không ai ngồi bên cạnh, rồi cũng không có ai để bàn cãi, khen chê,
tán luận ầm ĩ vào ngày hôm sau ở công sở, ở bến xe, hay bất cứ chỗ nào người ta
có thể tìm được cho mình ít nhất là một người đối thoại, thì tôi nghĩ có cho
vàng họa may mới lôi họ được đến trước TV. Vậy nhưng số người này cũng không là
ít, và họ lại là những kẻ nhiệt tình bình luận để khoe khoang đầu óc sắc sảo,
cặp mắt tinh tường của mình bằng những lời còn đao to búa lớn hơn ai hết. Bóng
đá với họ chẳng qua chỉ là một thứ khoe mẽ thời trang, là món trang sức thêm
vào những mobi-phone, name-card.
Dũng thuộc loại người nằm trong lẽ giải thích thứ ba này.
Tôi quá hiểu anh, nên không giận, không trách gì anh. Tôi chỉ hơi thấy thương hại cho anh. Và tiếc cho
mình. Tôi tự hỏi làm sao mà mình đã có thể xiêu lòng, có thể để cho anh ngày
càng chiếm một chỗ tương đối lớn trong tim mình như vậy. Và rồi tôi cũng tự trả
lời: Vì tôi cô đơn quá! Một khi người ta cô đơn, người ta có quyền yếu đuối, và
có quyền mắc sai lầm. Hơn nữa, dù sao tôi cũng chỉ là một cô gái trẻ mà thôi.
Dạo sau này, tôi ít khi đọc báo. Thảng hoặc khi ở cơ quan,
chợt tình cờ vớ phải một tờ báo nào đó nằm trong tầm tay mình, tôi chỉ liếc sơ
qua mục truyện ngắn. Tôi không còn quan tâm đến thời sự nữa. Thời sự thì lúc
nào cũng vậy, là những điều mà ngày hôm nay người ta chú ý, nhưng ngày mai thì
đã bị lãng quên. Thời sự chỉ có ý nghĩa khi người ta nhận thức nó trong một mối
tương quan liên kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Nếu không, chúng chỉ
là những cái bóng mơ hồ như trong cơn ác mộng, lướt qua mà chẳng để lại gì tốt
đẹp hơn cho cuộc sống, chẳng có tác dụng gì ngoài việc làm cho người ta quên
lãng những cái có tính chất trường tồn, lớn lao quan trọng hơn cho chính bản
thân mình, cho kiếp phận thế nhân.
Đôi khi trong những lần đọc vơ đọc vẩn như vậy, tôi cũng
tìm thấy một vài mẩu truyện khá hay. Đó là những mẩu truyện của những tác giả
trẻ như Triều Hải, Vàng Anh... Tôi thấy họ như kể về chính cuộc đời tôi; về những
cuộc tình lơ mơ như có như không như thể trò đùa; về những chuỗi ngày nặng nề,
tẻ ngắt, lặp đi lặp lại như một đoạn nhạc Rap của tôi. Của tôi, và của bao
nhiêu thanh niên nam nữ khác cùng thế hệ với tôi. Nhưng đọc rồi, tôi càng cảm
thấy khó chịu, ưu phiền hơn, thay vì tìm
thấy ở đó một cái gì an ủi.
Chúng tôi cần một cuộc sống không có những lời an ủi rẻ
tiền. Nhưng chúng tôi cũng còn cần một cuộc sống trong đó mình không phải cứ
suy nghĩ về chính mình, cứ phải tự vấn mình một cách hoang mang như vậy. Tôi
nghĩ, đơn giản là tuổi trẻ thế hệ chúng tôi cũng giống như bao thế hệ trẻ đã qua về những khát vọng,
những niềm hy vọng. Nhưng cội nguồn, niềm tin, những thành trì bảo vệ, những
chỗ dựa tinh thần của chúng tôi đã lung lay, đảo lộn, xa vời, mà chúng tôi
lại thiếu một sức mạnh, một nối kết cao cả thiêng liêng như thế hệ cha
anh đã có. Chúng tôi điên cuồng tranh nhau bò lên chiếc thang danh vọng, mà chẳng
biết cuối cùng nó sẽ dẫn tới đâu; Chúng tôi cày như trâu để kiếm tiền, càng
nhiều càng tốt, để ngày càng thấy căm ghét chính mình; chúng tôi bơ vơ, lạc
lõng, tìm mối giao hoà trong âm nhạc sôi trào kích thích, trong những cuộc
chơi, những mối quan hệ ngày càng rời rã, và ngày càng cảm nhận mình mất mát.
Ngày càng mất mát...
Năm tháng trôi qua. Tuổi đời chồng chất. Nói cho ghê vậy, chứ thật ra, cũng chỉ có vài
ba năm thôi sau ngày ra trường, tôi đã thấy mình già nua, cằn cỗi biết bao
nhiêu. Tôi tiếp xúc với nhiều nhân vật, nhiều tính cách khác nhau, và cũng nhận
thức được nhiều điều, học được nhiều thứ nhà trường không hề dạy. Cuộc đời hiện
ra trước mắt tôi giờ đây là một bức tranh có nhiều đường nét, màu sắc khá hỗn
độn và phức tạp, nhưng cũng thật là dễ hiểu. Màu hồng ngày xưa đã phai nhoà,
nằm khuất đâu đó ở một góc hoài ức. Bây giờ, trước mắt là màu đỏ của tranh đấu,
là đôi đốm xám bi quan những phút ngã lòng, là đôi nét xanh của hy vọng mới.
Chúng lại trộn lẫn với nhau, với những màu tối, lạnh, hay sáng, nóng, trở thành
trăm nghìn sắc màu đa dạng. Nhưng bao trùm lên tất cả, vẫn là màu đỏ. Cuộc đời
lúc này đây, đối với tôi, không phải là nơi chốn để ngơi nghỉ, tìm cảm giác an
bình. Phải chiến đấu, phải sống còn trước đã, trong khi chờ tới một ngày kia
được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, một đôi lúc, cái con bé lãng đãng mộng mơ của ngày
xưa cũ chợt quay về. Đôi mắt trong veo của nó nhìn tôi ngỡ ngàng, dò hỏi.
Mấy lúc ấy, đầu óc tôi chợt gợn lên bao suy nghĩ xa xôi.
Tôi thầm tự hỏi đâu là bản chất, là ý nghĩa đích thực của tình yêu, cuộc
sống... những vấn đề lớn của ý thức con
người, những vấn đề đã được biết bao nhiêu sách vở, thi ca giải thích bằng mọi hình
thức, trên mọi khía cạnh khác nhau. Nhưng tôi càng nghĩ càng cảm thấy hồ đồ,
ray rứt.
Phải chăng sống nghĩa là sinh ra, xây đắp những ước mơ,
chịu đựng những khổ đau, mất mát, hưởng những hạnh phúc không bao giờ trọn vẹn,
để rồi cuối cùng là trở về cõi chết? Đã
có mấy ai xuôi tay nhắm mắt với một nụ cười bình an, thanh thản? Cuộc đời hẳn
nhiên là nhiều tiếng cười, nhưng thực chất chắc là nhiều tiếng khóc hơn – những
tiếng khóc nghe thấy được, và những tiếng khóc lặng câm, ngụy trang bằng chính
những nụ cười. Phải chăng cuối cùng thì hạnh phúc thật sự lúc nào cũng nằm đâu
đó ngoài tầm tay với của con người? Đến nỗi một người có đủ tiền tài danh vọng
như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng phải thốt lên: “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!"
Hay là tôi đã trở thành một kẻ bi quan chủ nghĩa? Dù sao
thì con người, dù là bậc đại vĩ nhân, đại hiền triết, là danh tướng mỹ nhân gì
gì đi nữa, thì cũng chỉ cất tiếng đầu tiên chào cuộc đời bằng một chuỗi oa oa...
Rồi tình yêu nữa! Tình yêu không phải là cái mang đến hạnh
phúc như người ta hay ngộ nhận. Tình yêu hình như là để thử thách, để xem coi
ta có thể chịu đựng đến mức nào những đau khổ, những giằng xé khôn nguôi giữa
cái tôi và cái không-phải-là-tôi, giữa cái ta và cái tha nhân...
Tôi
đã trông thấy những mái nhà xiêu vẹo nhú lên trong màn nước lũ mênh mông ở Miền
Tây. Tôi đã trông thấy hình ảnh của những bà mẹ, những đứa trẻ con đứng ngong
ngóng nhìn ra khơi chờ đợi cha anh, chồng con họ trở về bình an trong một mùa
giông bão. Tôi đã trông thấy những tiểu gia đình, với những bà mẹ xanh xao,
những đứa con gầy còm, cả mẹ cả con đều lem luốc, bẩn thỉu, rách như tổ đĩa,
nằm co quắp dưới những mái hiên, trên những con đường khu trung tâm thành
phố... Và tôi thấy những buồn rầu, lo lắng của mình chợt trở nên tầm thường bé
mọn, lạc lõng và vô vị biết bao nhiêu.
Tôi chợt nhớ loáng thoáng mấy lời của William Faulkner khi
nhận giải Nobel văn chương năm 1950: “Tôi
khước từ không chấp nhận sự tàn lụi của con người… Tôi tin rằng con ngưòi không
chỉ đơn giản chịu đựng... Con người sẽ chiến thắng.”[1]
Tôi chợt nhớ lời Charles Chaplin khi nói về kịch bản Limelight: “Toàn bộ ý
nghĩa của câu chuyện, đó là đừng sợ sống!”[2] Tôi nhớ lan man tới những nhân vật mà
nhạc sĩ Trần Tiến đã thiết tha cất tiếng hát nhắn nhủ, ca tụng, an ủi vỗ về:
những cô bé ngây thơ như những mặt trời bé con tỏa ánh sáng hạnh phúc đơn sơ,
những người thương binh trở về sống tiếp cuộc đời lặng lẽ, những cô gái làng
quê lạc lõng bơ vơ trong thành phố,
những "chú sói con lạc loài" giữa phố phường chật hẹp, những kẻ đau
khổ, bất hạnh sắp lìa đời vì bệnh AIDS…
Phải
rồi! Chỉ có mở lòng ra với tất cả, nghĩ về những bất hạnh lớn lao hơn mà con
người quanh ta đang chịu đựng: đói nghèo, tàn tật, thiên tai, chiến tranh, bệnh
dịch… và nghĩ về chúng như là những thử thách vô cùng ghê gớm, nhưng không phải
là không thể vượt qua; thì ta sẽ có niềm tin và lòng can đảm, để sống – sống
một cách xứng đáng với danh hiệu Con Người.
Lúc nãy, sau khi trở về nhà, tắm rửa cơm nước xong xuôi,
trong lúc đang lúi húi lục tìm trong đống sách một cuốn văn bản chuyên ngành,
tôi chợt bắt gặp một xấp giấy chi chít chữ. Đó là những ghi chép mà tôi, trong
một cơn xúc cảm, đã viết nên gần một năm trước
đây. Hình như khi ấy tôi có ý định viết một truyện ngắn gì đó kể lại câu
chuyện của anh, gửi đăng báo với hy vọng Chi sẽ tình cờ đọc thấy, và sẽ biết
rằng ít ra trong đời chị, chị vẫn còn có niềm hạnh phúc được sống mãi, tồn tại
mãi như một điểm sáng trong trái tim của một gã đàn ông. Rằng không phải tất cả
đàn ông trên cõi người ta này đều chỉ mang tới những gánh nặng khổ đau. Rằng
cuộc sống vẫn còn ở phía trước, với bao ngọt bùi hân hoan, chứ không phải chỉ
toàn một màu xám xịt...
Vâng, nói tóm lại, như một lời an ủi, như một lời tâm sự
của một người bạn gái, một người em nhắn
gửi đến Chi.
Nhưng rồi tôi thấy mình khó lòng, hầu như không thể nói
lên được những gì mình muốn nói, mà chỉ dông dài kể lể, chỉ lê thê ở những tình
tiết này, sự kiện kia, đôi khi nổi hứng lên tôi còn chêm thêm những đoạn triết
lý lan man nửa mùa nửa vụ... Nên cuối cùng những ghi chép của tôi trở thành một
thứ “cocktail” văn nghệ. Nó không là truyện ngắn, chả phải chuyện dài, hồi ký
cũng không ra, mà tự sự lại càng không phải. Tôi đưa một nhỏ bạn đọc để xem ý
kiến của nó thế nào. Nó phán một câu: “Dài dòng, ngổn ngang, mà không cuốn hút,
không hấp dẫn tí nào!”
Hỡi ơi, tôi chỉ là một con nhỏ tập tành đua chen cố lách
một đầu bàn chân vào làng văn nghệ, với một trình độ vỡ lòng, mà câu chuyện của
tôi thì đúng là chả có gì lâm ly mấy. Không
có những nụ hôn ngọt ngào ngây ngất. Không có những pha yêu đương mê ly lăn lóc
đá mê mẩn đời. Chả có gì là éo le tréo cẳng ngỗng đầy giật gân, kinh dị như
hằng hà sa số những cuốn tiểu thuyết đã ra đời và sắp sửa ra đời... Không có
được sự cô đọng trong một trăm chữ mà nói được mấy tầng ý nghĩa cao siêu. Mà
cũng chẳng có sự chắt lọc ngôn từ để góp phần làm trong sáng hoá tiếng Việt
thân thương giàu đẹp... Vậy thì chỉ còn
có nước quẳng phứt nó vào ngăn tủ như một món đồ cũ, không còn xài được nhưng cũng không nỡ vất đi...
Một năm qua, anh biến mất tăm mất tích. Có lần lâu quá
không thấy anh gọi đến, tôi phải chủ động gọi qua chỗ anh. Mấy lần cô gái trực
điện thoại trả lời anh đi vắng. Rồi lần cuối cùng chị bảo là anh đã nghỉ làm, chuyển
đi nơi khác.
Tôi cũng hơi buồn, nhưng không bồn chồn lo âu gì cho anh
cả. Anh là một đứa trẻ con khờ khạo trước tình yêu, hay là một người già trước
tuổi; là một kẻ trầm tư ưu uất, hay là một người ảo vọng suốt đời lang thang đi
tìm một quê hương, một ngôi nhà tâm linh yêu dấu... mọi sự đều không còn quan
hệ tới tôi. Con đường mà mỗi người phải bước, nói cho cùng, đều do sự
chọn lựa của chính bản thân. Và mỗi người phải bước về phía trước bằng đôi chân
của họ.
Anh bây giờ làm ăn, sinh sống ra sao? Anh bây giờ đã vớ
lấy một cô vợ tình cờ duyên số buộc ràng, duyên phận đẩy đưa, hay vẫn mãi sống
với những dư ảnh, dư hương dĩ vãng? Đôi
khi tôi cũng hơi thắc mắc. Không biết rồi sau đó anh có gặp lại Chi chăng, có
nối lại được ân tình ngày cũ, hay anh gặp lại chị ấy một cách ngỡ ngàng, vì
người xưa chỉ còn trong hoài niệm, còn người đứng trước mặt anh lại là một người vô cùng
xa lạ, một người không còn chút liên lạc mối dây gì với mường tượng ký ức của anh?...
Dù sao thì đối với tôi, anh cũng đã trở thành một bóng ma
quá khứ. Tôi đã thật sự trở thành người lớn, thật sự trưởng thành.Và tôi là một
con nhỏ luôn luôn nhìn thẳng vào hiện thực
bằng con mắt vô cùng tỉnh táo. Anh không còn là một con người đầy bí ẩn, đầy
sức quyến rũ mê hoặc bởi những vẻ u sầu phiền muộn, bởi những câu chuyện mang
sắc màu huyền hoặc, mung lung qua dấu vết thời gian. Thời gian luôn luôn phủ
lên bất kỳ câu chuyện nào một lớp áo kỳ diệu lung linh và giả tạo. Bởi vì con
người thường vô ý thức quên đi những cái gì xấu xa, những cái gì có thể làm
giảm đi, làm ảnh hưởng đến tính chất tự tâng bốc, tự lừa dối bản thân mình qua
những hồi ức.
Có
chăng, khi nhớ về anh, tôi vẫn cảm thấy ngọt ngào đôi chút. Ngọt ngào vì đã có
những ngày xưa trong đó tôi là một Thỏ con ngây thơ trong sáng, mắt long lanh
và tâm hồn chưa gợn chút bụi hồng trần thế. Hình như tôi cũng đã tự tâng bốc
bản thân mình, tự lừa dối mình một cách cố tình và đầy ý thức? Nhưng cũng có hề
gì, phải không, khi ta làm cho cuộc đời mang một màu sắc tươi hơn, đẹp hơn cái
nó vốn có, cái nó vốn là như vậy?...
Còn chuyện của riêng tôi? – Rồi một ngày nào đó thời gian
sẽ trả lời. Và cũng chính thời gian sẽ xoá nhòa, nhấn chìm tất cả. Chúng ta
đang ngày càng lùi lại, ngày càng lùi lại mãi về phía khởi đầu của mọi dự tính,
ước mơ. Nhưng thời gian thì vẫn tiến về phía trước. Vẫn giữ nguyên một chiều,
một hướng...
“ Ôi
khu vườn xưa
đầy
chuyện hoang đường
Ôi
khu vườn xanh
ngày
tháng hồn nhiên
giờ
khép cổng
Thỏ
con đã thành người lớn mất rồi...”
10/1998
[1] “I decline to accept the end of man…I believe that man will not merely endure : he will prevail.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét