Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Mùa xưa - Kỳ III




ghi chép 5


Thảo hấp tấp bước lên thềm. Nó thầm cầu trời cho chị Chi có ở nhà. Hôm nay thật là một ngày đặc biệt – ngày đầu năm dương lịch – và đêm nay lại có trăng. Môi nó chợt vểnh lên ở một bên, tạo một nụ cười khoan khoái. Nó đập tay vào cánh cửa, gọi to:
- Chị Chi ơi! Chị Chi!
Chi bước ra từ sau tấm vách ngăn, tay cầm viết. Cô mỉm cười với nó.
- A, Thảo đó à. Có gì vậy em?
- Dĩ nhiên là có. Chị Chi này, chị có bận gì không? Mà nếu có cũng phải dẹp qua một bên thôi. Em mang tin này cho chị, có gì thưởng cho sứ giả không hả chị?
Chi lại mỉm cười. Nó cũng nhe răng cười với cô. Chị có nụ cười dễ thương lắm đó, biết không. Hèn chi mà anh Nguyên không bị sét đánh ngất ngư sao được – Nó nghĩ.
- Em nói đi.
- Chị có gì thưởng không đã nào.
- Coi kìa, Thảo hôm nay tệ quá, làm khó dễ chị vậy sao? Có một trái quýt, chịu không?
- Tuyệt cú mèo! Chị Chi, giả sử chị đang ở trong một căn nhà ấm cúng, mà ngoài trời thì mưa gió ghê hồn. Bỗng có một lữ khách khốn khổ, lạnh cóng, cô đơn đến gõ cửa xin chị một đêm tạm trú, chị có đồng ý cho không?
- Chị ấy? Chị đang ở trên cái giường tầng trong ký túc, đang sống xa nhà và ăn cơm tập thể. Chị đâu có gì để chia sẻ hay giúp đỡ người khác. Chị làm gì có một căn nhà ấm cúng.
- Vậy thì giả sử chị đang buồn phát khóc lên, đang trống trải cô đơn ghê gớm. Chợt có một anh chàng xuất hiện. Cứ cho là một hiệp sĩ gì đó đi. Chàng nói: Ta sẽ giúp em thoát khỏi nỗi buồn, sẽ mang niềm vui trở lại với em. Chỉ cần em nở một nụ cười tươi, cuộc đời sẽ tươi đẹp, tưng bừng trở lại. Chị có cười không?
- Trời ơi! Em đang làm thơ hay kể chuyện cổ tích đó hở Thảo. Nào có gì nói cho chị nghe đi. Em làm chị rối lên, chẳng hiểu gì cả.
- Có gì đâu, lâu lâu em cũng phải tỏ ra lãng mạn chút chút chứ. Với lại, nói nhỏ cho chị nghe nha... Nhìn chị, ai mà không trở thành nhà thơ bất đắc dĩ chứ! Ấy, chết rồi! Chắc chàng lữ khách cô đơn, nhà hiệp sĩ đa tình đang rủa em dữ  lắm. Chàng chờ nãy giờ chắc cổ đã dài như cổ sếu rồi. Chị Chi, anh Nguyên đang chờ chị đó. Ảnh muốn nói chuyện với chị.
Chi cảm thấy mặt nóng bừng. Cô vừa muốn viện cớ gì đó để từ chối, vừa cảm thấy không thể nào không chấp nhận. Từ  ngày quen nhau, cũng thỉnh thoảng thôi, Nguyên mới hẹn hò gặp gỡ. Còn thì chỉ đơn thuần là những tia nhìn ngẩn ngơ say đắm như dán vào cô mỗi khi họ tình cờ gặp nhau ở sân trường. Không biết từ lúc nào, chúng cũng đã làm cô nhơ nhớ, bâng khuâng. Cô cúi đầu suy nghĩ.
- Em chờ chị chút xíu nhé Thảo. Em thật là quái quỷ, có thế mà cũng không chịu nói ngay.

Từ  xa, Chi đã nhận ra Nguyên. Anh đang đi lại quẩn quanh, bồn chồn dưới ánh sáng mờ mờ từ cây trụ đèn hắt xuống. Anh quay lại, và trông thấy cô. Anh đứng yên trong giây lát, rồi bước vội về phía cô, miệng cười cười, mắt sáng ngập niềm vui. Cứ  làm như là gặp lại người yêu của anh sau hàng năm trời xa cách ấy – Cô nghĩ thầm, bờ môi dưới hơi bĩu ra, phụng phịu. Cô quay sang Thảo.
- Thảo này. Thảo thấy anh Nguyên kỳ cục chưa. Ảnh....
- Em thấy ảnh dễ thương. Không biết ảnh mà yêu cô nào thì sao nhỉ. Hì hì, theo em đoán thì....
- Quái quỷ! – Chi giơ tay phát  nhẹ vai Thảo. Nguyên đã tới gần bên.
- Chúc mừng năm mới! – Anh nói to, giọng hồ hỡi, nhưng có vẻ không tự  nhiên.
- Chúc mừng năm mới! – Cô đáp, hơi bỡ ngỡ.
- Chi có khỏe không?
- Cám ơn anh, cũng bình thường. Đêm nay anh không trực sao?
- Tôi nhờ một anh trong tổ trực thay. Đêm nay, tôi muốn... muốn gặp Chi để trò chuyện chút xíu. Mình đi ra bờ sông cho mát, nhé Chi.
Thảo láu lỉnh chuồn sang một bên, đẩy anh sát lại phía cô. Nó nhe răng cười.
- Hai người cứ tự nhiên. Em không nghe thấy gì đâu. Em đang bận làm một bài trường ca về tình yêu đó.
Cả ba sóng bước, lặng lẽ. Khu đất ven sông bên hông nhà thờ giờ đã được rãi sỏi, và xây một hàng lan can bảo hộ. Dưới ánh đèn, những bụi cây ánh lên một màu xanh bạc. Đây đó có những nhóm bạn đứng tựa hàng lan can trò chuyện. Nguyên nhận ra một vài gương mặt quen của sinh viên trong trường. Ba người bước tới một chỗ trống.Vẫn lặng im.
Nguyên đốt một điếu thuốc. Anh nhìn ra sông, chợt cảm thấy yêu biết bao phút giây im lặng thần tiên này. Dường như đêm nay cả thế gian cũng yên bình, tĩnh lặng. Đêm thật ngọt ngào, thật trong lành và thánh thiện – Một đêm dành cho những kẻ yêu nhau... Anh quay sang Chi. Cô đang nhìn xa xôi về một nơi nào đó trên sông. Cô đang nghĩ gì, đang nhớ ai? Cô đang thật gần anh, mà cũng thật xa anh. Anh nhìn cô trìu mến. Giờ thì anh chỉ còn thấy có cô, nhận biết được mỗi một mình cô. Còn cô thì vẫn nhìn ra sông lặng lẽ.
Và trăng lên. Trăng đã lên rồi. Trăng trải lên tóc cô một lớp tơ mong manh, xanh huyền hoặc. Anh yêu màu xanh. Màu xanh tóc cô bây giờ không chỉ làm anh xao xuyến. Anh ngây người, chìm vào một cảm giác lâng lâng kỳ lạ. Như là say, nhưng không phải là say. Có sự chếnh choáng của lần đầu tiên anh ngửa cố uống cạn bát rượu nồng ở Ampil  đêm trừ  tịch năm 1985. Nhưng khi ấy rượu làm mặt nóng bừng bừng. Cả dòng máu trẻ trung cũng sôi lên trong từng làn da thớ thịt. Còn giờ đây, anh như đang ngâm mình trong một làn nước trong veo, mát rượi. Màu xanh của tóc cô tỏa mùi thơm của cỏ non, của lá chồi ngan ngát. Anh nhận biết nó bằng một giác quan nào đó chợt nhiên hiện hữu trong khoảnh khắc. Anh nhắm mắt lại, tận hưởng mùi thơm ấy, thân thể bềnh bồng như trôi trong một cơn mơ. Mọi thứ đều giống như trong một cơn mơ. Anh mở mắt ra, đột ngột, bàng hoàng. Cô vẫn còn đứng đó, bên anh. Một bên vai áo ướt đẫm ánh trăng xanh lóng lánh.
- Anh có nhìn thấy ánh đèn ở cuối khúc sông không?  – Giọng cô nhỏ nhẹ, xa vắng, như vọng về từ một nơi nào đó.
Anh nhìn theo hướng tay cô chỉ. Một đốm sáng nhỏ nhoi, lập lòe hắt ra từ một chiếc ghe đang trôi lờ đờ ở cuối khúc quanh của dòng sông.
- Chuyện của Chi cũng xa vời, mong manh như ánh đèn đó vậy. Mấy tháng nay Chi không nhận được thư anh ấy nữa.
Nguyên nghe lòng buồn tênh. Anh nào biết nói gì, càng không thể nói những lời an ủi. Cô đâu cần những lời an ủi từ  anh. Cô nói với anh chắc hẳn chỉ vì xem anh như một người bạn đáng tin cậy, như  một người anh, nói ra đã là vơi bớt nỗi buồn, chẳng cần biết anh có cảm giác gì, chẳng cần biết anh nghĩ ngợi gì về chuyện đó. Từ  lòng sông, gió đưa về một mùi gì đó nồng nồng, mằn mặn, như mùi vị biển. Nguyên nghe như có một tiếng thở dài rất khẽ, rất mơ hồ ...Mai em xa nắng chắc không vàng... Ngay từ buổi tình cờ  gặp cô giữa chợ trưa, chết đuối trong đôi mắt mở  to ngơ ngác, anh đã có linh cảm về sự xa cách. Mai em xa... Mai em xa... Gặp cô lần đầu tiên, anh đã biết sẽ là nhớ mãi, sẽ là không thể nào quên. Anh biết đó là tình yêu. Suốt mấy năm qua, anh tưởng như không bao giờ mình lại còn yêu được. Vậy mà tình yêu lại đến. Anh chợt trở thành một chú bé lơ ngơ lóng ngóng. Anh mơ mộng như một cô bé mười sáu tuổi, tự thêu dệt những câu chuyện đẹp như trong cổ tích. Những câu chuyện cổ có anh và có cô với một đoạn kết ngọt ngào. Anh nhớ cô và cứ mong lúc nào cũng trông thấy lại cô. Buổi sáng, buổi chiều... Anh chọn một góc ngồi gần nhất, thuận tiện nhất để có thể trông thấy cửa phòng cô. Chỉ cần trông thấy cô thôi, ngày hôm đó trở nên ngày hội. Tim anh reo hát tưng bừng trong lồng ngực. Và đêm về sẽ là những giấc mơ ngoan... Nhưng những ngày đầu tiên của tình yêu – những ngày hạnh phúc – đã qua mau.
Sau lần cô bảo cho anh biết mình đã có người yêu, anh như người đang ngủ mơ chợt giật mình thức giấc. Thật ra thì Phượng đã kể với anh trước đó, nhưng khi ấy, anh nghĩ đó cũng là chuyện bình thường, huống gì giờ người yêu của Chi đã ở rất xa, chắc cô cũng coi như là một chuyện đã qua rồi. Nhưng lời khẳng định chân thành của cô hôm ấy làm anh phải suy nghĩ lại, phải tỉnh táo xét suy. Rồi những mơ mộng lãng mạn tan đi nhường chỗ cho thực tế. Cô chỉ còn không đầy một năm nữa đã ra trường. Cô xinh xắn, dễ thương, có biết bao người săn đón. Những người có đủ khả năng để đảm bảo mang đến cho cô hạnh phúc. Còn anh, chỉ mới giữa năm thứ hai. Anh, người con trai lớn nhất nhà, với bao trách nhiệm chưa tròn. Anh nào biết trong trăm nghìn nẻo đường quanh co, gai góc, đầy những suy tư hoài vọng bất thành của cuộc đời, con đường nào anh sẽ bước ngày mai. Thậm chí, anh còn không dám tự hứa với lòng. Anh không thể nói được gì hết, Chi ơi!...
Chi vẫn nhìn đăm đăm ra sông. Cô nhớ lại hôm cô và Nguyên nói chuyện với nhau lần đầu. Trước đó  ít lâu, sau lần bắt gặp tia nhìn kỳ lạ của Nguyên ở chợ, cứ mỗi lần gặp lại anh trong trường là cô có cảm giác khó chịu khác thường. Anh cứ nhìn thẳng vào mắt cô như muốn tìm kiếm một cái gì đó, vẻ mặt trông vừa ngây ngô, tội tội lại vừa căng thẳng đến buồn cười. Những lần đầu, cô lẩn tránh các tia nhìn ấy. Nhưng rồi với cá tính bướng bỉnh của mình, sau đó cô cũng nhìn thẳng lại mắt anh một cách lạnh lùng. Cô muốn bằng ánh mắt bảo cho anh biết: “Anh đừng tưởng tôi là loại con gái e lệ nhút nhát và dễ bị hớp hồn bằng cái kiểu nhìn như muốn chui tọt vào tâm hồn người ta như vậy. Tôi chẳng sợ đâu, và cũng chẳng có chút thiện cảm nào với anh đâu!” Cô củng cố thêm ý nghĩa trong ánh mắt bằng cách nện mạnh đôi guốc gỗ trên mặt sân một cách răn đe.
...Rồi một hôm Thuyên, bạn cùng phòng, bỗng cười cười trao cho cô một mảnh giấy nhỏ gấp tư.
- Của anh chàng cứ chiếu tướng Chi hổm rày đó! Lúc nãy, hắn tới trước cửa phòng gõ cửa rất lịch sự. Tao ra hỏi: Anh cần gặp ai?  Hắn nói làm ơn cho gặp Chi. Tao nói ở đây có nhiều Chi lắm, anh muốn gặp Chi nào? Hắn nói: Quyên Chi! Tao nói: Có bốn Quyên Chi, Phạm - Trần - Ngô - Nguyễn, anh cần gặp Chi nào?  Hắn luống cuống trông đến tội, ấp a ấp úng một hồi rồi nói: Quyên Chi có đôi mắt to tròn, có mái tóc dài, quê ở Long An. Tao thấy thương tình, nên tha cho hắn, tao nói anh muốn gì  thì bảo tôi, tôi nhắn lại giùm cho. Chi nó đi công chuyện rồi. Hắn cám ơn lia lịa rồi đưa tao cái này. Đọc coi hắn viết giống gì trong đó.
A! Lại còn thế nữa. Anh ta đã công khai khiêu chiến rồi đây. Được lắm, để xem tay này còn giở trò gì nữa! Chi mở mảnh giấy ra, đọc to vừa đủ cho Thuyên nghe:
Chi  mến, tôi có chuyện muốn trao đổi với Chi. Tốt nhất là được gặp Chi  trưa nay, sau tiết cuối, ở giảng đường B. Rất mong Chi  không từ chối.
Nguyên.
- Chàng bắt đầu hành động rồi đó. Cảnh giác nghe Chi!  Mấy tay Thành phố này ghê lắm đó. Lại còn chơi trèo tán tỉnh đàn chị nữa chứ! Trưa nay cho hắn một vố biết mặt đi.
- Hắn có vẻ lớn tuổi rồi. Chi nghe nói hắn đi bộ đội về.
- Nhưng học sau thì vẫn là đàn em chứ.
Buổi trưa. Giảng đường còn một vài sinh viên ngoại trú ở lại đang ngồi đọc sách. Chi đưa mắt tìm kiếm rồi đi về phía cuối giảng đường. Nguyên và Hoài đang ngồi nhấp nha nhấp nhổm. Chà, lại thêm cái tay Hoài  này nữa – Cô nghĩ thầm. Trong trường, Hoài được khá nhiều người biết vì anh rất vui nhộn, ưa châm chọc, đùa cợt không từ ai cả.
- Chào các anh!  Không biết các anh muốn gặp Chi có chuyện gì? – Cô cố làm ra vẻ cứng rắn, lạnh lùng.
- Chi ngồi xuống đi. Cũng không có gì quan trọng lắm đâu. Chẳng qua là... là... tôi có vẽ một tấm tranh để tặng Chi. Mong Chi nhận nó – Nguyên  nói, ngập ngừng, rồi kéo từ  hộc bàn ra tấm tranh được bọc trong một lớp giấy báo, trao cho cô.
Cô tháo lớp giấy báo ra. Một bức tranh vẽ trên giấy, lồng trong khung kính, thể hiện gương mặt cô. Cũng hơi giông giống! Dưới góc tranh có một bông hồng trắng mỏng manh. Cô thấy đôi má chợt nóng bừng. Cô chớp nhẹ đôi mắt, xúc động nói:
- Đẹp quá. Cám ơn anh lắm. Nhưng Chi chỉ nhận tấm tranh thôi, còn kiếng và khung thì không dám đâu. Thấy có vẻ trịnh trọng quá!
Nguyên bối rối, muốn nói gì đó nhưng lại im lặng. Hoài cứu bồ:
- Chi cứ nhận luôn đi. Tấm tranh có khung có kiếng càng tăng thêm vẻ đẹp, trông đàng hoàng hơn, nhất là nó bảo vệ tranh khỏi bị bụi bặm, thấm nước. Mà cái quan trọng là tấm tranh thôi, chứ  khung và kiếng thì đáng gì. Chi đã nhận con bò mà lại chẳng dám nhận sợi dây cột bò sao?
- Chi nhận cả đi, nha Chi! – Nguyên nói, đôi mắt nhìn cô  không chớp.
- Ơ... thôi được, Chi xin nhận vậy. Cám ơn hai anh lần nữa. Thật là... Chi  xúc động quá!.. Thì ra anh hay nhìn Chi là để nhớ về vẽ lại. Vậy mà hổm rày, Chi cứ  tưởng mặt mình dính lọ nghẹ hay sao mà cứ bị anh nhìn chòng chọc. Chi tức quá trời, cũng định gặp anh để hỏi lý do đó – Cô cười nhẹ – Ai có ngờ đâu....
Hoài nhăn mặt làm ra vẻ đau khổ:
- Vậy là hổm rày Chi cứ chửi thầm thằng bạn của tui phải hông! Hôm nay đối diện, có tức, có giận gì thì cứ chửi thẳng đi, không sao đâu. Bảo đảm Nguyên nó không giận Chi đâu – Hắn nhe răng cười – Có lần nó nói với tôi, nó ước gì được nghe Chi nói với nó một câu, hay chửi nó một câu cũng được, còn hơn là bị Chi “kênh xì-po” thấy ghê! Nó nói nghe Chi chửi còn hay hơn nghe nghệ sĩ Lệ Thủy ca vọng cổ!
- Anh Hoài coi vậy mà sạo quá đi! – Chi lại cười khúc khích.
Cô ngồi trò chuyện với Nguyên và Hoài thêm lúc nữa, rồi chào từ giã về phòng, lòng cảm thấy vui vui là lạ. Sau này, cô phát hiện ra một chuyện. Thì ra nhỏ Phượng cùng phòng đã lén lút làm “gián điệp” tình cảm cho anh! Nó chôm cuốn album hình của cô mang ra cho anh lựa một tấm về làm mẫu vẽ. Sau đó, anh lại gửi nhỏ Phượng trả tấm ảnh về chỗ cũ. Nhỏ Phượng đã thành thật khai báo, thôi cũng tha cho nó. Nhưng cái anh chàng này thì đúng là… hết chỗ nói nổi!
Sau đó anh mời cô đi uống nước vài lần, cùng Thảo, cùng Hoài, cùng Phượng. Trong một lần như vậy, cô đã kể cho anh nghe qua về chuyện của cô. Anh cười cười ra vẻ thản nhiên. Nhưng cô nhận ra anh đang cố che giấu nỗi buồn.

...Ngày sinh nhật của cô, anh gửi quà tặng: Một cuộn phim. Món quà nhỏ, nhưng cái cách của anh khá lạ lùng, làm cô và mấy người bạn cùng phòng khi mở gói quà hồi hộp quá chừng, rồi cùng ôm bụng cười lăn lóc, vô cùng thú vị. Anh bỏ cuộn phim vào một cái hộp giấy đựng bình mực, bao giấy hoa đàng hoàng. Rồi lại bỏ vào một cái hộp lớn hơn, lại bao giấy hoa, rồi một cái hộp thứ ba, cũng bao giấy hoa. Rõ ràng là anh đã nặn óc suy nghĩ  rồi tự  tay làm lấy những thứ  này chỉ để mang lại cho cô chút niềm vui.
Cả cái vụ  mừng sinh nhật này cũng khá bất ngờ. Không biết anh nghe ngóng thế nào mà trước sinh nhật cô mười ngày, anh và Hoài, Thảo đến tìm cô, mời đi ra quán ăn kem.
Vào quán, chuyện vãn một hồi, anh hỏi:
- Ngày hôm nay  hình như có cái gì đó đặc biệt lắm, phải không Chi?
- Có gì đặc biệt? Là cái gì? – Cô ngơ ngác hỏi.
Nguyên gật gù:
- Ờ, tức là một ngày có ý nghĩa hơn so với những ngày khác trong năm. Một ngày làm cho người ta vui hơn, làm cho người ta được chăm sóc đến nhiều hơn...Ví dụ như là ngày sinh nhật chẳng hạn.
Chi  lại ngơ ngác mất vài giây, rồi chợt phá ra cười ngặt nghẽo. Cô vừa ôm bụng vừa nói.
- Trời ơi! Anh muốn nói ngày sinh nhật của Chi phải không? Anh nghe ai nói vậy? Hôm nay đâu phải là ngày sinh nhật Chi!
Mặt Nguyên thộn ra. Anh lẩm bẩm – Trời! Không lẽ nhỏ Phượng chơi trác mình sao! Rõ ràng là cô ta nói hôm nay mà, mình đâu có nghe lầm!
Chi cứ ngồi cười khúc khích nhìn vẻ mặt tẽn tò của Nguyên. Cuối cùng, anh cũng trấn tĩnh được. Anh ngượng nghịu hỏi cô:
- Vậy sinh nhật Chi là ngày nào?
- Còn mười ngày nữa lận – Chi đáp, cô lí lắc nhìn Nguyên – Anh cũng giỏi ghê ta. Âm thầm điều tra lý lịch của người ta từ bao giờ vậy?
Nguyên cười cười không đáp. Anh rút trong cái túi ra một nhánh bông, một bông hồng duy nhất, một bông hồng trắng. Sao cứ  là bông hồng trắng nhỉ? Bông hồng trắng trong tranh. Bông hồng trắng cho ngày sinh nhật. Thật khó hiểu! – Cô thầm nghĩ.
- Thôi cũng chẳng sao, coi như mình ăn mừng trước, giống như vua Quang Trung ăn tết trước vậy mà. Rồi đến ngày đó lại mừng thêm lần nữa. Tặng cho Chi  đó. Chi biết bông hồng trắng có ý nghĩa gì không?
- Chi không biết. Chi quê mùa ít biết mấy chuyện như thế này lắm.
- Bông hồng trắng tượng trưng cho tình cảm trong sáng, cho tình bạn...
- Và một tình yêu vô vọng – Hoài nói thêm.

...Rồi anh làm thơ tặng cô. Những bài thơ ngắn, buồn buồn, viết bằng nét chữ nghiêng nghiêng, nói về một tình cảm sâu lắng xa xôi, một tình yêu mông lung không đích đến. Đôi khi cảm thấy buồn, lấy ra đọc lại, cô cũng thấy lòng xao xuyến, bâng khuâng. Nhưng rồi những kỷ niệm tình đầu với Mẫn lại đánh thức cô. Cô lập tức gạt bỏ ngay những ý nghĩ, cảm xúc chao động của mình.
...Có một lần, cô chở Thảo vào Thành phố. Phố phường đầy ắp người qua kẻ lại. Cô nhìn những đôi tình nhân chở nhau đi, thấy thèm được có cái vẻ vui sướng và đầy âu yếm như họ. Mẫn từ lâu không trả lời thư, dù cô đã gửi liên tiếp mấy lá liền. Linh tính báo cho cô biết đã có chuyện không hay. Nhưng cô vẫn cắn răng nén chặt nỗi buồn, vẫn âm thầm níu giữ những tia hy vọng mong manh. Cô cố quên những cơn bồi hồi lo âu, lao vào học như  điên. Nhưng đôi khi, tim cô bỗng nhói lên bất chợt một cơn đau không duyên cớ. Hay đúng hơn, là có duyên cớ, mà cô cố lòng tự  dối lòng không dám nghĩ tới nó. Rồi cô chợt nghĩ về Nguyên. Anh yêu cô! Tình yêu đó chưa được trực tiếp bày tỏ bằng một lời nào xác định, nhưng trái tim con gái nhạy cảm đã thì thầm nói cho cô biết, rằng anh đã yêu cô từ bấy lâu nay. Rõ ràng là anh yêu cô!  Nhưng cô không hiểu được ý định của anh. Anh vẫn từ  một khoảng cách xa xôi, vừa đủ để biểu lộ những tình cảm của mình, biểu lộ những ước mơ, nhưng chưa đủ để cô có thể xoay chuyển lòng cô, chưa đủ để cô có một ý định, quyết định gì dứt khoát. Anh thật sự chỉ muốn làm một người bạn thôi sao?  Hay là vì anh e ngại, là vì anh nghe cô khẳng định về người tới trước nên đành chịu đứng bên lề?
Cô hỏi Thảo:
- Em có biết anh Nguyên nghĩ gì về chị không? Ảnh muốn gì hả Thảo?  Ảnh có bao giờ nói với em không?
Thảo trả lời cô, giọng hơi băn khoăn: 
- Em nghĩ ảnh rất mến chị. Nhưng em nghe ảnh nói ảnh tôn trọng tình yêu của chị. Ảnh không muốn làm người phá rối tình cảm đó, nên đành coi  chị như  một người bạn mà thôi. Ảnh lại nói với em chính ảnh cũng không biết phải làm sao.  Ảnh nói lăng nhăng nào là tình yêu không chiếm hữu mới là tình yêu chân chính, nào là “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”... Vậy mà trông ảnh có vẻ buồn rầu, khổ sở lắm. Thật tình em cũng không biết ảnh muốn gì...
Hôm nay, Nguyên lại rủ cô ra bờ sông này. Ngay từ lúc gặp anh, linh cảm đã báo cho cô biết anh sắp nói với cô một điều gì đó, một điều rất là quan trọng. Nhưng không biết vì sao anh cứ lặng im, thỉnh thoảng nói một vài câu vu vơ, rồi hết nhìn cô lại nhìn ra sông. Lúc nãy đi ra, Thảo bảo cô: “Em chỉ ra nói chuyện với anh Nguyên và chị chút xíu thôi, rồi em chuồn để anh chị dễ nói chuyện hơn. Lát nữa chị vào quán ngồi với anh Nguyên, em về trước.”
Cô chợt cảm thấy bồn chồn, muốn trở về. Cô quay sang Nguyên.
- Thôi mình về há anh Nguyên.
Nguyên nhìn Chi, bắt gặp ánh mắt hờ hững, xa vắng của cô. Cô nói với anh mà dường như đang để hồn ở một nơi nào đó. Rồi trong một thoáng, đôi mắt đen chơm chớp có lại vẻ linh động đáng yêu khi ánh mắt cả hai chạm nhau. Cô nhẹ xoay người, hơi cúi đầu xuống, để cho một bên tóc che khuất khuôn mặt thân thương. Nguyên cố nén một hơi thở dài... Đừng nên gượng ép, không bao giờ nên gượng ép trong tình yêu… Nguyên ơi! Mày đã thất bại, đã thua cuộc ngay từ đầu rồi, còn cố mà chi!... Anh thốt lên, gắng kềm giữ không để lộ nỗi thất vọng và cay đắng trong giọng nói:
- Ừ, thôi mình về.
Cả ba chầm chậm quay ra. Chi thấy lòng mình bỗng dưng mâu thuẫn lạ. Cô vừa mong anh nói một câu gì đó, đại khái là mời cô vào uống nước nói chuyện riêng, mặt khác, bản năng tự  vệ của người phụ  nữ lại xui  cô mong cho  anh đừng nói gì thêm nữa, để cô có thể về ngay. Cô biết rằng chỉ cần anh nằn nì, quả quyết chút xíu thôi, thì cô sẽ khó lòng từ  chối.
Thảo chợt nói:
- Thôi anh chị đi chậm sau nghe, em về trước – Nó quay sang Nguyên, nháy nháy mắt.
- Thì cứ đi chung thôi, có gì đâu mà trước sau Thảo – Nguyên nói – Anh cũng về trường lấy chiếc xe đạp.
Thảo ngẩn người. Nó hỏi lại, vẻ không hài lòng:
- Anh định về luôn sao?
- Ừ, anh  đưa Thảo và Chi vào trường rồi về.
 Thảo lắc đầu chán nản. Nó ngước lên, nhìn vầng trăng khuyết đang treo chơi vơi giữa góc trời, xéo về phía cầu Bình Triệu, thầm nghĩ – Cái ông này thật kỳ cục! Chờ đợi, nôn nao hồi hộp mãi mới có được dịp này, mà rốt cuộc cứ lặng thinh chả làm được trò trống gì!
Bóng ba người dưới ánh trăng đổ dài chênh chếch trên đường. Cả ba đều chợt thấy buồn bã, mỗi người đuổi theo những ý nghĩ riêng. Cả Nguyên, cả Thảo, cả Chi đều không biết họ đã không còn cơ hội nào để có lại, sống lại một đêm như thế nữa. Và Nguyên đã đánh mất đi cơ may duy nhất của anh. Những sự cố bất ngờ, đau buồn xảy ra sau đêm đó đã đẩy anh và Chi về hai hướng khác nhau.

***

ghi chép 6

  Nguyên đạp xe chầm chậm  trở về nhà. Anh vừa vào một hiệu sách cũ quen biết mua một ít sách về luật học của chế độ cũ để tham khảo, tìm hiểu thêm. Chiều nay trời nắng nhẹ. Một thứ nắng vàng lộng lẫy rất hiếm khi xuất hiện. Thứ nắng vàng hệt như trong câu thơ  “...Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung. Có ai đàn lẻ để tơ chùng...” của nhà thơ Huy Cận. Nó làm lòng người bồi hồi nhớ tiếc mơ hồ những cái đã qua, những dĩ vãng xa xôi tưởng chừng đã nhạt nhòa, mất hẳn. Rồi chợt nhiên trong thoáng chốc, chúng như hoà vào ánh nắng mênh mang lao xao ùa đến, ập về trong tâm tưởng. Anh đang vẩn vơ nghĩ ngợi, bỗng giật mình quay lại. Bóng dáng một người mặc chiếc áo lính bạc màu vừa lướt qua trông rất quen. Anh vòng xe lại, đuổi theo người đó. Khi còn cách không xa mấy anh gọi to: “Xuân! Xuân ơi!”  Người đó vẫn thản nhiên đi tiếp. Anh nhấn mạnh bàn đạp, vượt lên. Khi hai chiếc xe song song nhau, anh xoay người ngó qua, rồi  lắc đầu thất vọng, nghĩ thầm – Sao nhìn cái dáng giống thế không biết! Anh vòng xe trở về, chợt thấy nhớ Xuân quá đỗi. Anh nghĩ bụng – Sẵn đây ghé nhà thăm no, có gì rủ nó tối lên trường với mình luôn – rồi  phóng xe về hướng xa lộ.
Xuân cùng học một khoá huấn luyện tân binh với anh ở Long Giao. Sau đó, hai đứa lại về Quang Trung học thêm sáu tháng đào tạo hạ sĩ quan. Hồi  ở Long Giao, hai đứa chưa biết nhau vì ở khác đại đội. Nhưng về đến Quang Trung ngay ngày đầu tiên, cả hai, và thêm một đứa nữa là Văn đã nhanh chóng trở thành thân thiết. Bữa đó xe chở bọn anh từ Long Giao về đến Quang Trung, sau khi xong xuôi thủ tục bàn giao, nhận nhà nhận giường, đại đội trưởng mới bảo tụi anh: “Chiều nay các cậu nghỉ ngơi, tắm giặt cho thoải mái. Nhưng không được rời khỏi doanh trại. Vi phạm sẽ bị kỷ luật nặng đó. Bắt đầu từ sáng mai, chúng ta thực hiện kế hoạch huấn luyện.” Nói xong anh ta trở về phòng.
Trước đó, khi còn ngồi trên xe, Nguyên và hai đứa nữa đã kịp làm quen, chuyện trò thân mật với nhau. Anh quay sang một đứa:
- Nè Xuân, về nhà đi. Tao nhớ nhà quá. Tranh thủ sáng mai mình lên sớm là được chứ gì.
Xuân gật đầu:
- Ừ, tao cũng nhớ nhà lắm.
Văn lên tiếng:
- Tao cũng vậy, tụi mình cùng đi.
Ba đứa anh bỏ ba lô  lại, tìm đường chuồn ra khỏi doanh trại. Suốt con đường Quang Trung có rất nhiều đơn vị khác nhau, trại nào cũng có vệ binh gác cổng. Tụi anh lúc đó còn là lính mới bóc tem, lạ nước lạ cái, nên cứ vừa đi vừa run trong bụng. Thật ra thì vệ binh chỉ có nhiệm vụ là trực bảo vệ trại đơn vị, ai đi ngoài đường thì đi, đâu có gì quan hệ. Sau này nhớ lại tụi anh cười nôn ruột vì sự khờ khạo, nhút nhát của mình. Ra tới đường, tụi anh đón xe đò  về. Sáng hôm sau, vừa ló mặt vào đã bị tóm cổ lên nhà đại đội nghe giảng moral một hồi, rồi bị đuổi xuống với hình phạt lao động trong giờ nghỉ trưa hai tuần. Đại đội trưởng còn hăm dọa:
- Nếu tái phạm lần thứ  nhất, tôi sẽ đưa các đồng chí  ra cảnh cáo trước toàn trường, tái phạm lần nữa, tước quân tịch trả về địa phương!
Cùng chia sẻ trong hoạn nạn càng dễ thân nhau, thêm nữa cả ba đều là học sinh vừa rời khỏi mái trường, có rất nhiều suy nghĩ tương hợp với nhau. Do vậy, sáu tháng ở Quang Trung, ba đứa anh như hình với bóng, đi đâu làm gì cũng có nhau. Sau đó, khi tốt nghiệp khoá huấn luyện. Nguyên, Văn và Xuân đều có tên trong danh sách sang K nhận nhiệm vụ. Nhưng Văn trốn ở lại không đi. Đoàn hạ sĩ quan sang K chuyến đó tổng cộng là 52 người, cộng thêm một số cán bộ khung của trường làm nhiệm vụ chỉ huy. Riêng đại đội Nguyên có bảy đứa, trừ Văn trốn lại, còn sáu. Đoàn đi kết hợp hai nhiệm vụ, vừa về đơn vị mới, vừa bảo vệ áp tải cho một đoàn  chở y bác sĩ và các trang thiết bị, thuốc men sang tăng cường cho Quân y viện 7 E  ở Si Sô Phôn.
Dạo đó đang là thời  điểm mở đầu chiến dịch K.845 tổng tấn công một loạt các cứ điểm của địch trên toàn vùng biên giới Cam pu Chia-Thái Lan. Thương binh từ các mặt trận chuyển về nhiều không xiết kể. Khi đoàn tụi anh tới Viện 7E thì coi như cũng chấm dứt nhiệm vụ thứ nhất. Trong thời gian ở lại Viện 7E chờ các đơn vị lên đón, tụi anh đi vòng vòng thăm hỏi các anh em thương binh, thấy vừa đau đớn vừa sợ hãi, vì có những trường hợp thương tích vô cùng kinh khủng... Có người mất cả phần thân thể từ bụng trở xuống, có người toàn thân cháy bỏng... nhẹ nhất cũng là mất một ống chân... Hiện trạng trước mắt làm tụi anh phần nào đó mất tinh thần, nhụt chí, dù trong đoàn không ít người lên đường là do tình nguyện.
Khi về tới Chúp - căn cứ Sư đoàn, tụi anh gặp gỡ, trò chuyện với một số lính cũ lên nằm viện. Họ kể những nỗi gian khổ nhọc nhằn, nguy hiểm và bảo thật với tụi Nguyên là định trốn về nước, họ rủ tụi anh cùng đi. Lúc đó, lòng Nguyên không khỏi có phần nao núng. Nhưng anh nghĩ lại – Dù chưa tận mắt chứng kiến những gì đã thấy trong mấy ngày qua, nhưng khi đi thì cũng đã xác định trước những nguy hiểm, gian khó rồi; Giờ mới sang đã khiếp sợ trốn về thì thật là hèn hạ. Vả lại, về rồi sẽ phải trốn chui trốn nhủi, sống như vậy thì sống chỉ uổng phí cuộc đời... Không thể nào quay trở lại!...
Xuân bảo anh:
- Thôi về đi mày ạ, tao thấy kiểu này chắc khó còn đường về quê mẹ rồi.
Anh lắc đầu, nói với Xuân những suy nghĩ của mình. Xuân ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Thôi tao cũng liều ở lại với mày, sống thì cùng sống, chết thì cùng chết!”
Bốn đứa khác cùng đại đội và một số nữa trong đoàn trốn về, sau này nghe đâu cũng bình an về tới nhà. Cả đại đội chỉ còn anh và Xuân ở lại. Sau đó, hai đứa lại bị đưa về hai trung đoàn khác nhau, và không gặp lại nhau cho đến ngày ra quân, tập trung lại ở Sư đoàn để lên đường về nước. Gặp lại nhau ở Chúp, hai đứa ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Nhìn qua nhìn lại, tuy chưa già, nhưng đứa nào cũng đã lắm vẻ phong trần, mất hẳn cái nét thư sinh ngày còn ở Quang Trung...
Về một thời gian ngắn, Xuân đã có một việc làm khá ổn định. Anh theo một ông chú có tiệm sửa chữa điện cơ, điện lạnh vừa học vừa làm. Dạo đó  tụi anh hay tìm nhau. Sau này, Nguyên đi học và kiếm được một chân bảo vệ đêm nên cũng ít có thời gian để gặp Xuân...
Xuân mới đi làm về thì vừa hay cũng đúng lúc Nguyên tới. Hai người ôm vai nhau, mừng rỡ. Xuân nói:
- Dạo này mày vừa đen, vừa ốm lắm đó nha. Sao lâu quá không tới tao. Tao tới nhà mày mấy lần nhưng có lần nào gặp được đâu...Sao, có gì mới không?
- Có cái này hơi mới.
- Ái chà, vậy thì mừng cho mày đó. Mày chờ chút xíu, tao vào rửa mặt sơ cái, rồi kiếm chỗ nào lai rai nói chuyện.
Nguyên kéo tay Xuân lại:
- Khoan đã, mày cứ tắm rửa cho thoải mái đi, tao chờ. Tối nay lên trường chơi với tao. Hôm nay là ngày Tết sinh viên  (9/1) ở trường có văn nghệ.
- Thôi, tụi mình đi nhậu khỏe hơn. Hát hỏng có gì đáng xem đâu.
- Ậy, cứ đi rồi tao nói cho mày biết chuyện sau – Nguyên vỗ vai Xuân – Thôi vào tắm đi.
                                                                             ooo0ooo

Hai người vào Hội trường lúc đang tiến hành sổ xố vui. Cũng có lồng cầu quay số như ai, có thêm mấy cô bé xinh xắn dễ thương vừa đứng quay số, vừa nhìn xuống cười duyên với đám khán giả nhà đông đúc bên dưới. Nguyên nghiêng ngó nhìn quanh hội trường rồi kéo Xuân tới chỗ dãy giữa. Bọn Hoài, Huy, Thảo đang ngồi ở đó. Trông thấy Nguyên, Hoài toét miệng cười:
- Chà, mãi hôm nay mới thấy cậu lên trường thưởng thức văn nghệ văn gừng. Người ta nói thật không sai chút nào, đúng là tình yêu làm chuyện khó hoá dễ, chuyện dễ hoá trò đùa... Ờ, còn đây là… là…
- Đây là Xuân, đồng đội cũ của tao. Đây là Hoài, Huy, Thảo, học chung lớp tao đó Xuân – Nguyên giới thiệu hai bên với nhau.  
Hai người ngồi len vào chung với  bọn Hoài. Cả bọn vừa nói cười, vừa ngó lên bục sân khấu. Đã đến tiết mục trình diễn. Xuân tấm tắc khen:
- Trường của mày coi vậy mà chơi được quá chứ. Hát hỏng đâu thua dân chuyên nghiệp bao nhiêu. Thế còn bao lâu mới đến người trong mộng của mày?
- Còn hai  bài nữa. Cô ấy sẽ hát bài Thành phố tình yêu nỗi nhớ – Nguyên đáp. Anh đã đọc kỹ tờ chương trình dán ngoài Bảng thông báo từ mấy hôm trước.
Rồi đến tiết mục của Quyên Chi. Hôm nay cô mặc chiếc váy dài bằng vải hoa, trông là lạ và cũng thật dễ thương. Cả hội trường nồng nhiệt vỗ tay cổ vũ cho cô. Nguyên nhìn cô chăm chú, để hồn lắng theo tiếng hát của cô. Bình thường, Quyên Chi có giọng nói trong trẻo và kiểu nói hơi nhanh, như tiếng một con sơn ca ríu ra ríu rít. Nhưng cô hát với chất giọng nữ trầm buồn, hơi xao xuyến. Có lẽ cô hát cũng không thực  sự hay lắm, nhưng cô đã đặt hết lòng mình vào bài hát, nên nghe rất  xúc động. Đôi mắt đen láy của Quyên Chi dưới ánh đèn màu chấp choá làm Nguyên chới với. Anh nhìn mãi vào đôi mắt cô, ao ước giây phút này cứ kéo dài, kéo dài mãi mãi... Tiếng vỗ tay lốp bốp làm Nguyên sực tỉnh. Quyên Chi nghiêng đầu chào rồi lui vào phía sau cánh gà. Nguyên nhìn theo cô ngơ ngẩn. Xuân bảo anh:
- Nhìn cô ta cũng dễ thương, nhưng đâu có gì đặc biệt ghê gớm như mày nói, hả Nguyên?
- Ờ ờ, thì mỗi người có một cách cảm nhận khác nhau. Chỉ biết cô ấy đối với tao thật là đặc biệt – Nguyên nói nho nhỏ – Thôi giờ tụi mình rút lui.
Nguyên gật đầu chào bọn Hoài. Thảo hỏi:
- Sao không ngồi xem tí nữa anh Nguyên, còn nhiều tiết mục hay nữa mà?
- Tụi anh có chuyện cần nói riêng với nhau. Có thể lát nữa anh quay lại.
                                                                ooo0ooo
           
Nguyên cúi đầu buồn bã nói, anh có vẻ đã say lắm  rồi:
- Vừa rồi, tao đã bỏ lỡ một dịp may để nói với cô ấy. Đúng ra, tao cũng đã nghĩ kỹ rồi, xác định là đành phải cố quên. Nhưng rồi cứ trông thấy cô ta là tao lại không thể kềm đuợc lòng mình. Tao thật sự hoang mang quá Xuân ơi. Mày khuyên tao nên làm thế  nào đây?
Xuân  ngẩng đầu lên, bầu trời đêm xanh thẳm trên đầu như một  chiếc áo choàng khổng lồ trùm kín mọi người, mọi vật, với những lỗ thủng li ti, xa xăm. Đêm nay cũng giống hệt như một đêm sáu năm về trước, anh còn nhớ rất rõ ràng...

Đó là một đêm Thứ bảy. Một phần ba quân số được đi ra ngoài chơi cho đến chín giờ rưỡi tối. Hai đứa anh đã ngồi  ngoài mái hiên của một quán cóc gần đơn vị. Nguyên cũng đã hỏi anh một câu tương tự. Nhưng anh biết, nó chỉ hỏi cho có hỏi, hỏi như là một phương cách bộc bạch nỗi lòng, chứ nó có bao giờ nghe lời khuyên của ai đâu.
Dạo đó, nó yêu một cô bé đang học lớp mười một. Có lần, nó còn rủ anh về nhà nó ngủ để sáng ra hai đứa cùng ngồi uống cà phê chờ cô bé đó đi học ngang qua. Nó yêu mà không dám nói. Sau này, khi đã sang K, đến lúc nó lấy hết can đảm để thú nhận, bày tỏ nỗi lòng thì đã quá muộn rồi. Sao mày cứ luôn luôn chậm bước, luôn luôn là kẻ đi trước về sau vậy, hả Nguyên ơi!
Câu chuyện nó quen với cô bé đó thật là ngộ nghĩnh. Cả hai biết nhau từ năm nó học lớp mười, còn cô bé ấy mới lớp tám, nhưng đều không biết mặt nhau. Nguyên do là nó tình cờ đọc quyển lưu bút của một con bé láng giềng, thấy trong đó có một đoạn văn viết rất vui rất lạ, khác hẳn với những kiểu sáo rỗng, giống nhau như đúc một khuôn thường gặp trong nhiều cuốn lưu bút học trò. Nó làm một bài thơ con cóc trêu ghẹo và nhờ con bé hàng xóm gửi đi. Thế là thơ qua, thơ lại mãi, trêu cợt lăng quăng mà chẳng ai biết mặt ai. Những khi đám bạn của con bé láng giềng Nguyên tới chơi, Nguyên cũng không cố tình để ý xem cái con nhỏ “bạn qua thơ” của mình là ai. Có lần nó cũng hù con nhỏ là sẽ đón đường xem mặt, coi cái con nhỏ láo cá ngông nghênh này mặt ngang mũi dọc ra sao, nhưng cũng chỉ hăm dọa xuông vậy thôi... Nguyên bảo, lúc đó nó chỉ đùa cho vui, coi con bé như em út, ai mà hình dung được sau này chính con bé lại làm trái tim nó rướm máu vậy đâu. Đến khi Nguyên ở Long Giao về phép mới thật sự biết mặt, gặp gỡ con nhỏ đó. Rồi thư đi thư về, nó đâm ra yêu con nhỏ lúc nào không biết. Thật là lãng mạn, và cũng lãng nhách quá chừng!...
Đêm đó, nó đã hỏi mình câu này!... Sao sự đời đối với thằng này cứ lặp đi lặp lại như một vòng tròn xoắn ốc vậy? – Xuân ngẫm nghĩ, chợt thấy vừa tức cười, vừa phiền muộn. Hình như anh thương Nguyên chính vì ở nó có những cái kỳ lạ,khác người  như vậy.  Hồi ở Chúp, nếu không vì Nguyên anh đã trốn về. Và cuộc đời anh có lẽ cũng đi theo một chiều hướng khác, tốt đẹp hơn hay tệ hại hơn cũng không thể nào đoán được...

Xuân là một người kết hợp hài hòa giữa cái  lãng mạn tâm hồn với đầu óc  tỉnh táo thực tế khi đối diện với những éo le của cuộc đời. Có lắm khi, anh cũng muốn vẫy vùng, vứt bỏ mọi mối dây, mọi quan hệ kéo theo những hệ lụy phiền phức của cuộc đời, sống một cách bất cần đời, sống chỉ để thực hiện những khát khao, ước mơ thực sự của mình, cho những gì sâu thẳm nhất trong tâm hồn mình đang âm ỉ cháy. Đó là khát khao được sống một cách trọn vẹn, được hoà nhập, đồng nhất với cuộc đời; được len lỏi vào từng ngóc ngách tâm hồn, nghe ngóng, suy tư, tìm hiểu và phát hiện bản chất của niềm vui nỗi đau, của hạnh phúc và bất hạnh, của hy vọng và tuyệt vọng. Bởi vì, với anh, chỉ có cuộc đời của riêng anh thôi không bao giờ là đủ. Đối với anh, cuộc đời trọn vẹn là phải sống bằng muôn ngàn cuộc sống, thở hít muôn ngàn hương vị khác nhau bằng cảm quan của vô số con người. Khi nhìn lên bầu trời, anh bỗng thấy mênh mông tràn ngập một nỗi ước ao được bay tới những vì  sao xa lạ nhất, sờ mó nó bằng đôi bàn tay trần trụi của mình. Khi đứng trước biển rộng bao la vô bờ bến, chợt anh muốn nhảy xuống bơi đi, bơi mãi, cho đến lúc chính anh cũng hoá thành một giọt nước, hoà nhập vào dòng chảy miên viễn, không cùng không tận, vô thủy vô chung đó... Nhưng những giây phút đó chỉ thoáng qua tâm trí Xuân như một cơn gió hiếm hoi cuối mùa làm xao động mặt hồ lặng lẽ. Cuộc sống bình thường, niềm vui nỗi buồn bình thường, gần gũi của cuộc đời lại cuốn anh vào cái vòng xoáy ồn ào, dữ dội, quay tròn mãi ở một nơi của nó....
...Phải, mình không có đủ can đảm! Khát khao đó chắc là khát khao chung của từng cá thể, từng kiếp phận con người, từ thời hồng hoang dã sử. Nhưng để biến khát khao đó thành hiện thực, thì chỉ có một số người hiếm hoi làm được. Những người dám hy sinh tất cả, chối bỏ tất cả những bình an, hạnh phúc riêng tư, dám lao mình xuống cái hố thẳm không bờ không đáy đó...Và anh vui vẻ hiểu rằng mình chỉ là một người bình thường nhỏ bé như muôn triệu người khác. Anh chấp nhận sự thật một cách thoải mái, vô tư...   
Nguyên lại lè nhè cất tiếng, cắt đứt dòng suy nghĩ của Xuân:
- Mày bảo tao nên làm sao đây Xuân?
Xuân lắc đầu, nhìn đôi mắt đỏ hoe của Nguyên. Anh nói:
- Mày hãy làm những gì mày thấy cần làm, những gì mày muốn làm.
Nguyên ôm đầu nhăn nhó:
- Những gì cần làm! Những gì muốn làm... Không được! Không bao giờ được!... – Anh chợt  có vẻ tỉnh táo hơn đôi chút – Mày chở tao lên trường. Tao muốn gặp Chi.
- Thôi, khuya rồi Nguyên. Về nhà nghỉ ngơi cho khỏe. Mai mốt gặp chứ có gì mà mày phải gấp gáp vậy.
- Không, mày cứ chở tao đi!
Xuân  lắc đầu ngán ngẩm, anh  gọi cô gái chủ quán tính tiền, rồi đứng dậy dắt xe.
                                                            ooo0ooo

Cổng trường đã đóng từ bao giờ. Nguyên đập ầm ầm vào cổng. Bố Phú bảo vệ trường mở cổng ra, cau mặt:
- À, Nguyên đó hả! Sao con không kêu đàng hoàng mà đập ầm ầm vậy?
 Nguyên giật mình, anh không cố ý làm ầm ĩ như vậy. Đó là vì thói quen ở cơ quan, mỗi lần anh lên khuya là cứ phải đập cửa như vậy người ở trong mới nghe thấy. Anh ngượng nghịu nói:
- Con xin lỗi! Thật tình là con vô ý – Anh quay lại bảo Xuân – Thôi mày về đi, tao ngủ lại với tụi nó.
Xuân thân thiết bóp vai Nguyên, anh nói:
- Vậy cũng được. Tao về... Rảnh nhớ ghé thăm tao.
Lúc đó đã khá khuya, nhưng trên sân trường và trong giảng đường B vẫn còn khá nhiều sinh viên ngồi trò chuyện. Nguyên bước nhanh tới phòng của Quyên Chi. Anh chưa hình dung được gặp cô, mình sẽ nói gì, làm gì, chỉ cảm thấy cần phải gặp cô, phải ở bên cô một giây lát đêm nay. Cửa phòng Chi chưa khép, Nguyên bước tới gọi khẽ:
- Chi ơi!
Phượng ló đầu ra, cô kêu lên:
- Ủa, anh chưa về sao?.. Chi nó đi đâu mất, không có trong phòng.
Nguyên thấy mọi sự hăm hở, náo nức bỗng tiêu tan đâu mất, anh chợt có cảm giác lẻ loi kinh khủng. Anh nói: “Thôi, cám ơn Phượng.” Rồi buồn bã  đi  ra phía hồ nước giữa sân trường.
Nguyên ngồi bó gối cúi đầu không biết đến bao lâu. Rượu bắt đầu thấm, làm  đầu anh nóng bừng và  quay cuồng như chong chóng. Anh  đang chợt mơ chợt tỉnh như vậy thì đột nhiên nghe thấy tiếng cãi cọ lao xao. Anh ngước lên. Phát, một  đứa bạn cùng khóa đang vung tay gây gổ gì đó với mấy tay khác. Anh đứng lên, bước tới, hỏi Phát, rồi quay sang mấy tên kia. Anh không nhớ được mình đã nói gì, làm gì lúc ấy. Nỗi buồn đè nặng trong tim, cơn say váng vất trong đầu... Anh như đang trôi trong một cơn mơ diễn ra thật chậm chạp, tẻ nhạt đến kinh hoàng. Mọi hình ảnh, mọi con người đứng xung quanh anh trong hơi đêm lành lạnh như nhòa nhòa sau một màn sương mỏng. Đột nhiên có ai đó vỗ mạnh vai anh. Anh quay lại, chợt nghe như có một tiếng va chạm rất mạnh vang lên đâu đó. Anh vừa nghe thấy nó thì cũng là lúc không còn biết gì nữa cả.

***

ghi chép 7


Nguyên không tin vào sự tồn tại của những đấng thiêng liêng, siêu hình như Chúa, Phật. Anh chỉ tin ở sự tồn tại của những vị này như là những bậc vĩ nhân, những bậc hiền minh, có trí tuệ cao siêu, và nhất là có một tình thương bao la, cao cả đối với toàn thể mọi kiếp người. Anh nghĩ, họ cũng chỉ là những con người, dù là những con người siêu việt. Họ đã sinh ra, và cũng đã chết đi. Họ để lại cho đời sau những mẫu mực sáng ngời về giới hạn tối đa mà con người đạt đến, nhưng cũng chỉ như vậy mà thôi. Niềm tin vào những bậc hiền nhân như vậy vỗ về an ủi con người, giúp họ vượt qua những khổ đau, sợ hãi khi đối diện với những nhọc nhằn, bất hạnh dẫy đầy trong cuộc sống. Nó nối kết con người lại, tạo nên một mối giao cảm bất khả phô diễn thành lời, cứu vớt con người khỏi nỗi cô độc lẻ loi cứ mãi ám ảnh trong tâm linh, tiềm thức.
Anh còn biết có một niềm tin khác. Niềm tin vào một cái gì đó thật là lớn lao, huyền bí, không thể diễn đạt bằng một danh từ cụ thể, cũng không thể biết đích xác được nó đến từ lúc nào, chỉ có thể nhận thức được về nó khi nó đột nhiên xuất hiện.
Đó là khi anh đứng một mình giữa hùng vĩ núi ngàn, nghe thấy tiếng thác gầm rú miên man, nghe tiếng gió gào rít man dại trong những  vòm lá xanh xanh thăm thẳm; hoặc trong canh khuya  tĩnh mịch, cũng một mình giữa muôn trùng quạnh vắng, chỉ có những tiếng lao xao chợt đến chợt đi của muôn côn trùng kêu réo, những âm thanh rì rầm bất tận của cỏ cây đâm chồi nảy lộc... Khi ấy, anh  nhận ra con người thật là nhỏ nhoi biết bao nhiêu, mỏng manh dễ vỡ biết bao nhiêu, mà cũng chính là một cái gì không thể bị diệt vong. Con người giữa bao la thiên nhiên, giữa chập chùng ngàn sao, giữa mênh mông vô bờ  đại dương sóng vỗ... là Con Người đúng nghĩa. Càng gần với tự nhiên, con người càng gần với bản thể của mình – Tự do; Bất khuất. Nếp sống văn minh ngày nay, với mọi tiện nghi, và mọi nhu cầu – ngày càng trở nên xa xỉ, thừa mứa, phí hoài – đã nô lệ hóa con người, giam lỏng con người  trong cái  nhà ngục vô hình của nó...
Quan niệm và niềm tin mang tính tôn giáo đó của Nguyên không có liên hệ gì với những thứ dị đoan, mê tín, nên anh đã bật cười  khi nghe Hoài bảo:
- Hoa hồng trắng ngoài những cái mày nói, còn có một ý nghĩa tượng trưng khác, đó là thứ hoa dành cho những người mất mẹ, mày có biết không? Mày vẽ thế này giống như vẽ một con nhỏ vừa mất mẹ vậy. Lỡ nhỏ Chi mà tin dị đoan thì có phải phiền không!
Hoài nói câu này lúc hắn đang xem tấm tranh vẽ Quyên Chi  vào cái hôm Nguyên mang nó đến trường. Hắn nhăn nhăn nhó nhó nói thêm:
- Sao mày không vẽ quách một bông hồng đỏ thắm, vừa đẹp, vừa đúng chóc tâm sự của mày. Vẽ chi bông màu trắng nhìn thấy thê lương quá. Tao ghét màu trắng quá đi, cái màu tang tóc, lạnh lùng vậy không biết tại sao mày thích. 
Nguyên cười xòa, bảo Hoài:
- Thôi đi, tao thấy mày mới là đại mê tín dị đoan đó. Chuyện hồng đỏ hồng trắng cài áo mùa lễ Vu Lan thì có liên quan gì đến chuyện tình yêu chứ. Tao chỉ muốn thể hiện một tình cảm thiết tha nhưng hoàn toàn không vị kỷ, chỉ vậy thôi ...
Vâng, chỉ vậy thôi!... Nguyên đâu có ngờ, không thể nào ngờ sự đời lại lắm ngẫu nhiên, trùng hợp – những ngẫu nhiên trùng hợp theo chiều hướng xấu, theo chiều hướng ngược lại với mơ ước, suy nghĩ giản đơn. Chúng chợt ập về, như mặt biển một chiều gió dữ, với những đợt sóng tiếp nhau, lượn sóng sau còn hung hãn hơn, bạo liệt hơn lượn trước. Có phải vì vậy không, có phải nó đã trở thành một qui luật của cuộc đời không, mà từ xưa người ta đã đúc kết thành một câu ngạn ngữ: “Phúc bất trùng lai,hoạ vô đơn chí”? Nhưng cuối cùng, chung qui lại, Nguyên chỉ thấy mình là đáng trách. Anh còn biết trách ai khác nữa. Trời già cay nghiệt ư? Với anh đấng Trời huyền hoặc kia không tồn tại.  Số phận trớ trêu, định mệnh an bày ư? – Anh cũng không tin vào chúng. Vậy thì vì cái gì, đâu là duyên cớ, là nhân không lành để anh gặt được quả đắng hôm nay? Anh chỉ biết trách thân, thấy chán ghét anh quá, thấy hận anh quá, nhưng anh cuối cùng lại xót thương anh vô bờ bến, mà nào có ích gì đâu...
Những chuyện bất ngờ xảy ra vào cái đêm Chín tháng Một đó, làm anh vốn đã muốn lánh xa, muốn cố quên Chi đi càng thêm xa cô. Tự dưng anh có cảm giác cô sợ hãi mình, chán ghét mình, coi mình như một con người càn quấy, lưu  manh. Cô né tránh anh, và anh cũng né tránh cô, còn cố tình hơn. Đêm đó, anh đã vào tìm cô không gặp, đã đấm vỡ  một mảnh kính cửa lớp, rồi cuối cùng xen vào một câu chuyện không đâu để  nhận lấy một cú đấm từ một người chẳng có chút  ân oán quan hệ gì trước đó. Dù sao anh cũng còn có một niềm an ủi, anh cố dựa vào nó để tự an ủi chính mình, là câu chuyện đã không đi quá xa, không dẫn tới một kết thúc tệ hại hơn, ác nghiệt hơn, có máu đổ và tù tội.
...Lúc ấy, khi anh đang nói hay đang cự cãi gì đó với đám kia, thì một tay cùng khóa với đám sinh viên kia, cũng là cùng khoá với Chi từ ngoài bước vào và vội xen vào cuộc, y hệt anh trước đó. Hắn chưa hiểu mô tê gì, nhưng hắn cũng đã nóng máu lên vì rượu. Thế là hắn tương ngay một cú vào đúng con mắt phải, hạ “knock out” anh. Khi khỏi cơn choáng váng, Nguyên cũng điên tiết lên, quyết lòng trả đũa, nhưng tụi bạn ôm anh lại lôi lên phòng. Rồi thấy anh run lên vì giận, tụi nó lại ba bốn đứa đè sấp anh xuống, kéo áo lên cạo gió, bảo là anh trúng gió nặng rồi!
Sau đó, anh cũng vờ làm tỉnh, thoát khỏi tụi nó. Anh đi xuống với ý định tìm gặp, sống mái với cái gã đã tặng mình một món quà bất ngờ vô cùng hậu hĩ  đó! Nhưng anh thật ngỡ ngàng khi hắn ta nói lời xin lỗi. Cơn giận đang bừng cháy bỗng tắt ngấm ngay. Anh ta học cùng lớp với Chi, anh ta sắp ra trường, và anh ta cũng đã lý giải vì có hơi men và sự  hồ đồ nóng nảy. Vậy thì  anh còn có lý  do gì để trả thù, rửa hận? Lúc đó, rượu đã bốc hơi đi hết, anh chỉ còn cảm thấy vô cùng mỏi mệt, rã rời và chìm trong một nỗi buồn thênh thang tịch mịch. Anh chỉ muốn rời khỏi ngôi trường này, muốn đi một mình trong màn đêm để nghe nỗi buồn gậm nhấm mình như một con chuột tinh ranh kiên nhẫn đã rình rập từ lâu chờ cơ hội, và bây giờ đang háo hức thỏa thuê gậm nhấm một chiếc giày. 
Rồi đến cái ngày hôm đó. Buổi chiều, anh từ quán Ca Dao chầm chậm đạp xe về nhà. Khi đi ngang qua trường, anh giật mình khi trông thấy Chi đang đứng giữa một vòng quanh các bạn. Dường như cô đã khóc nhiều trước đó, đôi mắt cô đỏ hoe, sưng húp. Mái tóc dài rối xõa xổ tung. Cô  không nhìn thấy anh, vì đang thờ thẫn như kẻ mất hồn. Anh nhìn cô vừa bàng hoàng, vừa thấy xót xa vô cùng, lại vừa sợ hãi. Linh cảm mách bảo anh cô đã gặp một biến cố gì đó thật là nghiêm trọng. Anh muốn quăng chiếc xe đi, chạy ào đến bên cô, hỏi han cô, vỗ về cô, làm bất cứ điều gì khiến cho cô vơi bớt niềm đau đớn. Nhưng lòng anh nghĩ vậy, mà chân anh cứ vô hồn thẫn thờ đạp qua cổng trường. Anh ngập ngừng muốn quay trở lại, nhưng ngoái nhìn, đôi mắt anh bắt gặp những người bạn cô đang đứng lao xao. Anh  cắn răng quay đi, cố ghì đôi chân chợt mềm nhũn không còn sức lực xuống bàn đạp. Trong đầu anh muôn vàn câu hỏi quay cuồng. Rồi anh chợt trông thấy Chi. Một người đàn ông chạy Honda chở cô lướt nhanh qua, chỉ thấy dáng quen thuộc và mái tóc của Chi  chấp chới trong cơn gió.
Sáng hôm sau , anh vừa ngừng xe trước cổng trường, Thảo đã chạy tới, hớt ha hớt hải nói với anh:
- Anh Nguyên ơi! Mẹ chị Chi mất rồi. Người nhà chỉ vừa lên báo tin hôm qua...
Anh gật đầu không nói. Anh cũng đã phần nào đoán được. Chỉ có cái chết của một người thân mới làm Chi vô cùng buồn đau như vậy. Anh bước vào lớp như một kẻ mất hồn.
Mẹ Chi đã mất! Câu nói vớ vẩn của Hoài hôm nọ bỗng trở thành sự thật. Đóa hoa trắng nào dành cho tình yêu vô vọng, đoá hoa trắng nào như một lời nguyền cay độc đã cướp mất mẹ em. Tại sao lại là bông hồng trắng chứ ! Tại sao không là bông hồng đỏ thắm? Anh yêu em! Vậy thì tại sao là bông hồng trắng? Làm sao để thời gian quay ngược lại, trôi về quá khứ, để anh có thể làm lại từ đầu, để anh nói lên lời yêu thương giờ đây nặng trĩu chìm xuống đáy tim như một con thuyền chết đắm...
Dạo đó, Nguyên không còn thiết gì việc học. Anh ngồi lì suốt ngày trong quán, mặt mày lạnh như tiền, chẳng muốn nói năng. Anh đi vẩn vơ ra bến sông con. Anh đi thờ thẫn ra khu vườn tràm, nơi có lần Chi đã  ra mắc võng học bài những buổi trưa hè. Đi đến đâu, bóng dáng Chi cũng chập chờn gợi nhớ gợi thương.
Mặc cảm của một người phạm tội như một ngọn núi âm u phủ bóng xuống lòng Nguyên. Anh mong mình có đủ can đảm để tới gặp Chi, nói với Chi những lời ăn năn, những lời chia sẻ. Nỗi đau này là nỗi đau chung, mà Nguyên gánh chịu nó một cách câm lặng không phương giải tỏ. Nhiều lần, anh bước những bước chân cương quyết hướng tới cửa phòng Chi. Nhưng rồi chúng trở thành bất trị, rồi chúng phản kháng lại anh, mang anh rời xa nơi ấy. Mỗi ngày trôi qua là thêm một ngày đau đớn, khắc khoải, trằn trọc bất an. Lời buồn của một kẻ ăn năn không bao giờ còn có dịp thốt lên với Chi được nữa...

(còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét