Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Mùa xưa - Kỳ II




PHẦN HAI
Những ghi chép của H.

****

ghi chép 1


“Khi xác nhận con người như là một thực thể có ý thức, chúng ta không thể coi nó là một thực thể cách ly với hiện thực xã hội, là một thực thể tách rời lịch sử như các triết thuyết duy tâm chủ trương. Con người, và sự phát triển của con người bao giờ cũng gắn bó hữu cơ với tiến trình lịch sử, là yếu tố duy nhất cấu thành lịch sử. Nói khác đi, con người là thực thể duy nhất  tạo nên lịch sử. Con người là con người của xã hội, thừa hưởng các đặc tính xã hội, và sáng tạo nên đặc tính xã hội. Không thể nói về con người với ý nghĩa một cá thể đứng ngoài lề xã hội.” – Thầy Hà kết thúc bài giảng. Ông nói thêm: “Thứ hai sau chúng ta sẽ thảo luận về đề tài này. Các bạn nên tìm đọc các tài liệu, sách báo liên quan để đóng góp tích cực cho buổi thảo luận. Chào các bạn”.
Nguyên nhét cuốn vở vào túi dết. Anh nhổm dậy, hòa vào các bạn rời khỏi giảng đường. Một anh chàng đầu tóc bờm xờm, nét mặt rất khôi hài từ phía sau lấn lên, xô bừa vào các cô, nhe răng cười khì phớt tỉnh những lời cằn nhằn thốt ra từ những đôi môi nhỏ nhắn xinh xinh.
- Nè Nguyên, trưa nay ở lại ăn cơm chiêu đãi với tụi này đi. Về làm gì, chiều lại đạp lên, phí sức.
- Sẵn sàng thôi! Vậy thực đơn gồm có những món gì vậy bếp trưởng?
- Như  thường lệ. Rau muống luộc, trứng vịt “áp chảo”. Có cái này là đặc biệt, món tráng miệng tớ mang từ  nhà lên – Mật ngọt thiên đường! Ngon hết xẩy!
- Mật ngọt thiên đường? Là cái gì?
- Ấy, đừng nôn nóng thế. Cậu chưa biết cái ngon của món mầm đá Trạng Quỳnh sao? Từ  từ sẽ rõ.
- Nhưng nó có trừu tượng như món mầm đá không vậy bồ?
- Yên chí, yên chí. Là một vật chất tồn tại khách quan.
- Mấy anh bị nhiễm các khái niệm triết học hơi lậm đó nha -Thảo tham gia, nó trẻ nhất bọn, trông mặt còn búng ra sữa, cứ như một chú nhóc lớp mười hai - Em cũng có một món đãi các anh. Món “Mỗi lúc đi xa”!
- Xời! Cái món của mày xưa như trái đất – Gã đầu tóc bờm xờm nói – Nhưng không sao, để tao nghiên cứu đổi tên lại cho kêu hơn nghe. Ừm... để xem... Mày phải biết, thời buổi kinh tế thị trường mà, quan trọng là ở chỗ cái tên gợi cảm, chứ đâu phải là ở chất lượng hay số lượng. Này Thảo, có lẽ nên gọi là “ Khóc một dòng sông” đi!
- Khóc một dòng sông? Sao lại khóc một dòng sông?
- Cái món kẹo dừa của mày lúc nào cũng chảy nhẽo ra như nước mắt ấy, chẳng khóc một dòng sông thì  ít nhất cũng  khóc một bịch  nylon – Gã đưa tay đấm ngực, cảm thán vô cùng lâm ly bi đát – Trời! Phải tự công nhận mình có khiếu hài hước quá chừng! Than ôi! Trời đã sinh Đỗ hữu Hoài này sao còn sinh thêm một lô một lốc Bảo Quốc, Duy Phương, Hữu Nghĩa, Quốc Hòa!... Nếu không thì ta đâu phải đi theo cái nghề khó nhai này. Đáng tiếc!... Đáng tiếc!…
Cái gã tự xưng danh là Đỗ Hữu Hoài này luôn luôn có những câu chuyện tiếu lâm trên trời dưới đất, lại hay thọc ngang hông người khác. Gã tự biên tự diễn xong màn kịch ngắn rồi quay sang bảo Thảo:
- Thôi, mày chạy về phòng bắc nồi cơm nghe Thảo. Tao với Nguyên phụ trách  công cuộc “má-kịt-tinh”. Mày chưa đủ thâm niên trong nghề đi chợ đâu, Thảo ạ!
 Nói xong, hắn kéo tay Nguyên, cả hai sóng bước đi ra chợ. Vừa đi, Hoài vừa bô bô diễn thuyết:
- Sau này khi tốt nghiệp ra trường, có ai đó hỏi tao đã tiếp thu được những kiến thức    quí báu nhất trong những tháng ngày mài đũng quần ở trường đại học, tao sẽ trịnh trọng thưa rằng –  Đó là nghệ thuật đi chợ. Chứ còn gì hơn nữa! Bằng cách đi chợ, thông qua đi chợ, anh sẽ có được những kỹ năng tuyệt diệu để đối phó với cuộc đời. Ví dụ như  tài hùng biện  để mua chịu, ghi sổ, cũng như  tài nghệ trả giá, thương lượng –  Tất cả những thứ  này có thể gom chung trong một thuật ngữ mang tính quốc tế hoá là “ni-gô-sì-ết-sân”... Thuyết phục được má Năm bán thiếu đâu phải chuyện tầm thường, phải uốn ba tấc lưỡi Tô Tần điệu nghệ lắm mới được. Mày chưa biết, chứ tụi thằng Thảo, thằng Huy cận  biết quá mà! Khả năng đàm phán của tao nhờ đi chợ mà đã tới bậc thượng thừa...Ơ, rồi kỹ năng phê bình đánh giá, chọn mặt gửi vàng để có thể lựa được bó rau tươi xanh nhất, con cá tươi rói nhất hoặc cô em tươi xinh nhất chợ. Rồi kỹ năng giao tiếp với mấy cô em cùng trường đang tay xách tay ôm đủ thứ. Khi ấy ta sẽ là người ga-lăng hết cỡ, o bế và phục vụ phái đẹp hết mình. Để chi, để chia bùi sẻ ngọt, chia buồn sớt vui, chia nửa phần ăn... vân vân và vân vân...
Nguyên cười tủm tỉm. Quả thật, một tay con trai mà không trải qua cuộc sống ký túc, không ở gần một cái chợ như chợ Bình Triệu này, thì chưa thể nói là đã nếm đủ mùi của đời sinh viên. Anh đi thơ thẩn theo Hoài, mặc cho hắn mua bán trêu chọc loăng quăng. Anh nhìn quanh quất. Buổi trưa chợ hơi vắng, chỉ có lác đác một ít bà con, còn lại là sinh viên của trường. Hoài chìa cho anh bó rau và bịch nylon đựng mấy miếng tàu hủ.
- Giờ ra đầu chợ mua thêm một nải chuối nữa là linh đình thịnh soạn –  Hắn nói.
Hai đứa đi ra. Anh nhìn quanh tìm sạp bán chuối. Chính lúc ấy anh trông thấy cô.
Anh chết sững. Ánh nắng trưa một ngày tháng Tư chói chang gay gắt bỗng dịu đi. Những âm thanh, tiếng động rất đỗi ồn ào của cái chợ nhỏ chìm lặng xuống. Như thể có một bàn tay vô hình nào đó đã gạt nút stop bản nhạc rock sôi động của cái máy cát-sét khổng lồ là cái chợ Bình Triệu này vậy. Trước mắt anh, mọi con người, cảnh vật nhòe đi như nền của một bức ảnh chụp xóa phông. Chỉ còn lại một cô gái tóc xõa bay bay trong gió, chiếc áo vải mong manh  lấm chấm tím hoa cà. Một cô gái không đẹp lắm nhưng thật dịu dàng, thu hút. Anh nhìn cô không chớp mắt.
Cô chợt bắt gặp ánh mắt của anh, có vẻ hơi ngạc nhiên vì vẻ kỳ lạ của nó. Đôi mắt đen tròn mở to một thoáng rất nhanh, dò hỏi, tự vấn, rồi nó quay sang long lanh, chớp nhẹ tỏ vẻ đồng tình với một câu gì đó của cô bạn kế bên. Cô quay lưng đi về trường. Mái tóc đen mướt, mềm mại trôi như một dòng suối nhỏ xuống vai. Mềm mại đến nỗi anh thấy lòng chùng xuống, xôn xao một nỗi mơ hồ.

                                                                     ooo0ooo

Thảo gom chén bát bỏ vào cái xoong nhỏ, mang đặt ở góc phòng, rồi nó ẹo người, uốn lưng nghe lốp cốp. Hoài cười khà khà:
- Xem chừng bộ xương của mày hơi khô nhớt rồi đó Thảo. Mày đúng là thằng lười chảy thây. Sáng ra nướng cho tới giữa tiết hai mới chịu lò mò xuống lớp. Nói chi đến thể dục thể thao, rèn luyện cơ bắp để sau này phục vụ cho đất nước, cho xã hội, cho quần chúng nhân dân, cho đoàn thể cơ quan các ngành các cấp... nhất là cho bà xã của mày! Bắt đầu từ mai, tao áp dụng kỷ luật chiến trường! Đúng  năm giờ  rưỡi là a-lê-hấp, cả phòng phải dậy thao diễn 24 đường võ dưỡng sinh. Đứa nào lần chần, tao phạt vệ sinh phòng nửa tháng!
Một tên trẻ tuổi đeo đôi kiếng dày cộp đang vừa nằm xoa xoa bụng, vừa đọc một cuốn sách rách tả tơi chợt nhổm dậy la to phản đối:
- Ý, đâu có được anh Hoài! – Tên trẻ tuổi trổ tài lý sự – Vụ  này phải đưa ra Hội đồng phòng thương nghị, rồi biểu quyết, lập thành văn bản, ký tên, “đóng dấu”, rồi ra quán nhậu làm một chầu thông qua nghị quyết mới bảo đảm thủ tục pháp lý chứ. Anh đừng có chuyên chế độc tài, tụi em lật đổ anh không tới 30 giây đâu!
Hoài nghiêm khắc nói:
- Huy cận! [1] Mày là nhà thơ nổi tiếng, là tài sản quí báu của quốc gia, nhân tài của đất nước, mày lại được hưởng quyền ưu tiên, ưu đãi đặc biệt đối với những người khiếm khuyết! Ờ...ờ...  chiếu theo khoản 2, điều 8, Quyết định số 0001/PKT ngày-tháng-năm-nay của Sếp phòng  về việc thực  hiện nghiêm chỉnh các chế độ cho anh em sinh viên Phòng 217, thì Quyết định này không áp dụng cho các cá nhân thuộc các trường hợp sau đây: Điểm a - Sếp phòng– mở ngoặc đơn - tức là tao- Đỗ Hữu Hoài – đóng ngoặc đơn; Điểm b - Người khiếm khuyết về thị giác, thính giác, xúc giác, tri giác – mở ngoặc đơn - nghĩa là đối với những cá nhân đêm qua đã say be say bét, không còn biết trời trăng mây nước gì nữa – đóng ngoặc đơn. Điểm c - Người đang ở trong tình trạng bất khả kháng vì lý do sức khỏe, thời tiết… vân vân… mà không thuộc trường hợp qui định tại điểm b, khoản 2, điều 8 của Quyết định này....Vậy thì mày nên khôn ngoan hưởng ứng, đừng có học đòi chống đối, biểu tình, bạo động làm chi, nghe không Huy cận!
Hoài nói xong một tràng thao thao bất tuyệt rồi ngưng lại... để thở. Hắn thở xong mấy hơi dài khoan khoái rồi lại tiếp tục mở máy phát thanh:
- Hôm nay, các nhân chứng có mặt tại hiện trường đã tường trình về một sự vụ tai-nạn-lưu- thông-tình-cảm cực kỳ nghiêm trọng! Các nhân chứng đồng nhất trí sau tai nạn, bạn của chúng ta, đồng chí cựu chiến binh thân mến của chúng ta – anh Nguyên, đã bị đo ván, mặt mày nám đen, trái tim lủng không biết là bao nhiêu lỗ... Vậy đề nghị người bị hại kiêm người chủ động tấn công cho biết cảm tưởng và ý kiến đề xuất với quí hội đồng!
Huy cận lên tiếng hưởng ứng:
- Đúng rồi, hôm nay anh Nguyên lạ lắm nghe, cứ như người mất hồn vậy. Lúc nãy, em hỏi anh cái gì anh có nghe không anh Nguyên ... anh Nguyên!
- Gì đó Huy  cận? –  Nguyên  giật mình, đầu óc anh vẫn còn vương vấn hình ảnh  cô gái lúc trưa. Quen với tật  hay nói dóc của Hoài nên anh cũng chẳng để tâm, giờ nghe Huy cận gọi giật giọng, Nguyên mới tập trung lại. 
- Ấy, thấy chưa! Hồi nãy em hỏi anh là anh có trốn đi đâu nhậu một mình không mà thấy mặt mày đỏ bừng, khờ khờ hệt như xỉn  rượu, mà anh có nghe thấy gì đâu .
Nguyên  nhe răng cười:
- Ờ, ờ... lúc đó tao đang mải ngẫm nghĩ nên không nghe rõ, tưởng mày nói với thằng Hoài chứ.  
Hoài  xoay lưng qua, nhìn Nguyên:
- Nè  Nguyên, mình hỏi nghiêm chỉnh nha, trước giờ đâu có thấy cậu nhìn đứa con gái nào như  lúc nãy đâu, cậu thích cô ta rồi phải không? Nói thật đi, tụi này ủng hộ cho.
Nguyên  xoay người nằm sấp lại, anh đưa hai tay chống cằm, nhìn Hoài:
- Cô ta học khóa mấy vậy, sao từ đầu năm đến giờ tao không gặp  nhỉ?
- Mày vô trường là chui đầu vô lớp, hết giờ lại chuồn về ngay thì làm sao biết được ai với ai. Con nhỏ này là hoa khôi K.10, tên là Quyên Chi, một bông hồng  nhiều gai đấy. Mấy lần trường tổ chức lễ hội, lần nào nó cũng có tiết mục đơn ca, cả trường ai cũng biết, chỉ có mình mày là đến bây giờ mới thắc mắc.
Thảo nãy giờ nằm lim dim, nghe loáng thoáng tên Chi bỗng chồm dậy hỏi Nguyên:
- Ủa! Thì ra là chị Chi hả anh? Em quen với chỉ. Chỉ hiền lắm đó. Hình như chỉ có  nói với em chỉ quê ở Long An thì phải.
- Con bé dễ thương quá, không biết có bồ chưa – Nguyên nói, bâng khuâng.
- Không rõ, có điều tao hay gặp nó lên hội trường ngồi học một mình – Hoài nói – Thôi, để từ  từ tao điều tra thêm. Tao có đồng hương là nhỏ Phượng học K.10, lo gì không xong. Giờ ngủ tí đã, còn có gần tiếng nữa là học tiếp rồi.
Hoài nói xong quay đầu vào tường im lặng. Nguyên xoay người, nhắm mắt lại. Gương mặt xinh xắn, man mác vẻ buồn của Chi, với mái tóc dài tha thướt, với cặp mắt đen lay láy – khi chợt rõ ràng như đang ở trước mắt, khi chập chờn hư ảo – xâm chiếm tâm trí anh, tràn ngập cả hồn anh. Anh chìm vào giấc ngủ, môi còn thoáng một nét cười.

_______ 

[1] Nhân vật Huy cận được xây dựng vì mục đích muốn nhấn mạnh sự dí dỏm, óc khôi hài của lớp sinh viên trẻ, hoàn toàn không có ý định bất kính nào đối với nhà thơ Huy Cận. Vì vậy,nếu trong truyện có chi tiết nào sơ thất, rất mong được nhà thơ Huy Cận và thân quyến rộng lòng tha thứ. ( TG)



***


ghi chép 2


Quán có tên là quán sinh viên. Thật sự thì nó chẳng có tên tuổi, bảng hiệu gì ráo trọi, nhưng vì chủ quán rất ân cần niềm nở, thông cảm và thương mến bọn sinh viên, nên  quán được ưu  ái đặt cho một cái tên  thật là dễ thương như vậy. Tụi Nguyên cũng thuộc vào hàng thân chủ ở đây. Cứ  thoải mái yêu cầu, rồi lại thoải mái ra về hết sức vô tư, miễn khi có tiền trợ cấp của gia đình hay học bổng... ra thanh toán là xong.
Quán lại có một cái tên khác nữa, dễ thương hơn rất nhiều, do chính tụi Nguyên đặt. Chị chủ quán có một cô em gái rất xinh, tên là Ca Dao – cái tên nghe đã thấy lâng lâng như  được nằm lơ tơ mơ  dưới bóng một lũy tre làng mát rượi ven sông, văng vẳng bên tai tiếng sáo diều vi vu vi vút –  nên đôi khi tụi Nguyên còn gọi quán là quán Ca Dao. Ca Dao đang học lớp mười hai, cô học giỏi, quyết chí phải thi đậu đại học năm nay, nên mấy anh có  muốn tán tỉnh cũng hơi chờn trước vẻ vừa hồn nhiên vô tư, vừa nghiêm nghị của cô. Ai nói gì, trêu gì cô cũng chỉ mỉm cười, nếu cứ được đà xông tới thì cô ra sau nhà, lẫn mất tăm mất tích. Bọn con trai vào quán đứa nào cũng khoái được nhìn thấy đôi bím tóc lắc la lắc lẻo và cái lúm đồng tiền bên trái chiếc miệng nhỏ xinh, tươi tắn của cô, đành phải cắn răng ghìm lại cái máu chinh phạt hung hăng, hiếu chiến của mình. Có “bức xúc” lắm thì cũng chỉ dám trêu cô một câu, chứ không tay nào dám cất tiếng lần thứ hai, tiểu cô nương sẽ trốn ngay lập tức.
Nét ngây thơ ngộ nghĩnh của Ca Dao đã làm cho trái tim sắt đá, chai lì của biết bao nhiêu tay sinh viên chọc trời khuấy nước phải mềm nhũn lại, đập loạn nhịp tưng bừng, vậy nên Huy cận chết mê chết mệt cô cũng là chuyện bình thường. Nó là người đóng đô thường xuyên, thường trực, trường kỳ ở quán Ca Dao. Thuở ấy chưa có câu quảng cáo: “Ăn bóng đá, ngủ bóng đá, uống Coca Cola”, nếu không thì áp dụng vào trường hợp của Huy cận thật là xác đáng: “Ăn căn tin ký túc, ngủ phòng ký túc, uống Ca Dao, học Ca Dao, ngồi chơi Ca Dao!”
Huy cận ôm mối tương tư mà không hề oán thán. Nó đã từng thức trắng một đêm, vắt trọn hơn trăm gờ-ram chất xám, mấy chén cơm căn-tin, hai trái chuối la-sét của buổi chiều để “tối tác” một bài trường thi ca tụng Ca Dao. Chưa có người thứ hai biết về hình thức, nội dung hay nghệ thuật của bài trường thi đó! Huy cận là một tác gia đúng nghĩa, một thi nhân chân chính. Nó đã thủ tiêu tác phẩm mang nặng đẻ đau, đứa con tinh thần sơ sinh non yếu của mình ngay sáng hôm sau. Nó chỉ giải thích ngắn gọn: “Chưa  đạt! Chưa xứng với một người như Ca Dao!” Sự khó tính và nghiêm túc với nghệ thuật, với tình yêu của Huy cận làm tụi Nguyên phải phục lăn phục lóc.
Buổi trưa, quán vắng chẳng có ai. Nguyên, Phượng, Hoài, Thảo vừa bước chân vào quán đã phát hiện ra Huy cận đang ngồi đăm chiêu nghiên cứu một cuốn sách dày cộp. Thảo cất tiếng:
- Huy cận! Hôm nay Ca Dao cười với mày mấy cái!
 Huy cận ngẩng đầu, nhìn bọn Nguyên ngơ ngác, dường như nó không nghe rõ câu cợt đùa của Thảo, nó đã tập trung cao độ vào cuốn sách đáng nể đó! Nó cười chào cả bọn, đưa tay đẩy cặp mắt kiếng lên, rồi nói:
- Chà, đi đâu mà rầm rộ vậy, có cả chị Phượng nữa! Tới đây ngồi chung đi anh Nguyên, anh Hoài.
 Bọn Nguyên tới kéo ghế ngồi. Ca Dao xuất hiện, cô bé đến bên Phượng hỏi:
- Chị uống gì để em làm?
 Đối với Nguyên, Hoài, Thảo, cô bé đã quen với “gu” của từng người, chẳng có gì rắc rối: Nguyên,  Hoài –  đen, Thảo –  chè đậu.
Phượng nhìn Ca Dao với vẻ mến mộ. Cô ít khi ra quán xá, và mới đặt chân vào quán Sinh viên lần đầu, vậy mà thoạt thấy Ca Dao, cô đã thích ngay. Cô khen:
- Trông em dễ thương ghê! Em cho chị một ly sữa tươi nha.
 Huy cận len lén nhìn Ca Dao, đôi mắt si tình của cu cậu vừa đắm đuối, lại vừa dè dặt. Nó sợ Ca Dao bắt gặp ánh mắt của mình sẽ mắc cỡ trốn luôn. Quả nhiên, không biết vô tình hay hữu ý, Ca Dao liếc mắt qua Huy cận. Cu cậu vội sụp ngay ánh mắt, lúng túng giơ tay lên, sờ sờ vào gọng kính. Ca Dao mỉm cười, nói với nó:
- Anh Huy có uống trà đá thêm không, em làm cho anh một ly, không tính tiền đâu.
 Huy cận đỏ mặt sung sướng, gật đầu lia lịa. Nó đưa mắt nhìn một lượt bọn Nguyên một cách hãnh diện, ý nói: Mấy anh chị thấy cô ấy dễ thương chưa! Cô ấy quan tâm đến Huy rồi đó!
Ca Dao đi vào trong.
Phượng đưa mắt nhìn quanh quán rồi quay lại Hoài, cô nói:
- Quán này hay ghê!  Cô bé lại đáng yêu nữa. Mấy anh hay ra đây lắm phải không?
- Cũng thường, nhưng không bằng Huy. Huy nó là người tình nguyện gác quán 24 trên 24 ở đây đó. Phượng muốn hỏi gì về cái quán này nó cũng trả lời được hết.
Phượng cười, cô nhìn sang Huy. Nó luống cuống, ấp a ấp úng:
- Đâu có...
- Ạ... ạ, chị biết rồi nghe Huy. Nếu chị là con trai hả, chị cũng sẽ tình nguyện như em đó!
 Cả bọn cười ồ lên, đua nhau nói xôn xao:
-  Thấy chưa Huy cận, mày được thêm một cảm tình viên ủng hộ rồi đó.
-  Huy cận này, bắt đầu nổ súng đi! Mày ém quân quá lâu rồi đó, coi chừng mai mốt lại hát bài “ Trèo lên cây bưởi hái hoa” nghe.
- Huy ơi, “biết dùng lời rất khó,” phải hôn Huy...
Rồi quán yên lắng lại. Cây sầu đông già ngoài hiên khẽ nghiêng theo cơn gió, mấy chiếc lá vàng khô rời cành la đà rơi xuống. Chị Khuyên chủ quán bưng cái khay tới bàn, cười cười. Ca Dao đã trốn mất không ra.

                                                                 ooo0ooo


Hôm qua, Phượng đã chôm được cuốn album hình của Quyên Chi trao cho Nguyên. Anh chọn đi chọn lại mãi rồi cuối cùng rút ra một tấm trắng đen, chụp Chi hơi nghiêng một góc ba phần tư. Tấm ảnh hình như đã được chụp khá lâu rồi, nên trong ảnh khuôn mặt Chi tròn trĩnh, đầy đặn và có vẻ ngây thơ hồn nhiên hơn hiện tại.
Nguyên  móc túi quần, đếm đi đếm lại: còn có mấy ngàn!  Bữa trước, anh đã ra Lê Lợi hỏi giá thử, một hộp màu dầu trung bình giá tám ngàn. Món tiền này chưa đủ mua hộp màu, lấy đâu ra cọ kiếc, rồi vải nền nữa... Anh gãi đầu tính tới tính lui. Cuối cùng, anh sực nhớ ra Kha. Anh  hét lên  mừng rỡ: “Thằng Kha! Trời, sao tao yêu mày quá, Kha ơi!”
Tiếng hét làm cho bà cụ già vừa đi qua chỗ anh đứng được mấy bước giật mình hết hồn. Bà quay lại, nhìn quanh quất, nhưng chỉ thấy có mỗi mình Nguyên đứng lơ lơ láo láo, nét mặt hí hửng thì chột dạ. Bà len lén liếc anh rồi quay lưng bước thật nhanh. Chắc bà nghĩ anh đã nổi cơn điên. Nguyên gập người cố nén, nhưng tiếng cười cứ sùng sục thoát ra. Bà cụ càng rảo bước.
Nguyên quen Kha qua Tân, bạn học của anh. Kha là sinh viên trường Mỹ thuật, nhưng học đến năm thứ tư thì bỏ ngang. Tính anh ương bướng, trung thực, không thích quì lụy, phục tùng ngoài mặt nên có nhiều đụng chạm với một số  giảng viên của trường. Sự  căng thẳng này thật ra không phải vì lý do cá nhân, tuy cũng có nhưng không đáng kể, mà chủ yếu là do anh không chịu được sự trì trệ, bảo thủ  trong cách nhìn, trong quan điểm nghệ thuật  và sự coi thường các tìm tòi của lớp trẻ  ở các vị thầy cô. Thời gian sau này, nhìn lại, Kha nói: “Thật sự khi đó mình còn trẻ quá, còn hiếu thắng ngông cuồng quá, cứ ngỡ mình là thiên tài chưa tới thời, không gặp vận. Đâm ra cứ lao vào suy tư, nghiền ngẫm tìm tòi, rồi phá phách, đạp đổ các nguyên tắc, lề luật truyền thống, căn bản. Chưa học xong đã muốn là người sáng tạo. Dĩ nhiên, không phải cứ năm năm mỹ thuật là ai cũng trở thành họa sĩ. Nhưng năm năm đó là thời gian tích lũy những kỹ năng, những kiến thức tối cần, là cái nền để trên đó người ta dựng nên những cái riêng. Ở trường có nhiều cái chưa hay, nhưng mình bỏ ngang như vậy, cũng không đúng chút nào...”
Lần đầu Nguyên gặp Kha là dạo anh xuất ngũ trở về được mấy tháng. Thời gian đó Nguyên long đong, trôi nổi lắm. Thỉnh thoảng, anh theo một người quen trong xóm đi làm phụ hồ, lâu thì một tuần, nửa tháng,  mau thì đôi ba ngày. Rồi lại trở thành người thất nghiệp.Thật ra, anh cũng có vài cơ hội để có một chỗ làm ổn định. Nhưng cái cung cách cửa quyền, ma cũ ma mới, trên đội dưới đạp của những con người ở đó làm anh buồn nôn, nổi nóng, nên vào làm được đôi tuần anh lại bỏ đi. Cái máu nóng con nhà lính ngày đó vẫn còn nóng hổi trong anh. Ở đơn vị, anh từng công khai mắng vào mặt tay chỉ huy tiểu đoàn hay hành hung anh em cấp dưới, anh từng xách súng đuổi tay y sĩ tiểu đoàn vì cứ  mải mê chơi tiến lên mà không xuống tiêm thuốc, săn sóc cho bệnh binh đang nằm mê man, rét cóng trong cơn sốt. Anh bỏ cái vị trí quân lực tiểu đoàn an nhàn, thoải mái xin xuống trung đội để cùng chia sẻ, sống chết với anh em, lánh xa sự  ăn trên ngồi trốc, bóc lột, lường gạt những người lính bộ binh gốc nông dân ít học của một số người không tốt trong khối tiểu đoàn bộ. Nhưng dù sao, trong quân ngũ, số xấu xa chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. Và khi chấp nhận bị đạp xuống chỗ cuối cùng là trung đội bộ binh, thì anh lại thấy sung sướng và ấm áp có lại nếp sống vô tư, có lại những tình cảm thiêng liêng, cao quí. Người lính, nhất là lính chiến, chỉ biết nhiệm vụ, không lo đến cơm ăn áo mặc, không lo nghĩ nhiều đến việc xa xôi, thật ra lại sống rất khỏe khoắn hồn nhiên. Nên cuối cùng ngẫm lại, đời lính lại là đơn giản và mang về nhiều hạnh phúc. Cuộc đời ở bên ngoài, trong xã hội lớn, giữa mọi giai tầng, giữa mọi sang hèn, giàu nghèo, trung thực và xảo trá, bịp bợm khoe khoang và ngu khờ dễ tin dễ bị lọc lừa, với biết bao nhiêu khát khao, tham vọng –  cao quí hay hèn hạ –  mới chính là một chiến trường nguy hiểm, gay go hơn hết, mà người lính thì  lại lẻ loi... Thời gian đó, Nguyên đang trong quá trình hòa nhập lại cuộc sống bên ngoài, anh còn chưa bỏ được cái cung cách suy nghĩ, hành động như lính ở chiến trường thì làm sao mà không khốn đốn...
Nguyên khổ sở vì thất nghiệp, thường xuyên không xu dính túi. Lâu lâu, Tân – thằng bạn thân của anh từ  hồi còn học cấp 1 mãi cho đến hết phổ thông –  lại kéo anh ra quán uống cà-phê nói chuyện trên trời dưới đất. Tân nhà khá giả, có mấy anh chị ở Mỹ thỉnh thoảng gửi tiền hàng về, nên sống rất thoải mái. Tính Tân có chút lãng mạn nghệ sĩ, phóng khoáng nên bè bạn rất nhiều. Có điều, khi ấy Tân biết Nguyên mặc cảm, tự ái, nên cũng thỉnh thoảng mới tới rủ anh đi đây đi đó. Hai đứa anh thân thì rất thân, thương nhau và hiểu nhau vô cùng, nhưng lại cũng hay gây gổ, cãi nhau vì những chuyện trời ơi đất hỡi. Có những trận cãi nhau căng đến nỗi Nguyên đùng đùng bỏ về ngang, cuốc bộ hàng mấy cây số để về nhà nếu không may cả hai đi đến một nơi hơi xa như vậy. Đại khái những vấn đề dễ gây xung đột là những vấn đề  rất xa rời thực tế, những vấn đề triết học, văn chương nghệ thuật... Dạo đó, Nguyên đọc nhiều. Sách do Tân cho mượn, sách ở thư viện quận, rồi sách do chính anh lùng mua ở các hiệu sách cũ mỗi khi trong túi rủng rỉnh chút tiền còm. Có khi anh đến thư viện ngồi đọc cả ngày trời, trong túi không còn một điếu thuốc để hút cho đỡ thèm... Đọc tán loạn lên, tâm sự đầy ắp, suy tư âu lo đầy ắp, không nơi trút bỏ, nên gặp Tân là anh nói, nói miên man. Mà Tân lại có cái tật luôn luôn nói càn, gạt ngang ý kiến người đối thoại, dù biết là đúng, anh cũng cố vận dụng lý lẽ, biện bác để uốn cong bóp méo vấn đề. Cả hai cứ gặp nhau, mừng rỡ chuyện trò, rồi lại đùng đùng gây sự với nhau như vậy mãi…
Hôm đó, cả hai cũng đang hùng hổ cãi cọ, thì Kha bước vào quán. Anh trông thấy Tân, bước tới, kéo ghế ngồi thật tự nhiên, rồi cũng thật tự nhiên xen vào cuộc đấu khẩu. Cả ba  cãi nhau tưng bừng khói lửa hồi lâu, rồi Kha cười cười nói: “Thôi! Tớ rút quân. Coi như chúng ta hòa, ý kiến, quan niệm của ai người ấy giữ là thượng sách!”
Kha có cái hay như vậy, anh  không khư khư cho là mình đúng và bài bác ý riêng người khác. Từ hôm đó, Kha và Nguyên đã thầm mến phục nhau, và không bao lâu,cả hai đã trở nên bạn thân của nhau...
Kha đang lui cui căng tấm toile thì Nguyên tới. Anh ngước lên mừng rỡ:
- Lâu quá không thấy cậu tới chơi. Dạo này sao rồi?
- Khỏe mạnh, yêu đời. Mình bận quá, dạo này toàn học hai buổi, tối lại lên cơ quan nên chẳng  làm sao tới cậu được. Kha, mình cần một số cọ vẽ màu dầu, và khoảng năm ngàn, có không?
- Cọ thì thiếu gì, tiền cũng có, mình vừa thu được tiền bán mấy tấm tranh gửi ở gallery. Nhưng cậu định vẽ cái gì vậy? Tớ nhớ có lần cậu nói chưa bao giờ vẽ màu dầu mà?
- Chuyện tình yêu, hay lắm, Kha ạ. Nhưng bây giờ mình bận, chưa kể được. Tóm tắt là mình muốn vẽ chân dung một cô gái, để tặng làm quen.
Kha đứng lên. Anh cao gầy, cái quần jean bụi bụi, áo sơ mi rộng thùng thình bỏ vào quần, cả quần cả áo lấm tấm những vệt sơn, trông đúng là một mẫu nghệ sĩ phong trần lãng tử. Anh lắc đầu:
- Đâu có được. Bận mấy cũng vậy, cậu đã tới đây thì đâu dễ đi ngay. Chờ mình chút xíu. Để coi, vẽ chân dung thì dùng loại cọ mềm, số nhỏ –  Anh lựa lựa trong cái túi rồi đưa cho Nguyên một mớ cọ to nhỏ  đủ cỡ.
Nguyên hỏi:
- Vẽ trên nền giấy có được không Kha?
- Được, nhưng sao cậu không vẽ lên vải?
- Mất thì giờ và phiền phức quá, mình thì lại nôn nóng muốn làm ngay kẻo hết hứng. Cậu biết đó, thật sự mình có biết chút bài bản gì đâu, chỉ vẽ tùy hứng. Không có hứng là không làm gì được.
 Kha chợt vỗ trán kêu lên:
- À, cậu vào xem cái này nhé –  Anh nắm tay kéo Nguyên vào phía trong gian phòng. Trên giá, dưới đất dọc theo tường ngổn ngang những bức tranh đủ cỡ. Kha bảo:
- Mình sắp triển lãm tranh cùng hai tay khác. Coi thử có được không?
 Nguyên  đứng nhìn từng tấm tranh một, đứng gần, rồi lại lùi ra. Anh nhận ra có cái gì đó hơi khang khác, anh kêu lên:
- Đây là phong cách của Picasso! Sao cậu lại vẽ như vậy?
Kha nói:
- Cậu chưa xem kỹ đó, thoạt trông thì như vậy, nhưng khác xa, những kỹ thuật thể hiện hoàn toàn là cái riêng của Kha.
 Nguyên lắc đầu:
- Không, mình không bàn về kỹ thuật, mình muốn nói cái chung, cái tổng quát. Những bức tranh kiểu này đi đâu cũng thấy, có quá nhiều người mô phỏng rồi. Sao cậu lại còn đâm đầu vào nhỉ? Sao cậu không tiếp tục cái phong cách thô mộc, khỏe khoắn mà rất sâu sắc gợi cảm của mình. Tớ nghĩ  cậu lạc lối mất rồi Kha ơi. Nhìn tranh này, những người biết cậu, có ai nhận ra đây là tranh của cậu hay không? Một sự lắp ghép quá nhiều mà hầu như không nói lên được điều gì cả!
Kha hơi cáu, anh cố dằn cơn bực tức:
- Cũng chỉ là thể nghiệm thôi Nguyên, mình muốn đi tìm cái hay của phong cách này. Tìm tòi, học hỏi các bậc thầy thì có gì là không tốt. Với lại, tranh kiểu này có nhiều người ưa thích hơn. Đa số những người đủ tiền mua tranh, có mấy ai hiểu sâu về nghệ thuật. Nếu chỉ vẽ theo cái riêng, khó sống mà sáng tác lắm Nguyên ơi. Dĩ nhiên, mình cũng có những tấm khác, đơn thuần vì nghệ thuật, nhưng mình để ở nhà. Cậu đúng là... lâu ngày gặp lại đã cho mình ăn mướp đắng! Thôi, đi uống cà-phê, miễn bàn chuyện nghệ thuật. Ngày hôm nay là ngày dành riêng cho các chuyện tình...
Nguyên  gật đầu cười xòa:
- Ờ, mình xin lỗi, đã chẳng khen công sức cậu đổ ra thì thôi, lại còn bày đặt phê phán. Mà mình là cái quái gì nhỉ, có biết tới đâu đâu. Chẳng qua là cái tật cứ  nghĩ sao nói vậy, biết mà không bỏ được. Thôi đừng giận nhé!
 Cả hai cười sảng khoái. Kha dắt chiếc Cup ra, khoá cửa xong anh nói:
- Nguyên này, mình đi uống rượu nghe. Có một chỗ làm thịt cầy ngon lắm.

***

 
                            ghi chép 3


Trường trước kia nguyên là một khu lưu xá thuộc nhà thờ Fatima, Bình Triệu. Tổng cộng chỉ có ba hội trường A, B, C dành cho việc lên lớp giảng dạy và học tập, còn lại là các phòng có diện tích không đáng kể dùng làm chỗ ở cho các giáo viên và sinh viên nội trú. Sau này, lúc tụi Nguyên đã sắp ra trường, trường được xây dựng thêm một dãy lầu, mở rộng được hơn một tí diện tích, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu, vì con số sinh viên những khóa sau tăng lên rất nhiều, gấp ba gấp bốn giai đoạn trước. Vì diện tích nhỏ xíu, nơi ở xen lẫn nơi dạy như vậy, nên đã xảy ra nhiều chuyện rất buồn cười...
Đôi khi, bọn sinh viên lười lĩnh như Thảo, Hoài giặt đồ chưa khô kịp, cứ nằm ễnh trên giường, nướng qua nướng lại mà cũng nghe được tiếng giảng bài từ  Hội trường A... Đôi khi, đang giữa tiết học, một đứa nào đó chợt nghe kiến bò nhộn nhịp trong bụng. Nó liền từ  từ  dịch chuyển vị trí về phía cửa, canh lúc thầy cô quay sang chỗ khác để chuồn ra, về phòng lục niêu cơm nguội ra vét sạch, rồi lại mon men xuống, lẩn vào, ngồi học tiếp, trông có vẻ ta đây vô cùng đàng hoàng nghiêm túc...
Lại đôi khi, cả lớp đang yên ắng, lơ mơ thả hồn theo “lời ru buồn nghe mênh mang mênh mang” của thầy Phan, bỗng từ bên trên đầu có tiếng dạo đàn guitar phím lõm lưng tưng. Rồi một giọng tenor vừa chói lói, vừa ồm ồm cất lên một câu vọng cổ; khi giọng ca bất hủ xuống xề, bất giác mọi người đưa hai bàn tay lên, định vỗ một tràng  hoan hô lốp đốp, nhưng vội hết hồn rụt ngay lại, giấu xuống hộc bàn, vì sực nhớ mình đang ngồi trong lớp...
Rồi có đôi khi khác, cô giáo đang nghiêm trang truyền đạt cho học trò những tri thức cao siêu, chợt một con bé khoảng năm sáu tuổi, ì ạch bế một con bé khác khoảng tám chín tháng tuổi gì đó hiên ngang đi vào giảng đường, mếu ma mếu máo: “Mẹ ơi! Em bé ị ra rồi! Mẹ về thay tã cho em!”...
Chưa kể đến những tai nạn bất ngờ do bọn con trai hoặc con gái tính tình cẩu thả gây nên, mà người lãnh đủ lại là các bậc thầy cô khả kính: Một vài thầy cô được phân phối phòng ở tầng trệt, nên bắt buộc phải thường xuyên đi lại qua vùng “góc chết”- một khoảng đường hẹp không tới hai mét chiều ngang nằm trong phạm vi mấy mét tính từ góc vuông giao tiếp giữa hai dãy nhà. Bọn con nhà vô lương tâm này cứ thoải mái đứng từ tầng một hoặc tầng hai đổ ào xuống dưới, khi thì nước vo gạo, khi thì nước rửa chén, rửa niêu... đôi khi, không biết chừng, còn nguy hiểm hơn, là nước xả đồ “ấn-đơ-que” (!) bất kể bên dưới là mái đầu xanh rì của lứa tuổi hai mươi, hay là mái đầu lấm chấm muối tiêu của các vị thầy cô già cả!
Trường cách không xa con sông Saigon, ở khúc nó uốn éo chảy qua chiếc cầu Bình Lợi. Nên chi biết bao cuộc tình của bao thế hệ sinh viên đã hoặc đang bắt đầu, kéo dài và chấm dứt đều không khỏi có chút gì đó, không ít thì nhiều gắn liền với dòng sông, với chiếc cầu đầy “tai tiếng.”
Cầu Bình Lợi dĩ nhiên khác xa với cầu trên sông Drina, nhưng về mặt các truyền thuyết liên quan đến các vụ tự  tử  thì xem ra nó cũng không thua sút lắm. Rất tiếc Việt Nam ta chưa thấy xuất hiện một văn tài tương tự như Ivo Andritch để viết một cuốn tiểu thuyết tầm cỡ về chiếc cầu Bình Lợi! Nói nghe kinh khủng vậy, nhưng đối với sinh viên trường, chiếc cầu là nơi có nhiều kỷ niệm. Những buổi chiều mùa hạ, khi trời nóng hừng hực, oi bức không chịu nổi, các cô các cậu lững thững đi ra bờ sông, ở phía sau trường, hoặc đi xa hơn,lên trên chiếc cầu, để hưởng chút gió sông dịu mát. Biết bao nhiêu lời tán tỉnh ngọt ngào, lời trả đũa chua cay, lời giận hờn trách móc nỉ non, lời tỏ tình run run thỏ thẻ, lời thề thốt nghe chắc ăn như đinh đóng gỗ lim... đã được gió sông hứng vào lòng của nó, và dĩ nhiên, cũng đã theo gió cuốn đi.  
Tuy nhiên, đối với Nguyên, cầu Bình Lợi chỉ là một chướng ngại vật không hơn không kém. Dạo ấy, đi xe qua cầu thật là khổ sở, vì lối dành cho xe cộ chỉ vừa đủ để hai xe gắn máy lách nhau một cách rất ư chật vật. Chiếc cầu làm anh bị trễ giờ liên tục. Anh ghét nó. Anh chỉ yêu cái bến sông con thơ mộng của mình.
Bến nằm ở phía sau lưng trường. Muốn đi vào nó phải đi qua Trung tâm cai nghiện Bình Triệu, qua một chiếc cầu xi-măng nho nhỏ bắc qua một con lạch con con, qua một nghĩa trang công giáo nên thơ  đầy những cây hoa sứ  trắng tỏa hương thơm ngát. Gọi là bến sông cho oai, thật ra, đó chỉ là một lối nhỏ dẫn tới bờ sông, nằm giữa hai bên là hai hàng cây thùy dương xanh ngắt, trồng làm hàng rào cho các căn nhà vườn ở đó. Ngay sát bờ sông có một đám cỏ dày; bên dưới bờ đất cao, khoảng ba bốn mét tính từ bờ lại có một lớp đất sỏi cứng, rất tiện khi tắm xong lên bờ, chân không bị lấm bùn bê bết. Nguyên yêu cái bến sông ngay từ khi anh mới biết nó lần đầu, nhưng sau này anh còn yêu nó nhiều hơn nữa. Đã có những buổi chiều anh ngồi ở đây, hồi hộp chờ mong trông thấy Quyên Chi. Đã có nhiều buổi chiều sau khi vùng vẫy, lăn lộn mệt nhoài trong làn nước, anh lên bờ ngồi một mình nhìn hoàng hôn buông xuống, nhìn mặt trời vàng rực từ từ khuất sau những rặng cây bên bờ đối diện, nhìn những giề lục bình bông tím trôi lừ đừ mà không biết về đâu.
Dạo đó tháng Năm. Trời nóng hanh hao. Một hôm Hoài khều khều Nguyên:
- Chiều nay đi ra bờ sông không?
- Làm chi vậy, mày muốn tắm sông à, lạ nhỉ? – Nguyên ngạc nhiên, anh biết Hoài không thích tắm sông lắm.
Hoài lắc đầu:
- Để cho mày gặp Chi.
Nguyên càng ngạc nhiên hơn:
- Gặp Chi? Cô nàng cũng ra đó hay sao?
- Mày không biết gì hết. Mấy bữa nay nước yếu, không đủ nước tắm, mà trời lại nóng nực nữa. Tụi nó kéo ra sông tắm cho đã rồi mới về tắm sơ lại. Hôm qua tao cũng ra sông tắm, gặp Chi. Chi mặc cái áo ngắn tay tím, cái quần soóc. Trông cặp đùi thon thon trắng muốt của cô ta thật là dễ thành tội phạm quá chừng! Không chừng mày mà gặp Chi ở đó hôm qua thì đã làm được mấy bài thơ rồi!
- Ồ, vậy sao – Nguyên lẩm bẩm, rồi lại hỏi Hoài – Chi bơi giỏi không?
- Cũng tàm tạm, cỡ tao thôi.
- Ừ được rồi, chiều nay tao sẽ ra đó.
Buồn thay, chiều hôm đó Chi không ra sông tắm, và cả những chiều tiếp theo cũng vậy. Nhưng kể từ đó cái bến sông con đã trở thành một cái gì đó rất thân quen, gần gũi với Nguyên. Nó trở thành một người bạn của anh. Anh nghĩ: Mày đã từng quyện vào lòng mình thân hình trong trắng của Chi. Mày là nơi cô đã để lại những dấu chân trần mềm mại – trên đám cỏ xanh này, trên lớp sỏi cát này. Trong những vòm lá xanh kia, tiếng cười trong vắt hồn nhiên của Chi đã bay lên, tản mát quyện vào cùng gió nắng... Nghĩa là, mày đã trở thành kỷ niệm... Gặp lại mày, tao gặp lại những hình ảnh với tao vô cùng thân thiết...

. . . Ta ngồi trên gió nghìn năm
Nghe dòng sông thở xa xăm thoảng buồn
Sóng ve vuốt bóng cành dương
Thì thào hát khúc hoang đường mộng xưa
Em đi trên phím lòng ta
Sầu âm đồng vọng xác xơ nỗi niềm
Chiều gieo tịch mịch bên sông
Ta nghe... chiếc lá rơi thầm xuống vai.
Ta nghe ... một tiếng thở dài.
Dòng sông vọng mãi âm hoài niệm xưa.
Nhạt nhòa trong mắt mờ xa
Khói mây ẩn hiện dáng hoa em về
Ta thành tượng đá u mê.
Thời gian từng giọt chảy về mù khơi. ...

Bến sông con đã bị người ta đối xử một cách tàn ác, bất công. Nó trở thành một chỗ đổ rác công cộng. Lần trở về thăm lại nó sau này, anh đứng ngơ ngác nhìn người bạn của mình bị chôn vùi dưới những lớp rác rưởi mà muốn rơi nước mắt. Tất nhiên là anh không khóc được. Nhưng cổ họng anh đắng nghét, nghẹn ngào. Ôi! Những dòng sông tuổi thơ, những dòng sông tình yêu, những dòng sông một thời luyến nhớ...! Tất cả đã trôi qua, đi mãi, biền biệt không về...

***

ghi chép 4


 Trời vừa đổ một cơn mưa nhỏ, cây cỏ trút bỏ được lớp bụi khói dơ bẩn trong hơn một tuần nắng hạn, có lại vẻ xanh tươi mát dịu. Chiều nay quán Ca Dao đầy nghẹt khách. Chẳng là vì hôm nay là ngày phát học bổng. Hoài  lăng xăng đi lùng thêm ghế. Hắn không chút e dè lủi vào tuốt phía sau, cất tiếng oang oang hỏi chị Khuyên:
- Còn cái ghế long chân, thương tích nhẹ cỡ 4/4 nào không chị Khuyên?
 Không chờ chị trả lời, hắn vớ luôn hai cái ghế đẩu ra, cười hể hả:
- Nè Nguyên, tụi mình cay đắng đã từng, ngồi ghế này cũng chả giảm một tí ti sĩ diện nào. Còn mấy cái kia nhường cho các người đẹp và em út.
Mọi người  ngồi xuống ghế. Quyên Chi cứ phải liên tục gật đầu mỉm cười đáp lễ bọn người quen biết. Có rất nhiều người biết cô và cảm mến cô. Thì ra, được nhiều người biết và cảm mến cũng khá là cực khổ!
Đây là lần đầu tiên Nguyên mời được cô ra quán. Anh cứ như mở cờ trong bụng, sung sướng đến nỗi cứ muốn la hét thật to, muốn nhảy cẫng lên để giảm bớt lòng hưng phấn. Anh nhìn Chi, thấy cô hôm nay đặc biệt dễ thương. Cô mặc chiếc áo pull cổ cao, dài tay màu đỏ boóc-đô. Chiếc áo làm làn da trắng hồng khỏe mạnh đặc trưng con gái miền Tây của Chi càng nổi bật. Thường thì anh không thích màu đỏ sẫm, nhưng hôm nay, màu đỏ được lưu vào bộ nhớ trong của Nguyên như là một màu sắc thuộc hàng thượng khách. Từ nay anh sẽ yêu thích nó!
Chi đưa tay lên vén nhẹ mớ tóc lòa xòa, cô hỏi Thảo:
-  Chị nghe Phượng nói ở đây có một cô bé tên là Ca Dao rất dễ thương, sao nãy giờ không thấy hả em?
Thảo nhìn Phượng cười hinh hích:
- Trời, con nhỏ này có ma lực gì mà đến quí cô, quí chị nó cũng thu hút  ghê quá. Chị Phượng ra mới có một lần mà đã không quên được nó. Huống gì Huy cận cứ ở đây quanh năm suốt tháng. Chắc trong đầu nó chỉ còn có hình ảnh cái lúm đồng tiền của Ca Dao! Chị Chi ơi, chị hỏi Huy đó, em đâu dám dòm ngó nhỏ Ca Dao, Huy cận nó thanh toán em ngay.
 Huy cận đưa tay đẩy gọng kính, trả lời câu hỏi của Chi:
- Hôm nay Ca Dao đi học thêm. Cô ấy học Anh Văn ngày Ba, Năm, Bảy, từ  năm giờ rưỡi đến bảy giờ rưỡi ; Còn Hai, Tư, Sáu  học Toán, Hóa, từ bảy giờ đến chín giờ...
- Thôi đủ rồi – Hoài cắt ngang bản tường trình chi tiết của Huy cận một cách phũ phàng – Có ai kêu mày khai báo lê thê như vậy đâu Huy. Mày càng lúc càng tệ đó! Phải biết bảo tồn năng lượng, bảo lưu sức khỏe, chỉ nói những gì cần thiết, chỉ làm những gì  cần thiết...
- Ha Ha...Hi hi..Hê hê...
Cả bọn cười rộ lên làm Hoài cụt hứng. Hắn nhướng mày:
- Ủa, sao vậy, quí bạn cười cái gì vậy?
Chi vừa cười nho nhỏ, vừa nói:
- Anh nói nghe hay ghê, sao không nhìn lại mình xem. Chi thấy anh là người ít có tinh thần bảo lưu, bảo tồn hơn Huy nhiều đó...
 Thảo chợt vỗ trán, kêu lên:
- A, chị Chi, hôm trước anh Nguyên có tặng cho chị mấy bài thơ phải hôn? Chị đọc thấy ra sao, có thấy cảm động tí ti ông cụ nào không chị? Anh Nguyên cứ than thở với em là ảnh hồi hộp ghê quá, sợ chị chê thơ con cóc mà cũng bài đặt tặng.
Chi bẽn lẽn nhìn Nguyên:
- Hôm đó, anh nhờ Thuyên chuyển cho Chi, nên chưa kịp cám ơn, giờ sẵn dịp, anh cho Chi cảm ơn nghe. Thơ hay lắm, Chi thích lắm!
Thảo bĩu môi:
- Thơ của anh Nguyên mà ăn thua gì! Chị Chi chị Phượng có biết ai là đệ nhất thi sĩ  ở trường mình  không?
Chi, Phượng cùng lắc đầu. Phượng cất tiếng:
- Em nói đi, ai vậy?
 Thảo làm ra vẻ trịnh trọng:
- Xin giới thiệu với mấy chị, người đó không xa ai xa lạ, là Huy cận nhà ta! Chị Chi, chị Phượng chưa đọc Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh sao? Mà không cần đọc cũng biết!  Cái tên “Huy Cận” đã lừng lẫy từ mấy chục năm về trước chứ bộ!
Cả bọn lại được một phen cười nôn cả ruột. Phượng cười đến nỗi mặt mày đỏ bừng, cô nói:
- Thôi xin mấy ông thương cho, đừng có diễu nữa, không tôi chết vì cười mất!
- Chị Phượng không muốn cười, tức là muốn khóc! Được rồi, mời chị nghe bài thơ này của em - Đệ nhị thi sĩ sau con nhà Huy cận, bảo đảm chị sẽ mếu máo ngay. Xin kính trình quí vị một bài thơ con cóc có tựa đề là Con gái, trước khi đọc xin chân thành cáo lỗi cùng nhà thơ Đỗ Trung Quân. Sau đây, xin được bắt đầu – Thảo hắng giọng, ngâm nga:

Con gái là gì hở bố
Sao làm con phải ngó theo?
Con gái là gì hở bố
Sao xa con lại nhớ nhiều?

Con gái là vì sao biếc
Cho con trẹo cổ ngó hoài!
Con gái là đường lên dốc
Con trèo mệt bở hơi tai!

Con gái là viên kẹo ngọt
Ngậm vào nhức buốt chân răng!
Con gái là chùm me dốt
Khi chua khi ngọt bất thường!

Con gái mỗi người chỉ một
Như là bố-một vợ thôi!
Con gái nếu ai chưa sợ
Sẽ chưa lớn nổi thành người!

Thảo vừa dứt tiếng. Hoài đã vội vàng thanh minh trong tràng cười râm ran, khúc khích:
- Xin mấy cô miễn chấp! Thằng Thảo này nó điên điên khùng khùng nên mới dám mỉa mai cánh  đàn bà con gái. Nó đâu có biết cái câu “Không có phụ nữ thì cũng không có anh hùng!” – Hoài quay sang Nguyên cười bí ẩn, rồi nói tiếp – Chi đã đọc thơ của Nguyên rồi, nhưng Chi đâu có ngờ hắn còn viết văn xuôi rất chi là thảm thiết, phải không?       
Thì ra là Hoài muốn lăng-xê Nguyên với Chi. Hôm trước, Nguyên có viết một đoạn đoản văn. Lúc anh lấy ra đọc lại thì Hoài trông thấy, hắn lấy xem xong cất đi, giờ nhắc Nguyên mới nhớ ra. Hắn rút trong túi ra tờ giấy ca-rô trao cho Chi:
- Chi đọc đi!
 Nguyên đỏ mặt nhìn cô. Cô cũng nhìn Nguyên trong khoảnh khắc, rồi mỉm cười mở tờ giấy ra, thầm đọc…
Chi đã đọc xong. Cô cúi đầu im lặng hồi lâu, bùi ngùi xúc động. Rồi cô ngẩng lên, nhìn Nguyên:
- Anh viết hay, hay lắm, nhưng buồn quá!... Anh viết rồi có gửi cho báo nào không?
- Chỉ viết chơi thôi, Chi ạ. Viết kiểu này khó được đăng lắm.
Chi chợt nhớ ra điều gì đó, cô hỏi:
- Thế cô bé mà anh nhắc trong truyện này, bây giờ ra sao?
Nguyên lắc đầu:
- Tôi cũng không biết nữa. Tôi không gặp lại cô ấy cũng đến bảy tám năm rồi.
Chi ngần ngừ giây lát, rồi hỏi tiếp:
- Thế sau đó, anh còn yêu ai khác nữa không?
- Có, vài người nữa, nhưng cũng chỉ lan man thôi, chẳng tới đâu hết.
- Chi đã có người yêu rồi, anh biết hay không? – Cô chợt  nói một cách bất ngờ.
Nguyên đáp:
- Có biết, Phượng có nói cho tôi nghe. Anh ấy chắc là hay lắm, phải không Chi?
Chi lắc đầu:
- Cũng bình thường thôi, nhưng Chi rất yêu anh ấy. Chi cũng không biết vì sao nữa.
Cả bọn nãy giờ im lặng, như nhường cho hai người đối thoại, giờ bắt đầu rục rịch. Hoài cất tiếng:
- Chi có người yêu thì có, ăn nhằm gì. Nhất cự ly, nhì tốc độ. Bồ của Chi giờ ở xa lắc xa lơ rồi, muốn gặp nhau cũng khó. Chả lẽ Chi  không muốn quen với người khác cho đỡ buồn sao?
Chi gật đầu:
- Đúng là buồn thật, nhiều khi những chiều Thứ Bảy nhìn tụi bạn có bồ hẹn hò, chờ đợi dẫn nhau đi chơi, Chi cũng thấy thèm được như vậy lắm. Nhưng đã yêu anh ấy rồi, biết làm sao...
Nguyên mỉm cười, nhìn Chi. Anh thầm cảm phục sự thẳng thắn, trung thực của cô. Anh bùi ngùi thầm nghĩ – Có lẽ mình chỉ có thể xem cô là bạn. Mình không thể làm gì hơn được trước một tình yêu chân thành như vậy.
Trời lại âm u chuyển mưa. Chi nói:
- Thôi, mình về nghe mấy bạn. Chi phải sang bà chị chiều nay, nên cần đi ngay kẻo mưa rồi.
 Họ rời quán. Chi nhìn những vũng nước còn đọng sau cơn mưa lúc nãy. Cô khẽ thì thầm: Hình như, trời mưa hay làm cho người ta buồn nhớ lắm, phải không...Vâng, mưa hay làm cho người ta buồn nhớ lắm...

 (còn tiếp)

1 nhận xét:

  1. Bạn đọc thân mến,

    Qua những data của website server, tôi nhận thấy đây là entry mà nhiều bạn thường đọc nhất. Tôi không hiểu vì sao. Nhưng... nếu bạn có bất kỳ ý kiến nào, khen, chê, chia sẻ... xin bạn đừng ngần ngại ghi lại cho tôi. Chân thành cám ơn bạn.

    Trả lờiXóa